Quy định của pháp luật về xác định họ, tên cho cá nhân

12/12/2017 02:41

(kiemsat.vn)
Quyền có họ, tên là một quyền nhân thân được ghi nhận tại Điều 26 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan. Việc xác định họ và tên của cá nhân đã được quy định cụ thể và rõ ràng hơn so với trước đây nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền này.

Hợp đồng tín dụng tính lãi suất theo Bộ luật dân sự hay Luật các tổ chức tín dụng là hợp lý

Xác định họ và tên theo Bộ luật Dân sự năm 2015

Xác định họ của cá nhân

Khoản 1 Điều 26 BLDS năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó”. Như vậy, pháp luật đã công nhận quyền mỗi cá nhân được có họ, tên khi sinh ra và nguyên tắc xác định họ, tên dựa trên tên khai sinh của cá nhân đó. Trên thực tế, một cá nhân có thể có nhiều tên gọi tùy thuộc vào mỗi hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ, nhiều đứa trẻ khi sinh ra được bố mẹ đặt tên là Bo, Bi, Bờm, Bông,… cho dễ nuôi. Nhưng chỉ có một tên duy nhất được pháp luật ghi nhận và bảo vệ đó là tên trong giấy khai sinh. Xét về cấu trúc, họ và tên là hai yếu tố chính tạo nên danh tính của một cá nhân (ngoài họ và tên thì danh tính của một cá nhân còn chứa đựng chữ đệm).

Điều 26 BLDS năm 2015 đã quy định rõ ràng cách xác định họ và tên của cá nhân. Theo đó, họ của cá nhân được xác định là họ của cha hoặc họ của mẹ trong hầu hết các trường hợp. Khoản 2 Điều 26 BLDS năm 2015 đã đưa ra cách xác định họ của một cá nhân trong ba trường hợp: (i) Trường hợp xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của cá nhân hoặc chưa xác định được cha đẻ của cá nhân; (ii) trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi; (iii) trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi.

Đối với trường hợp xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của cá nhân hoặc chưa xác định được cha đẻ của cá nhân thì nhà làm luật quy định cách xác định họ của cá nhân dựa trên ba căn cứ: (i) theo thỏa thuận giữa cha, mẹ đẻ của cá nhân, khi đó họ của cá nhân là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ; (ii) theo tập quán nếu cha, mẹ đẻ của cá nhân không có thỏa thuận; (iii) theo họ của mẹ đẻ trong trường hợp chưa xác định được cha đẻ.

Đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha, mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người nhận nuôi.

Riêng trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.

Trước đây, việc xác định họ của cá nhân chưa thật sự rõ ràng, BLDS năm 2005 chỉ quy định quyền có họ và tên của cá nhân cũng như căn cứ xác định họ và tên theo tên khai sinh (1). Cùng với BLDS năm 2005, Nghị định số 158/2005/NĐ–CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch cũng có nhiều điểm chưa rõ ràng, thống nhất trong việc xác định họ của cá nhân, dẫn đến tình trạng có hai luồng quan điểm về vấn đề xác định họ của một cá nhân khi sinh ra (2). Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc xác định họ của đứa trẻ được thực hiện theo nguyên tắc lựa chọn họ bố hoặc họ mẹ bởi khi đi đăng ký khai sinh, người đi đăng ký khai sinh phải nộp giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ. Quan điểm thứ hai cho rằng, pháp luật không đưa ra quy định cấm đứa trẻ sinh ra không được mang họ khác với họ của cha hoặc họ của mẹ nên cá nhân sinh ra có thể được đặt tên theo họ thứ ba khác.

Việc xác định họ theo quy định của BLDS năm 2015, khi đăng ký khai sinh, người đi đăng ký có yêu cầu được đăng ký theo họ người thứ ba (không phải họ của cha hoặc họ của mẹ) thì các cán bộ tư pháp – hộ tịch có quyền từ chối với lý do trái với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc xác định họ của cá nhân theo quy định của BLDS năm 2015 chưa giải quyết triệt để mâu thuẫn trong trường hợp tập quán địa phương cùng điều chỉnh trái với quy định của Bộ luật. Khoản 2 Điều 26 BLDS năm 2015 quy định trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận thì việc xác định họ của con sẽ dựa trên tập quán. Trên thực tế, có những tập quán xác định họ của cá nhân không phải họ cha hoặc họ mẹ, ví dụ như: Tập quán không đặt họ của người Bana ở Tây nguyên, Bình Định, Phú Yên; người Brâu; người Xơ-đăng ở Kontum; người Mã Liềng huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), Hương Khê (Hà Tĩnh)… Hoặc con trai dân tộc Ba Na thường gọi là Yang Danh, con gái thường gọi là: Thưr, Thớp, Yung, Blui, Aying, Klrot, Blinh, Chơ, Y owu,… Người Mã Liềng không có họ.(3)

Điều này đã gây khó khăn cho chính những người được hưởng quyền có họ và tên. Nếu một người trong dòng tộc mà không đặt họ theo truyền thống mà tộc đề ra thì có thể bị đuổi khỏi dòng tộc, nhưng nếu đặt theo quy định của dòng tộc thì cơ quan hộ tịch không thụ lý giải quyết và công nhận, từ đó quyền nhân thân cơ bản của cá nhân không được bảo vệ.

Có thể nói, việc xác định họ của cá nhân không phải là vấn đề đơn giản ngay cả khi pháp luật đã quy định rõ ràng cách xác định họ theo họ của cha hoặc họ của mẹ; bởi lẽ, họ của một người không chỉ dựa trên các căn cứ pháp lý mà còn bị tác động và chịu sự chi phối của tập quán địa phương, truyền thống dòng tộc.

Xác định tên của cá nhân

Bộ luật Dân sự năm 2015 đưa ra các nguyên tắc trong việc đặt tên của cá nhân như sau: “Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ”(khoản 3 Điều 26).

Quy định này đã khắc phục được phần nào những bất cập so với quy định trước đây trong đặt tên khi đăng ký khai sinh. Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị định số 158/2005/NĐ-CP theo quy định tại ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch khiến cho cơ quan quản lý nhà nước gặp không ít khó khăn. Trong một số trường hợp, việc bố mẹ là người Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam hoặc có cha mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch năm 2008 muốn đặt tên con bằng tiếng nước ngoài sẽ không được chấp nhận, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước không viện dẫn được căn cứ pháp lý phù hợp.

Tuy nhiên, quy định về cách xác định tên bằng tiếng Việt là một vấn đề khá khó khăn, bởi lẽ, như thế nào là tiếng Việt thì BLDS năm 2015 chưa lý giải và chưa có văn bản pháp luật nào lý giải khái niệm này.

Theo Từ điển bách khoa Việt Nam thì tiếng Việt được xác định là ngôn ngữ chính thức và ngôn ngữ giao tiếp giữa các dân tộc của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trước thế kỷ 20 có hai dạng chữ viết: 1) Chữ Nôm – chữ viết tượng hình dựa trên cơ sở chữ Hán; 2) Chữ Quốc ngữ ra đời từ thế kỷ 17 dựa trên cơ sở hệ chữ cái Latinh (4).

Bên cạnh đó, tên của cá nhân là chữ nhưng có được viết liền hay không ví dụ như Neong, Maika hay phải viết là Ne ong, Mai Ka, đây cũng đang là một vấn đề chưa có lời giải. Về vấn đề này, có thể tìm giải pháp thông qua cấu trúc nhỏ nhất trong tiếng Việt là từ và từ thì phải có nghĩa. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam thì “từ là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất, có nghĩa hoàn chỉnh, cấu tạo ổn định, dùng để đặt câu. Từ làm tên gọi của sự vật, hoạt động, trạng thái, tính chất… là công cụ biểu thị khái niệm của con người đó với hiện thực.(5) Do đó, từ góc độ nào đó có thể cho rằng tên bằng tiếng Việt phải mang ý nghĩa nhất định. Dù vậy cũng chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào hướng dẫn về vấn đề tên của công dân bằng tiếng Việt, nên chưa thể khẳng định tên bằng tiếng Việt có thể viết liền hay viết cách? Và bắt buộc có ý nghĩa hay không?

Quy định về cách xác định tên của cá nhân theo BLDS năm 2015 và các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng chưa quy định rõ về thứ tự tên của cá nhân trong nhóm họ, chữ đệm và tên. Thông thường, tên của một cá nhân thường bắt đầu bằng họ sau đó là chữ đệm (nếu có) và cuối cùng là tên. Tuy nhiên, tại một số địa phương, tên của cá nhân được đặt trước họ. Ví dụ như: Tập quán đặt tên họ của người M’Nông ở tỉnh Ðắk Lắk, Lâm Đồng, ĐăkNông, Bình Dương và Sông Bé. Theo đó, người M’Nông đặt tên theo công thức: Tên đệm xác định giới tính +  tên chính  + Họ (thường không ghi). Về chữ đệm và tên của người M’Nông thì tên của người con trai thường được ghép với chữ đệm là Điểu, chữ Y, chữ K’ ví dụ Điểu Noi, K’Thanh, Y Rơi; tên của người con gái được ghép với chữ đệm là H’, chữ Thị ví dụ như H’Hồng, Thị Mai, H’Rem.(6)

Có thể thấy, BLDS năm 2015 chưa giải quyết triệt để các vấn đề vướng mắc nảy sinh trên thực tiễn nêu trên. Do đó, cách xác định và đặt tên của cá nhân cần được hướng dẫn cụ thể trong các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Ảnh minh họa

Xác định họ và tên theo các văn bản pháp luật chuyên ngành

Khoản 2 Điều 14 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “Việc xác định quốc tịch, dân tộc, họ của người được khai sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam và pháp luật dân sự”. Theo quy định này, Luật Hộ tịch sẽ không quy định cụ thể về vấn đề xác định họ của người được khai sinh mà thay đó sẽ do các văn bản pháp luật khác thuộc lĩnh vực dân sự quy định. Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch năm 2014 (Nghị định số 123) cũng đưa ra cách xác định họ của cá nhân tương tự với cách xác định trong BLDS năm 2015.

Trong trường hợp xác định được cha đẻ và mẹ đẻ của cá nhân thì “Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán)(7). Quy định này không chỉ đưa ra cách xác định họ, tên của một cá nhân mà còn nêu ra cách xác định chữ đệm trong khi BLDS năm 2015 mới chỉ dừng ở việc quy định các nguyên tắc xác định họ, tên. Trường hợp chưa xác định được cha thì “khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống” (khoản 2 Điều 15 Nghị định số 123). Đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì “Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự”.

Tuy nhiên, Nghị định số 123 vẫn chưa làm rõ các vấn đề phát sinh từ việc đặt tên như tên bằng tiếng Việt được hiểu ra sao, họ và tên có được viết liền hay không, trật tự họ, chữ đệm (nếu có) và tên được quy định như thế nào? Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể về cách xác định tên trong các văn bản dưới luật trên cơ sở Điều 26 BLDS năm 2015.

Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch cũng đưa ra những hướng dẫn đối với cách xác định tên trong một số trường hợp đăng ký khai sinh. Theo đó, đối với trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài, có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam hoặc cha và mẹ đều là công dân Việt Nam, chưa được đăng ký khai sinh ở nước ngoài, về cư trú tại Việt Nam thì “Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 123”(8). Tức là chữ đệm và tên của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán.

Nhìn chung, các quy định về việc xác định họ và tên trong các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng không có quá nhiều sai biệt so với BLDS năm 2015. Chủ yếu, các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định chi tiết về cách giải quyết việc xác định họ và tên trong một số trường hợp đặc biệt. Dù vậy, các văn bản pháp luật chuyên ngành vẫn chưa giải quyết được triệt để những vướng mắc phát sinh từ cách xác định họ và tên đặt ra trên thực tiễn hiện nay.

Đặt họ và tên theo tập quán

Điều 5 BLDS năm 2015 quy định: Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự”. Về vấn đề áp dụng tập quán, Điều luật cũng quy định: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”.

Việc xác định họ và tên của cá nhân áp dụng tập quán cũng dựa trên nguyên tắc cơ bản trên. Theo đó, việc xác định họ và tên của cá nhân được áp dụng theo tập quán nếu cha và mẹ không có thỏa thuận. Theo khảo sát trong cuốn sách “Các dân tộc ở Việt Nam – cách dùng Họ và đặt tên” (9) thì tại Việt Nam có những tập quán xác định họ, tên mà không nhất thiết phải theo họ cha hoặc họ mẹ, ví dụ như: Tập quán đặt tên nhiều lần trong đời trong các dân tộc Mông, Dao, Mường. Trong đó, người H’Mông thường đặt tên lần đầu khi trẻ đầy tuổi, gia đình làm lễ đội tên, tên của trẻ là đệm của bố; lễ đặt tên lần thứ hai “Tì bê lầu” khi người con trai cưới vợ lúc này bố mẹ vợ nhận lễ vật và đặt tên đệm mới cho con rể, có khi đến 3-4 tên, khi đau ốm hoặc rủi ro, tai nạn thì lại làm lễ đặt tên lại.

Qua những phân tích nêu trên, có thể thấy, BLDS năm 2015 và các văn bản pháp luật chuyên ngành đã khắc phục được nhiều hạn chế trong việc xác định họ và tên của cá nhân so với các văn bản pháp luật trước đây. Tuy nhiên, pháp luật dường như can thiệp quá sâu vào quyền nhân thân của cá nhân khi quy định việc xác định họ và tên dẫn đến trường hợp kể cả cha mẹ đồng thuận xác định con theo tập quán họ thứ ba, tuy nhiên thỏa thuận này là trái với pháp luật và dẫn tới thỏa thuận vô hiệu.

1. Khoản 1 Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó”.

2. Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định: “Người đi đăng ký khai sinh phải nộp Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn)…”.

3. Nguyễn Khôi (2006), Các dân tộc ở Việt Nam – cách dùng Họ và đặt tên, Nxb. Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.

4. Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam (2005), Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, tr.394 và tr.706.

5. Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam (2005), Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, tr.394 và tr.706.

6. Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND, ngày 14/01/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh ĐăkNông về việc ban hành quy định ghi tên họ dân tộc M’Nông (cho đối tượng chưa ghi tên họ) ở tỉnh ĐăkNông.

7. Điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch.

8. Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 15/2015/TT-BTP.

9. Nguyễn Khôi (2006), Các dân tộc ở Việt Nam – cách dùng Họ và đặt tên, Nxb. Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.

(Trích bài viết: “Những quy định của pháp luật về họ, tên cho cá nhân” của tác giả Ngô Thu Trang, Vụ Pháp luật dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp và tác giả Bùi Anh Vũ, Đại học Luật Hà Nội.  Tạp chí Kiểm sát số 14/2017)

Có được nhờ người khác trả nợ thay?

Trước đây, tôi có vay người bạn một số tiền để làm ăn nhưng hiện nay tôi đã đi lao động ở nước ngoài. Vậy, tôi có thể nhờ anh trai tôi đang ở nhà trả nợ thay cho tôi được không?

Trao đổi bài viết: “Giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự thế nào cho đúng”

(Kiemsat.vn) - Qua nghiên cứu nội dung bài viết: “Giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự thế nào cho đúng?” của tác giả Vũ Thị Minh đăng trên kiemsat.vn ngày 11/7/2017, tôi có ý kiến trao đổi như sau: Tôi chưa đồng tình toàn bộ với hai ý kiến được nêu trong bài viết.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang