Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và vận dụng trong xây dựng nhà nước pháp quyền
(kiemsat.vn) Việc thấm nhuần sâu sắc và quán triệt đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong tổ chức và vận hành nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân thể hiện trình độ kết hợp nhuần nhuyễn quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin với việc kế thừa, tiếp thu có chọn lọc kho tàng tri thức, kinh nghiệm của nhân loại, vận dụng sáng tạo vào điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam.
Thứ nhất, nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân
“Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam” (1) - đó là tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị tiến hành cuộc Tổng tuyển cử. Người khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì có quyền đi bầu cử… Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân” (2). Quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân, do nhân dân ủy thác cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nhân dân có quyền kiểm soát đại biểu mà mình đã bầu ra. Người viết: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình” (3).
Thứ hai, nhà nước hợp hiến, hợp pháp, quản lý xã hội bằng pháp luật, kết hợp với giáo dục đạo đức
Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày trước Hội đồng Chính phủ Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó nhiệm vụ thứ ba được đề cập là xây dựng một Hiến pháp dân chủ. Hiến pháp năm 1946 do Hồ Chủ tịch chỉ đạo soạn thảo đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập một Nhà nước của nhân dân, thiết lập trật tự xã hội trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 47 về việc tạm giữ lại các luật lệ cũ, giữ lại mọi luật lệ cũ, chỉ trừ những điều luật trái với nền độc lập, tự do và ban hành một loạt sắc lệnh cần thiết cho việc xây dựng, củng cố chính quyền, ổn định đời sống nhân dân. Người cũng rất quan tâm sửa sang pháp luật và luôn nhắc nhở cơ quan nhà nước phải chú ý lo việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật cho ngày càng hoàn chỉnh hơn, phù hợp hơn với điều kiện, hoàn cảnh mới phát sinh.
Một nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn pháp luật và đạo đức trong quản lý nhà nước và xã hội. Là người theo lập trường mácxít về nhà nước và pháp luật, hiển nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh phải đề cao pháp luật. Tư tưởng và hành động của Người đã chứng minh điều ấy. Nhưng là một người Á Đông vốn thấu hiểu bản chất và những giới hạn vốn có của pháp trị cũng như thấu hiểu sự trường tồn và vai trò của đức trị nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không tuyệt đối hoá một trong hai công cụ quản lý nhà nước ấy. Theo Người, đạo đức là gốc của pháp luật, còn pháp luật chính là đạo đức chuẩn mực trong xã hội. Chính vì vậy, cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là tấm gương sáng ngời về tinh thần đề cao, tôn trọng pháp luật song song với việc kiên trì và bền bỉ trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng.
Thứ ba, nhà nước tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (4). Đây là một trong những bản tuyên ngôn nhân quyền có tinh thần cách mạng, khoa học và nhân văn cao cả; phản ánh một tầm nhìn thời đại, một tư duy sắc sảo về quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người không chỉ dừng lại ở quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc mà Người còn bàn tới quyền làm chủ, quyền được pháp luật bảo vệ, quyền đi lại, cư trú, quyền làm công dân, quyền hôn nhân và xây dựng gia đình, quyền sở hữu tài sản, quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo… Có thể nói, quyền con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh là một khái niệm phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu trên các phương diện quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội...
Thứ tư, nhà nước có hệ thống pháp luật dân chủ, thể hiện ý chí, lợi ích của nhân dân
Trong tác phẩm Thường thức chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cách mạng tháng Tám thành công ta lập ra Chính phủ mới với pháp luật mới của nhân dân để chống kẻ địch trong và ngoài, và để giữ gìn quyền lợi của nhân dân” (5).
Tính dân chủ của pháp luật không chỉ thể hiện ở chỗ nội dung các đạo luật ghi nhận quyền và lợi ích của nhân dân mà còn thể hiện ở chỗ nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng các đạo luật. Việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ sáng kiến của nhân dân, có sự tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân. Trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 1959, việc bảo đảm sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân vào xây dựng pháp luật đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Để đảm bảo pháp luật thực sự của nhân dân, trong quá trình xây dựng Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Bản Hiến pháp mà chúng ta đã thảo ra… phải tiêu biểu được các nguyện vọng của nhân dân... Sau khi thảo xong chúng ta cần phải trưng cầu ý kiến của nhân dân cả nước một cách thật rộng rãi. Có như thế bản Hiến pháp của chúng ta mới thật sự là bản Hiến pháp của chế độ dân chủ” (6).
Thứ năm, nhà nước có trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước nhân dân, công dân phải làm tròn nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm pháp lý của Đảng, Nhà nước và cán bộ đảng viên nếu không làm tốt chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” (7).
Bác đã nhắc nhở: Nhà nước phải có chính sách phát triển kinh tế - xã hội thiết thực, đáp ứng lợi ích của quần chúng nhân dân, “đạo nghĩa, là chính sách của Chính phủ đối với quần chúng. Chính sách này phải phù hợp với nguyện vọng và quyền lợi của dân chúng. Đối với dân, Chính phủ phải thi hành một nền chính trị liêm khiết như cải thiện đời sống của nhân dân, cứu tế thất nghiệp, sửa đổi chế độ xã hội, phát triển kinh tế, văn hoá... Có như thế, dân chúng mới đoàn kết chung quanh Chính phủ, mới vì quyền lợi thiết thân của mình mà hy sinh sống chết giết giặc” (8).
Tư tưởng đó được Bác nhắc lại lần cuối trong Di chúc của Người: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” (9).
Nhà nước công nhận và tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình, còn công dân phải làm tròn các nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội, đặc biệt là nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
Thứ sáu, có biện pháp kiểm soát quyền lực nhà nước, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong nhà nước kiểu mới, thanh tra, kiểm tra, giám sát là các biện pháp hữu ích giúp phát hiện, ngăn chặn, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực khác.
Ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, ngày 23/11/1945, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh thành lập Ban thanh tra đặc biệt với nhiệm vụ thanh tra tất cả các công việc và các nhân viên của Uỷ ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ. Người nhấn mạnh: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo bao nhiêu, khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi” (10). Người còn chỉ rõ muốn kiểm soát “phải có hệ thống, phải thường làm…”, “người kiểm soát phải là những người rất có uy tín” và “không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà chờ người ta báo cáo, mà phải đi tận nơi, xem tận chỗ”, “kết hợp kiểm soát “từ dưới lên” và “từ trên xuống” (11).
Thứ bảy, nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân phải có đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, trong sạch, thực sự là công bộc của nhân dân
Hồ Chủ tịch đã đề ra những yêu cầu đối với cán bộ, công chức, đó là: “Những người tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong đấu tranh; những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng…; những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn…; những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật” (12).
Trong hầu hết các bài nói, bài viết từ diễn văn ở Đại hội Đảng cho đến các buổi nói chuyện gặp gỡ ngắn ngủi với cán bộ các cấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đề cập vấn đề cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư của đội ngũ cán bộ, công chức.
Tư tưởng về nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân của Hồ Chủ tịch không chỉ dừng lại ở văn bản pháp luật, trong các bài nói, bài viết của Người mà còn thấm đẫm một tấm lòng thương yêu nhân dân, chăm lo cho dân, chăm lo cho ấm no, hạnh phúc của nhân dân, thấm đượm lòng nhân ái, nghĩa đồng bào theo đạo lý truyền thống ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Vì thế, pháp quyền Hồ Chí Minh là một nền pháp quyền đặc biệt, pháp quyền nhân nghĩa - một thứ nhân nghĩa có nội hàm triết lý, mang đậm tính dân tộc và sâu sắc vô cùng. Có thể khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân đã phát triển tới một đỉnh cao, phản ánh sự hoàn thiện của tư duy vừa khoa học, tiến bộ vừa nhân văn cao cả, hướng tới xây dựng một nhà nước chứa đựng đầy đủ những giá trị cao quý nhất của nền văn minh thế giới, của thời hiện đại, đó là những chân giá trị của chế độ nhà nước dân chủ và pháp quyền.
2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay
Tư tưởng của Người đã được vận dụng trong quá trình xây dựng Hiến pháp năm 2013. Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.
Để tiếp tục vận dụng tư tưởng của Người trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, cần tập trung vào một số nội dung sau đây:
Một là, nhanh chóng cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia và triển khai thực hiện bầu cử theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015
Để bảo đảm bộ máy nhà nước thực sự của dân, do dân, được thành lập theo đúng ý chí, sự lựa chọn của nhân dân, cần triển khai thực hiện quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia - một thiết chế độc lập có vai trò chỉ đạo, điều hành, bảo đảm các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân được tiến hành một cách dân chủ, khách quan. Đồng thời, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chính trị, ý thức công dân của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân để họ tham gia chủ động, tích cực, đông đảo và có tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn những đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân có bản lĩnh, năng lực và phẩm chất đạo đức tốt.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, nâng cao năng lực xây dựng pháp luật, bảo đảm có hệ thống pháp luật toàn diện, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật xuất phát từ yêu cầu thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và khắc phục những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành. Quá trình đó đòi hỏi phải quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc bảo đảm tính dân chủ, công khai trong quá trình xây dựng pháp luật. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân, nghiêm túc tập hợp, tiếp thu, chỉnh lý văn bản theo ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, của đối tượng tác động của văn bản, bảo đảm tính hiệu quả, khoa học và sự phù hợp của pháp luật với thực tế khách quan. Tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tư vấn, trợ giúp pháp lý để pháp luật được triển khai thực hiện trong cuộc sống. Đồng thời, cần thường xuyên tiến hành tổng kết thi hành pháp luật, rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật, kịp thời phát hiện và khắc phục những điểm bất cập, thiếu sót, mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật.
Ba là, khẩn trương thể chế hóa các quy định về quyền con người, quyền và tự do hiến định của công dân, bảo đảm trách nhiệm hai chiều giữa Nhà nước và công dân
Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận và ràng buộc trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm, thúc đẩy và thực thi quyền con người, quyền và tự do của công dân. Triển khai thực hiện Hiến pháp đòi hỏi phải xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ ban hành luật của nhà nước, đặc biệt là các luật về quyền tự do lập hội, quyền biểu tình… nhà nước không thể viện dẫn lý do vì chưa có luật mà hoãn hoặc không thực thi quyền con người, quyền công dân; bảo đảm nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự “chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người”13. Đồng thời, cần tuyên truyền, giáo dục về quyền và nghĩa vụ của công dân, nâng cao trách nhiệm công dân chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp lợi dụng quyền và tự do dân chủ để phá rối trật tự, trị an, xâm phạm lợi ích của nhà nước, của xã hội và công dân.
Bốn là, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy nhà nước
Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước phải bảo đảm tất cả các loại quyền lực và thực thi quyền lực nhà nước phải bị kiểm soát; không có cơ quan, tổ chức, không có chức danh nào được đặt ngoài tầm kiểm soát, nhất là kiểm soát của nhân dân; phải có cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý, trả lời các phát hiện, khiếu nại, tố cáo của nhân dân và các chủ thể khác đối với quá trình thực thi quyền lực và trong thời hạn xác định phải có kết luận rõ ràng; bảo đảm mọi vi phạm hoặc lạm dụng quyền lực để trục lợi đều có khả năng phát hiện và khi phát hiện phải có chế tài xử lý nghiêm minh mới bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.
Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền
Đổi mới đồng bộ các nội dung, các khâu của công tác cán bộ: Xây dựng và thực hiện tốt chiến lược và quy hoạch cán bộ, chú trọng cán bộ cấp chiến lược, cán bộ quản lý, khoa học, công nghệ có trình độ cao, cán bộ nữ, cán bộ vùng dân tộc thiểu số; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bảo đảm nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị; rèn luyện đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đổi mới cơ chế tuyển dụng, đánh giá cán bộ bảo đảm khách quan, dân chủ, công khai và khoa học để đánh giá đúng đắn, bố trí đội ngũ cán bộ hợp lý, tuyển dụng đúng người đáp ứng yêu cầu công việc; trong tuyển dụng cán bộ, công chức cần chủ động tạo nguồn, có cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn nhân tài để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra cán bộ, công chức để đánh giá và bố trí cán bộ hợp lý và áp dụng chính sách thích hợp; chú trọng sự giám sát của nhân dân và các tổ chức xã hội để kịp thời ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực của cán bộ, công chức./.
1. Điều 1, Hiến pháp năm 1946.
2. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994, tập 4, tr.153.
3. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994, tập 12, tr.375.
4. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994, tập 4, tr.1.
5. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994, tập 8, tr. 262.
6. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994, tập10, tr.510-511.
7. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994, tập 9, tr.518.
8. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994, tập 4, tr.258.
9. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994, tập 15, tr. 612.
10. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994, tập 5, tr.327.
11. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994, tập 5, tr.327.
12. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994, tập 5, tr.315.
13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội 2001, tr. 134.
PGS.TS Tào Thị Quyên
Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.