Tiếp tục duy trì lễ hội chọi trâu Đồ Sơn
(kiemsat.vn) – Sáng 7/9 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã tổ chức tọa đàm Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Hầu hết các ý kiến từ các đại biểu đều nhất trí tiếp tục duy trì lễ hội này.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017: An toàn, thành công
Đà Nẵng lung linh sắc màu trong đêm khai mạc DIFF 2017
Chùm ảnh: Hoa anh đào đẹp mê hồn trong mắt người Hà Nội
Tai nạn hy hữu sau hàng trăm năm tổ chức
Chọi trâu Đồ Sơn có từ bao giờ? Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào xác định chính xác lịch sử hình thành lễ hội quan trọng bậc nhất tại Hải Phòng này. Cộng đồng địa phương còn lưu truyền nhiều câu truyện, truyền thuyết về lễ hội, truyền thuyết nào cũng có những lý lẽ riêng của mình. Nhưng tất cả truyền thuyết đó đều có điểm chung khẳng định lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một dạng nghi thức dâng tế Thủy Thần với cầu mong ra khơi gió lộng, bình yên của người dân đi biển.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hoá nông nghiệp đồng bằng với văn hoá cư dân ven biển; mang sắc thái riêng, gắn liền việc thờ cúng thuỷ thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu; thể hiện bản sắc văn hóa, tinh thần cùng thể chất đặc biệt của người dân miền biển hàng ngày đối diện với biển khơi và bão tố để mưu sinh.
Hiến tế các “ông trâu” sau Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một nghi thức thờ cúng Thủy Thần của cư dân ven biển
Vì lẽ đó, trước đây, những trâu chiến thắng trong hội được đưa lên thuyền, mang ra khơi xa rồi hắt xuống để tế thần. Về sau này, những trâu giải nhất hàng tổng được rước bát hương đền Nghè và rước cờ đại “Thượng đẳng thần” về làng, sau đó được dân làng giết thịt làm lễ hiến sinh tế lễ dâng thành hoàng, xin thành hoàng cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, cho mùa đánh cá sau được may mắn, thuận lợi.
Sau hàng thế kỷ duy trì tổ chức, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2013. Có thể nói, chọi trâu Đồ Sơn đã trở thành một niềm tự hào của người dân nơi đây nói riêng và người Hải Phòng nói chung. Tuy nhiên, ngày 01/7/2017 vừa qua, một tai nạn bi thảm và hy hữu đã xảy ra tại trận đấu vòng loại lễ hội chọi trâu 2017. Chủ trâu số 18, anh Đinh Xuân Hướng (47 tuổi, P.Vạn Hương, Q.Đồ Sơn) đã bị chính con trâu của mình húc trọng thương. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến mọi người không kịp cứu giúp, anh Hướng sau đó đã qua đời tại bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng vì vết thương quá nặng.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch đã có công văn hỏa tốc gửi Sở Văn hoá, thể thao và du lịch Hải Phòng, đề nghị tạm thời dừng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017. “Trường hợp khi công tác chuẩn bị cho các hoạt động lễ hội chưa đảm bảo an toàn theo quy định, đề nghị báo cáo UBND thành phố Hải Phòng tạm thời dừng việc tổ chức lễ hội chọi trâu năm 2017”.
Cục Văn hoá cơ sở đề nghị Sở Văn hoá, thể thao và du lịch Hải Phòng báo cáo biện pháp khắc phục hậu quả của sự cố đáng tiếc trên trước ngày 5-7.
Tiếp tục tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn
Sau tai nạn hy hữu trên, có nhiều ý kiến cho rằng cần loại bỏ lễ hội “dã man” này. Sự cố trên cũng khiến lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 bị huỷ, khiến phần lễ của bà con ngư dân Đồ Sơn diễn ra không trọn vẹn.
Để lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã tổ chức tọa đàm Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn với sự tham gia của nhiều chuyên gia văn hoá, đại diện chính quyền Đồ Sơn, UBND thành phố Hải Phòng và đại diện người dân Đồ Sơn. Toạ đàm đã thu hút hơn 50 đại biểu tham dự với khoảng 22 tham luận, và đều thống nhất tiếp tục duy trì chọi trâu Đồ Sơn.
Tọa đàm Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn do Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức
Tại Toạ đàm sáng nay, Ông Hoàng Xuân Minh, chủ tịch UBND quận Đồ Sơn chia sẻ: “Khi chúng tôi phải tạm dừng chọi trâu, nhiều cháu thiếu nhi ôm mặt khóc. Khi tiếp xúc cử tri, người dân Đồ Sơn đều có nguyện vọng tha thiết là lễ hội chọi trâu tiếp tục được duy trì. Đây không những là di sản mà còn là động lực phát triển kinh tế, hướng đến thương hiệu du lịch Đồ Sơn”. Thay mặt chính quyền địa phương, ông Minh cam kết, nếu tiếp tục thì ban tổ chức sẽ xây dựng thêm hàng rào, trại trâu kiên cố hơn, gia cố đường thoát cho trâu, quy định số người dắt trâu vào sân, tăng cường kiểm tra chất kích thích trâu…
Ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng đưa ra giải pháp, nếu xảy ra sự cố tương tự như vừa rồi thì có thể bắn thuốc gây mê để trâu chọi không gây ra tai nạn. Trước mắt, nếu đượ tiếp tục tổ chức, dự kiến những năm sau, số lượng trâu tham gia thi đấu giảm xuống chỉ còn 16 “ông trâu” và chỉ thi đấu một vòng chung kết vào 9-8.
“Mong mỏi của bà con chúng tôi là muốn duy trì lễ hội chọi trâu trường tồn mãi mãi”, ông Lưu Đình Đức, đại diện người dân Đồ Sơn đề nghị tha thiết đến hội thảo.
Bà Hoàng Thị Hoa, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khẳng định, việc ghi danh lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia là chính xác. Hàng loạt các đại biểu như Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Giáo sư Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch hội đồng Di sản quốc gia, khẳng định, dù được công nhận hay không thì lễ hội chọi trâu vẫn là di sản văn hoá, cần giữ gìn.
Bà Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch kết luận tọa đàm
Bà Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch kết luận tọa đàm, tất cả các ý kiến đều thống nhất đề nghị tiếp tục tổ chức chọi trâu Đồ Sơn. Nhưng nhiều ý kiến đề nghị phải điều chỉnh lễ hội chọi trâu Đồ Sơn một cách phù hợp. Bà Thuỷ đề nghị, phải thu gọn quy mô lễ hội, giảm số trâu tham dự đấu chọi hơn nữa. Chỉ tổ chức một vòng đấu duy nhất vào 9-8 âm lịch. Nếu bán thịt trâu chọi thì phải khoanh vùng cụ thể và kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như niêm yết mức giá. Về lâu dài, Hải Phòng cần xây dựng đề án để chấn chỉnh công tác quản lý chọi trâu Đồ Sơn.
Kết quả buổi toạ đàm này là một tin vui lớn với người dân Hải Phòng nói chung và người dân Đồ Sơn nói riêng. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn truyền thống gắn liền với tín ngưỡng thờ Thuỷ Thần của bà con ngư dân ven biển sẽ được tiếp tục vào những năm tới.
Sơn Tùng
Lễ hội Hoa hồng Bulgaria: Khách tham quan bức xúc đòi trả lại vé
-
1Bình Dương tổ chức Hội nghị về thể dục thể thao
-
2Cơ hội vàng sở hữu căn liền kề đẳng cấp tại Danko City
-
3Ấn tượng với trải nghiệm “xanh” được Vinamilk mang đến ngày hội Việt Nam Xanh
-
4Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
5Vinamilk nhận loạt giải thưởng về quản trị và phát triển bền vững
-
6ROX Group duy trì sức hút của “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”
Bài viết chưa có bình luận nào.