Việt Nam sắp phóng 3 vệ tinh lên quỹ đạo
(kiemsat.vn) Từ nay tới năm 2020, Việt Nam sẽ lần lượt phóng 3 vệ tinh lên quỹ đạo gồm MicroDragon, NanoDragon và LOTUS Sat1.
Sử dụng Wifi phải đề phòng nguy cơ lộ thông tin cá nhân
Hàng loạt Fanpage tại Việt Nam bị xóa vì … “Khóa nhầm”
Xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin của các VKS địa phương năm 2016
Ngày 23-3, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị sơ kết dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Qua 5 năm triển khai, Việt Nam đang từng bước tự chủ công nghệ vệ tinh.
Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được khởi công từ ngày 19-9-2012, dự kiến hoàn thành vào năm 2020 với tổng đầu tư hơn 600 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng từ phía Việt Nam. Đây là dự án về khoa học công nghệ được đầu tư lớn nhất trong vòng 35 năm qua.
Khi đi vào hoạt động, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ là nơi sản xuất ra các vệ tinh dùng công nghệ radar hiện đại cho phép chụp ảnh toàn bộ trái đất với độ phân giải rất cao và đặc biệt chụp được trong mọi điều kiện thời tiết.
Sau thành công của PicoDragon, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đang tích cực triển khai các dự án vệ tinh khác. NanoDragon được thực hiện bởi đội ngũ 100% kĩ sư và chuyên gia của Việt Nam, có trọng lượng 4-6kg, có nhiệm vụ giám sát rừng, tàu biển.
MicroDragon có khối lượng 10kg sẽ được phóng bằng tên lửa đẩy của Nhật Bản, có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thuỷ sản, phát hiện độ bao phủ của mây nhằm phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển.
Vệ tinh MicroDragon sẽ được phóng bằng tên lửa đẩy của Nhật Bản
Theo đúng lộ trình, vệ tinh MicroDragon được phóng vào năm 2018, NanoDragon và LOTUSat1 được phóng vào 2019. Tới năm 2022, khi các hạ tầng kĩ thuật hiện đại dùng cho nghiên cứu, lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh sẵn sàng hoạt động thì Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển LOTUSat2. Cả hai LOTUSat1 và LOTUSat2 đều là vệ tinh công nghệ cảm biến radar hiện đại, có khả năng quan sát toàn bộ lãnh thổ và vùng biển quốc gia trong mọi điều kiện thời tiết với độ phân giải cao.
Để đảm bảo cho việc chế tạo vệ tinh “Made in Vietnam”, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đã chú trọng kiện toàn nguồn nhân lực trình độ cao. Tổng số cán bộ của Trung tâm đã tăng từ 31 (năm 2012) lên 132 (cuối 2016) với 13 Tiến sỹ và 47 Thạc sỹ, trong đó 87% cán bộ nghiên cứu trẻ có độ tuổi dưới 40. Theo thiết kế của dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, dự kiến có khoảng 200 cán bộ vào năm 2019 và 250 cán bộ vào năm 2022.
Vừa qua, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đã cử 36 kỹ sư đến 5 trường Đại học của Nhật Bản theo học chương trình thạc sỹ công nghệ vũ trụ. Đội ngũ này đã tham gia thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh MicroDragon dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật Bản. Hiện nay, 22/36 cán bộ đã hoàn thành khóa học và đang chuẩn bị tiếp nhận, vận hành vệ tinh LOTUSat-1.
GS.TS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định, dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vẫn đang triển khai đúng tiến độ các hạng mục. Khi dự án hoàn thiện, Việt Nam sẽ có một hạ tầng công nghệ vũ trụ hiện đại; từng bước làm chủ được công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất và đào tạo một đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.
Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, trong giai đoạn 2017 – 2022, Trung tâm sẽ tập trung vào việc phát triển công nghệ vũ trụ theo hướng ứng dụng nhằm tạo ra các sản phẩm công nghệ cao hữu ích. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia có nền công nghiệp vũ trụ phát triển mạnh như Mỹ, Nhật, Israel, Úc, Đức…nhằm đưa công nghệ vũ trụ phục vụ thiết thực và có hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá của Việt Nam.
Kí kết hợp tác trong lĩnh vực vệ tinh giữa Trung tâm Vệ tinh quốc gia với Tập đoàn IMSG.
Nhân dịp này, Trung tâm vũ trụ quốc gia và Tập đoàn IMSG (Mỹ) cũng kí kết thoả thuận hợp tác. Theo đó, với nền tảng chuyên môn viễn thám, IMSG sẽ cung cấp cho Trung tâm vệ tinh quốc gia các ứng dụng radar khẩu độ tổng hợp (SAR) để chuẩn bị cho LOTUSat. Thoả thuận hợp tác hai bên bắt đầu bằng việc triển khai thử nghiệm các ứng dụng SAR trong quản lý thảm họa và biến đổi khí hậu.
Khánh Vy
Bài viết chưa có bình luận nào.