VKSND tỉnh Nghệ An với công tác giải quyết các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia

14/10/2021 14:25

(kiemsat.vn)
Trong những năm qua, với chức năng, nhiệm của mình, VKSND tỉnh Nghệ An đã làm tốt công tác kiểm sát, giải quyết các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia xảy ra trên địa bàn. Trong đó, có nhiều vụ án trọng điểm, nhận được sự quan tâm, theo dõi của quần chúng nhân dân tỉnh Nghệ An nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, những năm qua, tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, Nghệ An vẫn đang là một tỉnh nghèo, kinh tế, xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều khó khăn, thách thức trong tiến trình hội nhập, phát triển. Là địa phương có diện tích trải rộng 16.487 km2, dân số hơn 3,1triệu người, tuyến biên giới gồm 06 huyện kéo dài với 419,5 km (trong đó có hai cửa khẩu Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) và Thanh Thuỷ (huyện Thanh Chương)) và 11 huyện miền núi với 1,2 triệu dân và nhiều dân tộc khác nhau; nhiều thành phần tôn giáo như Phật giáo, Thiên chúa giáo và Tin Lành.

Tuy nhiên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn đặc biệt các thế lực thù địch, các phần tử cực đoan trong và ngoài nước đang tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước với nhiều phương thức, thủ đoạn gây mất ổn định tình hình an ninh chính trị, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây hoài nghi, mất niềm tin trong quần chúng nhân dân đối với sự vững mạnh của chế độ XHCN mà Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng, ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.

Từ năm 2017 đến nay, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố, điều tra 08 vụ án với 08 bị can về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, đó là các vụ án Lê Đình Lượng phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 79 BLHS năm 1999; vụ án Nguyễn Viết Dũng phạm tội “Tuyên truyền nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 88 BLHS năm 1999; vụ án Trần Đức Thạch, vụ án Trần Hữu Đức phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 109 BLHS năm 2015; vụ án Nguyễn Năng Tĩnh, vụ án Nguyễn Công Hải, vụ án Nguyễn Duy Hướng, vụ án Nguyễn Văn Lâm phạm tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 BLHS năm 2015. Các đối tượng trong vụ án đều là những thành phần có tư tưởng chống Đảng và Nhà nước quyết liệt, đến cùng.

Các đối tượng này thường cấu kết với các phần tử cực đoan, các tổ chức phản động ở nước ngoài để gây dựng, tập hợp lực lượng, thành lập, tổ chức các hoạt động kích động, biểu tình gây rối, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ lãnh tụ, phỉ báng chính quyền nhân dân, lợi dụng quyền tự do dân chủ để hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Đối tượng Nguyễn Viết Dũng.

Một số đối tượng có trình độ học vấn cao, được đào tạo cơ bản nhưng lại sớm nảy sinh tư tưởng bất mãn, tiêu cực bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, lôi kéo thực hiện các hành vi chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam, điển hình như Nguyễn Viết Dũng (sinh năm 1986 trú tại xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) là một sinh viên của Trường Đại học bách khoa Hà Nội, do thiếu tu dưỡng rèn luyện bị kỷ luật từ đó nảy sinh tư tưởng chống đối chính quyền với sự lôi kéo, hỗ trợ của các phần tử phản động. Trong thời gian từ ngày 30/4/2017 đến ngày 19/5/2017, Nguyễn Viết Dũng có hành vi đăng tải trên trang facebook cá nhân “Dũng Phi Hổ” 07 bài viết có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Ngoài ra, Nguyễn Viết Dũng có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành 04 lá “Cờ vàng ba sọc đỏ” (cờ của chế độ VNCH) treo lá “Cờ vàng ba sọc đỏ” tại nhà riêng xóm Trần Phú (xã Hậu Thành, Yên Thành), tại các khu di tích Pác Pó (tỉnh Cao Bằng), tại Dinh Độc Lập (Thành phố Hồ Chí Minh), tại khu du lịch Cồn Thới Sơn (tỉnh Tiền Giang), đồng thời chụp ảnh, quay video đăng tải lên trang mạng xã hội cá nhân để chia sẻ, phát tán nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

VKSND tỉnh Nghệ An và Công an tỉnh Nghệ An phối hợp công tác.

Xác định, các vụ án liên quan đến tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia là loại án phức tạp, tính chất của hành vi rất nguy hiểm cho sự tồn vong của chế độ, tác động lớn đến đời sống chính trị của nhân dân, vì vậy, trong quá trình giải quyết các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, VKSND tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh Nghệ An, TAND tỉnh Nghệ An và các đơn vị chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử đều có sự trao đổi, thống nhất của các ngành tư pháp, đảm bảo bí mật tuyệt đối, tấn công bất ngờ, triệt để, sử dụng phương pháp điều tra tỉ mỉ và thận trọng, triển khai từng bước vững chắc để điều tra làm rõ hành vi phạm tội, kịp thời tấn công trấn áp làm thất bại các hoạt động của tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Trong quá trình giải quyết các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, VKSND tỉnh Nghệ An đều theo sát lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao và Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An về quan điểm, đường lối xử lý nhằm đảm bảo đúng quy định của pháp luật đồng thời đáp ứng  yêu cầu nhiệm vụ chính trị địa phương, giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh nhà.

Xác định việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố đóng vai trò quan trọng, quyết định đến việc xử lý hành vi phạm tội trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, lãnh đạo VKSND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo phân công Kiểm sát viên kiểm sát giải quyết nguồn tin, bám sát tiến độ điều tra, chỉ đạo quyết liệt đấu tranh ngay từ đầu. Đồng thời, Kiểm sát viên tham gia thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án thường xuyên cập nhật, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, liên ngành tư pháp trung ương để có hướng giải quyết kịp thời, đúng quy định.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh, TAND tỉnh và VKSND tỉnh Nghệ An ký kết Quy chế phối hợp.

Trong quá trình giải quyết các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, các Cơ quan tiến hành tố tụng luôn phối hợp chặt chẽ. Ngay từ khi giai đoạn khởi tố vụ án, VKSND tỉnh Nghệ An đã có những cuộc họp chuyên sâu với Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An để thống nhất về tội danh, diện khởi tố, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, liên tục thu thập tài liệu, chứng cứ đảm bảo đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật. Đối với các trường hợp bị can ngoan cố, bất hợp tác, Kiểm sát viên sẽ tham gia hỏi cung cùng Điều tra viên, qua đó giải thích đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm thuyết phục bị can nhận rõ những hành vi phạm tội, biện pháp này đưa lại hiệu quả thiết thực. Trường hợp bị can thiếu thành khẩn, tiếp tục củng cố chứng cứ, giám định tài liệu phản động, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để chuyển hoá chứng cứ nhằm buộc tội các bị cáo; các vụ án đều được giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Sau khi xét xử, các cơ quan tiến hành đã tổ chức rút kinh nghiệm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhằm phục vụ tốt cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về tội xâm phạm an ninh quốc gia sau này.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình giải quyết các vụ án xâm phạm về an ninh quốc gia cũng gặp những khó khăn nhất định, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến các cán bộ làm án. Vì vậy, việc xử lý vụ án nhanh, nghiêm minh, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chính trị địa phương, của Ngành chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Thông qua việc giải quyết các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua, VKSND tỉnh Nghệ An đề ra những giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm sát:

Một là, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia rất nhạy cảm thường liên quan đến các tổ chức tôn giáo, đảng phái phản động ở nước ngoài. Vì vậy, công tác lãnh đạo của Thường trực Tỉnh uỷ và sự chỉ đạo sát sao của bộ, ngành Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa lớn đến sự thành công của việc giải quyết vụ án. Các ngành cấp tỉnh phải thường xuyên báo cáo và kịp thời thực hiện đúng sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, chỉ đạo của Bộ Công an và VKSND tối cao.

Hai là, lựa chọn những điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có nhiều kinh nghiệm, có bản lĩnh chính trị, tính kỷ luật cao và đủ điều kiện hoạt động độc lập, thành lập ban chuyên án có sự tham gia của Viện kiểm sát nhằm xác định đúng thời điểm phá án, thời điểm bắt giữ đối tượng cũng như chiến thuật xét hỏi, phương pháp điều tra, thu thập, đánh giá chứng cứ, thời điểm xét xử vụ án, kế hoạch bảo vệ phiên tòa...

Ba là, việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng là hết sức quan trọng. Đặc biệt, sự sát sao, phối hợp của lãnh đạo các đơn vị từ giai đoạn điều tra đến giai đoạn xét xử là yếu tố quyết định của sự thành công của việc đấu tranh với loại tội phạm này.

Thứ tư, loại tội phạm tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam thông thường có nhiều người tham gia, có sự chỉ đạo của các tổ chức phản động trong và ngoài nước. Vì vậy, để tạo được sự đồng thuận cao với dư luận trong nước và không để các thế lực nước ngoài cũng như các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, chống phá thì việc phân hoá vai trò của các bị can, bị cáo trong vụ án là vô cùng quan trọng: Tập trung vào đối tượng cầm đầu, ngoan cố, chống đối cực đoan, đồng thời có chính sách khoan hồng đối với người tham gia không có ý thức chính trị mà do bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo. Đối với một số kẻ chủ mưu khi cần thiết cũng cần có biện pháp tách ra chờ dịp khác, chứ ko nhất thiết phải xử lý ngay có như vậy, việc xử lý vụ án mới nhanh, hiệu quả cao và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương, không làm ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án an ninh đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Nghệ An cần thực hiện tốt các yêu cầu sau:

Một là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan hữu quan để nắm bắt tình hình, phân loại, xử lý kịp thời những vụ việc mới phát sinh, đánh giá đúng thực trạng tình hình vụ việc, nhất là vụ việc phức tạp, nhạy cảm có liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, tranh chấp đất đai..... Đồng thời, các Kiểm sát viên cần xác định rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm để chủ động có biện pháp đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa, không để phát sinh điểm nóng, không để các đối tượng phản động, các thế lực thù địch lợi dụng kích động chống phá.

Hai là, VKSND các cấp cần tăng cường công tác kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, tổ chức tốt việc tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tập trung giải quyết dứt điểm các tranh chấp đất đai liên quan đến tôn giáo, dân tộc, không để dây dưa kéo dài gây bức xúc trong nhân dân, làm giảm lòng tin với Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Ba là, gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành với phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị ở địa phương; kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo việc giải quyết các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, án tham nhũng, các vụ án có liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, tới phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Tòa án trao đổi, thống nhất biện pháp xử lý để đáp ứng các yêu cầu chính trị, pháp luật và nghiệp vụ.

Bốn là, tăng cường cử cán bộ, Kiểm sát viên tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên đề về thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử tội phạm về An ninh quốc gia, bồi dưỡng kiến thức về tôn giáo cho Kiểm sát viên để nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác đề ra./.

“Cá biệt hóa nhóm đối tượng tuyên truyền” - Một cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của VKSND huyện Chư Prông

(Kiemsat.vn) - Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, VKSND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tạo bước đột phá mới, đó là tuyên truyền bằng phương pháp tác động trực tiếp tới một hoặc một nhóm đối tượng cụ thể, có những đặc điểm riêng biệt hay nói cách khác là “Cá biệt hóa nhóm đối tượng tuyên truyền”.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang