Điểm mới về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam

01/05/2018 07:22

(kiemsat.vn)
Trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được mặc quần áo của cá nhân, không bắt buộc phải mặc đồng phục. Nếu người bị tạm giữ, người bị tạm giam không mang theo quần áo thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm cho mượn để sử dụng.

Theo  quy định cũ “Người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang và đối với họ đã có Lệnh tạm giữ”, trong khi thực tế người bị tạm giữ còn bị bắt trong các trường hợp khác như: Truy nã, đầu thú, tự thú… Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam mới đã cụ thể hoá là “Người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của BLTTHS”.

Điểm mới về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam

Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Đối với người bị tạm giam, quy định cũ chưa bao quát hết, nay cụ thể đầy đủ là “Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ”.

Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam

Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã quy định cụ thể về những quyền cơ bản nhất của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, trong đó đã bổ sung một số quyền quan trọng cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam như:

– Được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình (điểm a khoản 1);

– Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý (điểm đ khoản 1);

– Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự” (điểm e khoản 1);

– Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam (điểm g khoản 1).

Quy định quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã có sự phân biệt với người chấp hành án phạt tù, như: người chấp hành án phạt tù phải lao động, học tập…; còn người bị tạm giữ, người bị tạm giam không có các nghĩa vụ này. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có quyền bầu cử ; người chấp hành án phạt tù không có quyền này…

Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Đồng thời, Điều 19 quy định cụ thể về các quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế khi bị tạm giữ, bị tạm giam, theo đó, người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện hợp pháp và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án.

Điều 22 đã quy định người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; việc thăm gặp do Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định. Việc gặp người bào chữa được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Luật thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.

Anh Nga

Xem thêm>>>

Lưu ý khi phúc tra kháng nghị, kiến nghị trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự

Nâng cao chất lượng kiểm sát việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam

Cần thay đổi tên biên bản bắt người phạm tội quả tang

(Kiemsat.vn) - Việc bắt người luôn là vấn đề nhạy cảm trong đời sống chính trị - xã hội, bắt người đúng hay không đúng  quy định của pháp luật, bắt oan sai có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người và các quyền cơ bản của công dân, liên quan đến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

“Người thân thích” theo quy định của BLTTHS năm 2015

(Kiemsat.vn) - Người thân thích của người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lần đầu tiên được đề cập đến BLTTHS năm 2015
lên đầu trang