Sử dụng “Bảng nội dung cần giải quyết” trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục phúc thẩm

27/02/2024 08:23

(kiemsat.vn)
Bài viết chia sẻ sáng kiến: Giải pháp sử dụng “Bảng nội dung cần giải quyết” trong công tác nghiên cứu, báo cáo, duyệt án và kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục phúc thẩm, nhằm trao đổi kinh nghiệm để từng bước nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục phúc thẩm.

1. Nội dung của giải pháp “Bảng nội dung cần giải quyết”

Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính (TTHC) quy định tại Điều 25 Luật TTHC năm 2015 “nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật”. Để đảm bảo thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính thống nhất trong toàn ngành, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã ra Quyết định ban hành Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính số 282/QĐ-VKSTC ngày 01/8/2017 (gọi tắt là Quy chế số 282/2017) và Quyết định ban hành Quy trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính số 286/QĐ-VKSTC ngày 08/7/2019 (gọi tắt là Quy trình số 286/2019).

Khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục phúc thẩm, công chức được phân công thụ lý vụ án phải nghiên cứu hồ sơ vụ án do Tòa án chuyển đến để lập hồ sơ kiểm sát và xây dựng báo cáo đề xuất quan điểm theo đúng quy định của pháp luật và các quy định của ngành, đảm bảo chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm theo Điều 240 Luật TTHC năm 2015 và Điều 29 Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của VKSND tối cao và Tòa án nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa VKSND và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Luật TTHC (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 03/2016). Các nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm hành chính gồm: Việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; kháng nghị: Tính có căn cứ và hợp pháp của kháng nghị, nội dung, căn cứ, tài liệu, chứng cứ, phân tích quan điểm đối với kháng nghị và quan điểm giải quyết đối với nội dung kháng nghị; kháng cáo: Tính có căn cứ và hợp pháp của kháng cáo, nội dung, căn cứ, tài liệu, chứng cứ, phân tích quan điểm đối với kháng cáo và quan điểm giải quyết đối với nội dung kháng cáo.

Công tác nghiên cứu hồ sơ và lập báo cáo kết quả được quy định tại Điều 28 Quy chế số 282/2017 và Điều 20, Điều 31 Quy trình số 286/2019. Báo cáo đề xuất việc giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục phúc thẩm được thực hiện theo Mẫu số 43/HC ban hành kèm theo Quyết định số 410/QĐ-VKSTC ngày 25/11/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao (thay thế cho biểu mẫu tạm thời trước đây là Tờ trình giải quyết án phúc thẩm hành chính theo Mẫu số 11/HC ban hành kèm theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao). Các nội dung được quy định trong biểu mẫu này bao gồm: (i) Việc tuân theo pháp luật tố tụng (gồm việc tuân theo pháp luật tố tụng của Tòa án và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng); (ii) Tính có căn cứ, hợp pháp của kháng cáo (kháng nghị); (iii) Đề xuất quan điểm giải quyết vụ án.

Như vậy, các quy định và biểu mẫu hướng dẫn trên vẫn chỉ mang tính chất chung chung, mà chưa chi tiết về các nội dung cụ thể; hình thức trình bày vẫn dựa trên định dạng văn bản truyền thống, nên công chức nghiên cứu hồ sơ, lãnh đạo duyệt án và Kiểm sát viên sử dụng kết quả nghiên cứu để trực tiếp kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo giải quyết đầy đủ và đúng quy định tất cả các nội dung, vấn đề trong vụ án. Thực tế, đa số các báo cáo kết quả nghiên cứu vụ án trước đây dù được thực hiện theo đúng Biểu mẫu số 43/HC, nhưng nội dung chỉ tập trung vào các vấn đề được nêu trong kháng cáo, kháng nghị, mà chưa đầy đủ, toàn diện tất cả các vấn đề cần giải quyết trong vụ án; dẫn đến có trường hợp khi duyệt án, lãnh đạo phụ trách phải yêu cầu báo cáo bổ sung hoặc Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên xử khác với quan điểm phát biểu của Viện kiểm sát.

Mục đích của giải pháp sử dụng “Bảng nội dung cần giải quyết” trong công tác nghiên cứu, báo cáo, duyệt án và kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục phúc thẩm là: Xây dựng một hệ thống các nội dung cần nghiên cứu, đảm bảo cho công chức thụ lý vụ án thực hiện nghiên cứu, phân tích đầy đủ, không bỏ sót các nội dung ít được quan tâm hoặc cấp sơ thẩm chưa giải quyết trong hồ sơ vụ án; thống nhất hình thức trình bày một cách khoa học, thuận tiện cho công tác nghiên cứu, báo cáo, duyệt án và phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.

Ngoài việc trình bày nội dung báo cáo đề xuất kết quả nghiên cứu nội dung vụ án theo biểu mẫu của ngành bằng văn bản truyền thống, nội dung báo cáo cần được thể hiện bằng các hình thức trình bày khoa học, ngắn gọn và đầy đủ hơn. Giải pháp đề ra là xây dựng Bảng nội dung cần giải quyết như sau:

- Về hình thức:

Các dòng trong bảng thể hiện nội dung cần giải quyết được sắp xếp từ trên xuống theo trình tự kết hợp các nội dung cần giải quyết với thủ tục tố tụng từ giai đoạn thụ lý đến chuẩn bị xét xử phúc thẩm - kể cả dự báo kết thúc phiên tòa phúc thẩm. Các cột trong bảng thể hiện theo trình tự từ trái sang phải về quan điểm của các đương sự và các cơ quan tiến hành tố tụng từ giai đoạn sơ thẩm đến phúc thẩm.

- Về nội dung:

Nội dung báo cáo đề xuất cần căn cứ vào nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa theo Điều 29 Thông tư liên tịch số 03/2016. Cụ thể, người nghiên cứu hồ sơ cần nghiên cứu thêm những nội dung nghị án của Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm theo khoản 3 Điều 191 Luật TTHC năm 2015, gồm có: Tính hợp pháp và có căn cứ về hình thức, nội dung của quyết định hành chính hoặc việc thực hiện hành vi hành chính bị khởi kiện; tính hợp pháp về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính hoặc việc thực hiện hành vi hành chính; thời hiệu, thời hạn ban hành quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính; mối liên hệ giữa quyết định hành chính, hành vi hành chính với quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện và những người có liên quan; tính hợp pháp và có căn cứ của văn bản hành chính có liên quan (nếu có); vấn đề bồi thường thiệt hại và vấn đề khác (nếu có)…

Ngoài ra, Kiểm sát viên cũng cần tham khảo thêm các quy định khác có liên quan, bao gồm: Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm (Điều 241 Luật TTHC năm 2015); các trường hợp hủy, sửa bản án theo thủ tục giám đốc thẩm (từ Điều 273 đến Điều 276 Luật TTHC năm 2015). Các yêu cầu này được kết hợp với trình tự, thủ tục từ khi thụ lý đơn khởi kiện vụ án đến khi thụ lý giải quyết theo thủ tục phúc thẩm để sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống trong cột đầu tiên của bảng. Việc bổ sung các dòng nội dung hoặc thay đổi thứ tự vị trí dòng hoặc loại bỏ các dòng nội dung trong bảng là tùy thuộc vào yêu cầu của lãnh đạo duyệt án hoặc nội dung từng vụ việc cụ thể.

Khi sử dụng “Bảng nội dung cần giải quyết”, công chức nghiên cứu hồ sơ căn cứ vào từng dòng về nội dung cần giải quyết để ghi chép quan điểm của các đương sự cùng căn cứ pháp lý vào các ô tương ứng phù hợp với vị trí cột. Trên cơ sở ghi nhận đầy đủ tất cả quan điểm của các đương sự và cơ quan tiến hành tố tụng ở tất cả các giai đoạn, công chức nghiên cứu hồ sơ sẽ có quan điểm đánh giá khách quan, toàn diện và đảm bảo đúng quy định của pháp luật về nội dung cụ thể; từ đó, có thể đưa ra quan điểm đề xuất của chính người nghiên cứu.

Lãnh đạo duyệt án có thể kiểm tra, đánh giá chất lượng công tác nghiên cứu hồ sơ của công chức và đưa ra quan điểm duyệt án. Kiểm sát viên kiểm sát xét xử theo dõi, nắm vững các quan điểm mâu thuẫn để tham gia hỏi và phát biểu quan điểm giải quyết vụ án tại phiên tòa.

Ảnh minh họa.

2. Tính hiệu quả của giải pháp

Giải pháp đã được công nhận là sáng kiến cấp cơ sở theo Quyết định số 255/QĐ-VC3 ngày 14/11/2022 của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó tiếp tục được áp dụng, mở rộng phạm vi sử dụng trong thực tiễn công tác cho đến nay.

Giải pháp được triển khai thực hiện góp phần đảm bảo nguyên tắc tổ chức lãnh đạo trong ngành Kiểm sát; thể hiện tính hợp lý (logic), tính hệ thống và tính khoa học trong công tác quản lý, hướng đến thực hiện nguyên tắc quản lý hệ thống theo tiêu chuẩn ISO; khắc phục tình trạng nội dung nghiên cứu chỉ tập trung vào các vấn đề được nêu trong kháng cáo, kháng nghị mà chưa đảm bảo nghiên cứu đầy đủ, toàn diện tất cả các vấn đề cần giải quyết trong vụ án, dẫn đến có trường hợp khi duyệt án, lãnh đạo phụ trách phải yêu cầu báo cáo bổ sung hoặc Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên xử khác với quan điểm phát biểu của Kiểm sát viên.

Bên cạnh đó, “Bảng nội dung cần giải quyết” còn đảm bảo cho công tác tự kiểm tra cũng như kiểm tra được toàn diện, khách quan và đầy đủ các quan điểm về vấn đề cần giải quyết trong vụ án theo cả 02 chiều từ công chức nghiên cứu đến lãnh đạo các cấp duyệt án và ngược lại; đảm bảo đi đến thống nhất về áp dụng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để xem xét toàn bộ nội dung vụ án, đề xuất đúng quy định; xây dựng đề cương hỏi của Kiểm sát viên và nội dung quan điểm phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa; đảm bảo chất lượng công tác rút kinh nghiệm, kiến nghị khắc phục và kiến nghị phòng ngừa vi phạm, báo cáo đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm/tái thẩm và công tác nghiên cứu khoa học của đơn vị cũng như của ngành Kiểm sát.

3. Phạm vi áp dụng giải pháp

Về giai đoạn tố tụng, “Bảng nội dung cần giải quyết” được xây dựng và triển khai thực hiện trong giai đoạn thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Trong công tác kiểm sát, “Bảng nội dung cần giải quyết” được công chức sử dụng để nghiên cứu và trình bày kết quả nghiên cứu, đề xuất quan điểm giải quyết vụ án; được lãnh đạo phụ trách sử dụng để kiểm tra, đánh giá kết quả nghiên cứu đề xuất và cho ý kiến duyệt án; được Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát xét xử sử dụng để theo dõi diễn biến phiên tòa, tham gia hỏi đương sự và củng cố quan điểm phát biểu về việc giải quyết vụ án.

Trước mắt, biểu mẫu có thể được công chức tham khảo thực hiện đối với từng vụ án cụ thể; nếu được triển khai trong phạm vi đơn vị thì sẽ thuận tiện cho việc thống nhất về nội dung, trình tự và hình thức thực hiện đối với tất cả các vụ án. Ngoài ra, biểu mẫu cũng có thể được hiệu chỉnh, bổ sung thêm các nội dung cần thiết để sử dụng cho cả giai đoạn sơ thẩm hoặc giám đốc thẩm/tái thẩm của các đơn vị nghiệp vụ các cấp trong ngành.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang