Về lựa chọn quy phạm pháp luật trong xử lý tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia

28/02/2024 15:32

(kiemsat.vn)
Lựa chọn quy phạm pháp luật là nội dung cơ bản của áp dụng pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, nhằm đảm bảo cơ sở pháp luật và việc áp dụng pháp luật chính xác, khoa học, đạt hiệu quả cao.

1. Khó khăn, vướng mắc khi lựa chọn quy phạm pháp luật trong xử lý tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia

Cùng với tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, các đối tượng phản động trong nước câu kết với các thế lực thù địch bên ngoài, các phần tử phản động lưu vong tuyên truyền, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của Nhà nước, đẩy mạnh việc cử người về trong nước hoạt động, móc nối, xây dựng các cơ sở nội địa với âm mưu đấu tranh bất bạo động, lật đổ hệ thống chính trị. Do đó, số lượng các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia (ANQG) ngày càng tăng. Đối với các vụ án này, việc áp dụng pháp luật không những để khám phá, làm rõ vụ án, mà còn liên quan đến quan hệ đối ngoại, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong lĩnh vực điều tra án xâm phạm ANQG, hoạt động áp dụng pháp luật của cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) và các chủ thể khác đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2004 đến nay, cơ quan ANĐT Bộ Công an đã thụ lý điều tra hơn 200 vụ án xâm phạm ANQG. Quá trình điều tra các vụ án này, hoạt động áp dụng pháp luật mà trước hết và chủ yếu là các quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự đã được tổ chức một cách khoa học, nghiêm chỉnh và sáng tạo, qua đó đã kịp thời ngăn chặn tội phạm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ ANQG, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, hoạt động áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG vẫn còn những hạn chế, vướng mắc như: Nhiều văn bản quy phạm pháp luật hình sự, tố tụng hình sự chưa được hướng dẫn cụ thể và sửa đổi kịp thời; một số quy định của pháp luật chưa được áp dụng thống nhất, còn có xu hướng giảm nhẹ, dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật của một số đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG… Vì vậy, việc lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp để áp dụng đối với đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG luôn đòi hỏi các Điều tra viên, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ANĐT phải dành nhiều thời gian nghiên cứu.

Lựa chọn quy phạm pháp luật là nội dung cơ bản của áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG, bởi vì việc thu thập, phân tích, đánh giá tài liệu, chứng cứ tạo cơ sở thực tế cho việc lựa chọn quy phạm pháp luật; đồng thời, việc lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp, đúng đắn bảo đảm cơ sở pháp luật, là điều kiện bảo đảm cho việc ban hành và tổ chức thực hiện văn bản áp dụng pháp luật chính xác, khoa học và đạt hiệu quả cao. Thực tiễn cho thấy, cơ quan ANĐT đã chủ động, linh hoạt trong việc lựa chọn quy phạm pháp luật để áp dụng đối với các đối tượng phạm tội, nhằm bảo đảm các yêu cầu pháp luật, chính trị và nghiệp vụ khi áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, việc lựa chọn quy phạm pháp luật trong điều tra tội phạm xâm phạm ANQG còn có tâm lý chờ sự chỉ đạo, chưa thật sự chủ động.

2. Một số đề xuất, kiến nghị

Để bảo đảm sự chủ động, sáng tạo và linh hoạt khi lựa chọn quy phạm pháp luật, cơ quan ANĐT cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:

Một là, Điều tra viên phải nắm vững cơ sở chính trị, pháp luật và yêu cầu của áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG. Cụ thể, Điều tra viên cần nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là về công tác bảo vệ ANQG, đối ngoại và những lĩnh vực nhạy cảm như “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”... mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng can thiệp hoặc xuyên tạc chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta; nắm vững các quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật quốc tế và các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Đây là điều kiện rất quan trọng tạo nên niềm tin nội tâm vững chắc đối với Điều tra viên khi lựa chọn quy phạm pháp luật. Đồng thời, khi lựa chọn quy phạm pháp luật, đòi hỏi Điều tra viên phải bảo đảm nguyên tắc: Việc áp dụng pháp luật để khởi tố, điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG phải vừa bảo đảm trừng trị nghiêm khắc đối tượng phạm tội theo quy định của pháp luật, song cũng phải bảo đảm cơ sở thực tế của việc áp dụng pháp luật, cân nhắc, tính toán các yêu cầu chính trị, nghiệp vụ trước mắt và lâu dài.

Hai là, Điều tra viên cần chủ động xây dựng kế hoạch điều tra thống nhất và khoa học, trong đó đề cập cụ thể đến việc lựa chọn quy phạm pháp luật để áp dụng đối với đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG.

Quá trình xây dựng kế hoạch đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan ANĐT với lực lượng nghiệp vụ, trong đó xác định cụ thể, rõ ràng các mục tiêu, yêu cầu đặt ra, những nội dung cần tập trung điều tra làm rõ về hành vi phạm tội và người phạm tội, nhất là việc thu thập và chuyển hóa tài liệu, chứng cứ; thời điểm ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án; các hoạt động cụ thể của cơ quan ANĐT, lực lượng nghiệp vụ và các lực lượng khác tham gia quá trình điều tra vụ án. Đặc biệt, kế hoạch cần dự báo được những tình huống có thể phát sinh làm ảnh hưởng đến hiệu quả áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG và dự liệu các biện pháp xử lý tình huống đó.

Ba là, Điều tra viên cần tập trung thu thập, phân tích, đánh giá tài liệu, chứng cứ về hành vi phạm tội của các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG. Quá trình thu thập, phân tích, đánh giá tài liệu, chứng cứ cần thực hiện một cách kỹ lưỡng từ khâu thu thập, củng cố và kiểm tra tài liệu, chứng cứ đến việc sử dụng tài liệu, chứng cứ làm căn cứ cho việc áp dụng các quyết định khởi tố, điều tra và đề nghị truy tố. Điều tra viên không chỉ tập trung xác định và làm rõ giá trị pháp lý của các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội xâm phạm ANQG, mà còn các tội phạm khác hoặc các vi phạm pháp luật khác của đối tượng, nhằm phục vụ các yêu cầu chính trị, nghiệp vụ khi áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG. Điều này tạo điều kiện cho việc chủ động, sáng tạo, linh hoạt lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp để áp dụng đối với đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG.

Bốn là, cơ quan ANĐT cần dựa trên cơ sở tính chất của vụ án; tình hình, bối cảnh chính trị, xã hội và nhân thân đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG cân nhắc việc báo cáo các cấp lãnh đạo, chỉ huy về việc giải quyết vụ án, xử lý các đối tượng, sao cho vừa bảo đảm yêu cầu của pháp luật là ngăn chặn, xử lý nghiêm minh hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật, vừa bảo đảm các yêu cầu chính trị, nghiệp vụ.

Cùng với sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo ngành Công an, Điều tra viên cũng phải có nhạy cảm nghề nghiệp, dự đoán các khả năng, tình huống có thể xảy ra đối với việc chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, nhằm tham mưu đúng hướng, kịp thời và hiệu quả khi áp dụng quy phạm pháp luật trong điều tra vụ án xâm phạm ANQG.

Năm là, cơ quan ANĐT cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng nghiệp vụ tham gia sớm vào quá trình điều tra trinh sát, nhằm phục vụ công tác điều tra tố tụng hình sự sau này; phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân từ giai đoạn khởi tố vụ án, khởi tố bị can, điều tra đến kết thúc điều tra.

Việc này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc quán triệt các yêu cầu pháp luật, chính trị và nghiệp vụ khi áp dụng pháp luật trong điều tra tội phạm xâm phạm ANQG. Nếu không thực hiện tốt quan hệ phối hợp thì cơ quan ANĐT sẽ không thể chủ động trong lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp phục vụ mục tiêu bảo vệ ANQG, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Quá trình phối hợp cần tập trung vào việc thu thập, phân tích, đánh giá và củng cố tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng, lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp để áp dụng, phân loại các đối tượng trong vụ án (cần áp dụng pháp luật hình sự để khởi tố, điều tra, xử lý hoặc áp dụng các biện pháp xử lý khác), xác định cơ sở pháp luật của việc áp dụng.

Sử dụng “Bảng nội dung cần giải quyết” trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục phúc thẩm

(Kiemsat.vn) - Bài viết chia sẻ sáng kiến: Giải pháp sử dụng “Bảng nội dung cần giải quyết” trong công tác nghiên cứu, báo cáo, duyệt án và kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục phúc thẩm, nhằm trao đổi kinh nghiệm để từng bước nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục phúc thẩm.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang