Tự đào tạo - Giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc dân sự
(kiemsat.vn) Việc triển khai mô hình Tổ khoa học là biện pháp hiệu quả, thiết thực trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự; đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Tiền Giang. Thông qua hoạt động của Tổ, các thành viên thường xuyên có cơ hội rèn luyện kỹ năng trình bày, tranh luận, nghiên cứu tổng hợp để phát triển tư duy phản biện, bản lĩnh của Kiểm sát viên.
Quyền kháng nghị của Viện kiểm sát trong thi hành án hình sự
Trao đổi việc đánh giá, sử dụng chứng cứ khi định tội danh về hành vi cố ý gây thương tích
Bàn về thẩm quyền xét xử trường hợp phạm tội trong khu vực Quân đội quản lý, bảo vệ
Thời gian qua, số lượng các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình ở Tiền Giang có chiều hướng gia tăng về số lượng cũng như tính chất phức tạp. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Tiền Giang luôn xác định công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự là nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, công tác tự đào tạo là giải pháp thiết thực cần được quan tâm. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, việc thành lập Tổ khoa học vừa để hỗ trợ giải quyết các vụ việc dân sự phức tạp, vừa là một trong những phương pháp tự đào tạo hiệu quả.
1. Mục đích, ý nghĩa của việc tự đào tạo và việc thành lập Tổ khoa học
Trong điều kiện các yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, biên chế cắt giảm, đòi hỏi cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác dân sự phải không ngừng tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, việc cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn hạn chế. Vì vậy, việc tập trung cho công tác đào tạo tại chỗ là giải pháp tối ưu được lãnh đạo VKSND tỉnh Tiền Giang quan tâm, tổ chức thực hiện trong nhiều năm. Do đó, việc thành lập và triển khai mô hình Tổ khoa học nhằm đáp ứng các yêu cầu sau: (1) Kiểm sát tốt việc giải quyết các vụ việc phức tạp như: Vụ án có nhiều đương sự, nhiều quan hệ tranh chấp; các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế, tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp chia tài sản chung…; các vụ việc dân sự không thể thu thập đầy đủ chứng cứ, không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật…; (2) Nâng cao số lượng và chất lượng kháng nghị (đây là yêu cầu Viện trưởng VKSND tối cao đề ra trong kế hoạch hàng năm, nhằm khẳng định quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát); (3) Chủ động đào tạo tại chỗ: Bổ sung kiến thức, nghiệp vụ; nâng cao khả năng xử lý nhanh; rèn luyện bản lĩnh; kỹ năng sử dụng phương pháp làm việc nhóm, phương pháp phối hợp, liên kết, tổng hợp… (4) Tổ khoa học là môi trường thuận lợi để học hỏi, lĩnh hội kiến thức pháp luật, nghiệp vụ kiểm sát. Mỗi thành viên của Tổ không chỉ cần am hiểu pháp luật mà phải luôn tìm hiểu, cập nhật kiến thức về chính trị, văn hóa, phong tục tập quán… cùng với đó khả năng tư duy, phản ứng nhanh với các tình huống phát sinh.
Mô hình Tổ khoa học được VKSND tỉnh Tiền Giang triển khai ban đầu tại Phòng kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự (Phòng 9) với tên gọi: “Tổ giải quyết án”, được phân thành 04 nhóm với các nhiệm vụ: (1) Xử lý các vụ việc có kháng nghị; (2) Xử lý các vụ việc sơ thẩm phức tạp; (3) Xử lý các vụ việc phúc thẩm hoặc đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm; (4) Xử lý các vụ việc phức tạp theo yêu cầu của lãnh đạo Viện, các chuyên đề, sơ kết, yêu cầu, kiến nghị, thông báo rút kinh nghiệm. Tại VKSND cấp huyện, thành lập Tổ khoa học với tên gọi khác là: “Tổ nghiên cứu, phản biện”.
Về cách thức, Tổ khoa học không hoạt động định kỳ mà chỉ sinh hoạt khi có vụ việc phức tạp phát sinh hoặc theo yêu cầu của lãnh đạo. Quá trình thảo luận từng thành viên phải đưa ra tình huống giả định phản biện và người được giao báo cáo, đề xuất phương án phải đưa ra luận cứ chứng minh bảo vệ quan điểm của mình. Tổ trưởng sẽ kết luận trên ý kiến đa số và trình lãnh đạo Viện xem xét, quyết định.
Về nhân sự, thành viên của Tổ gồm lãnh đạo, Kiểm sát viên, chuyên viên có khả năng nghiên cứu, tổng hợp và phản biện. Đó là sự kết hợp giữa các đồng chí có kinh nghiệm công tác và các cán bộ trẻ, nhạy bén, năng động, trong đó, vai trò “hạt nhân” là lãnh đạo phòng 9 (đối với cấp tỉnh) và lãnh đạo Viện (đối với cấp huyện). Trong từng lĩnh vực cụ thể cần bố trí bộ phận nghiệp vụ liên quan tham gia để có cách nhìn nhận, giải quyết đa chiều, toàn diện.
2. Một số kết quả đạt được
Mô hình Tổ khoa học được triển khai hiệu quả đã nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự và tạo chuyển biến rõ nét trong hoạt động tự đào tạo của đơn vị, cụ thể:
Giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ việc khó khăn, phức tạp: Thông qua các cuộc họp, các thành viên của Tổ thảo luận, cho ý kiến đối với những nội dung chưa thống nhất quan điểm, đề xuất hướng giải quyết. Với việc phát huy cao độ, tinh thần trách nhiệm, trí tuệ tập thể nên hầu hết, các vụ việc đều thống nhất được hướng xử lý, giải quyết nhanh chóng, đúng quy định. Đồng thời, kịp thời phát hiện vi phạm trong việc giải quyết án dân sự của Tòa án cùng cấp để ban hành kháng nghị phúc thẩm, không để phát sinh án dân sự bị cấp phúc thẩm hủy, sửa liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát. Trong 05 năm qua, Tổ khoa học đã giải quyết được nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp. Trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình và kinh doanh thương mại, lao động đã ban hành 187 kháng nghị trên và ngang cấp, số kháng nghị được Tòa án chấp nhận là 142/176 (đạt 80,68 %), vượt 10,68% so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Riêng VKSND huyện Cái Bè triển khai khá hiệu quả mô hình Tổ nghiên cứu, phản biện. Từ năm 2016 đến năm 2021, đơn vị đã ban hành 56 kháng nghị phúc thẩm, được Viện kiểm sát tỉnh bảo vệ 52/52 vụ đã xét xử (đạt 100%), không phát sinh án dân sự bị cấp phúc thẩm hủy, sửa liên quan trách nhiệm của Viện kiểm sát.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo tại chỗ: Thông qua hoạt động của Tổ khoa học, các thành viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng trình bày, đối đáp, tranh luận; phát triển tư duy phản biện trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ. Từ đó, tạo cho cán bộ Kiểm sát niềm tin nội tâm vững vàng nhưng không chủ quan, tính thận trọng nhưng không bảo thủ trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Hình thức đào tạo tại chỗ này tạo điều kiện xây dựng và phát triển nguồn cán bộ có chất lượng, không chỉ phục vụ công tác của đơn vị, mà còn đáp ứng yêu cầu công tác của ngành, địa phương. Thông qua hoạt động của Tổ khoa học có những Kiểm sát viên chưa dự thảo được kháng nghị nay đã thực hiện được và bảo vệ thành công những kháng nghị đó. Mô hình phản biện cũng được đánh giá cao thông qua hoạt động của cán bộ, Kiểm sát viên trong các vụ án dân sự; tác phong làm việc, khả năng tranh luận đối đáp tại phiên tòa.
Tạo sự thống nhất trong cách hiểu, đánh giá và áp dụng pháp luật: Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, các văn bản quy phạm pháp luật đã không ngừng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều quy định chưa được hướng dẫn kịp thời, dẫn đến có nhiều cách hiểu và vận dụng không thống nhất. Qua thảo luận, phản biện từ ý kiến của các thành viên Tổ khoa học, lãnh đạo có thể kịp thời điều chỉnh, hướng dẫn, giải thích để áp dụng pháp luật đồng bộ; đồng thời, góp phần xây dựng pháp luật.
Là cơ sở định hướng cho công tác cán bộ: Thông qua việc đào tạo, đánh giá trình độ, năng lực của từng cán bộ, công chức, lãnh đạo đơn vị xem xét, phân công công tác phù hợp với năng lực, sở trường của từng đồng chí; đồng thời, tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thực tế tại VKSND tỉnh Tiền Giang cho thấy, phần lớn các thành viên Tổ khoa học qua một thời gian phấn đấu, trưởng thành đều được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.
Nâng cao uy tín của Viện kiểm sát đối với cấp ủy địa phương: Viện kiểm sát đã phối hợp với các cơ quan tư pháp cùng cấp giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ việc phức tạp phát sinh, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Trong công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng chống tham nhũng, Viện kiểm sát cấp huyện (có một số vụ việc thông qua hoạt động của Tổ phản biện) đã có nhiều ý kiến tham mưu, đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời phát hiện và ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu các cơ quan hữu quan khắc phục vi phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động của Tổ khoa học chưa được duy trì thường xuyên, liên tục, đôi lúc còn lạm dụng “đặt hàng” cho Tổ khoa học nhiều vụ việc chưa tới mức độ phức tạp, làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn bình thường. Một số trường hợp do yêu cầu cấp bách, thành viên Tổ khoa học chưa có nhiều thời gian nghiên cứu sâu hồ sơ, tài liệu nên việc thảo luận, phản biện còn phân tán, kéo dài, chưa đạt kết quả như mong muốn. Ngoài ra, từ khi thành lập đến nay, thành viên của Tổ thường xuyên có sự thay đổi theo yêu cầu biên chế của ngành, ảnh hưởng đến hoạt động ổn định của Tổ khoa học.
3. Giải pháp nâng cao chất lượng tự đào tạo
Thứ nhất, thường xuyên rà soát, kiện toàn, phát triển Tổ khoa học, đảm bảo tính ổn định; khi thực hiện việc luân chuyển, điều động cán bộ theo quy định của ngành, đặc biệt chú trọng lựa chọn, bổ sung những đồng chí năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Thứ hai, tập trung chuẩn hoá hoạt động của Tổ khoa học, Tổ phản biện vào một mô hình thống nhất, hoạt động nền nếp, thường xuyên, áp dụng cho VKSND hai cấp tỉnh, huyện; không chỉ tập trung vào việc thảo luận, đưa ra biện pháp giải quyết các vụ việc, vụ án khó khăn, phức tạp mà còn phải mở rộng nghiên cứu chuyên sâu về nhiều lĩnh vực nghiệp vụ. Định kỳ, Tổ họp đánh giá kết quả và đề ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới.
Thứ ba, luôn đổi mới hoạt động Tổ khoa học, trong đó phải xây dựng tiêu chí chọn án khó, phức tạp để tránh tùy tiện, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của các Kiểm sát viên; tiếp tục chia ra từng nhóm nghiên cứu chuyên sâu, kịp thời giải quyết các vụ việc vướng mắc, phức tạp; án có kháng nghị, đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Đồng thời, đổi mới cách đặt yêu cầu đối với các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên báo cáo giải quyết vụ việc dân sự (phải đưa trước dự thảo quan điểm cho lãnh đạo và Tổ nghiên cứu, xây dựng tình huống giả định); qua đó, các thành viên chất vấn người báo cáo và đưa ra những tình huống giả định có thể xảy ra để phản bác đề xuất đó. Người báo cáo phải đưa ra lập luận, chứng cứ chứng minh một cách đầy đủ, khách quan, toàn diện để bảo vệ quan điểm của mình. Đây là một phương pháp nhằm bồi dưỡng kỹ năng phân tích tổng hợp, tranh luận, phản biện, nghiên cứu hồ sơ và rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp.
Thứ tư, tham khảo các mô hình đào tạo tại chỗ của đơn vị khác trong ngành nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ Kiểm sát để phát huy lợi thế của Tổ khoa học, học hỏi những cách làm hay để phổ biến, nhân rộng.
Thứ năm, quan tâm, biểu dương, khen thưởng kịp thời thành viên có đóng góp tích cực nhằm phát huy vai trò tham mưu của Tổ, tạo động lực để Tổ khoa học hoạt động hiệu quả hơn./.
Hoàn thiện pháp luật về sử dụng lao động trẻ em ở Việt Nam
Những lưu ý khi kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế tại tòa án cấp sơ thẩm
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số vướng mắc trong quy định của pháp luật về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ
Bài viết chưa có bình luận nào.