Thực trạng xử lý tài sản bảo đảm thông qua công tác kiểm sát việc thi hành án đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng

27/07/2023 08:00

(kiemsat.vn)
Qua công tác kiểm sát thi hành án dân sự nói chung, kiểm sát thi hành án đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng nói riêng của Viện kiểm sát nhân dân các cấp thời gian qua, tác giả tổng hợp, phân tích một số vi phạm chủ yếu và nêu ra những khó khăn, vướng mắc; từ đó đề xuất các giải pháp kiến nghị nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới.

1. Một số dạng vi phạm phổ biến

Trong thời gian qua, số lượng vụ việc thi hành án dân sự (THADS) đối với các vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng ngày một tăng cao, tính chất vụ việc phức tạp, kéo dài; khoản phải thi hành án có giá trị lớn cùng với nhiều tài sản bảo đảm đã ảnh hưởng đến kết quả tổ chức thi hành án của hệ thống cơ quan THADS. Trong 06 năm (từ ngày 01/10/2016 đến ngày 30/9/2022), Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) các cấp đã thụ lý kiểm sát THADS hơn 180.000 việc, tương ứng với giá trị tiền hơn 772 nghìn tỉ đồng đối với các vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng (gọi chung là vụ án về tín dụng, ngân hàng). Trong năm 2022, VKSND các cấp đã thụ lý kiểm sát thi hành án về tín dụng, ngân hàng với tổng số hơn 37 nghìn việc, tương ứng với số tiền hơn 137 nghìn tỉ đồng; so với năm 2021, số thụ lý tăng 843 việc và tăng hơn 11 nghìn tỉ đồng. Số lượng các vụ việc thi hành án về tín dụng, ngân hàng chiếm tỉ lệ lớn cả về số lượng việc và giá trị tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn hệ thống cơ quan THADS (4,31% về việc và 41,14% về tiền).

Công tác kiểm sát THADS của VKSND các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực, các phương thức kiểm sát từng bước được đổi mới, vận dụng linh hoạt hơn trước; số lượng, chất lượng các cuộc trực tiếp kiểm sát được tăng cường; chất lượng các bản kiến nghị, kháng nghị của VKSND các cấp được nâng cao, được các cơ quan, tổ chức hữu quan chấp nhận tiếp thu, kịp thời sửa chữa, khắc phục vi phạm; phối hợp với các cơ quan hữu quan giải quyết dứt điểm nhiều việc thi hành án đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng phức tạp, kéo dài, trong đó ưu tiên giải quyết những việc tồn đọng từ nhiều năm, việc có đơn khiếu nại, tố cáo kéo dài, việc dư luận xã hội quan tâm.

Qua kiểm sát thi hành án về xử lý tài sản bảo đảm đối với các vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng đã phát hiện một số dạng vi phạm phổ biến sau:

Thứ nhất, vi phạm của Chấp hành viên, cơ quan THADS:

- Khi xác minh điều kiện thi hành án: Chấp hành viên không tiến hành xác minh hoặc chậm xác minh điều kiện THADS; không yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án (vi phạm khoản 4 Điều 20, khoản 1 Điều 44 Luật THADS năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 - sau đây gọi tắt là Luật THADS năm 2008).

Theo quy định của pháp luật, đối với tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, việc xác minh tại cơ quan có chức năng quản lý, đăng ký tài sản (Cơ quan tài nguyên và môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất...) là thủ tục bắt buộc, nhằm xác định chính xác điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nhưng trong một số trường hợp, Chấp hành viên không xác minh tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài san (vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều 44 Luật THADS năm 2008).

- Vi phạm trong việc kê biên tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, như: Trước khi kê biên, Chấp hành viên không kiểm tra, xác minh đầy đủ, cụ thể hiện trạng tài sản, không xác minh đối với diện tích đất, diện tích công trình xây dựng trên đất bị thiếu; không xác minh về thời hạn sử dụng đất... Khi kê biên, không mô tả được hiện trạng tài sản, có trường hợp, Chấp hành viên thuê các đơn vị, tổ chức có chức năng đo vẽ bản đồ đến đo vẽ hiện trạng tài sản để thực hiện việc kê biên, nhưng Chấp hành viên lại “khoán trắng” cho các đơn vị đo vẽ mà thiếu kiểm tra cụ thể, dẫn đến kê biên thiếu, chỉ đến khi bán đấu giá thành thì người phải thi hành án khiếu nại thì mới phát hiện đã kê biên thiếu so với thực tế. Sau khi kê biên, Chấp hành viên không thông báo bằng văn bản gửi cơ quan có chức năng quản lý, đăng ký tài sản (vi phạm quy định tại Điều 89 Luật THADS năm 2008, tiểu mục 18.2 khoản 18 Mục 2 Phần II Quyết định số 273/QĐ-THADS ngày 22/02/2017 của Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp)...

 - Trong việc thẩm định giá tài sản: Chấp hành viên vi phạm quy định tại Điều 98 Luật THADS năm 2008 về việc chậm ký hợp đồng thẩm định giá tài sản; ký hợp đồng thẩm định giá với tổ chức không đủ điều kiện về hoạt động thẩm định giá, không có chức năng thẩm định giá.

- Vi phạm trong việc bán đấu giá tài sản bảo đảm để thi hành án: Vi phạm quy định tại Điều 101 Luật THADS năm 2008 về việc chậm tổ chức cho đương sự thỏa thuận về tổ chức bán đấu giá tài sản và chậm ký hợp đồng bán đấu giá tài sản. Chấp hành viên không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá theo quy định tại Điều 47 Luật đấu giá tài sản năm 2016 nên không kịp thời phát hiện vi phạm của tổ chức đấu giá, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng trong việc bán, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, ấn định thời hạn nộp tiền đặt trước và đăng tin không đúng quy định làm hạn chế người đăng ký tham gia đấu giá; đưa người không đủ điều kiện tham gia đấu giá và trúng đấu giá. Chấp hành viên không yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản; vi phạm hợp đồng dịch vụ đấu giá về thời hạn chuyển tiền đặt trước của người trúng đấu giá; vi phạm quy định về việc không lưu trữ đầy đủ hồ sơ, tài liệu về thi hành án theo khoản 2 Điều 8 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS và Điều 54 Luật đấu giá tài sản năm 2016.

Thứ hai, vi phạm, thiếu sót của các tổ chức tín dụng:

Qua kiểm sát thi hành án đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng thời gian qua cho thấy nhiều trường hợp, việc khảo sát, thẩm định tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm khi cấp tín dụng của tổ chức tín dụng không chặt chẽ, thiếu chính xác, dẫn đến khó khăn cho cơ quan THADS khi tổ chức thi hành án, kéo dài thời gian thi hành án, như: Tài sản bảo đảm theo hồ sơ cho vay không đúng với thực tế (sai lệch về vị trí, diện tích, hiện trạng hoặc không có điều khoản xử lý đối với tài sản gắn liền trên đất; trên đất thế chấp có tài sản là nhà ở của người khác...). Có trường hợp, một tài sản bảo đảm nhưng được thế chấp, bảo đảm cho 02 khoản vay khác nhau đối với cùng một ngân hàng, nhưng khi lập hồ sơ cho vay, ngân hàng không xác định rõ phần tài sản cụ thể dùng để bảo đảm cho từng khoản vay, dẫn đến khó khăn cho cơ quan THADS khi xử lý tài sản bảo đảm để thi hành án. Có trường hợp, tài sản bảo đảm là 02 căn nhà liền kề của cùng một người, thế chấp cho 02 khoản vay của cùng một ngân hàng, nhưng khi lập hồ sơ cho vay, ngân hàng chỉ căn cứ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, không kiểm tra, xác định hiện trạng cụ thể của từng tài sản nên không biết thực tế 02 căn nhà này trước đó đã được cải tạo thành một nhà có chung tầng 1 và tầng 5 dẫn đến khó khăn cho cơ quan THADS khi xử lý tài sản bảo đảm để thi hành án. Có trường hợp lại thẩm định giá trị tài sản bảo đảm quá cao so với thực tế...

Một số trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng tổ chức tín dụng không kịp thời yêu cầu thi hành án, không kiểm soát được tình hình quản lý, sử dụng tài sản bảo đảm, đến khi cơ quan THADS tổ chức thi hành án thì hiện trạng tài sản bảo đảm đã bị thay đổi nhiều so với tài sản được thể hiện trong hồ sơ cho vay, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm, kéo dài việc thi hành án....

Thứ ba, vi phạm của tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản:

Tổ chức thẩm định giá tài sản bảo đảm ban hành Chứng thư thẩm định giá có nội dung chưa thực hiện đầy đủ các Tiêu chuẩn về thẩm định giá Việt Nam số 05, 06, 07 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 06/03/2015; Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 08, 09 ban hành kèm theo Thông tư số 126/TT-BTC ngày 20/8/2015 của Bộ Tài chính.

Tổ chức bán đấu giá tài sản bảo đảm để thi hành án ban hành thông báo bán đấu giá nhưng không nêu đầy đủ tên người có tài sản, thời gian, địa điểm, điều kiện, cách thức tham gia đấu giá; vi phạm nghiêm trọng trong việc bán, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, ấn định thời hạn nộp tiền đặt trước; văn bản niêm yết việc đấu giá không nêu cụ thể thời gian niêm yết, thiếu chữ ký thành phần tham gia; thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, không nêu thời gian bán hồ sơ đấu giá; đăng thông báo bán đấu giá nhưng không đăng trên báo in, báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá; có hành vi cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;...

2. Một số hạn chế, tồn tại và khó khăn, vướng mắc

Hiện nay, chưa có văn bản giải thích, hướng dẫn định lượng về vi phạm ít nghiêm trọng, vi phạm nghiêm trọng để làm căn cứ ban hành kiến nghị hoặc kháng nghị (khoản 2 Điều 12 Luật THADS năm 2008). Ngoài ra, Luật THADS năm 2008 cũng chưa quy định cụ thể về trách nhiệm phải thực hiện kiến nghị và thời hạn trả lời kiến nghị của VKSND, dẫn đến việc chậm trả lời kiến nghị, thậm chí không trả lời kiến nghị. Mặc dù có trường hợp, VKSND tiếp tục có văn bản yêu cầu các cơ quan được kiến nghị có văn bản trả lời việc thực hiện kiến nghị nhưng vẫn không có kết quả, dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài, không khắc phục được vi phạm; đồng thời, cũng làm giảm hiệu lực của các văn bản kiến nghị của VKSND.

Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là dự án, tài sản hình thành trong tương lai. Nhiều trường hợp thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, quyền khai thác tài sản gặp nhiều khó khăn khi người phải thi hành án không tự nguyện mà phải xử lý tài sản thì tài sản không được phép chuyển nhượng theo quy định của địa phương.

Việc cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, việc xử lý tài sản bảo đảm là tàu vỏ sắt của ngư dân hiện còn nhiều quan điểm khác nhau.

Khoản 2 Điều 146d Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng quy định: “Các khoản tiền thu được để thi hành án cho ngân hàng, sau khi trừ chi phí liên quan đến việc xử lý tài sản, số tiền còn lại được chi trả cho các ngân hàng để ngân hàng thanh toán khoản vay đặc biệt cho ngân hàng Nhà nước”, trường hợp tổ chức tín dụng vừa là người được thi hành án và vừa là người phải thi hành án, cơ quan THADS không thể thực hiện việc cấn trừ nghĩa vụ giữa các bên do tổ chức tín dụng đang phải trả khoản vay đặc biệt cho ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Điều này đã làm ảnh hưởng đến kết quả thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng của cơ quan THADS.

Đặc biệt, có sự chênh lệch diện tích tài sản bảo đảm giữa hợp đồng thế chấp với bản án và kết quả xác minh trên thực tế của Chấp hành viên, dẫn đến mất nhiều thời gian từ việc cho các bên đương sự thực hiện việc thỏa thuận hoặc phải làm thủ tục đề nghị Tòa án giải thích, đính chính, có những vụ việc phải thực hiện quyền kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án dẫn đến kéo dài thời gian thi hành án. Nhiều trường hợp, bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành, cơ quan THADS đã nhiều lần yêu cầu Tòa án giải thích bản án nhưng không được phúc đáp kịp thời.

Tài sản bảo đảm là động sản khi xử lý gặp khó khăn do các tổ chức tín dụng không biết tài sản ở đâu, do ai quản lý sử dụng; kê biên, giảm giá nhiều lần nhưng chưa bán được tài sản do tâm lý ngại mua tài sản đấu giá (không xem được tài sản, khó khăn trong việc nhận tài sản đấu giá, thời gian giao kéo dài; tài sản khi giao không nguyên vẹn như trước khi bán đấu giá).

Trong thời gian qua, hiện tượng cho vay không có tài sản bảo đảm và được giải quyết thông qua Trung tâm Trọng tài thương mại tăng nhiều hơn trước; đa số các vụ việc này tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản thế chấp, bảo đảm và đến giai đoạn thi hành án thì người phải thi hành án bỏ đi khỏi địa phương, không có tài sản để thi hành án.

Theo khoản 2 Điều 15 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42/2017) thì “việc nộp thuế của bên bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế. Bên nhận bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng không phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí khác của bên bảo đảm từ số tiền chuyển nhượng tài sản bảo đảm khi thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm”. Như vậy, khi xử lý tài sản để thi hành án, các bên tham gia giao dịch vẫn phải nộp các khoản thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Theo đó, khi tài sản đã được xử lý thì người phải thi hành án phải nộp thuế thu nhập cá nhân do có thu nhập phát sinh từ việc chuyển nhượng tài sản. Bên cạnh đó, tại điểm a.3 khoản 3 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính cũng quy định rõ cơ quan quản lý bất động sản chỉ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản khi đã có chứng từ nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc xác nhận của cơ quan thuế về khoản thu nhập từ việc chuyển nhượng bất động sản thuộc trường hợp được miễn thuế hoặc tạm thời chưa thu thuế. Có thể thấy, các quy định trên đã dẫn đến vướng mắc trong việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho người mua tài sản khi số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm không đủ hoặc chỉ đủ để thanh toán cho khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng và người phải thi hành án không còn tài sản nào khác. Vướng mắc trên đã gây ra bức xúc của người mua trúng đấu giá (do không được chuyển quyền sở hữu, sử dụng) cũng như của người được thi hành án (do chưa được thanh toán tiền thi hành án khi chưa chuyển giao tài sản cho người mua) dẫn đến khiếu nại, tố cáo, thậm chí có thể phải hủy kết quả bán đấu giá, bồi thường thiệt hại; cơ quan THADS mặc dù đã xử lý xong tài sản bảo đảm nhưng không kết thúc được hồ sơ; hiệu quả từ việc bán tài sản thi hành án để thu hồi các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng bị giảm sút do tâm lý e ngại mua tài sản vì sợ không giao được hoặc không thể làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng.

Luật khoáng sản năm 2010 quy định các tổ chức, cá nhân khai khoáng ngoài quyền theo quy định của luật này còn có các quyền khác. Các văn bản hướng dẫn không có điều khoản nào cấm tổ chức, cá nhân sử dụng quyền khai khoáng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự. Bộ luật Dân sự cho phép “quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên được dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của bộ luật này và pháp luật về tài nguyên” và Thông tư số 05/2011/TT-BTP ngày 16/02/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch đảm bảo, hợp đồng, thông báo kê biên tài sản thuộc các trường hợp đăng ký giao dịch đảm bảo có bao gồm “quyền khai thác tài nguyên... được dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự”. Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định cụ thể về sử dụng quyền khai thác tài nguyên để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự nhưng vẫn quy định về thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình (vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản). Như vậy, việc bên thế chấp, bên nhận thế chấp vẫn có quyền thực hiện thủ tục thế chấp quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên để vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, tại điểm a khoản 1 Điều 22 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định: “Khu vực có khoáng sản được khoanh định là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật khoáng sản khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây: a) Khu vực có khoáng sản: Than, urani, thori;…”. Mặt khác, về nguyên tắc theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ thì “chỉ tiến hành bán đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các khu vực đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đấu giá”.

Hiện chưa có quy định về việc kê biên, bán đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong trường hợp thực hiện bản án của Tòa án đã tuyên mà quyền khai thác khoáng sản đã được đem thế chấp để vay vốn ngân hàng, dẫn đến cơ quan THADS còn vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành theo đúng nội dung bản án đã tuyên. Thực tế, quá trình xử lý tài sản vướng mắc do có ý kiến cho rằng quyền khai thác khoáng sản không phải là quyền sở hữu tài sản “giá trị bằng tiền của trữ lượng khoáng sản được cấp phép khai thác” mà theo quy định của Luật khoáng sản về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai khoáng nhiều nhất bằng 5% tổng trữ lượng được phép khai thác, bất kể khai thác qua đấu giá hay không đấu giá. Tiền nộp đến đâu thì khai thác đến đó nên đó không phải là quyền sở hữu toàn bộ. Hơn nữa, giá trị của quyền khai khoáng do cơ quan có thẩm quyền cấp phép xác định, phê duyệt mà không phải do tổ chức, cá nhân khai khoáng định đoạt; hoặc tài sản là quyền khai thác mỏ theo giấy chứng nhận đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong quá trình tổ chức thi hành án, do người phải thi hành án không thực hiện dự án đúng tiến độ nên Ủy ban nhân dân tỉnh đã thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, dẫn đến không còn tài sản thế chấp... Do vậy, doanh nghiệp không có quyền thế chấp quyền khai khoáng, tổ chức tín dụng cũng không được nhận thế chấp dưới hình thức này. Nếu tổ chức tín dụng nhận thế chấp rồi đấu giá quyền khai khoáng thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo là không đảm bảo đúng quy định.

Luật đất đai năm 2013 quy định: “Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê có quyền… Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất…”. Đồng nghĩa với việc tổ chức này được quyền thế chấp tài sản là đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê và cơ quan THADS được quyền kê biên xử lý tài sản này theo quy định tại Điều 110 Luật THADS năm 2008.

Đối với trường hợp tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm có quyền “thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam” chứ không được quyền thế chấp đất thuê và cũng không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm. Như vậy, cơ quan THADS không được thực hiện việc xử lý tài sản là quyền sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm vì đây là tài sản không được chuyển nhượng.

Theo quy định tại mục 3 Điều 3 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai thì “Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định này” và khoản 3 Điều 189 Luật đất đai năm 2013 quy định “người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại theo giá đất cụ thể, sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định trong dự án”. Như vậy, đối với loại tài sản là đất thuê trả tiền thuê đất một lần thì việc thẩm định giá tài sản này do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức xác định, Chấp hành viên có trách nhiệm báo cáo Ban chỉ đạo thi hành án và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để xử lý. Đồng thời, quá trình tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất cũng phải thể hiện trong hợp đồng bán đấu giá, thông báo bán đấu giá về điều kiện tham gia đấu giá theo quy định tại Điều 189 Luật đất đai năm 2013 (nhất là đối với khu vực có ngành nghề đặc thù).

Theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Luật THADS năm 2008 thì từ sau lần giảm giá thứ hai trở đi mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì người được thi hành án có quyền nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về đất đai thì bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 188, Điều 190, Điều 191 Luật đất đai năm 2013 và Điều 3 Thông tư số 33/2017/TT-BTN&MT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; trong đó, có quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Theo đó, trường hợp sau hai lần giảm giá không có người tham gia đấu giá, trả giá, bên được thi hành án là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không trực tiếp sản xuất và không có thu nhập chính từ sản xuất đất nông nghiệp thì không được nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp để trừ vào số tiền được thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Luật THADS năm 2008.

3. Giải pháp, kiến nghị

Một là, VKSND tối cao cần thường xuyên tổng hợp, hệ thống văn bản pháp luật, hướng dẫn thống nhất, đầy đủ, đồng bộ việc áp dụng pháp luật; tổng kết rút kinh nghiệm sau khi giải quyết các vụ việc khó khăn, vướng mắc để VKSND các cấp biết, nhằm phát huy mặt mạnh, khắc phục những tồn tại, thiếu sót, trong đó chú trọng tổng hợp căn cứ pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác kiểm sát việc phong tỏa, cưỡng chế, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án; trong kiểm sát quản lý thu, chi tiền thi hành án...; xây dựng phần mềm theo dõi kết quả kiểm sát trong lĩnh vực kiểm sát THADS để cập nhật kịp thời, xuyên suốt cả quá trình THADS, dần thay thế việc cập nhật thủ công vào các loại sổ.

Hai là, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cần tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao ý thức, trách nhiệm của công chức làm công tác kiểm sát THADS; kịp thời triển khai các văn bản, quy định mới để việc áp dụng, thực hiện có căn cứ, đúng quy định và đạt hiệu quả. Đánh giá sở trường, năng lực công tác của công chức, Kiểm sát viên, lựa chọn, phân công nhiệm vụ bảo đảm phát huy tính hiệu quả và chất lượng công tác. Khi điều động, luân chuyển công chức, Kiểm sát viên phải có tính kế thừa trong đội ngũ công chức, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát việc THADS. Tăng cường sự phối hợp thông qua các quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan, đảm sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ kiểm sát THADS. Đối với những vụ việc tổ chức cưỡng chế, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản bảo đảm có tính chất phức tạp, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, kịp thời phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị nhằm đảm bảo việc THADS đúng pháp luật.

Ba là, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo và tăng cường công tác thanh tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017 và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan đến xử lý nợ xấu. Trong đó, tập trung thanh tra, giám sát theo chuyên đề đối với các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần trong việc thẩm định, giải ngân cho vay đối với các dự án hình thành trong tương lai, và trong việc thẩm định, duyệt, cấp tín dụng, kịp thời ngăn chặn tình trạng cán bộ ngân hàng thực hiện không đúng quy định pháp luật trong việc thẩm định cao hơn giá trị thật của tài sản, nâng khống giá trị tài sản bảo đảm và việc chứng minh năng lực tài chính của người được cấp tín dụng không đúng, để không xảy ra nợ xấu làm ảnh hưởng đến việc điều tiết chính sách tiền tệ chung của toàn hệ thống…; chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động cho vay; có biện pháp theo dõi, kiểm tra tài sản bảo đảm, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vấn đề vướng mắc xảy ra; trường hợp đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại về hợp đồng tín dụng; phối hợp chặt chẽ với Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tố tụng để đảm bảo bản án, quyết định của Tòa án có tính khả thi; chủ động phối hợp với Cơ quan THADS, chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền trong công tác xác minh tài sản, điều kiện thi hành án, nhất là trong việc xử lý tài sản bảo đảm nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng; chỉ đạo Ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố kịp thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành án về tín dụng, ngân hàng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/2017 và hỗ trợ tối đa cho cơ quan THADS cũng như các tổ chức tín dụng trong việc thi hành án về tín dụng, ngân hàng có hiệu quả.

Bốn là, đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định tại Luật THADS, Luật phá sản và pháp luật khác có liên quan đến thi hành án về tín dụng, ngân hàng để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, nhất là việc sửa đổi những quy định không còn phù hợp, là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả thi hành án về tín dụng, ngân hàng chưa cao.

Năm là, Ban chỉ đạo THADS các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác THADS nói chung và công tác thu hồi các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng nói riêng; tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm để thi hành án là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, kịp thời chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án có giá trị lớn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị tại địa phương.

Kỹ năng kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế

(Kiemsat.vn) - Kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đòi hỏi Kiểm sát viên phải xác định rõ nội dung, đối tượng kiểm sát; đồng thời, chú ý các kỹ năng kiểm sát chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án; kiểm sát việc thỏa thuận về thi hành án; kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án...

Vụ 11 VKSND tối cao phát hiện, xử lý một số vi phạm của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự

(Kiemsat.vn) - Nhiều vi phạm nghiêm trọng, kéo dài, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và những người liên quan trong quá trình tổ chức thi hành án đã được VKSND tối cao (Vụ 11) kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang