Về áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
(kiemsat.vn) Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt, thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước ta, giúp đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
Một số bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về hoạt động trưng cầu giám định của Tòa án
Những nội dung trọng tâm công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2025
Bàn về thừa kế thế vị khi có yếu tố con nuôi
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt, thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước ta, giúp đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; khả năng cải tạo, giáo dục của người phạm tội. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, xuất phát từ vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật.
Một số vướng mắc trong việc áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Thứ nhất, về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015).
- Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “chưa gây thiệt hại”:
Ví dụ: Khoảng 23 giờ 10 phút ngày 02/02/2022, lợi dụng đêm tối không có người ở nhà, Nguyễn Tấn G đã đột nhập vào nhà anh Nguyễn Anh T để trộm cắp tài sản. Khi đang tìm cách phá khóa chiếc két sắt trong nhà anh T để lấy tài sản thì bị phát hiện và bắt quả tang, kiểm tra trong két sắt có số tiền 48 triệu đồng.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, hành vi của Nguyễn Tấn G đã đủ yếu tố cấu thành Tội trộm cắp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015; bị cáo chưa chiếm đoạt được tài sản nên thuộc trường hợp “phạm tội chưa đạt” tại Điều 15 BLHS năm 2015. Do bị cáo chưa chiếm đoạt được tài sản, nghĩa là hành vi phạm tội của bị cáo “chưa gây thiệt hại” nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.
Quan điểm thứ hai cho rằng, hành vi của Nguyễn Tấn G đã đủ yếu tố cấu thành Tội trộm cắp tài sản thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt theo quy định tại khoản 1 Điều 173 và Điều 15 BLHS năm 2015. Do bị cáo phạm tội chưa đạt nên đương nhiên thiệt hại chưa xảy ra, do đó, không thể áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “chưa gây thiệt hại”. Mặt khác, theo khoản 3 Điều 57 BLHS năm 2015: “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức hình phạt tù mà điều luật quy định”. Quan điểm này cho rằng, khi xác định bị cáo phạm tội trong trường hợp chưa đạt đã được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với phạm tội đã hoàn thành; nếu lại tiếp tục áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “chưa gây thiệt hại” theo điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 nghĩa là bị cáo được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hai lần là không phù hợp và không bảo đảm tính công bằng trong việc áp dụng pháp luật hình sự.
Quan điểm thứ ba cũng là quan điểm của nhóm tác giả: Đã xác định Nguyễn Tấn G phạm tội trộm cắp tài sản thuộc trường hợp chưa đạt thì không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “chưa gây thiệt hại”. Hay nói cách khác, tình tiết “chưa gây thiệt hại” ở đây được hiểu như là dấu hiệu định tội trong trường hợp phạm tội chưa đạt nên việc không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “chưa gây thiệt hại” trong trường hợp này là phù hợp với tinh thần của khoản 3 Điều 51 BLHS năm 2015: “Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”.
Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn việc áp dụng đối với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”, dẫn đến một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn giải quyết vụ án.
Ví dụ: Tối ngày 03/5/2022, lợi dụng sơ hở của chủ nhà, Trần Thái S đã có hành vi trộm xe máy của ông Nguyễn Huy H. Khi S dắt xe ra khỏi cổng khoảng 300m thì bị phát hiện và thu giữ trả lại cho ông H. Chiếc xe máy được định giá 27,5 triệu đồng.
Trong trường hợp này, hành vi của Trần Thái S đã đủ yếu tố cấu thành Tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015; nếu áp dụng theo hướng dẫn tại Văn bản số 994/VKSTC-V3 ngày 09/4/2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trong Bộ luật Hình sự: “Chưa gây thiệt hại là trường hợp hậu quả vật chất do hành vi phạm tội chưa xảy ra trên thực tế như trộm cắp chưa lấy được tài sản, chưa chuyển dịch tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản. Nếu đã dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản mà bị quần chúng phát hiện, đuổi theo và bị bắt quả tang hay được Cơ quan điều tra thu hồi trong quá trình điều tra thì không thuộc trường hợp chưa gây thiệt hại”, thì S không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “chưa gây thiệt hại” theo điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 vì tài sản trộm cắp là chiếc xe máy đã dịch chuyển ra khỏi nơi quản lý của chủ sở hữu; tài sản chưa bị thiệt hại là do S bị phát hiện, truy đuổi và thu lại được. Còn nếu áp dụng theo hướng dẫn tại điểm 6.2.1.7 Sổ tay Thẩm phán năm 2009 của Tòa án nhân dân tối cao: “Chưa gây thiệt hại là khi tội phạm đã được thực hiện, nhưng thiệt hại không xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội. Cần phân biệt với phạm tội chưa đạt (phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội” thì trường hợp này Trần Thái S vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “chưa gây thiệt hại” vì S thực hiện hành vi trộm cắp nhưng hậu quả không xảy ra, việc bị bắt và thu giữ chiếc xe máy nằm ngoài ý muốn chủ quan của S. Như vậy, có thể thấy, cùng một tình tiết “chưa gây thiệt hại” nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng lại hướng dẫn khác nhau dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất.
- Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “gây thiệt hại không lớn”:
Ví dụ: Khoảng 22 giờ 00 phút ngày 23/9/2022, Trần Quang D rủ Nguyễn Việt A đi vào công trình xây dựng, quan sát thấy không có người bảo vệ, D và A đã lấy trộm một số tài sản gồm: 06 cuộn dây điện, 17 cuộn ống đồng phi 10 là tài sản của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trường An, thuộc Tổng công ty C, Bộ Quốc phòng. D và A đã cho 06 cuộn dây điện vào trong bao tải và cất giấu vào bụi cỏ. Đến khoảng 23 giờ 30 phút cùng ngày, D và A đến nơi cất giấu, mang số tài sản vừa trộm cắp được đi tìm nơi tiêu thụ thì bị Tổ tuần tra Công an phường kiểm tra, phát hiện, lập biên bản sự việc và thu giữ tang vật. Tổng giá trị tài sản bị trộm cắp được định giá là 37,5 triệu đồng.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, D, A bị lực lượng chức năng phát hiện trước khi các bị cáo đưa tài sản đi tiêu thụ, tài sản trộm cắp đã được thu hồi nguyên vẹn, vì vậy hành vi phạm tội của D và A “chưa gây thiệt hại”.
Quan điểm thứ hai cho rằng, hành vi trộm cắp của D, A đã gây mất trật tự trị an tại nơi quản lý tài sản của Quân đội, tuy chưa có thiệt hại cụ thể về vật chất nhưng đã có hậu quả phi vật chất là gây ảnh hưởng đến sự an toàn, danh dự, uy tín của đơn vị nên cần áp dụng tình tiết quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 “gây thiệt hại không lớn”.
Quan điểm thứ ba cũng là quan điểm của nhóm tác giả cho rằng, trong vụ án trên, bị cáo đã xâm phạm đến khách thể là quan hệ sở hữu và hành vi phạm tội ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức… gây dư luận xấu, mặc dù tài sản đã được thu hồi nhưng vẫn có hậu quả xảy ra; vì vậy cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “gây thiệt hại không lớn” là phù hợp.
Theo nhóm tác giả, thiệt hại tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 không chỉ là hậu quả về vật chất mà bao gồm cả thiệt hại về tinh thần, sức khỏe, uy tín... bởi hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong những tội có cấu thành tội phạm vật chất; đối với những tội có cấu thành tội phạm hình thức thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng thiệt hại thì có thể xảy ra đối với cả tội có cấu thành tội phạm vật chất và tội có cấu thành tội phạm hình thức. Chẳng hạn đối với Tội hiếp dâm được quy định tại Điều 141 BLHS năm 2015, mặc dù đây là tội có cấu thành hình thức nhưng khi người phạm tội thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực… thì thiệt hại về thể chất, tinh thần của bị hại đã xảy ra. Như vậy, việc xác định thế nào là “thiệt hại không lớn” chưa có sự thống nhất trong thực tiễn xét xử.
Thứ hai, về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này được hướng dẫn tại Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, theo đó: Tòa án chỉ áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 khi có đủ 02 yếu tố “phạm tội lần đầu” và “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Nếu bị cáo phạm tội lần đầu mà không phải thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc ngược lại phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nhưng lần phạm tội này không phải là phạm tội lần đầu thì không áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 (nay là điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015) để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Có ý kiến cho rằng, theo khoản 3 Điều 51 BLHS năm 2015: “Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”, nghĩa là, nếu các tình tiết giảm nhẹ đã là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, còn nếu không thuộc dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 nếu có. Như vậy, nếu bị cáo phạm tội lần đầu và gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy đến 03 năm tù thì phải áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” cho bị cáo, không phân biệt bị cáo phạm tội gì.
Quan điểm khác cho rằng, không phải bị cáo phạm bất kỳ tội gì nếu bị cáo có đủ 02 yếu tố nêu trên thì áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, mà cần phải xem xét các yếu tố khác. Bởi lẽ, có rất nhiều điều trong BLHS quy định khoản 1 có khung hình phạt cao nhất đến 03 năm tù, nếu hành vi phạm tội của bị cáo vi phạm đạo đức, bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ; đối tượng của tội phạm được xã hội quan tâm, bảo vệ,… thì dù bị cáo có đủ hai yếu tố trên nhưng không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.
Quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng dẫn đến việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” không chính xác.
Ví dụ: Khoảng 20h00 phút, ngày 03/6/2018, tại nhà chị Nguyễn Thị N, thuộc xã A, huyện M, tỉnh G, Trần Văn T vì không làm chủ được bản thân đã có hành vi cho cháu Nguyễn Mai H (sinh ngày 25/5/2011) dùng tay và miệng kích thích vào dương vật của T, T dùng tay sờ mó vào bộ phận sinh dục của cháu H. Bản án của Tòa án quân sự Khu vực X Quân khu Y xét xử Trần Văn T phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo khoản 1 Điều 146 BLHS năm 2015 và nhận định bị cáo T phạm tội lần đầu; khoản 1 Điều 146 BLHS năm 2015 có khung hình phạt đến 03 năm tù thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Áp dụng khoản 1 Điều 146; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; khoản 1, khoản 2, khoản 5 Điều 65 BLHS năm 2015, xử phạt Trần Văn T 08 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 16 tháng.
Sau khi xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát quân sự Quân khu Y ra quyết định kháng nghị, nội dung: Kết luận của bản án hình sự sơ thẩm về tội danh như đã nêu trên để xử phạt bị cáo Trần Văn T là có căn cứ, tuy nhiên, do chưa đánh giá hết tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, hậu quả nghiêm trọng của vụ án do bị cáo gây ra cũng như thực trạng tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục có chiều hướng diễn biến phức tạp trong giai đoạn hiện nay, nên việc Hội đồng xét xử áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là không phù hợp. Xử phạt bị cáo Trần Văn T 08 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 16 tháng là quá nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe giáo dục và phòng ngừa chung.
Ngày 12/3/2019, Tòa án quân sự Quân khu Y xét xử phúc thẩm: Chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” đối với Trần Văn T, sửa hình phạt tù cho hưởng án treo tại bản án của Tòa án quân sự Khu vực X Quân khu Y và tuyên phạt Trần Văn T 12 tháng tù.
Tác giả cho rằng, mặc dù bị cáo T có đầy đủ 02 yếu tố như Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC hướng dẫn nhưng vì đối tượng xâm hại của tội phạm là trẻ em, được Nhà nước, xã hội, công dân có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ. Để bảo vệ danh dự, nhân phẩm, sức khỏe cho trẻ em và ngăn ngừa loại tội phạm này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-Tgg ngày 16/5/2017 đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án, Viện kiểm sát các cấp xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Hành vi phạm tội của bị cáo T đã xâm phạm đến khách thể rất quan trọng được pháp luật hình sự nước ta bảo vệ, đó là quyền bất khả xâm phạm về tình dục của con người, của trẻ em, xâm phạm sự phát triển bình thường về sinh lý và thể chất, danh dự, nhân phẩm của trẻ em. Tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, bị hại Nguyễn Mai H mới hơn 07 tuổi, hành vi phạm tội của bị cáo để lại hậu quả nặng nề đến tâm sinh lý và sự phát triển của cháu H. Mặt khác, thời gian gần đây, các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do vậy, T không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là phù hợp.
Thứ ba, về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015.
Khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015 quy định: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”. Ngoài tình tiết “đầu thú”, các tình tiết giảm nhẹ khác tại khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015 còn mang tính tùy nghi nên việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này phụ thuộc vào nhận định chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến việc áp dụng không thống nhất. Chẳng hạn, trong một vụ án này có tình tiết ông, bà nội là liệt sĩ, có công với cách mạng được Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015 để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo; trong vụ án khác bị cáo có ông, bà ngoại là liệt sĩ thì tình tiết này lại không được áp dụng.
Theo hướng dẫn tại Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của Tòa án nhân dân tối cao: “Ngoài ra, khi xét xử tùy từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án”. Vấn đề đặt ra là khái niệm “các tình tiết khác” ở đây còn chung chung, dễ dẫn đến việc tùy nghi áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án, đặc biệt khi xét xử phúc thẩm vận dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015 để sửa bản án sơ thẩm, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo không phù hợp, gây khó khăn cho Tòa án xét xử sơ thẩm.
Một số đề xuất, kiến nghị
Từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tác giả có những đề xuất, kiến nghị như sau:
Một là, cần ban hành hướng dẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 để áp dụng thống nhất trong thực tiễn, việc xác định “gây thiệt hại không lớn” tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 cần dựa vào mức độ thiệt hại xảy ra trên thực tế cho người bị thiệt hại và cho xã hội (cả thiệt hại vật chất, thể chất, tinh thần); các quy định cụ thể của từng loại tội phạm, tính chất mức độ nguy hiểm của tội phạm trong từng trường hợp cụ thể.
Hai là, đối với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, cần quy định cụ thể một số tội danh không được áp dụng do đối tượng của tội phạm được xã hội quan tâm, bảo vệ; hành vi phạm tội của bị cáo vi phạm đạo đức nghiêm trọng, bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ… (như Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi; Tội đào ngũ…).
Ba là, cần có Nghị quyết hướng dẫn thi hành về các trường hợp cụ thể: Thế nào là “tình tiết khác” theo khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015.
Đồng thời, theo nhóm tác giả, không nên nêu cụ thể tình tiết “đầu thú” để đảm bảo tính phù hợp và giá trị pháp lý của tình tiết này với các tình tiết khác không được liệt kê ra. Khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015 có thể sửa đổi thành: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án”. Đồng thời bổ sung tình tiết giảm nhẹ “đầu thú” vào điểm r khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015: … “r) Người phạm tội tự thú, đầu thú”.
Bốn là, cần có văn bản hướng dẫn áp dụng 04 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định mới tại các điểm đ “phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội”, điểm l “phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra”, điểm p “người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng”, điểm x “người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ” (khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015).
Ths. Lê Đình Nghĩa - Nguyễn Tất Trình
Bài viết chưa có bình luận nào.