Sự cần thiết phải đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra VKSNDTC
(kiemsat.vn) Việc ban hành các đạo luật mới về tư pháp quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSNDTC đặt ra cho ngành KSND nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, đó là phải có sự đổi mới tương ứng về tổ chức, hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND để cơ quan này có thể thực hiện tốt, đầy đủ các quy định mới của pháp luật.
Cán bộ điều tra phải nắm vững thẩm quyền mới
Khởi tố vụ án “Chiếm đoạt chất ma túy” xảy ra tại Chi cục Thi hành án quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ
Việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra VKSNDTC trong BLTTHS năm 2015, Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 đã khẳng định vị trí, vai trò của CQĐT VKSNDTC trong công tác đấu tranh, xử lý các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp do cán bộ, công chức của các cơ quan tư pháp thực hiện. So với các luật được ban hành trước đây, quy định mới về thẩm quyền điều tra của CQĐT VKSNDTC có phạm vi, đối tượng và chủ thể rộng hơn, cụ thể hơn; đồng thời, cũng bổ sung nhiều quyền hạn, trách nhiệm trong hoạt động điều tra của CQĐT VKSNDTC.
Để CQĐT VKSNDTC có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của các đạo luật mới về tư pháp thì việc đổi mới về bộ máy tổ chức và hoạt động của CQĐT VKSNDTC trong thời gian tới là một chủ trương đúng đắn và cần thiết nhằm đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nghiên cứu về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của CQĐT VKSNDTC quy định tại Luật Tổ chức VKSND năm 2014, BLTTHS năm 2015 và Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015. Có thể thấy việc đổi mới tổ chức, hoạt động của CQĐT VKSNDTC xuất phát từ những lý do sau:
1. Số lượng tội danh thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT VKSNDTC tăng lên
Trước đây, CQĐT VKSNDTC chỉ tiến hành điều tra một số tội xâm phạm hoạt động tư pháp trong tổng số 23 tội phạm thuộc Chương XXII BLHS năm 2009. Nhưng theo Điều 20 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Điều 163 BLTTHS năm 2015, Điều 30 Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 quy định CQĐT VKSNDTC có thẩm quyền điều tra tất cả các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp quy định tại Chương XXIV BLHS năm 2015 (Chương XXIV quy định 24 tội xâm phạm hoạt động tư pháp). Ngoài ra, pháp luật quy định CQĐT VKSNDTC có thẩm quyền tiến hành điều tra đối với các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định tại Chương XXIII BLHS năm 2015 (Chương XXIII quy định 07 tội về tham nhũng, 07 tội về chức vụ).
Như vậy, theo quy định mới của pháp luật, CQĐT VKSNDTC có thẩm quyền điều tra đối với 38 tội danh, bao gồm 24 tội xâm phạm hoạt động tư pháp, 14 tội về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Có thể thấy, một số tội danh trước đây thuộc thẩm quyền điều tra của 713 CQĐT thuộc Công an cấp huyện, 126 CQĐT thuộc Công an cấp tỉnh và 02 CQĐT thuộc Bộ Công an (tổng số 841 đơn vị điều tra) thì nay thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT VKSNDTC nếu người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan tư pháp hoặc có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
2. Chủ thể tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT VKSNDTC được mở rộng hơn
Nếu như trước đây CQĐT VKSNDTC chỉ tiến hành điều tra đối với chủ thể tội phạm là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp. Thì nay, theo quy định tại các đạo luật mới về tư pháp, CQĐT VKSNDTC ngoài việc điều tra đối với chủ thể là cán bộ, công chức thuộc CQĐT, TAND, VKSND, Cơ quan thi hành án, còn có thẩm quyền điều tra đối với 02 nhóm chủ thể đó là: (1) Người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp bao gồm: Người giám định, người dịch thuật, người định giá tài sản, Luật sư, người bào chữa, cán bộ thuộc các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra… khi họ tham gia vào hoạt động tố tụng; (2) Cán bộ Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an khi họ thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết ban đầu các tố giác, tin báo về tội phạm (hiện lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an được thành lập trên 11.000 đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước).
Như vậy, nếu như trước đây nhóm chủ thể này thực hiện tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp thì thẩm quyền điều tra thuộc 841 đơn vị điều tra như đã nêu ở trên, nay theo quy định mới thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT VKSNDTC.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của CQĐT VKSNDTC được quy định cụ thể hơn
Với mục đích tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân; cụ thể hóa các trình tự, thủ tục để người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm theo luật định. Các đạo luật mới về tư pháp đã quy định bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có CQĐT VKSNDTC, cụ thể: (1) Quy định quyền được đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa của bị can khi kết thúc điều tra (Điều 60 BLTTHS năm 2015); (2) Quy định việc ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can tại trụ sở CQĐT (Điều 183 BLTTHS năm 2015); (3) Quy định việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Chương XVI BLTTHS năm 2015), gồm: a) Ghi âm, ghi hình bí mật; b) Nghe điện thoại bí mật; c) Thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Và các nhiệm vụ khác theo quy định tại Điều 30 Luật Tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 gồm: (4) Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. (5) Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm; (6) Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐT VKSNDTC; (7) Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của BLTTHS.
TS. Nguyễn Hải Phong
Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC
Trích bài “Đổi mới tổ chức, hoạt động của CQĐT VKSNDTC đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” của tác giả TS. Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC, TCKS số 8/2017.
Bài tiếp theo: Phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra VKSNDTC
-
1Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội thẩm tra các dự án luật trong lĩnh vực tương trợ tư pháp
-
2Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
-
3Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Cho ý kiến đối với 15 nội dung, tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính
-
4Thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
-
5"Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc"
-
6Toàn văn phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII
-
7Tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế
-
8VKSND tối cao tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 11
-
9Chỉ thị của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng
Bài viết chưa có bình luận nào.