Xác định điều kiện “phát sinh giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau” trong tranh chấp kinh doanh, thương mại.

12/07/2020 20:51

(kiemsat.vn)
Điều kiện “phát sinh giữa cá nhân, tổ chức có ĐKKD với nhau” quy định tại Khoản 1 Điều 30 BLTTDS năm 2015 là điều kiện quan trọng để xác định và phân biệt tranh chấp về kinh doanh, thương mại với tranh chấp về dân sự; tuy nhiên trong thực tiễn giải quyết, có một số vấn đề đặt ra cần phải được làm rõ, bao gồm: (i) Có ĐKKD là gì? (ii) các bên trong tranh chấp có buộc phải ĐKKD không? Và (iii) một số hệ quả liên quan đến quy định về điều kiện có ĐKKD?

Chúng ta cùng xem xét 03 vụ án cụ thể:

Vụ án 1: Ông Đ và bà H có thỏa thuận mua bán rừng trồng với nhóm hộ ông X, ông B và ông C. Hai bên đã giao nhận số tiền tổng cộng là 300.000.000 đồng. Ngày 23-12-2013, ông Đ khởi kiện các bị đơn gồm: ông X, ông B, ông C về việc tranh chấp Hợp đồng mua bán cây rừng trồng nhằm mục đích khai thác, yêu cầu các bị đơn phải trả lại cho ông 300.000.000 đồng tiền mua rừng nêu trên.

Ngày 17-4-2014, Tòa án cấp sơ thẩm đã ban hành bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm. Tiếp đến ngày 04-9-2014, Tòa án cấp phúc thẩm đã ban hành bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm.

Ngày 07-7-2017, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm nêu trên và hủy cả Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm.

Nhận định của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm: Theo Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16-3-2007 của Chính phủ quy định về phạm vi kinh doanh của cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định quan hệ pháp luật của vụ án là “Tranh chấp hợp đồng mua bán rừng trồng” nên thụ lý giải quyết theo thủ tục kinh doanh, thương mại là đúng. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Như vậy, đối chiếu quy định của pháp luật tố tụng dân sự, khi thụ lý giải quyết lại vụ án phải xác định đây là quan hệ tranh chấp về dân sự.

Quyết định của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm: “[…] Hủy Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm […] và Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm […] về vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán cây rừng trồng” giữa nguyên đơn là ông Đ với bị đơn là ông X, ông B, ông C và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà H […]”.

Vụ án 2: Ngày 17-6-2013, bà H với vợ chồng ông N, bà K ký kết “Hợp đồng mua bán sắn lát” có nội dung vợ chồng bà K sẽ bán cho bà 200 tấn sắn lát với giá tiền là 560.000.000 đồng, thời gian giao hàng là từ ngày 10-12-2013 (AL) đến ngày 10-01-2014 (AL). Ngày 16-7-2013, vợ chồng bà K đã nhận đủ 560.000.000 đồng nhưng đến hạn thì không có sắn lát để giao và cũng không trả lại tiền cho bà. Ngày 20-02-2014, bà H khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông N, bà K thanh toán cho bà giá trị của 200 tấn sắn lát với đơn giá hiện tại thành tiền là 800.000.000 đồng và phạt vi phạm hợp đồng 8% là 64.000.000 đồng, tổng cộng là 864.000.000 đồng.

Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý và xác định đây là tranh chấp kinh doanh, thương mại.

Sau đó, do bà H và bà K, ông N hòa giải được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án Tòa án cấp sơ thẩm ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 02/2014/QĐST-KDTM ngày 26-3-2014.

Ngày 05-3-2019, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao kháng nghị đối với “Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm” và hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nêu trên.

Vụ án 3: Ông T tham gia mua bảo hiểm xe cơ giới tại Công ty bảo hiểm P đối với xe ô tô Suzuki Cary theo Hợp đồng cam kết ba bên bảo hiểm xe cơ giới. Ông T đã hoàn thành nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đúng thời hạn. Ngày 17-5-2018, khi xe ô tô trên đậu ở bãi xe ở xã H, huyện HV, thành phố Đ thì bị cháy và thiệt hại toàn bộ xe. Do các bên không thống nhất được trong việc bồi thường bảo hiểm nên ông T khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty bảo hiểm P phải bồi thường bảo hiểm vật chất với số tiền là 317.000.000 đồng.

Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý vụ án số 44/2019/TLPT-DS ngày 11-10-2019 về “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”, xét xử và ra Bản án sơ thẩm số 46/2019/DS-ST ngày 28-8-2019 về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”. Bị đơn - Công ty bảo hiểm P đã có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm.

Tòa án cấp phúc thẩm đã thụ lý kháng cáo của bị đơn và ngày 28-11-2019 ra Bản án phúc thẩm số 55/2019/KDTM-PT hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 46/2019/DS-ST, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.  

1. Bàn về việc xác định điều kiện “có đăng ký kinh doanh” trong các vụ án trên:

Vụ án 1: Hội đồng xét xử giám đốc thẩm đã nhận định: “[…] khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Như vậy, đối chiếu quy định của pháp luật tố tụng dân sự, khi thụ lý giải quyết lại vụ án phải xác định đây là quan hệ tranh chấp về dân sự”.

Như vậy, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm nhận định trường hợp nêu trên chưa đáp ứng được điều kiện “phát sinh giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau” vì các bên dù có hoạt động kinh doanh, thương mại và vì mục đích lợi nhuận nhưng lại không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Do đó, phải xác định là tranh chấp dân sự.

Vụ án 2: Tòa án cấp sơ thẩm và Hội đồng xét xử giám đốc thẩm đều xác định tranh chấp giữa bà H với vợ chồng ông N, bà K về “Hợp đồng mua bán sắn lát” là tranh chấp kinh doanh, thương mại, mang số hiệu của vụ án kinh doanh thương mại.

Mặt khác, mặc dù hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 02/2014/QĐST-KDTM ngày 26-3-2014, nhưng trong phần nhận định về lý do để hủy Quyết định này thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm đã không đề cập do việc xác định quan hệ tranh chấp của Tòa án cấp sơ thẩm là sai sót... Điều này cho thấy Hội đồng xét xử giám đốc thẩm đồng ý với quan điểm của Tòa án cấp sơ thẩm trong việc xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp về kinh doanh, thương mại.

Như vậy, trong vụ án này, cả nguyên đơn và bị đơn đều là cá nhân không có đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, có thể thấy quan điểm giải quyết của cả Tòa án cấp sơ thẩm và Hội đồng xét xử giám đốc thẩm theo hướng để được coi là có đăng ký kinh doanh, không nhất thiết các bên phải đăng ký kinh doanh.

Vụ án 3: Tòa án cấp sơ thẩm xác định tranh chấp hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới giữa ông T - cá nhân có hoạt động kinh doanh (cho thuê xe) vì mục đích lợi nhuận với Công ty bảo hiểm P - tổ chức hoạt động kinh doanh bảo hiểm, có đăng ký kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp và hoạt động vì mục đích lợi nhuận là tranh chấp dân sự (Thụ lý vụ án số 44/2019/TLPT-DS và ra Bản án sơ thẩm số 46/2019/DS-ST).

Bản án phúc thẩm ghi nhận đây là vụ án kinh doanh, thương mại (Bản án phúc thẩm số 55/2019/KDTM-PT). Tuy nhiên, Bản án phúc thẩm hoàn toàn không nhận định vì sao lại xác định đây loại tranh chấp kinh doanh, thương mại không phải là tranh chấp dân sự.

2. Bàn về nội dung “Đăng ký kinh doanh” và “có đăng ký kinh doanh”

Đăng ký kinh doanh”: Thuật ngữ “đăng ký kinh doanh” được sử dụng trong Luật Công ty năm 1990, Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp năm 2014 (Luật Doanh nghiệp thay thế cụm từ “đăng ký kinh doanh” bằng cụm từ “đăng ký doanh nghiệp”) và một số văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, chưa có văn bản nào có quy định giải thích như thế nào là “đăng ký kinh doanh”. Mặc dù vậy, dựa vào các quy định tương ứng về đăng ký kinh doanh, có thể hiểu đăng ký kinh doanh là sự ghi nhận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về mặt pháp lý sự ra đời của chủ thể kinh doanh. Đăng ký kinh doanh là nghĩa vụ của chủ thể kinh doanh.

Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 hiện hành và các văn bản có liên quan, thuật ngữ “đăng ký kinh doanh” không còn được sử dụng mà thay thế bằng các khái niệm khác tùy thuộc vào loại hình tổ chức. Cụ thể: đối với loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh), trước khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh phải tiến hành “đăng ký doanh nghiệp”; đối với hộ kinh doanh là “đăng ký hộ kinh doanh” và đối với hợp tác xã là “đăng ký hợp tác xã”. Mặc dù có sự khác biệt trong tên gọi nhưng những giấy tờ này đều là chứng cứ chứng minh cho việc các chủ thể nói trên đã thực hiện việc đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Riêng đối với tổ hợp tác, theo Điều 12 Nghị định số 77/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10-10-2019 về Tổ hợp tác có quy định sau khi các thành viên tổ hợp tác ký tên vào hợp đồng hợp tác, tổ trưởng tổ hợp tác gửi thông báo về việc thành lập tổ hợp tác (theo mẫu) kèm theo hợp đồng hợp tác (theo mẫu) đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ hợp tác dự định thành lập và hoạt động...

Đối với cá nhân, pháp luật hiện hành chưa có quy định về đăng ký kinh doanh đối với chủ thể này. Cá nhân chỉ có thể đăng ký và hoạt động kinh doanh dưới hình thức như hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh các loại hình chủ thể kinh doanh phải đăng ký, pháp luật hiện hành còn ghi nhận một số chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh, thương mại nhưng không phải đăng ký. Chẳng hạn, theo khoản 2 Điều 66 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14-9-2015 về đăng ký doanh nghiệp: “Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện”. Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16-3-2007 về hoạt động thương mại độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh cũng ghi nhận: “Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại…”.

“Có đăng ký kinh doanh”: Nội dung này đang tồn tại 02 quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: Cần phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký mới được coi là “có đăng ký kinh doanh”: Khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP quy định “Cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh là cá nhân, tổ chức đã được các cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật […]”. Với quy định này, điều kiện tiên quyết để được coi là “có đăng ký kinh doanh” là phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận. Nói cách khác, với cách hiểu này, chỉ có doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã là các chủ thể có thể “có đăng ký kinh doanh”.

Như vậy, xem xét trong các vụ án thực tiễn nêu trên, có thể thấy đường lối giải quyết của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm đối với Vụ án thứ nhất, và Tòa án cấp sơ thẩm trong Vụ án thứ ba là theo quan điểm này.

Quan điểm thứ hai: “có đăng ký kinh doanh” phải được hiểu theo hướng chủ thể được Nhà nước cho phép tiến hành các hoạt động kinh doanh (có thể thông qua giấy phép hoặc không). Bởi lẽ, mục đích của việc đăng ký kinh doanh về cơ bản là để xin phép Nhà nước được tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh trong một lĩnh vực nào đó, đồng thời cũng nhằm công bố cho các chủ thể khác biết được thông tin. Do đó, chỉ cần được Nhà nước cho phép tiến hành hoạt động kinh doanh bằng bất kỳ hình thức nào cũng được coi là có đăng ký kinh doanh. Với cách hiểu này, việc có đăng ký kinh doanh không chỉ gói gọn đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã mà còn mở rộng đối với tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký như đã phân tích ở trên.

Như vậy, trong Vụ án 2, cả nguyên đơn và bị đơn đều là cá nhân không có đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, cả Tòa án cấp sơ thẩm và Hội đồng xét xử giám đốc thẩm đều xác định tranh chấp giữa bà H với vợ chồng ông N, bà K về “Hợp đồng mua bán sắn lát” là tranh chấp kinh doanh, thương mại. Số hiệu là của vụ án kinh doanh thương mại (Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 02/2014/QĐST-KDTM ngày 26-3-2014 và Quyết định giám đốc thẩm số 04/2019/KDTM-GĐT ngày 26-4-2019). Như vậy, Tòa án đã theo hướng xác định tranh chấp về kinh doanh, thương mại dựa vào yếu tố phát sinh từ hoạt động kinh doanh, thương mại và mục đích lợi nhuận của các bên, và không chú trọng vào việc các bên có đăng ký kinh doanh hay không.

Tương tự, Tòa án cấp phúc thẩm trong Vụ án 3 cho rằng, mặc dù ông T không được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như Công ty bảo hiểm P, nhưng ông T được phép hoạt động kinh doanh cho thuê xe ô tô tải thì đây cũng được coi là “có đăng ký kinh doanh”.

3. Bàn về vấn đề các bên trong tranh chấp có buộc phải đăng ký kinh doanh hay không?

Quan điểm thứ nhất: điều kiện tại khoản 1 Điều 30 BLTTDS năm 2015 đòi hỏi tất cả các bên tranh chấp phải có đăng ký kinh doanh. Quan điểm này dựa vào nội dung tại mục 5 phần IV Công văn số 212/TANDTC-PC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử ngày 13-9-2019 có hướng dẫn đối với trường hợp tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm với người mua bảo hiểm về việc đóng phí bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ. Theo đó, mặc dù tranh chấp này phát sinh giữa danh nghiệp bảo hiểm đã có đăng ký kinh doanh, hai bên ký kết hợp đồng đều có mục đích lợi nhuận nhưng vì người mua bảo hiểm không có đăng ký kinh doanh nên phải xác định đây là tranh chấp dân sự, cụ thể: “nếu người mua bảo hiểm có đăng ký kinh doanh thì tranh chấp đó là tranh chấp kinh doanh, thương mại. Nếu người mua bảo hiểm không có đăng ký kinh doanh thì tranh chấp được xác định là tranh chấp về dân sự”.

Có thể nhận thấy, đây là quan điểm của TANDTC khi xác định điều kiện tại khoản 1 Điều 30 BLTTDS năm 2015 đòi hỏi tất cả các bên tranh chấp phải có đăng ký kinh doanh. Cách hiểu này dựa vào việc khoản 1 Điều 30 BLTTDS năm 2015 sử dụng thuật ngữ “phát sinh giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau”. Cụ thể phải hiểu đây là tranh chấp phát sinh giữa “cá nhân có đăng ký kinh doanh” và “tổ chức có đăng ký kinh doanh” với nhau.

Quan điểm thứ hai: không nhất thiết phải bắt buộc tất cả các bên có đăng ký kinh doanh với nhau mà chỉ cần dựa vào bản chất kinh doanh, thương mại trong tranh chấp phát sinh. Theo đó, chỉ cần tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh, thương mại của các bên và đều có mục đích lợi nhuận là đủ để trở thành tranh chấp về kinh doanh, thương mại.

Cơ sở của quan điểm này dựa vào hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP, theo đó “Tòa kinh tế có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận. Mặc dù hướng dẫn này được áp dụng cho BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), tuy nhiên như đã phân tích ở trên, nội dung quy định tại khoản 1 Điều 30 BLTTDS năm 2015 về cơ bản là kế thừa từ khoản 1 Điều 29 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Do đó tinh thần hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP vẫn có thể được các Tòa án tham khảo áp dụng dù không trích dẫn.

Như vậy, có thể thấy nếu áp dụng quan điểm thứ nhất thì cả 03 vụ án trên đều không thỏa mãn điều kiện về các bên có đăng ký kinh doanh nên chắc chắn không thể được xác định là tranh chấp kinh doanh, thương mại. Ngược lại, nếu áp dụng quan điểm thứ hai thì cả 03 vụ án hoàn toàn có thể xác định là tranh chấp kinh doanh, thương mại vì lúc này chỉ cần xác định có mục đích lợi nhuận còn việc có đăng ký kinh doanh không còn là yếu tố bắt buộc để xác định có phải là tranh chấp kinh doanh, thương mại hay không.

4. Một số vấn đề liên quan đến “đăng ký kinh doanh”

Xác định tranh chấp ngoài phạm vi kinh doanh

Đối với những chủ thể pháp luật quy định phải đăng ký kinh doanh nhưng không thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh thì phải gánh chịu trách nhiệm hành chính theo quy định của pháp luật. Vấn đề đặt ra, đối với những chủ thể có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh mà không đăng ký kinh doanh, khi phát sinh tranh chấp liên quan đến các hoạt động kinh doanh, thương mại sẽ áp dụng luật nội dung nào để giải quyết (thương mại hay dân sự) và đây được xác định là tranh chấp về kinh doanh, thương mại hay dân sự?

Trong trường hợp vừa nêu trên, không thể áp dụng Luật Thương mại năm 2005 để giải quyết tranh chấp vì không thuộc đối tượng áp dụng của Luật này. Đồng thời, các cá nhân, tổ chức về nguyên tắc cũng không được phép tiến hành các hoạt động kinh doanh, thương mại khi chưa đăng ký (trừ một số trường hợp ngoại lệ). Do đó, nếu có tranh chấp phát sinh sẽ không thỏa mãn điều kiện các tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh với nhau nên không phải là tranh chấp về kinh doanh, thương mại theo khoản 1 Điều 30 BLTTDS năm 2015.  

Mặt khác, trường hợp chủ thể kinh doanh trong quan hệ tranh chấp thực hiện hoạt động kinh doanh, thương mại nhưng không hợp pháp hoặc không thuộc phạm vi đăng ký kinh doanh thì các tranh chấp phát sinh đó có phải là tranh chấp về kinh doanh, thương mại theo quy định tại khoản 1 Điều 30 BLTTDS năm 2015 hay không?

Rõ ràng, nếu hiểu đúng theo khoản 1 Điều 30 BLTTDS năm 2015, các tranh chấp này hoàn toàn đáp ứng đủ các điều kiện để trở thành tranh chấp về kinh doanh, thương mại, bao gồm: (i) phát sinh từ hoạt động kinh doanh, thương mại; (ii) giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh và (iii) đều có mục đích lợi nhuận. Mặt khác, tranh chấp này cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại năm 2005 vì phát sinh trong hoạt động thương mại (có mục đích sinh lợi) và giữa các thương nhân. Chính vì thế, cần phải xác định đây là tranh chấp về kinh doanh, thương mại.

Xác định thời điểm đăng ký kinh doanh để xác định tranh chấp kinh doanh, thương mại

Về nguyên tắc, kể từ sau thời điểm đăng ký kinh doanh, chủ thể kinh doanh mới được thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, pháp luật kinh doanh, thương mại cũng thừa nhận trong một số giao dịch được thực hiện trước thời điểm đăng ký kinh doanh nhưng vẫn chịu sự điều chỉnh của pháp luật kinh doanh, thương mại.

Điều 7 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Thương nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đăng ký kinh doanh, thương nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật”.

Điều 19 Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định về hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp:

1. Người thành lập doanh nghiệp được ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.

2. Trường hợp doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác.

3. Trường hợp doanh nghiệp không được đăng ký thành lập thì người ký kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này chịu trách nhiệm hoặc người thành lập doanh nghiệp liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó”.

Với các quy định trên, rõ ràng rằng khi phát sinh tranh chấp đối với các hoạt động trước khi đăng ký kinh doanh, pháp luật nội dung điều chỉnh quan hệ này là pháp luật kinh doanh, thương mại và các quy định khác của pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, khi một trong các bên khởi kiện ra Tòa án, tranh chấp này được xác định là loại tranh chấp thuộc lĩnh vực dân sự hay kinh doanh, thương mại?

Như đã đề cập ở trên, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, để được coi là tranh chấp kinh doanh, thương mại thì phải đáp ứng ba điều kiện: (i) phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại; (ii) giữa các cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh; (iii) đều có mục đích lợi nhuận. Do đó, nếu các bên khởi kiện trước khi được đăng ký sẽ không thỏa mãn điều kiện thứ hai để được coi là tranh chấp kinh doanh, thương mại.

Có thể thấy, giữa pháp luật nội dung và pháp luật hình thức (tố tụng) có sự “chênh” nhau, cụ thể, pháp luật nội dung để giải quyết tranh chấp là pháp luật kinh doanh, thương mại nhưng tranh chấp được xác định theo pháp luật tố tụng lại là tranh chấp dân sự. Điều này, vô hình trung làm mất đi ý nghĩa của việc phân loại Tòa chuyên trách trong giải quyết vụ việc dân sự là nhằm “tăng cường sự chuyên môn hóa, tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong việc giải quyết các vụ việc dân sự”.

Mặt khác, nếu sau khi đăng ký kinh doanh các bên mới khởi kiện ra Tòa án giải quyết tranh chấp về các giao dịch trước khi đăng ký kinh doanh thì có đáp ứng điều kiện “phát sinh giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh” hay không? Nếu cho rằng thời điểm xác định điều kiện cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh là thời điểm xác lập giao dịch thì trường hợp này không phải là tranh chấp kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên, nếu thời điểm xác định điều kiện cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh là thời điểm khởi kiện tại Tòa án thì đây lại là tranh chấp kinh doanh, thương mại.

Từ những phân tích trên có thể thấy thực tiễn xét xử có những hướng xử lý khác nhau. Theo tác giả, có lẽ nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ quy định pháp luật hiện nay về việc xác định tranh chấp kinh doanh, thương mại không dựa vào bản chất của quan hệ pháp luật nội dung mà do pháp luật tố tụng định ra (khác với hầu hết cách xác định các tranh chấp khác) và hướng giải quyết của Tòa án từ Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP và Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP chưa thực sự thoả đáng, tuy nhiên, hiện vẫn chưa có văn bản mới hướng dẫn về vấn đề này.

Từ những nội dung đã phân tích ở trên, tác giả cho rằng: Pháp luật hiện hành đã quy định những điều kiện để xác định một tranh chấp là kinh doanh, thương mại hay dân sự, tuy nhiên, thực tiễn áp dụng tại Tòa án còn có quan điểm khác nhau. Do đó, cần có sự hướng dẫn thống nhất trong áp dụng pháp luật, cụ thể:

Một là, cần phải có quy định hướng dẫn xác định cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh dựa vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay việc được cho phép tiến hành các hoạt động kinh doanh, thương mại.

Hai là, cần phải có hướng dẫn trong việc xác định các tranh chấp phát sinh từ các hoạt động kinh doanh, thương mại nằm ngoài phạm vi kinh doanh có phải là tranh chấp về kinh doanh, thương mại hay không.

Ba là, cần phải có quy định thống nhất việc đăng ký kinh doanh là bắt buộc đối với tất cả các bên hay chỉ cần xác định dựa trên việc có hoạt động kinh doanh, thương mại trong tranh chấp về kinh doanh, thương mại tại khoản 1 Điều 30 BLTTDS năm 2015.

Bốn là, cần có hướng dẫn về việc có đăng ký kinh doanh được xác định tại thời điểm xác lập giao dịch hay tại thời điểm phát sinh tranh chấp tại Tòa án./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang