Quyền yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự

08/06/2022 08:00

(kiemsat.vn)
Quyền yêu cầu là một trong những quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân. Thực hiện quyền này thể hiện sự chủ động của Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, tạo cơ sở để thực hiện các quyền tiếp theo như quyền kiến nghị, quyền kháng nghị… Thông qua kết quả công tác, tác giả phân tích và rút ra một số kinh nghiệm của đơn vị để thực hiện hiệu quả quyền yêu cầu.

1. Các quy định của pháp luật về quyền yêu cầu

Quyền yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) được quy định trong Luật tổ chức VKSND năm 2014. Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Luật tổ chức VKSND năm 2014, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tư pháp theo đúng quy định của pháp luật; tự kiểm tra việc tiến hành hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền và thông báo kết quả cho VKSND; cung cấp hồ sơ, tài liệu để VKSND kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định trong hoạt động tư pháp theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Luật tổ chức VKSND năm 2014, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.  

Quyền yêu cầu trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động được quy định tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, theo đó: Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật. Quyền yêu cầu trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự theo quy định của BLTTDS năm 2015 và Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa VKSND và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS (Thông tư liên tịch số 02/2016), cụ thể: Yêu cầu Tòa án cho sao chụp bản sao đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ trong trường hợp trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu (Điều 194 BLTTDS năm 2015, Điều 21 Thông tư liên tịch số 02/2016); yêu cầu Tòa án xác minh thu thập tài liệu chứng cứ (khoản 3 Điều 58 BLTTDS năm 2015, Điều 22 Thông tư liên tịch số 02/2016); yêu cầu công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án (điểm c khoản 1 Điều 254 BLTTDS năm 2015); yêu cầu nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh (Điều 255 BLTTDS năm 2015); yêu cầu chủ tọa phiên tòa tiếp tục xét hỏi khi xét thấy quá trình xét hỏi chưa đầy đủ, toàn diện (Điều 258 BLTTDS năm 2015); yêu cầu Thư ký phiên tòa ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa (khoản 4 Điều 236 BLTTDS năm 2015, Điều 23 Thông tư liên tịch số 02/2016); yêu cầu người gửi đơn sửa đổi, bổ sung đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (khoản 2 Điều 329 và Điều 357 BLTTDS năm 2015); yêu cầu người có đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bổ sung tài liệu, chứng cứ (khoản 2 Điều 330 BLTTDS năm 2015); yêu cầu hoãn, tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (khoản 1 Điều 332 BLTTDS năm 2015); yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ (khoản 4 Điều 106 BLTTDS năm 2015); yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ (điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2016). 

Về thẩm quyền thực hiện quyền yêu cầu Tòa án: Theo quy định tại Điều 57 BLTTDS năm 2015 thì Viện trưởng Viện kiểm sát có quyền yêu cầu theo quy định của Bộ luật này; Điều 58 BLTTDS năm 2015 quy định khi được Viện trưởng phân công thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật thì Kiểm sát viên có nhiệm vụ, quyền hạn yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự (khoản 3), thực hiện đúng các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật (khoản 6), yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật (khoản 8); Điều 14 và 19 Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự ban hành kèm theo Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao quy định: Trường hợp xét thấy tài liệu, chứng cứ chưa bảo đảm cho việc giải quyết vụ án thì Kiểm sát viên, Kiểm tra viên báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát để kịp thời yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 58 BLTTDS và Điều 22 Thông tư liên tịch số 02/2016; Điều 23 Quy chế số 364 quy định: Kiểm sát viên có thể yêu cầu Hội đồng xét xử công bố tài liệu, cho nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác lưu trữ âm thanh, hình ảnh (nếu có); xem xét vật chứng; yêu cầu tạm ngừng, hoãn phiên tòa khi có căn cứ theo quy định của pháp luật.

Trình tự thực hiện quyền yêu cầu của Kiểm sát viên được thực hiện theo Điều 13 Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm ban hành kèm theo Quyết định số 458/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao và Quy định hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự phúc thẩm ban hành kèm theo Quyết định số 363/QĐ-VKSTC ngày 12/10/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao.

2. Kết quả thực hiện quyền yêu cầu qua 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015

Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức quán triệt đến cán bộ, Kiểm sát viên bằng các hình thức tập huấn trực tiếp, trực tuyến, thông báo rút kinh nghiệm, trong đó đặc biệt chú trọng quán triệt về thực hiện các quy định mới về quyền yêu cầu của VKSND trong BLTTDS năm 2015, thông tư và quy chế nghiệp vụ để cán bộ Kiểm sát nhận thức đầy đủ về các quyền năng pháp lý liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của VKSND, xác định quyền yêu cầu của VKSND trong tố tụng dân sự là một trong ba quyền năng pháp lý cơ bản của VKSND khi thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; đồng thời xác định đây là biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Từ đó, VKSND hai cấp của tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Kiểm sát viên được phân công làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động đề ra các biện pháp cụ thể để thực hiện.

Từ 01/7/2015 đến 01/7/2021, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bắc Ninh đã ban hành 597 yêu cầu, trong đó gồm 538 yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ; 59 yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát; 08 yêu cầu các cơ quan hữu quan cung cấp tài liệu, chứng cứ. Tòa án và các cơ quan hữu quan đã thực hiện 100% yêu cầu của Viện kiểm sát hai cấp. Tổng số kiến nghị đã ban hành là 148 bản; tổng số kháng nghị đã ban hành là 53 bản; số kiến nghị, kháng nghị này đều được Tòa án cùng cấp chấp nhận (đạt 100%).

Các yêu cầu của Viện kiểm sát chủ yếu là yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ và yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ để Viện kiểm sát nghiên cứu thực hiện quyền kháng nghị.

Nhận thức rõ tầm quan trọng về quyền yêu cầu, Viện kiểm sát hai cấp của tỉnh đã quan tâm chú trọng và chỉ đạo thực hiện tốt quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ, yêu cầu Tòa án thực hiện đúng các hoạt động tố tụng để giải quyết vụ án, đảm bảo khách quan, đúng quy định của pháp luật. Kết quả theo dõi và kiểm tra nghiệp vụ cho thấy, 100% các yêu cầu của Viện kiểm sát trong việc xác minh, thu thập, bổ sung tài liệu, chứng cứ đều được Tòa án chấp nhận, giúp xác định đúng quan hệ tranh chấp, tư cách tham gia tố tụng của đương sự và những thiếu sót, vi phạm được khắc phục kịp thời, góp phần đảm bảo việc giải quyết vụ án đầy đủ căn cứ pháp luật, không để xảy ra vụ việc bị hủy án, sửa án có trách nhiệm của Viện kiểm sát, đồng thời Kiểm sát viên đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định.

Bên cạnh thực hiện quyền yêu cầu đối với Tòa án, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Viện kiểm sát để thực hiện thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm. Đối với yêu cầu của Viện kiểm sát, cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ đều có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, đúng thời hạn, trường hợp không có tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Viện kiểm sát thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có văn bản trả lời nêu rõ lý do. Không có trường hợp hết thời hạn yêu cầu mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc không có văn bản trả lời Viện kiểm sát. Việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ đã giúp cho Viện kiểm sát ban hành kháng nghị có căn cứ, có sức thuyết phục. Các kháng nghị của Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bắc Ninh đã xét xử đều được Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận.

Đối với việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ thì trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên đã có văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ tại các cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ. Tuy nhiên, có trường hợp do Tòa án không thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát nên khi xét xử vụ án, Kiểm sát viên đã phát biểu quan điểm về việc chưa thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ làm căn cứ giải quyết vụ án và ngay sau khi xét xử các vụ án này, Viện kiểm sát đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu chứng cứ để thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm vụ án.

Điển hình, trong các vụ án đã kháng nghị, có 02 vụ án Viện kiểm sát đã yêu cầu cơ quan cung cấp tài liệu, chứng cứ để làm căn cứ kháng nghị.

Vụ thứ nhất: Tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Liên Việt và ông Nguyễn Văn M. Quá trình giải quyết vụ án, ông M được gia đình ông Nguyễn Văn L thế chấp quyền sử dụng đất cấp cho hộ ông L để bảo lãnh cho khoản vay của ông M tại Ngân hàng Liên Việt. Quyền sử dụng đất cấp cho hộ ông L có ông L, bà S và hai con là Y, K. Theo ông L, bà S thì chị Y và K đang du học ở nước ngoài, ông bà đã điện thoại thông báo cho chị Y, K biết việc Ngân hàng khởi kiện có liên quan đến thửa đất cấp cho hộ gia đình ông. Tòa án thành phố BN căn cứ vào lời khai của ông L, bà S cho rằng chị Y, K đã được ông bà L, S thông báo nhưng không cung cấp địa chỉ ở nước ngoài là giấu địa chỉ nên vẫn tiến hành xét xử theo thủ tục chung. Trước khi xét xử vụ án, Viện kiểm sát thành phố BN đã có văn bản yêu cầu Tòa án có công văn đề nghị Cục xuất nhập cảnh Bộ Công an cung cấp thông tin chị Y, K có ở nước ngoài không, đã nhập cảnh trở lại Việt Nam tại thời điểm thụ lý vụ án chưa để xác định thẩm quyền giải quyết vụ án là của Tòa án thành phố BN hay của Tòa án tỉnh BN. Ngay sau khi xét xử vụ án, Viện kiểm sát thành phố BN đã có công văn đề nghị Cục xuất nhập cảnh Bộ Công an cung cấp thông tin của chị Y, K và được Cục xuất nhập cảnh Bộ Công an có công văn trả lời chị Y và K hiện đã xuất cảnh, chưa làm thủ tục nhập cảnh lại. Trên cơ sở tài liệu của Cục xuất nhập cảnh Bộ Công an, Viện kiểm sát thành phố BN đã kháng nghị phúc thẩm vụ án do Tòa án thành phố BN xét xử vụ án không đúng thẩm quyền. Vụ án được Tòa án cấp phúc thẩm xét xử chấp nhận kháng nghị hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại theo thủ tục chung.

Vụ thứ hai: Tranh chấp kiện đòi tài sản giữa bà Vũ Thị H và ông Dương Văn M. Bà H nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của ông M và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà H, nhưng ông M không bàn giao đất và tài sản trên đất cho bà H, nên bà H khởi kiện. Quá trình giải quyết vụ án, ông M cho rằng không có việc chuyển nhượng nhà đất cho bà H mà do ông M và bà H có quan hệ là chị em ruột, tại thời điểm lập hợp đồng chuyển nhượng, do con ông M vay nợ “xã hội đen”, sợ bị “siết” nhà đất nên ông M có nhờ bà H đứng ra để làm thủ tục chuyển nhượng giả. Bà H thì cho rằng ông M có thế chấp thửa đất ở Ngân hàng, bà đã đưa tiền cho ông M trả Ngân hàng và lấy sổ đỏ ra để làm thủ tục chuyển nhượng cho bà. Tòa án cấp sơ thẩm đã làm việc với Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai và được chi nhánh cho biết thửa đất được Ủy ban nhân dân thị xã T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2015 mang tên ông M không làm thủ tục thế chấp tại Ngân hàng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên thấy rằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông M đã được cấp đổi năm 2015 nên cần có văn bản yêu cầu Tòa án xác minh lại về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông M lần đầu là vào năm nào? Giấy chứng nhận cấp trước năm 2015 có thế chấp ngân hàng không? Quá trình giải quyết, Tòa án đã không xác minh theo yêu cầu của Kiểm sát viên và xét xử vụ án tuyên hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu theo yêu cầu của ông M, bác yêu cầu kiện đòi tài sản của bà H. Sau khi xét xử, Viện kiểm sát huyện S đã có công văn yêu cầu Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thị xã T cung cấp tài liệu, chứng cứ đối với các vấn đề đã nêu ở trên và đơn vị này đã có công văn trả lời, theo đó, thửa đất cấp cho ông M đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu năm 1999 và cấp đổi năm 2015. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 1999 đã đăng ký thế chấp để vay Ngân hàng năm 2014 đến 11/5/2015 được xóa thế chấp, đồng thời làm rõ lý do giấy chứng nhận cấp đổi năm 2015 không ghi nội dung xóa thế chấp, theo đó, giấy chứng nhận cấp năm 1999 có ghi đăng ký thế chấp nên phải ghi nội dung xóa thế chấp vào cùng giấy đó; sau đó, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai đã thu hồi giấy chứng nhận cấp năm 1999 và trả lại gia đình ông M giấy chứng nhận cấp đổi năm 2015. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã không thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ nên đánh giá không đúng nội dung vụ án. Tòa án cấp phúc thẩm đã xét xử vụ án chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát thị xã T.

3. Hạn chế, tồn tại và một số khó khăn khi thực hiện quyền yêu cầu

Thực hiện quyền yêu cầu trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự cho thấy vẫn còn có một số hạn chế, khó khăn như sau:  

Hiện nay, chỉ tiêu Kiểm sát viên tại các phòng nghiệp vụ và đơn vị cấp huyện còn ít, trong khi khối lượng công việc ngày càng gia tăng, do đó, các Kiểm sát viên tại Viện kiểm sát cấp huyện được phân công làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự phải kiêm nhiệm khâu công tác khác. Nên việc thực hiện quyền yêu cầu có lúc còn hạn chế hoặc chất lượng yêu cầu chưa tốt. Có vụ việc sau khi nghiên cứu, Kiểm sát viên đã phát hiện thiếu sót, tồn tại nhưng do nể nang chỉ trao đổi với Thẩm phán mà không đề ra yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ, nên tỉ lệ yêu cầu của Viện kiểm sát trên số lượng án giải quyết chưa cao. 

Còn có vụ bị hủy án, sửa án do Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ chưa phát hiện vi phạm, thiếu sót để yêu cầu Thẩm phán xác minh, thu thập chứng cứ và khắc phục. Nguyên nhân do một số Kiểm sát viên mới được bổ nhiệm, kinh nghiệm và năng lực nghiệp vụ còn hạn chế, hoặc việc cập nhật nghiên cứu văn bản pháp luật, tài liệu để áp dụng vào công tác chuyên môn có lúc chưa kịp thời, nên chưa phát hiện tồn tại, vi phạm để vận dụng triệt để, đúng các quyền yêu cầu trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự…

Trong nghiên cứu hồ sơ: Theo quy định tại khoản 3 Điều 58 BLTTDS năm 2015 thì Kiểm sát viên có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự và kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, thời hạn nghiên cứu hồ sơ của Viện kiểm sát là sau khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử (15 ngày), tác giả cho rằng, thời hạn này chưa thực sự phù hợp, gây khó khăn cho Kiểm sát viên khi trong thời gian này, Kiểm sát viên vừa nghiên cứu hồ sơ, vừa đề ra yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ. Cùng với đó, quyền yêu cầu của Viện kiểm sát được thực hiện sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử cũng gây kéo dài thời gian giải quyết vụ việc, đồng thời việc đề ra yêu cầu trong thời gian này là chưa phù hợp quy định của BLTTDS năm 2015,  Thẩm phán có thể lấy lý do đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử nên không thể tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Viện kiểm sát. 

Về thời hạn chỉnh sửa và giải thích bản án: Điều 268 BLTTDS năm 2015 không quy định cụ thể thời gian Tòa án chỉnh sửa, bổ sung bản án, do đó, có trường hợp Tòa án thông báo sửa chữa, bổ sung bản án khi Viện kiểm sát đã ban hành kháng nghị. 

Về việc thực hiện quyền yêu cầu, trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu: Theo quy định BLTTDS năm 2015, cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp đầy đủ, kịp thời thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền được quy định tại Điều 7 BLTTDS năm 2015. Nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về việc nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào; do vậy, có vụ án, cá nhân, cơ quan, tổ chức không cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu, làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án.

Đối với trường hợp Tòa án không thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát: Trong thực tế, sau khi nhận được văn bản yêu cầu của Kiểm sát viên, nếu Tòa án cho rằng không cần thiết phải xác minh, thu thập thêm chứng cứ hoặc với lý do không thể thực hiện được yêu cầu của Viện kiểm sát, thì hết thời hạn mở phiên tòa, phiên họp theo quyết định của Tòa án, Thẩm phán chỉ cần thông báo cho Kiểm sát viên về việc không thể thực hiện theo yêu cầu của Viện kiểm sát. Trong trường hợp này, Viện kiểm sát không được tự mình xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ. Như vậy, không phải trường hợp nào Viện kiểm sát có yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập thêm chứng cứ trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự thì Tòa án đều bắt buộc phải thực hiện. Việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của Kiểm sát viên tùy thuộc vào năng lực nghiệp vụ và nhận định, đánh giá chủ quan của Thẩm phán. Đây cũng là một trong những vướng mắc khi Viện kiểm sát thực hiện quyền yêu cầu đối với Tòa án trong hoạt động tố tụng dân sự. Đối với những tài liệu, chứng cứ Tòa án thu thập, xác minh theo yêu cầu của Viện kiểm sát, sau khi Thẩm phán đã tiến hành phiên họp kiểm tra giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ, Tòa án có phải tiến hành mở phiên họp công khai chứng cứ không? Về vấn đề này, pháp luật chưa quy định. 

Việc phối hợp giữa Viện kiểm sát với Tòa án: Đôi khi còn nể nang, phát hiện vi phạm nhưng không tiến hành kiến nghị hoặc kháng nghị mà chỉ trao đổi. Có trường hợp, Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ để xem xét theo thẩm quyền nhưng Tòa án gửi chậm, nhưng Viện kiểm sát chỉ đôn đốc thực hiện, gây khó khăn cho việc kiểm sát để phát hiện vi phạm của Tòa án, từ đó làm ảnh hưởng đến quyền kiến nghị, kháng nghị.

4. Một số giải pháp để thực hiện tốt quyền yêu cầu của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự

Một là, Viện kiểm sát cấp trên cần tiếp tục tăng cường công tác thông báo rút kinh nghiệm nghiệp vụ, nhất là về những vụ việc Tòa án không thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát và bị Viện kiểm sát kháng nghị nhưng phải rút kháng nghị hoặc kháng nghị phúc thẩm bị bác.

Hai là, định kỳ hàng năm, Viện kiểm sát cấp trên tổ chức các hội nghị trực tuyến trong ngành để giải đáp khó khăn, vướng mắc và tổng kết rút kinh nghiệm chung đối với Viện kiểm sát cấp dưới trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự.

Ba là, tiếp tục xác định việc nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự là nhiệm vụ trọng tâm; phân công Kiểm sát viên có trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự. 

Bốn là, tiếp tục tổ chức quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy chế và hướng dẫn nghiệp vụ mới của VKSND tối cao về công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự.

Năm là, có chế độ ưu tiên động viên, khen thưởng đối với cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự; đồng thời, khuyến khích tự nghiên cứu, đào tạo và đúc rút kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, coi đây là yếu tố chính để nâng cao chất lượng công tác này nói chung và việc thực hiện quyền yêu cầu nói riêng.  

Sáu là, cần duy trì và tăng cường công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp trên với Viện kiểm sát cấp dưới; giữa Viện kiểm sát với Toà án trong quá trình kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, nhằm đảm bảo việc thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị được kịp thời và đúng quy định pháp luật. 

Ngoài ra, đề nghị liên ngành trung ương sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 02/2016 nêu trên. Trong đó, hướng dẫn Viện kiểm sát có thể phối hợp với Tòa án đề nghị Tòa án sớm chuyển hồ sơ vụ án để Viện kiểm sát thực hiện quyền yêu cầu trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử./.

Hoàn thiện pháp luật về sử dụng lao động trẻ em ở Việt Nam

(Kiemsat.vn) - Độ tuổi tối thiểu tham gia lao động, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của lao động trẻ em, danh mục các ngành nghề bị cấm sử dụng lao động trẻ em, thanh tra và xử phạt vi phạm… là những vấn đề còn bất cập trong quy định của pháp luật về sử dụng lao động trẻ em ở Việt Nam hiện nay, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh vấn đề này.

Những lưu ý khi kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế tại tòa án cấp sơ thẩm

(Kiemsat.vn) - Tranh chấp chia di sản thừa kế không chỉ phức tạp trong việc nghiên cứu, đánh giá tài liệu, chứng cứ, mà việc nhận thức, áp dụng pháp luật trong xác định quyền thừa kế, di sản thừa kế… cũng còn một số vướng mắc. Bởi vậy, Kiểm sát viên cần nắm vững các văn bản pháp luật có liên quan và thận trọng từ việc nghiên cứu hồ sơ đến kiểm sát tại phiên tòa nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang