Về việc trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo

22/06/2021 09:26

(kiemsat.vn)
Hiện nay, vấn đề trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù của bị cáo được hưởng án treo còn chưa thống nhất. Từ việc phân tích những vướng mắc trong quy định của pháp luật, tác giả kiến nghị bổ sung quy định trước khi áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo phải trừ đi thời hạn tạm giữ, tạm giam, sau đó ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt còn lại phải thi hành.

Thời gian gần đây, có nhiều vướng mắc dẫn đến sự nhận thức không thống nhất về vấn đề trừ hay không trừ thời hạn mà bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù khi cho bị cáo hưởng án treo.

Trước khi Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật Hình sự (BLHS) về án treo (Nghị quyết số 01/2013) được ban hành, thì trường hợp người bị xử phạt tù bị tạm giam sẽ được áp dụng điểm b Tiểu mục 6.4 Mục 6 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt (Nghị quyết số 01/2007). Theo đó, Thẩm phán sẽ tuyên trừ thời hạn mà bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù nếu bị cáo được hưởng án treo. Cụ thể, điểm b Tiểu mục 6.4 Mục 6 Nghị quyết số 01/2007 quy định: Trường hợp người bị xử phạt tù đã bị tạm giam thì lấy mức hình phạt tù trừ đi thời gian đã bị tạm giam để xác định mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành. Thời gian thử thách trong trường hợp này bằng hai lần mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành, nhưng không được dưới một năm và không được quá năm năm.

Ví dụ: Toà án xử phạt A ba năm tù cho hưởng án treo. Do A đã bị tạm giam một năm, như vậy mức hình phạt tù còn lại A phải chấp hành là hai năm (3 năm - 1 năm = 2 năm). Tòa án ấn định thời gian thử thách đối với A là bốn năm (2 năm x 2 = 4 năm)”.

Khi Nghị quyết số 01/2013 có hiệu lực, thì Tòa án không trừ thời hạn mà bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù khi tuyên bị cáo được hưởng án treo, nếu có trường hợp trừ thì sẽ bị kháng nghị do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Thực tế có rất nhiều bản án bị kháng nghị về vấn đề áp dụng pháp luật trong trường hợp này. Vậy, trường hợp bị can, bị cáo đã hoặc đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam mà không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù khi được hưởng án treo thì thời hạn đó sẽ được trừ vào đâu? Thực tiễn xét xử cho thấy, Tòa án sẽ không trừ thời hạn mà bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù nếu bị cáo được hưởng án treo. Trường hợp bị cáo vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách và bị buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì sẽ được trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam đã bị áp dụng trước đó. Còn nếu bị cáo phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Toà án sẽ quyết định hình phạt đối với tội phạm mới đó và tổng hợp với hình phạt tù của bản án trước theo các điều 55, 56 BLHS năm 2015. Nếu bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian bị tạm giữ, tạm giam về tội phạm mới cũng như thời gian bị tạm giữ, tạm giam về tội phạm đã bị xét xử ở bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Tuy nhiên, cách xử lý trên không thống nhất với Mục 27 trong Tài liệu “Giải đáp về những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự” của Viện kiểm sát nhân dân tối cao: “Khoản 1 Điều 38 BLHS năm 2015 quy định thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù. Do đó, việc Tòa án không trừ thời hạn đã bị tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù khi cho bị cáo hưởng án treo là vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS và Viện kiểm sát phải kháng nghị”.

Hướng dẫn nêu trên là giải đáp nghiệp vụ có tính chất hướng dẫn trong nội bộ ngành Kiểm sát. Tuy nhiên, tác giả đồng ý với ý kiến: Phải trừ thời hạn mà bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù khi tuyên bị cáo được hưởng án treo, bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất, mặc dù BLHS năm 2015 và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo (Nghị quyết số 02/2018) không quy định trực tiếp việc trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam rồi mới ấn định thời gian thử thách của án treo như Nghị quyết số 01/2007 mà chỉ quy định cụ thể việc trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc hình phạt tù có thời hạn; nhưng khoản 1 Điều 38 BLHS năm 2015 quy định “thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù” không mâu thuẫn, không loại trừ việc trừ thời gian tạm giữ, tạm giam khi cho bị cáo hưởng án treo. Bản chất việc được hưởng án treo là trường hợp bị cáo bị xử phạt tù có thời hạn, nhưng thoả mãn các điều kiện hưởng án treo tại Nghị quyết số 02/2018. Xét cho cùng, án treo không phải là hình phạt, mà là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, không thể không trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam vào thời gian thử thách của án treo. Việc “trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam rồi mới ấn định thời gian thử thách của án treo” khác với  “trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam vào thời gian thử thách của án treo”.

Thứ hai, việc không trừ ngay thời hạn tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù khi cho bị cáo hưởng án treo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Bị cáo bị tạm giữ, tạm giam ngắn nhất là 03 ngày hoặc có thể kéo dài đến vài tháng, nếu không trừ trực tiếp, trừ ngay khi xét xử thì sẽ xảy ra các trường hợp sau:

- Sau lần xét xử đó, bị cáo không vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách hoặc không phạm bất cứ tội phạm nào khác thì dĩ nhiên vấn đề trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam sẽ không được đặt ra.

- Bị cáo tiếp tục phạm tội thì vẫn có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không biết hoặc vô tình không nắm được việc trước đó bị cáo đã từng bị tạm giữ, tạm giam. Do đó, bản án tuyên cho bị cáo hưởng án treo nhưng không thực hiện việc trừ thời hạn đó cho bị cáo tại lần xét xử sau.

Như vậy, cả hai trường hợp này bị cáo đều không được trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam vào thời gian thử thách của án treo, bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp.

Vì những lý do nêu trên, tác giả nhận thấy việc Tòa án không trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam vào thời hạn chấp hành hình phạt tù khi cho bị cáo hưởng án treo là vi phạm nghiêm trọng BLHS năm 2015 và cần thiết phải kháng nghị.

Vậy, vấn đề đặt ra là nếu thực hiện như hướng dẫn nêu trên, thì những bản án trước đây không trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam khi cho bị cáo hưởng án treo giải quyết như thế nào? Tác giả cho rằng, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo thì vẫn thực hiện việc trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam mà bị cáo đã bị áp dụng trước đó vào thời hạn chấp hành hình phạt của bản án sau (nếu có). Nghị quyết số 01/2007 quy định rất rõ về vấn đề này nhưng đã hết hiệu lực, trong khi đó Nghị quyết số 02/2018 lại không có bất cứ quy định nào về cách xử lý thời gian bị tạm giữ, tạm giam đối với trường hợp bị cáo đã bị tạm giữ, tạm giam được Hội đồng xét xử cho hưởng án treo. Do đó, liên ngành tư pháp trung ương cần có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo tính công bằng, có lợi cho bị cáo theo hướng: Bổ sung quy định trước khi áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo phải trừ đi thời gian tạm giữ, tạm giam cho bị cáo, sau đó ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt còn phải thi hành.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang