Thẩm quyền giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Viện trưởng VKSND tối cao

15/01/2019 14:19

(kiemsat.vn)
Để đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ và bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất trong ngành, Viện trưởng VKSND tối cao quy định về việc thực hiện thẩm quyền giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Viện trưởng VKSND tối cao.

Theo đó, Quy định số 02/QyĐ-VKSTC ngày 26/10/2018 của VKSND tối cao quy định:

Thẩm quyền giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát

1. Thẩm quyền giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm được thực hiện theo quy định về thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng VKSQS Trung ương, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Điều 373 và Điều 400 Bộ luật TTHS, Điều 331 và Điều 354 Bộ luật TTDS, Điều 260 và Điều 283 Luật TTHC.

2. Trường hợp VKSND tối cao nhận được đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện trưởng VKSQS trung ương hoặc Viện trưởng VKSND cấp cao mà chưa được giải quyết thì Vụ Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Vụ 12) VKSND tối cao xử lý như sau:

a. Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm tại VKSND tối cao thì hướng dẫn họ nộp đơn đến Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết;

b. Nếu nhận được đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm qua đường bưu chính thì chuyển đơn cho Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết và thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã gửi đơn biết.

Viện trưởng VKSND tối cao xem xét, giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm

1. Viện trưởng VKSND tối cao giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao, TAQS trung ương.

2.Trường hợp đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện, TAQS cấp quân khu, TAQS khu vực mà Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSQS trung ương đã có Thông báo không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nhưng người bị kết án, đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục có đơn đề nghị kháng nghị gửi đến VKSND tối cao thì Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7), Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự (Vụ 9) hoặc Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10) phối hợp với Vụ 12 VKSND tối cao báo cáo Viện trưởng VKSND tối cao xem xét, giải quyết nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a. Vụ án, vụ việc do cơ quan Đảng, Nhà nước chất vấn, kiến nghị, yêu cầu Viện trưởng VKSND tối cao trực tiếp xem xét, giải quyết;

b. Có tài liệu, chứng cứ xác định việc thông báo không kháng nghị của VKSQS trung ương, VKSND cấp cao là không đúng;

c. Trường hợp khác theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ 7, Vụ 9 hoặc Vụ 10 VKSND tối cao mà Viện trưởng VKSND tối cao xét thấy cần thiết.

Ảnh minh họa (Internet)

Xử lý đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đã được VKSND tối cao trả lời không kháng nghị trước ngày 01/6/2015

Đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đã được VKSND tối cao thông báo không kháng nghị trước ngày 01/6/2015 mà từ ngày 01/6/2015, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp tục có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì Viện trưởng VKSND tối cao xem xét, giải quyết nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 5 Quy định này.

Xử lý đơn vừa có nội dung tiếp tục đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, vừa khiếu nại, tố cáo việc thông báo không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm

Trường hợp VKSND tối cao nhận được đơn vừa có nội dung tiếp tục đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, vừa khiếu nại, tố cáo việc thông báo không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Viện trưởng VKSQS trung ương, Viện trưởng VKSND cấp cao thì Vụ 12 chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc VKSND tối cao đề xuất bằng văn bản với Viện trưởng VKSND tối cao để quyết định giao đơn vị chủ trì giải quyết đơn.

Đối với nội dung tiếp tục đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 5 Quy định này thì Viện trưởng VKSND tối cao xem xét, giải quyết.

Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định liên quan trước đây của VKSND tối cao trái với Quy định này được bãi bỏ.

Xem toàn bộ quy định tại đây

Vụ 3 VKSND tối cao ký quy định phối hợp với Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan

(Kiemsat.vn) - Để tăng cường quan hệ phối hợp trong việc xử lý các tin báo, tố giác tội phạm phát hiện thông qua công tác quản lý xuất nhập khẩu, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3) VKSND tối cao đã ký quy định phối hợp với Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan (Cục điều tra chống buôn lậu), Bộ Tài chính vào chiều ngày 10/8/2018, tại Hà Nội.

Quy định về việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công trong ngành KSND

(Kiemsat.vn) - Nhằm quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiêu chuẩn, chế độ, định mức, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm, mới đây, VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 94/QĐ-VKSTC ngày 30/7/2018 về Quy định việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công trong ngành KSND; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/7/2018.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang