Quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt VPHC có là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính?

12/06/2018 09:23

(kiemsat.vn)
Liệu Tòa án có thụ lý vụ án hành chính đối với việc khởi kiện quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt VPHC của cơ quan điều tra?

Nội dung vụ việc:

Chị Nguyễn Thị H điều khiển xe mô tô gây tại nạn cho ông Nguyễn Văn T. Kết quả giám định thương tích kết luận ông T bị tổn thương 28% sức khỏe. Cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự mà ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 397 ngày 12/12/2016 đối với chị H số tiền 1.350.000 đồng về hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ.

Sau đó, ông T khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết về dân sự. Quá trình giải quyết vụ án dân sự, đại diện gia đình ông T yêu cầu giám định lại, kết quả giám định lại xác định ông T bị tổn hại 88% sức khỏe. Vì vậy, ông T làm đơn yêu cầu các cơ quan tố tụng xử lý hình sự hành vi của chị H.

Cơ quan điều tra ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự và ra Quyết định số 127 ngày 11/4/2018 hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 397 ngày 12/12/2016 đối với chị H để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với chị H.

Sau khi nhận được quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 127, chị H khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên giải quyết hủy quyết định hủy bỏ quyết định này và giữ nguyên Quyết định số 397 (quyết định xử phạt vi phạm hành chính ban đầu). Tuy nhiên, khi chị H khởi kiện, còn có hai quan điểm khác nhau về việc Tòa án có thụ lý đơn khởi kiện của chị H hay không.

Quan điểm thứ nhất: Căn cứ vào khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính thì yêu cầu khởi kiện Quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan điều tra là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Vì Quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cơ quan điều tra ban hành, làm thay đổi quyền, nghĩa vụ của chị H. Chị H cho rằng quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã làm thay đổi trách nhiệm của chị H từ trách nhiệm hành chính sang trách nhiệm hình sự nên đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của chị H. Do vậy, yêu cầu khởi kiện của chị H phải được Tòa án thụ lý, giải quyết theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Ảnh minh họa

Quan điểm thứ hai cho rằng: Quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan điều tra tuy là quyết định hành chính nhưng quyết định này là quyết định hủy bỏ quyết định hành chính, không làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của chị H. Do vậy, quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chị H không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính nên Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của chị H, mà căn cứ Điều 123 Luật Tố tụng hành chính trả lại đơn khởi kiện cho chị H. Việc Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với chị H là các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, nếu chị H cho rằng các quyết định tố tụng này trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì chị H có quyền khiếu nại theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. 

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và quý độc giả.                                                      

 

Xem thêm>>>

Kinh nghiệm thực hiện quyền yêu cầu trong kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính

Bàn về thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính

 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang