Vướng mắc trong đánh giá, xếp loại người chấp hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ tại cộng đồng
(kiemsat.vn) Thực tiễn hoạt động đánh giá, xếp loại người chấp hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ tại cộng đồng cho thấy còn vướng mắc, bất cập trong trường hợp các đối tượng này chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp án phí do Tòa án, chưa gửi bản án cho cơ quan Thi hành án dân sự…
Kinh nghiệm nghiên cứu hồ sơ trong kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp đất đai
Kỹ năng kiểm sát xác minh điều kiện thi hành án dân sự
Những vấn đề cần lưu ý khi kiểm sát việc thu, chi, quản lý tiền thi hành án
Quy định của pháp luật về đánh giá, xếp loại người chấp hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ tại cộng đồng
Theo Thông tư số 65/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ Công an quy định về thi hành án hình sự tại cộng đồng (Thông tư số 65/2019), trong thời gian chấp hành án theo hình phạt đã tuyên, người chấp hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ phải chịu sự quản lý, giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi cư trú (Công an cấp xã là cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND cấp xã thực hiện công tác này) và phải đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ người chấp hành án đã cam đoan theo Điều 87 hoặc Điều 99 Luật thi hành án hình sự (THAHS) năm 2019 như: Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án, thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận; hằng tháng phải báo cáo bằng văn bản với UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình…
Căn cứ Điều 10 Thông tư số 65/2019, việc nhận xét, đánh giá, xếp loại người chấp hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ tại cộng đồng được UBND cấp xã thực hiện định kỳ hằng tháng, cụ thể: Trong 05 ngày đầu tiên của tháng, UBND cấp xã sẽ thực hiện nhận xét việc chấp hành án, chấp hành nghĩa vụ của người được hưởng án treo, án phạt cải tạo không giam giữ - đây là một trong những nội dung bắt buộc, là cơ sở để quản lý, giám sát và đánh giá việc chấp hành án của bị án.
Theo Hướng dẫn số 01/C11-P9 ngày 07/01/2020 của cơ quan quản lý THAHS Bộ Công an thực hiện một số quy định về THAHS tại cộng đồng theo Luật THAHS năm 2019 (Hướng dẫn số 01), tiêu chí phân loại kết quả chấp hành án để phục vụ quản lý, giám sát, giáo dục bị án theo điểm a khoản 2 Điều 10 Thông tư số 65/2019 được thực hiện như sau:
“(1) Chấp hành đúng quy định của pháp luật, quy định của địa phương, nghĩa vụ của người chấp hành án; tích cực hăng hái học tập, lao động và tham gia vào các hoạt động xã hội; lập công được khen thưởng (xếp loại: Tốt);
(2) Chấp hành đúng quy định của pháp luật, quy định của địa phương, nghĩa vụ của người chấp hành án; tích cực, hăng hái trong học tập, lao động và tham gia vào các hoạt động xã hội (xếp loại: Khá);
(3) Chấp hành đúng quy định của pháp luật, quy định của địa phương nhưng không tích cực tham gia học tập, lao động; vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án mà bị nhắc nhở (xếp loại: Trung bình);
(4) Vi phạm nghĩa vụ bị lập biên bản, vi phạm pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự; không chấp hành yêu cầu quản lý, giám sát, giáo dục của cơ quan THAHS Công an cấp huyện, UBND cấp xã, Công an cấp xã (xếp loại: Kém)”.
![]() |
Viện kiểm sát nhân dân huyện Bắc Yên trực tiếp kiểm sát thi hành án hình sự về theo dõi người chấp hành án phạt tù cho hưởng án treo, án phạt cải tạo không giam giữ tại UBND xã Háng Đồng, tỉnh Sơn La. (Ảnh minh họa) |
Một số vướng mắc, bất cập
Qua thực tiễn công tác kiểm sát, tác giả nhận thấy còn một số tồn tại, vướng mắc trong hoạt động đánh giá, xếp loại người chấp hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp án phí do Tòa án chưa gửi bản án cho cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) cùng cấp. Thực tiễn có trường hợp Công an cấp xã (trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan quản lý THAHS cấp trên) đã căn cứ Hướng dẫn số 01 tham mưu cho UBND cấp xã nhận xét, xếp loại trung bình đối với các bị án thuộc các trường hợp đã tự nguyện đến cơ quan THADS nộp án phí, nhưng bị từ chối vì lý do cơ quan THADS chưa nhận được bản án, chưa ra quyết định thi hành án, nên không thể tiến hành tạm thu, thu tiền của các bị án. Công an cấp xã, cơ quan quản lý THAHS cấp trên cho rằng, việc chưa đóng án phí là hành vi vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án, chưa tuân thủ đúng, đầy đủ quy định của pháp luật, nên xếp loại trung bình đối với người chấp hành án là phù hợp.
Theo tác giả, việc nhận xét, đánh giá và xếp loại như trên của UBND cấp xã (dưới sự tham mưu của Công an cấp xã và hướng dẫn của cơ quan quản lý THAHS cấp trên) là chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện nay, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ tại cộng đồng, bởi lẽ:
Thứ nhất, người chấp hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ cam kết chấp hành án và thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ theo Điều 87 Luật THAHS năm 2019. Trong đó, khoản 2 Điều này quy định: “… chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận”. Có thể thấy, việc thực hiện đóng án phí không được xem là nghĩa vụ bắt buộc của người chấp hành án theo quy định tại Điều luật trên.
Thứ hai, cần hiểu rõ án phí trong bản án là khoản thi hành án chủ động. Theo khoản 2 Điều 36 Luật THADS năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, cơ quan THADS chỉ tiến hành tạm thu, thu tiền do người chấp hành án nộp khi và chỉ khi nhận được bản án có hiệu lực của Toà án. Do đó, đối với các trường hợp Toà án chậm gửi hoặc không gửi bản án đã có hiệu lực cho cơ quan THADS trong thời hạn luật định, thì kể cả khi bị án tự nguyện đến nộp án phí, cơ quan THADS cũng không thể thực hiện việc tạm thu, thu khoản tiền này.
Thứ ba, cần xác định rõ nguyên nhân của thiếu sót trên xuất phát từ vi phạm của Toà án trong việc chậm hoặc không gửi bản án đã có hiệu lực cho cơ quan THADS trong thời hạn luật định. Do đó, việc cơ quan quản lý THAHS cho rằng, người chấp hành án chưa nộp án phí là chưa tuân thủ đúng, đầy đủ quy định của pháp luật, từ đó xếp loại trung bình đối với chủ thể này là hoàn toàn không phù hợp. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp người chấp hành án dù chưa nhận được quyết định thi hành án chủ động của cơ quan THADS nhưng đã tự nguyện thực hiện nghĩa vụ nộp án phí như bản án đã tuyên. Tuy nhiên, vì thiếu sót của cơ quan có thẩm quyền (Tòa án) mà bị án không thể hoàn thành nghĩa vụ; cơ quan quản lý THAHS lại cho rằng bị án chưa tuân thủ đúng pháp luật là không chính xác, gây bất lợi cho việc đánh giá, xếp loại người chấp hành án tại cộng đồng.
Mặt khác, theo mục 2 Hướng dẫn số 1244/C11-P6 ngày 01/10/2021 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện nhận xét người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, để xếp loại trung bình, cần có tài liệu bằng văn bản chứng minh người chấp hành án có một trong hai tiêu chí: “Chấp hành đúng quy định của pháp luật, quy định của địa phương nhưng không tích cực tham gia học tập, lao động”; hoặc “vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án mà bị nhắc nhở”. Có quan điểm cho rằng, căn cứ theo hướng dẫn trên, nếu có sự nhắc nhở bằng văn bản thì có thể xếp loại trung bình đối với người chấp hành án. Tuy nhiên, theo tác giả, quan điểm trên hoàn toàn không phù hợp. Bởi lẽ, việc thi hành án phí hoàn toàn phụ thuộc vào việc Tòa án đã gửi bản án có hiệu lực pháp luật cho cơ quan THADS hay chưa. Nếu Tòa án chậm gửi hoặc không gửi thì dù cơ quan quản lý, giám sát, giáo dục thực hiện nhắc nhở, đôn đốc thường xuyên, thì bị án cũng không thể hoàn thành việc nộp án phí theo quy định.
Đề xuất, kiến nghị
Từ những phân tích trên, tác giả kiến nghị một số nội dung sau:
Một là, cơ quan quản lý THAHS các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động xây dựng, ký kết quy chế phối hợp liên ngành với Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan THADS cùng cấp; bổ sung các điều khoản quy định mối quan hệ giữa các cơ quan trong việc xác minh, kiến nghị yêu cầu khắc phục thiếu sót, tồn tại trong việc gửi bản án đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan THADS; trong đó, đầu mối là Viện kiểm sát nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014: “Kiểm sát việc cấp, chuyển giao, giải thích, đính chính bản án, quyết định của Tòa án”.
Hai là, Bộ Công an cần có hướng dẫn về việc nhận xét, đánh giá và xếp loại phù hợp đối với trường hợp người chấp hành án không thể hoàn thành nghĩa vụ nộp án phí như bản án đã tuyên do có thiếu sót, vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền (Tòa án, cơ quan THADS…). Đối với các trường hợp trên, trước khi thực hiện việc đánh giá, xếp loại, cơ quan quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án cần lập biên bản làm việc xác định rõ nguyên nhân chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp án phí của bị án, kịp thời báo cáo để cơ quan quản lý THAHS cấp trên xác minh. Nếu có căn cứ xác định người chấp hành án không thể hoàn thành nghĩa vụ nộp án phí do thiếu sót, vi phạm của Tòa án hoặc cơ quan THADS, thì không được xếp loại trung bình đối với người chấp hành án; đồng thời, phải có thông báo để Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị yêu cầu Toà án khắc phục vi phạm.
Phạm Công Tuấn - Nguyễn Đức Hà
Hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự về tội tham ô tài sản theo yêu cầu của công ước quốc tế và tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc
-
1Kinh nghiệm nghiên cứu hồ sơ trong kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp đất đai
-
2Kỹ năng kiểm sát xác minh điều kiện thi hành án dân sự
-
3Những vấn đề cần lưu ý khi kiểm sát việc thu, chi, quản lý tiền thi hành án
-
4Hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự về tội tham ô tài sản theo yêu cầu của công ước quốc tế và tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc
-
5Vướng mắc trong đánh giá, xếp loại người chấp hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ tại cộng đồng
Bài viết chưa có bình luận nào.