Toà án có thẩm quyền ra quyết định thi hành đối với các biện pháp tư pháp không?
(kiemsat.vn) – Liệu Tòa án chỉ ra bản án hình sự sơ thẩm quyết định áp dụng biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng, mà không có thẩm quyền ra quyết định thi hành đối với các biện pháp tư pháp. Mời các bạn cùng trao đổi.
Điều kiện để công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở
Bổ sung thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong lĩnh vực dân sự
TAND huyện N không phải ra quyết định thi hành biện pháp tư pháp
Tóm tắt sự việc:
Ngày 16/11/2016, TAND huyện N, tỉnh Q ra Bản án hình sự sơ thẩm quyết định áp dụng biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với Trần Văn D (sinh ngày 25/10/2000), Nguyễn Văn H (sinh ngày 04/4/2001) và áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với Võ Văn T (sinh ngày 01/4/2002) cùng trú tại xã P, huyện N, tỉnh Q về tội “Cướp tài sản”.
Ngày 19/11/2016, cơ quan THAHS Công an huyện N nhận được Bản án nêu trên đã trao đổi đề nghị Toà án huyện N ra quyết định thi hành biện pháp tư pháp đối với Trần Văn D, Nguyễn Văn H và Võ Văn T nhưng không được Toà án chấp nhận.
Ngày 22/11/2016, Cơ quan THAHS Công an huyện N đã lập thủ tục chuyển giao đối tượng Võ Văn T cho UBND xã P, huyện N thực hiện theo quy định tại Điều 121 Luật Thi hành án hình sự năm 2010; đồng thời có báo cáo và đề nghị Cơ quan quản lý THAHS, Bộ Công an ra quyết định đưa vào trường giáo dưỡng đối với Trần Văn D và Nguyễn Văn H, đến nay, các ngành tư pháp tại địa phương vẫn chưa thống nhất được quan điểm giải quyết việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp tư pháp của Tòa án. Liên quan đến vấn đề này có một số ý kiến sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Toà án không ra quyết định thi hành đối với các biện pháp tư pháp vì các biện pháp này không phải là hình phạt, các biện pháp tư pháp cụ thể đã được Hội đồng xét xử quyết định trong bản án.
Quan điểm thứ hai cho rằng: TAND huyện N phải ra quyết định thi hành đối với biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng để Cơ quan THAHS Công an huyện N báo cáo Cơ quan quản lý THAHS thuộc Bộ Công an ra quyết định đưa người chưa thành niên vào trường giáo dưỡng (tuy nhiên, Cơ quan THAHS Công an huyện N đã thực hiện theo quan điểm của Toà án huyện N và tỉnh Q là lập báo cáo và đề nghị Cơ quan quản lý Thi hành án hình sự của Bộ Công an ra quyết định đưa người chưa thành niên vào trường giáo dưỡng).
Quan điểm thứ ba, cũng là quan điểm của tác giả:TAND huyện N phải ra quyết định thi hành biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với từng trường hợp cụ thể, trên cơ sở đó Cơ quan THAHS Công an huyện N lập hồ sơ báo cáo và đề nghị Cơ quan quản lý THAHS, Bộ Công an có căn cứ ra quyết định đưa người bị áp dụng biện pháp tư pháp vào trường giáo dưỡng. Bởi lẽ:
– Tại khoản 1 Điều 110 của Luật Thi hành án hình sự về “Quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bao gồm: …b/ Bản án, quyết định của Toà án về áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng …”.
Khoản 2 Điều 110 Luật này quy định “Quyết định áp dụng biện pháp tư pháp phải ghi rõ tên cơ quan và họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người chấp hành biện pháp tư pháp; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành”.
Khoản 3 Điều 110 quy định: “Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan ra quyết định phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau đây:
a. Người chấp hành biện pháp tư pháp hoặc người đại diện hợp pháp của người đó;
b. Viện kiểm sát cùng cấp trong trường hợp Toà án ra quyết định;
c. Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành biện pháp tư pháp cư trú”.
– Tại Điều 124 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 quy định: “…Toà án phải gửi bán án, quyết định cho người đó và Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chưa thành niên cư trú” để báo cáo Cơ quan quản lý THAHS, Bộ Công an ra quyết định đưa người chưa thành niên vào trường giáo dưỡng. Khi nhận được quyết định đưa người chưa thành niên vào trường giáo dưỡng thì Cơ quan THAHS Công an cấp huyện lập hồ sơ và bàn giao người chưa thành niên vào trường giáo dưỡng.
– Ngoài ra, trước đây Nghị định số 52/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ (Nghị định đã hết hiệu lực một phần) hướng dẫn thi hành biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng quy định:
+ Khoản 1 Điều 4: “Ngay sau khi nhận được quyết định thi hành biện pháp giáo dưỡng của Toà án, cơ quan Công an cùng cấp có trách nhiệm…”.
+ Khoản 1 Điều 5: “Hồ sơ đưa người vào trường giáo dưỡng gồm: … Quyết định thi hành biện pháp giáo dưỡng của Tòa án”.
Từ những quy định như trên, Toà án có thẩm quyền phải ra quyết định thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng thành một quyết định độc lập, tách biệt với bản án sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật. Sau khi ra quyết định thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, Tòa án giao quyết định đó cho Cơ quan THAHS Công an cùng cấp để lập hồ sơ báo cáo và đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định đưa người phải chấp hành vào trường giáo dưỡng.
Trên đây là một số ý kiến về việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp tư pháp của Tòa án. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi độc giả trên kiemsat.vn.
Nguyễn Thị Hồng Quân
VKSND tỉnh Quảng Nam
Trao đổi bài: Ai là người bị kiện và Tòa án nào giải quyết vụ án hành chính?
07 trường hợp bị trả lại đơn khởi kiện
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.