VKSND tỉnh Quảng Ninh: Chú trọng việc tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, yếu khâu nào tập huấn khâu đó

08/01/2019 16:59

(kiemsat.vn)
Xuân đã về trên khắp mọi miền Tổ quốc và tin vui cũng về với cán bộ, Kiểm sát viên ngành KSND tỉnh Quảng Ninh, năm nay là năm thứ 12 liên tiếp họ đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ.

Hơn 55 năm xây dựng, trưởng thành, Ngành Kiểm sát Quảng Ninh luôn bám sát các Nghị quyết của Đảng, Chỉ thị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của ngành, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương ở từng thời kỳ cách mạng.

Nổi bật trong hơn 10 năm trở lại đây, kết quả ở các khâu công tác đều vượt so với chỉ tiêu của ngành. Việc khởi tố, truy tố và áp dụng các biện pháp bắt tạm giữ, tạm giam đảm bảo chặt chẽ. Viện KSND đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý nghiêm các vụ án lớn, phức tạp, án điểm, án được dư luận xã hội quan tâm, ban hành nhiều kiến nghị với các cơ quan quản lý, góp phần phòng ngừa  tội phạm và vi phạm pháp luật...

Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế, xã hội nhanh, chỉ số thu hút đầu tư (CPI) đứng đầu cả nước. Các dự án phục vụ lợi ích công cộng, phát triển kinh tế xã hội đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư, đi liền với đó là việc phải thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thi công các dự án cũng được khẩn trương triển khai thực hiện. Vì thế số lượng các vụ án dân sự, hành chính hàng năm đều tăng so với cùng kỳ, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, chiếm 90% tổng số vụ án.

Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 20 đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2018

Đặc biệt là thời điểm Quốc hội chuẩn bị thảo luận về Luật đặc khu, số lượng các vụ án hành chính, dân sự tăng đột biến tại một số địa bàn trọng điểm như huyện Vân Đồn, thành phố Cẩm Phả, Hạ Long mà một trong những nguyên nhân cơ bản chính là do còn nhiều vướng mắc, bất cập trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Đây cũng là nguyên nhân làm cho nhiều dự án bị chậm tiến độ, có dự án không thể thi công được, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, môi trường đầu tư của tỉnh. Vấn đề này được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ.

Năm 2018, VKSND tỉnh Quảng Ninh là một trong 20 đơn vị được tặng Cờ thi đua của Chính phủ.

Năm 2018, xác định đây là nhiệm vụ công tác, đồng thời là nhiệm vụ chính trị của Ngành, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tỉnh đã bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; các Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là Chỉ thị công tác và các Chỉ thị chuyên đề của Viện trưởng VKSNDTC; các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; VKSND tỉnh Quảng Ninh đã xác định khâu đột phá của đơn vị là Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết án hành chính, dân sự” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trao Cờ thi đua của Chính phủ cho VKSND tỉnh Quảng Ninh

Trao đổi với Kiemsat.vn, đồng chí Lương Phúc Sơn, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh đã cho biết để thực hiện tốt nhiệm vụ khâu đột phá của đơn vị, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Viện đã nghiên cứu và đưa các giải pháp sát thực, phù hợp với đặc thù của địa phương, cụ thể:

1. Ban cán sự Đảng VKSND tỉnh Quảng Ninh đã ký Quy chế phối hợp số 02 ngày 09/02/2018 với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ, nhất là phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến khiếu kiện hành chính về đất đai, giải phóng mặt bằng...; đồng thời, đã chỉ đạo VKSND cấp huyện ký Quy chế phối hợp với UBND cùng cấp.

Đặc biệt, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 86/2018 cụ thể hóa Chỉ thị số 04/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao, trong đó nêu rõ các biện pháp thực hiện, nhất là đã đề ra một số cơ chế để động viên khuyến khích đối với cán bộ làm công tác này.

2. Công tác cán bộ được xác định là khâu then chốt nên phải tập trung cho việc bố trí nguồn nhân lực: Đồng chí Viện trưởng VKSND cấp huyện phải trực tiếp chỉ đạo khâu công tác này. Đối với cấp tỉnh giao cho đồng chí Phó Viện trưởng phụ trách; Viện trưởng VKSND tỉnh trực tiếp nghe các vụ, việc trái quan điểm giữa Kiểm sát viên, Trưởng phòng và Phó Viện trưởng; các vụ phức tạp, nhạy cảm; các vụ việc khó khăn, vướng mắc.

Rà soát để đánh giá, đào tạo, bố trí cán bộ: Trước mắt bố trí ngay những đồng chí có tâm huyết, có kinh nghiệm, có năng lực trong công tác này để làm nòng cốt thực hiện tốt nhiệm vụ. Chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo tại chỗ, đảm bảo tính kế thừa; linh hoạt trong việc luân chuyển, điều động cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường chuyên môn nhằm phát huy tối đa hiệu quả công việc. Để tạo nên động lực, khích lệ niềm say mê, cống hiến cho cán bộ, người lãnh đạo phải gương mẫu, đi đầu, lắng nghe và tiếp tay kịp thời để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

 Xây dựng cơ chế động viên, khuyến khích, thu hút tạm thời đối với cán bộ làm công tác Kiểm sát việc giải quyết án dân sự, hành chính.

Viện trưởng VKSND hai cấp tỉnh và huyện nghiên cứu, vận dụng tối đa các qui định của Đảng, Nhà nước của Ngành để áp dụng ưu tiên đối với các công chức trực tiếp làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hành chính trong tổng thể với cán bộ làm các khâu công tác khác như việc: Qui hoạch, luân chuyển, đào tạo, giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm, thi đua...; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu đối với đội ngũ công chức trẻ, nữ giới, tiến tới xây dựng đội ngũ chuyên sâu giỏi, trẻ trong công tác kiểm sát án hành chính, dân sự.

3. Triển khai nhiều biện pháp giúp cho các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên nắm chắc các quy định của pháp luật, thực hiện tốt nhiệm vụ, như: Triển khai kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác, các văn bản hướng dẫn của VKSND tối cao, TAND tối cao, án lệ, các thông báo rút kinh nghiệm của VKSND tối cao, VKSND cấp cao tại Hà Nội...

Chú trọng thẩm định tại chỗ để đề ra yêu cầu thu thập chứng cứ trong các vụ án liên quan đến đất đai do đồng chí Trần Thị Minh Hiền, Trưởng phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính biên soạn và trình bày tại Hội nghị tập huấn công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự - hành chính.

Chú trọng việc tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, yếu khâu nào tập huấn khâu đó, phối hợp với trường Đại học Kiểm sát Hà Nội mời giảng viên, các chuyên gia về lĩnh vực đất đai mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho Kiểm sát viên và công chức; tổng kết xây dựng các chuyên đề tập huấn chú trọng các kỹ năng của Kiểm sát viên.

Tổ chức tham dự phiên tòa để rút kinh nghiệm, trong đó tổ chức nhiều phiên phối hợp với Tòa án và phiên tòa trực tuyến để rút kinh nghiệm nâng cao kỹ năng Kiểm sát viên tham gia phiên tòa; kịp thời ban hành các văn bản thông báo về những thiếu sót, tồn tại để các đơn vị cùng nghiên cứu rút kinh nghiệm.

4. Công tác phối hợp: Thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp đã ký với UBND 2 cấp, theo đó UBND chủ động gửi hồ sơ để Viện kiểm sát nghiên cứu, tư vấn cho UBND các cấp hòa giải, tăng cường đối thoại để tránh khiếu kiện. Các vụ đã khiếu kiện hành chính, nếu phát hiện người bị kiện (UBND, Chủ tịch UBND các cấp) có vi phạm, Viện kiểm sát phải chủ động thông báo những vấn đề này để chính quyền địa phương khắc phục kịp thời. Ngoài ra, các việc khác thấy cần thiết UBND có thể gửi hồ sơ để Viện kiểm sát nghiên cứu có quan điểm trước khi ra quyết định.

Chủ động phối hợp với Tòa án 2 cấp thực hiện các quy chế đã ký kết, đồng thời sửa đổi, hoàn thiện Quy chế phối hợp trong công tác, khắc phục vướng mắc trong quy định của pháp luật; hai ngành xây dựng chỉ tiêu đình chỉ trong giải quyết các vụ án hành chính, dân sự do người khởi kiện rút đơn.

 5. Phát động thi đua, các đơn vị triển khai và lựa chọn đăng ký thi đua với các mục tiêu cụ thể cho tập thể, cá nhân và sáng kiến để phấn đấu ngay từ đầu năm. Khuyến khích các tập thể, cá nhân có sáng kiến về lĩnh vực công tác dân sự, hành chính.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên đã đem lại kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cao trong công tác đột phá, nhiều chỉ tiêu công tác đạt và vượt nhiều so với chỉ tiêu của Ngành và Nghị quyết số 37 và số 111 Quốc hội khóa 13 giao (36 chỉ tiêu vượt, 44 chỉ tiêu đạt, 16 chỉ tiêu không phát sinh), như: Chỉ tiêu yêu cầu Tòa án xác minh thu thập chứng cứ (tăng gấp 3 lần), án kháng nghị được chấp nhận tỷ lệ đạt cao trên 97%, kiến nghị được tiếp thu 100%,… Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết án dân sự, hành chính trong năm 2018 đã được nâng lên rõ rệt, khẳng định chủ trương vừa đúng, vừa trúng của Ngành về công tác đột phá.

 Cụ thể:

1. Hạn chế đến mức thấp nhất số án hủy, sửa do lỗi của Kiểm sát viên (không xảy ra vụ nào).

2. Ban hành 40 kháng nghị phúc thẩm, được chấp nhận 33/34 (dân sự 29/30; hành chính 4/4) vụ đã xét xử - đạt 97% (tăng 6% so với năm 2017 và vượt 17% chỉ tiêu đặt ra). Ban hành 82 kiến nghị khắc phục vi phạm (vượt chỉ tiêu Ngành 173,3%).

3. Tư vấn cho UBND đối thoại 20 vụ, sau đối thoại người khiếu kiện rút đơn, vụ án được đình chỉ; Qua đó được cấp ủy và chính quyền đánh giá cao vai trò của Viện kiểm sát ở địa phương.

Bổ nhiệm mới 28 cán bộ giữ chức danh từ Kiểm sát viên trở lên, trong đó từ nguồn cán bộ trực tiếp làm công tác kiểm sát án dân sự, hành chính là 20 người (có 6 lãnh đạo cấp huyện, phòng), chiếm 72% tổng số cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm.

Kết quả thi đua năm 2018: Phòng 9,10 đều đạt lao động xuất sắc, trong đó Phòng 9 được tặng Cờ dẫn đầu phong trào thi đua.

PV
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang