Sự tác động của Trí tuệ nhân tạo đến pháp luật hình sự (phần 2)
(kiemsat.vn) Trong bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu đến bạn đọc về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác phát hiện và quản lý tội phạm và những khó khăn của công tác phòng và đấu tranh chống tội phạm do ảnh hưởng từ Trí tuệ nhân tạo; bài viết này, chúng tôi trao đổi với bạn đọc về Phương hướng giải quyết những khó khăn của trí tuệ nhân tạo đối với pháp luật hình sự.
Với những nội dung giới thiệu và phân tích có tính dự báo dưới góc nhìn của người nghiên cứu pháp luật, theo quan điểm của tác giả, chúng ta cần sớm đưa ra nhiều phương án ứng phó với những tác động tiêu cực từ Trí tuệ nhân tạo cũng như các tác động khác từ cuộc Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm thích ứng với tình hình thay đổi do tác động của cuộc cách mạng này.
Điều này là phù hợp với kế hoạch đổi mới đất nước, kiện toàn chính sách pháp luật và hợp tác quốc tế sâu rộng của Đảng và Nhà nước ta được thể hiện trong lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Nhằm chủ động khai thác những cơ hội do cuộc CMCN 4.0 mang lại cũng như hạn chế những tác động không mong muốn, Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm xây dựng các định hướng lâu dài và chính sách cụ thể. Bên cạnh sự nỗ lực của chính mình, Việt Nam mong muốn hợp tác với các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế trong bối cảnh khoa học, công nghệ tiến bộ vượt bậc, lan tỏa nhanh chóng khi mà tiến trình mở cửa hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng”.
Trên cơ sở những phân tích đã chỉ ra ở trên cùng với nhận định về sự cần thiết nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, nhằm với phục vụ cho việc ban hành các kế hoạch, chương trình để đề ra cách thức phòng ngừa và chống tội phạm kịp thời, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị như sau:
Một là, Triển khai các sản phẩm ứng dụng của trí tuệ nhân tạo vào công tác điều tra, xác minh tội phạm, công tác quản lý phạm nhân và dự báo khả năng tái phạm tội của chủ thể. Đồng thời triển khai các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho các chủ thể có thẩm quyền trong hoạt động xử lý tội phạm để kịp thời thích ứng với sự biến đổi của xã hội và sự phát triển của tội phạm.
Hai là, Quy định pháp luật hình sự cần mô tả hành vi khách quan của tội phạm có tính dự báo và tăng nặng trách nhiệm hình sự, đối với các trường hợp tận dụng công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội, như sử dụng Deepfake để tạo ra các video đồi trụy hoặc video có mục đích chống phá chính trị, xâm phạm an ninh, hay bôi nhọ danh dự, uy tín con người. Song song với công việc đó, cần đồng bộ quy định của các luật khác về các điều khoản tạo ranh giới an toàn cho người sử dụng mạng và hạn chế sự lợi dụng sơ hở của pháp luật để thực hiện hành vi nguy hiểm. Chẳng hạn, luật an ninh mạng sẽ thiết kế các điều khoản, có nội dung như “Nghiêm cấm sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các video giả mạo có nội dung khiêu dâm và liên quan tới chính trị, hay xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người”.
Ba là, quy định tội phạm mới hoặc là tình tiết định khung tăng nặng đối với các trường hợp sử dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ cho hoạt động bất hợp pháp như sử dụng ô tô tự lái để cung ứng dịch vụ mại dâm, sử dụng máy bay không người lái để tấn công khủng bố, hoạt động gián điệp gây mất an toàn an ninh hay vận chuyển hàng lậu.
Bốn là, về sự thay đổi đa dạng việc thực hiện hành vi của tội phạm trên không gian ảo. Pháp luật hình sự cần sớm nghiên cứu định hướng, bổ sung về các trường hợp mới được coi là “phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam” và đưa ra giải pháp mới quy định về “nơi thực hiện tội phạm” cho phù hợp với tình hình hoạt động tội phạm hiện nay. Điều này là nhằm mục đích xác định hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với tội phạm xảy ra trên không gian ảo, tránh trường hợp đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự do không đủ thẩm quyền, dẫn đến không bảo vệ được lợi ích của cá nhân, tổ chức hay của Nhà nước khi bị tội phạm xâm hại. Hơn nữa, trong thời đại công nghiệp 4.0 tội phạm hoạt động một cách phi ranh giới, do đó hoạt động hợp tác quốc tế về đấu tranh chống tội phạm chắc chắn sẽ diễn ra một cách thường xuyên và đòi hỏi tính chuyên môn cao. Vì vậy, việc xây dựng pháp luật hình sự có tính dự liệu được những thay đổi, biến thể phức tạp của tội phạm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hợp tác quốc tế, từ đó nâng cao hiệu quả phòng và đấu tranh chống tội phạm.
Không thể phủ nhận, trí tuệ nhân tạo đã đem đến nhiều lợi ích cho con người trong việc giải phóng sức lao động và nâng cao phương thức hưởng thụ các nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên, đi kèm với nó là những thuận lợi và khó khăn trong công tác phòng, chống tội phạm. Những lợi ích tuyệt vời từ trí tuệ nhân tạo đã chỉ ra ở trên chắc chắn sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động trấn áp tội phạm của các cơ quan chức năng, mà mỗi quốc gia cần tranh thủ sử dụng lợi ích từ nó. Tuy nhiên, như chúng tôi cũng đã chỉ ra ở trên, rõ ràng tội phạm cũng đã biết tận dụng những phát minh này cho việc thực hiện tội phạm. Điều này đồng nghĩa với việc tạo ra những thách thức rất lớn cho hoạt động phát hiện, xử lý và quản lý tội phạm của bộ máy nhà nước mà trước hết là lực lượng cơ quan tư pháp. Không chỉ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có hiểu biết cao về công nghệ, trí tuệ nhân tạo mà đi kèm với nó là sự thay đổi chính sách, quy định pháp luật hình sự sao cho dự báo một cách có hệ thống về sự phát triển của tội phạm. Để khi có những vấn đề mới phát sinh, tội phạm xảy ra trên thực tế, cơ quan chức năng không phải lúng túng trong việc xử lý hoặc không để xảy ra tình trạng không thể xử lý hình sự vì pháp luật không quy định, dẫn đến bỏ lọt tội phạm./.
-
1Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
2VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
3Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
-
4VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
5Một số vướng mắc trong quy định của pháp luật về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ
-
6Một số vấn đề pháp lý về thành lập doanh nghiệp qua vụ án “Vạn Thịnh Phát”
-
7Bàn về thẩm quyền thay đổi quyết định khởi tố bị can
-
8Những điểm mới về phương thức giải quyết tranh chấp thương lượng, hòa giải theo luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023
Bài viết chưa có bình luận nào.