Tiêu chuẩn để trở thành Kiểm sát viên – chức danh tư pháp chủ chốt của VKSND

25/08/2016 10:00

Kiểm sát viên là một chức danh tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân, có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; họ là hình ảnh tập trung nhất, gần gũi, sinh động nhất về Viện kiểm sát nhân dân; là ước mơ, mục tiêu phấn đấu của rất nhiều sinh viên luật và cả những cán bộ trẻ mới vào ngành Kiểm sát. Vậy, để trở thành Kiểm sát viên cần những tiêu chuẩn gì?

Theo quy định tại Điều 75 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, tiêu chuẩn chung của Kiểm sát viên đó là:

1. Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

2. Có trình độ cử nhân luật trở lên.

3. Đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát.

4. Có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của Luật này.

5. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Kiểm sát viên được được chia thành 4 ngạch:

– Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao

– Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp

– Kiểm sát viên sơ cấp.

Mỗi ngạch Kiểm sát viên sẽ có thêm các điều kiện khác. Đối với với ngạch Kiểm sát viên sơ cấp, ngoài các điều kiện chung được nêu trên, cần đảm bảo thời gian công tác pháp luật từ 04 năm trở lên, có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Kiểm sát viên sơ cấp.

Đối với Kiểm sát viên trung cấp, cao cấp, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, những điều kiện chung như trên, còn phải đáp ứng những yêu cầu ở mức cao hơn (Xem các điều: 78, 79, 80 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014).

Nhiệm kỳ Kiểm sát viên lần đầu được bổ nhiệm có thời hạn là 5 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thời hạn là 10 năm.

Ngoài ra, điểm mới trong quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014, người được bổ nhiệm Kiểm sát viên phải tuyên thệ:

1. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, tận tụy phục vụ nhân dân;

2. Đấu tranh không khoan nhượng với mọi tội phạm và vi phạm pháp luật;

3. Kiên quyết bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, lẽ phải và công bằng xã hội;

4. Không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”;

5. Nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, nguyên tắc tổ chức hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.
Thiên Thanh

Quy định mới về thi đua, khen thưởng

(Kiemsat.vn) - Bài viết là những quy định mới về công tác thi đua khen thưởng có liên quan đến ngành Kiểm sát nhân dân; được tổng hợp, phân tích từ Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Thông tư số 08/2017/TT-BNV.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang