Phòng ngừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong kinh doanh đa cấp: Cần bắt đầu từ chính người dân

21/07/2020 10:41

(kiemsat.vn)
Thời gian qua, hàng vạn người dân ở khắp các tỉnh thành trong cả nước bị các nhóm lừa đảo dụ dỗ bỏ tiền mua các sản phẩm với giá cao để được quyền tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Chính sự mơ hồ trong nhận thức về kinh doanh đa cấp, lòng tham, muốn giàu nhanh, thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân (nạn nhân tiềm năng) đã tạo điều kiện thuận lợi để tội phạm khai thác, lợi dụng.

Vai trò quan trọng của nạn nhân

Trong cơ chế của hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (CĐTS) bằng thủ đoạn lợi dụng phương thức kinh doanh đa cấp (KDĐC), nạn nhân có vai trò vô cùng quan trọng, thể hiện trong cả 3 khâu: Làm nảy sinh ý định phạm tội; kế hoạch hóa việc thực hiện tội phạm và quyết định gây án của người phạm tội. Đồng thời, yếu tố nạn nhân còn tạo ra các tình huống có tính chất cơ hội thuận lợi để tội phạm được thực hiện trên thực tế. Yếu tố lỗi từ phía nạn nhân được người phạm tội triệt để khai thác hoặc làm nảy sinh ý định phạm tội, được phản ánh trong cơ chế tâm lý - xã hội của hành vi lừa đảo bằng thủ đoạn kinh doanh theo phương thức đa cấp (KDTPTĐC) như sau:

Một là, thiếu thông tin, hạn chế trong nhận thức của nạn nhân: Mục tiêu mà người phạm tội lừa đảo hướng tới là những người thiếu kiến thức về kinh tế, chưa hề có khái niệm về bán hàng đa cấp (BHĐC), ít cập nhật các vấn đề mới phát sinh trong đời sống.

Theo khảo sát, có tới 59/100 nạn nhân của vụ Liên kết Việt (chiếm 59%) cho biết đang cư trú tại vùng nông thôn, miền núi và các đô thị nhỏ. Những gói đầu tư được quảng cáo mang lại lợi nhuận “khủng” đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Nhiều hộ gia đình vay mượn, cầm cố tài sản để có tiền mua sản phẩm hay các gói đầu tư, với hy vọng đổi đời, có khoản thu nhập ổn định để “an toàn tài chính”, rốt cuộc bị tán gia bại sản. Người dân chưa được biết và hưởng lợi từ hình thức kinh doanh này là bao, nhưng những hệ lụy từ kinh doanh đa cấp (KDĐC) lừa đảo đã đẩy hàng vạn người dân nghèo thêm nghèo khó, túng quẫn, tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Hai là, tâm lý hám lợi, muốn thoát nghèo, làm giàu nhanh chóng của nạn nhân: Do những khó khăn trong đời sống mà một bộ phận nhân dân luôn có nhu cầu kiếm tiền, muốn tận dụng mọi cơ hội để thoát nghèo, làm giàu nhanh chóng, có thu nhập ổn định để đáp ứng nhu cầu vật chất… khiến họ rất dễ “sập bẫy” của tội phạm. Qua phỏng vấn nhiều người dân từng tham gia BHĐC và bị lừa, họ cho biết lý do sâu xa khiến họ tin theo lời dụ dỗ của các nhóm tội phạm lừa đảo, chủ yếu là vì mong muốn thoát nghèo. Tại địa bàn này, đời sống người dân vất vả, khó khăn chật vật trong việc tìm kiếm việc làm, vì tư liệu sản xuất hạn chế (ruộng đất canh tác bị thu hẹp trong quá trình đô thị hóa hoặc do Nhà nước thu hồi đất giao cho doanh nghiệp...), không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, không có nghề phụ để đa dạng hóa nguồn thu nhập; cùng với đó là những hạn chế về trình độ văn hóa và nhận thức pháp luật. Khi đó người dân dễ bị “mờ mắt” trước món hời tưởng tượng, những khoản lãi suất rất cao được quảng cáo và dễ dàng làm theo dẫn dụ để rồi “sập bẫy” của tội phạm. 

Tâm lý hám lợi, sự ham muốn vật chất là yếu tố chủ đạo trong nhu cầu, hứng thú, định hướng giá trị của nạn nhân trong các vụ án lừa đảo đa cấp đã xảy ra. Kết quả nghiên cứu điển hình từ 100/7.346 nạn nhân trong vụ Liên Kết Việt cho thấy đại đa số nạn nhân tham gia mạng lưới đa cấp bất chính và trở thành nạn nhân vì tin vào khả năng nhanh chóng có được các khoản thu nhập cao mà không phải vất vả làm việc. Chẳng hạn, có tới 81/100 nạn nhân (chiếm 81%) của vụ Liên kết Việt cho biết có động cơ muốn làm giàu nhanh chóng, tăng thu nhập để đáp ứng nhu cầu vật chất. Mặt khác, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nữ giới là nạn nhân chủ yếu trong các vụ án lừa đảo CĐTS bằng thủ đoạn KDTPTĐC, với 67/100 người (chiếm 67%) trong vụ Liên Kết Việt. Có thể thấy do đặc điểm giới tính, phụ nữ thường nhẹ dạ cả tin nên họ dễ bị dẫn dụ và sập bẫy tội phạm hơn so với nam giới.

Thủ đoạn quen thuộc của các doanh nghiệp lừa đảo luôn là tổ chức những buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, đại hội hoa hồng…Dùng phương pháp “truyền khẩu” để lôi kéo đông người đến tham dự. Tại sự kiện, đánh vào lòng tham, tâm lý hám lợi, muốn thành triệu phú, tỷ phú một cách nhanh nhất của người dân, thông điệp mà các nhóm tội phạm đưa ra luôn là những lời quảng cáo bịp bợm, tô vẽ về khả năng sinh lợi khi tham gia vào mạng lưới, những viễn cảnh giàu sang, không cần phải làm gì mà vẫn được hưởng tiền hoa hồng…để tạo ra cho họ ảo tưởng về một hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận. Người dân bị “mờ mắt” vì cơ hội làm giàu nhanh chóng, lợi nhuận cao gấp hàng chục lần so với lãi suất tiền gửi ngân hàng, cộng với hoa hồng khi giới thiệu thêm người mới nên rất dễ “sập bẫy”. Tâm lý đám đông cuồng nhiệt tại các sự kiện, nhiều khi do đám “cò mồi” phát động, khiến những người từ chỗ còn nghi ngờ về thông tin doanh nghiệp đưa ra, đến chỗ mất khả năng tư duy độc lập, bị thúc đẩy, dẫn dụ và làm theo lời kêu gọi tham gia vào mạng lưới đa cấp. Yếu tố tâm lý chi phối nạn nhân lúc này là sợ mất đi cơ hội kiếm tiền, đồng thời lòng tin vào thông điệp của doanh nghiệp được xây dựng bởi sự yên tâm vì thấy có nhiều người khác cũng tham gia. Đặc biệt, các nhóm tội phạm thường rất tinh quái khi chúng mời đến dự sự kiện những người nổi tiếng, hay quan chức để lợi dụng tên tuổi họ như một sự bảo đảm về tính nghiêm túc trong làm ăn doanh nghiệp, sự trung thực của thông điệp đưa ra. 

Ba là, tâm lý luyến tiếc tài sản của nạn nhân: Một khía cạnh khác của vấn đề nạn nhân trong các vụ án lừa đảo CĐTS bằng thủ đoạn KDTPTĐC đó là vai trò thực hành của họ trong việc thực hiện tội phạm. Tiến hành phỏng vấn 80 người từng tham gia vào mạng lưới đa cấp của Công ty MB24, có tới 63/80 người cho biết sau khi bỏ tiền 5.200.000 đồng mua gian hàng “ảo” để được quyền tham gia vào mạng lưới của công ty này, họ cũng ý thức được việc không có mua bán hàng hóa, chỉ đơn thuần lôi kéo người khác vào mua gian hàng “ảo” để hưởng hoa hồng, tiền thưởng phát triển hệ thống là không đúng, nhưng do tâm lý luyến tiếc tài sản, “trót đâm lao phải theo lao”, vì đã đóng tiền vào hệ thống thì cố mà thu hồi lại bằng cách đi mời chào người khác vào tuyến dưới của mình.

Tương tự, kết quả khảo sát từ 100 nạn nhân vụ Liên kết Việt về nghề nghiệp của họ khi tham gia vào hoạt động KDĐC cho thấy, đa số nạn nhân làm nông nghiệp, lao động tự do, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, người kinh doanh tự do, làm thuê cho các doanh nghiệp. Với đặc điểm nghề nghiệp như vậy, họ không cam tâm chịu mất số tiền đã đóng vào các doanh nghiệp KDĐC lừa đảo. Khi việc đòi lại không có kết quả thì nhiều người chọn cách đi dụ dỗ, mời chào các mối quan hệ của mình cùng tham gia vào mạng lưới, để thu hồi lại số tiền đã nộp. Quá trình lôi kéo người khác, họ cũng cố ý lan truyền những thông tin không có thật, thậm chí là bịp bợm về lợi ích khi gia nhập mạng lưới, làm mọi cách để người khác tin và bị dẫn dụ bỏ tiền mua gian hàng “ảo”. Vì vậy, nhiều người bị chiếm đoạt tiền trong vụ án này đã không hợp tác trong quá trình điều tra, không có tên trong danh sách người bị hại của vụ án. Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về đánh giá vai trò của những người tham gia mạng lưới KDĐC bất chính. Bản thân họ có thể là nạn nhân của các tuyến trên, nhưng đồng thời là người thực hành hoặc giúp sức cho đối tượng cầm đầu thực hiện tội phạm, bởi chính họ tích cực lôi kéo người khác vào làm tuyến dưới của mình và được hưởng lợi (hoa hồng, tiền thưởng) từ việc làm này.

Dự báo gia tăng, diễn biến phức tạp trên không gian mạng

Thời gian tới, tội phạm lừa đảo CĐTS bằng thủ đoạn KDTPTĐC sẽ gia tăng, diễn biến phức tạp trên không gian mạng. Việc sử dụng “mô hình tháp ảo” để lừa đảo trong mua bán sản phẩm cụ thể như trước đây dường như đã “lỗi thời”. Thay vào đó, loại tội này sẽ sử dụng các sản phẩm thông tin số (tiền ảo, gian hàng ảo…), kinh doanh dịch vụ, đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản đa cấp, hoặc các hình thức khác núp dưới danh nghĩa các hoạt động xã hội, vì cộng đồng…để xây dựng mạng lưới nhằm huy động tài chính trái phép và chiếm đoạt. Các ổ nhóm tội phạm sẽ lợi dụng đặc tính lan tỏa của thông tin trên không gian mạng, để đưa ra những lời quảng cáo, chào mời hấp dẫn về lãi suất, hoa hồng, hiệu quả đầu tư…nhằm đánh vào lòng tham của nhà đầu tư. Môi trường mạng tạo ra cho bọn tội phạm khả năng xóa dấu vết, tính “ẩn danh” rất cao, nhà đầu tư thậm chí không biết doanh nghiệp đang kêu gọi thu hút vốn ở đâu, kinh doanh cái gì…

Chính vì dễ dàng lừa đảo lại khó bị phát hiện, nên trong những năm tiếp theo, lừa đảo trong KDĐC qua mạng có xu hướng thay thế cho kiểu truyền thống. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều băng nhóm tội phạm trong nước cấu kết với người nước ngoài thực hiện tội phạm trên lãnh thổ Việt Nam. Xu hướng các công ty KDĐC huy động đầu tư tài chính sẽ không còn đặt trong lãnh thổ Việt Nam, mà sẽ là hình thức công ty “mẹ” ở nước ngoài, lập văn phòng đại diện ở Việt Nam để thực hiện tội phạm. Để xây dựng mạng lưới, các công ty này sẽ đưa ra các mô hình kinh doanh, những sản phẩm “ảo”, thông qua mạng lưới “chân rết”, cộng tác viên người Việt, làm nhiệm vụ lôi kéo người tham gia để huy động tài chính. Mặt khác, môi trường mạng không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia, do đó tội phạm quốc tế hoàn toàn có thể tiến hành các vụ lừa đảo trong KDĐC thông qua mạng Internet từ bên ngoài lãnh thổ.

Cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nhận thức cho người dân

Phân tích trên đây cho thấy một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự gia tăng của tình hình tội lừa đảo CĐTS bằng thủ đoạn KDTPTĐC trong thời gian qua, đến từ chính nạn nhân của tội phạm. Chính sự mơ hồ trong nhận thức về KDĐC, lòng tham, tâm lý hám lợi, tư tưởng chụp giật, muốn giàu nhanh, thiếu hiểu biết về pháp luật…đã tạo điều kiện thuận lợi để tội phạm khai thác, lợi dụng. Do đó, để chủ động phòng ngừa tình hình tội phạm, cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức, hành vi của chính người dân – những nạn nhân tiềm năng.  

Một trong những biện pháp hiệu quả là tuyên truyền để trang bị kiến thức pháp luật và cảnh báo tội phạm, giúp người dân có kiến thức để nhận biết và chủ động phòng ngừa tội phạm xảy ra với mình, tránh được những sơ hở, hay những việc làm chứa đựng những nguy cơ, rủi ro, hoặc tự đẩy mình vào tình huống nguy hiểm, bị tội phạm lợi dụng. Đây chính là phòng ngừa chủ động từ khía cạnh nạn nhân.

Thực tế cho thấy khi người dân được trang bị đầy đủ kiến thức, nắm vững các quy định của pháp luật về KDĐC, hiểu rõ phương thức thủ đoạn phạm tội, thì tự họ sẽ biết cách xa lánh, không tin vào những chiêu trò dụ dỗ của tội phạm, biết tiết chế lòng tham, tính hám lợi, biết bảo vệ tài sản, chủ động phòng tránh không để bị lôi kéo, thuyết phục bởi những “món hời” tưởng tượng dẫn đến hậu quả bị “sập bẫy” tội phạm. Mặt khác, khi người dân đã nâng cao nhận thức về trách nhiệm công dân, họ sẽ tự giác và kịp thời cung cấp thông tin tội phạm cho cơ quan chức năng, góp phần cùng cộng đồng bảo vệ an ninh trật tự. Trường hợp là nạn nhân của tội phạm, người dân biết trình báo với cơ quan chức năng về tội phạm đã xảy ra để được bảo vệ quyền lợi, qua đó giảm độ ẩn của tình hình loại tội này. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền pháp luật còn có tác dụng răn đe, cảnh báo những người đang thực hiện tội phạm, có ý định phạm tội...biết những hậu quả pháp lý có thể phải gánh chịu, để từ bỏ hoặc chấm dứt hành vi phạm tội. Các biện pháp truyền thông thay đổi hành vi còn tạo ra dư luận xã hội lên án tội phạm một cách mạnh mẽ. Trước áp lực rất lớn từ sự tẩy chay, lên án của cộng đồng đối với những cá nhân có gây thiệt hại cho xã hội, mà nhiều người từ bỏ hoặc chấm dứt tội phạm. Qua đó tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh, ngăn ngừa ý định phạm tội nảy sinh.

Trong thời gian tới, việc truyền thông cần được triển khai dưới nhiều hình thức, để từng bước làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ, tâm lý của người dân. Định hướng người dân hướng đến việc làm ăn chân chính; nâng cao tinh thần cảnh giác, biết phản biện đối với các hình thức kêu gọi đầu tư, giao dịch mua bán, góp vốn…được quảng cáo mang lại siêu lợi nhuận; tỉnh táo trước mọi cám dỗ, không hám lợi, ham làm giàu một cách nhanh chóng…để không sập bẫy tội phạm. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn người dân các kỹ năng thiết yếu, như trước khi tham gia vào mạng lưới đa cấp phải kiểm tra kĩ thông tin về doanh nghiệp mà mình định tham gia, như có được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC hay không, có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xử lý trong quá trình BHĐC trước đó hay chưa. Đặc biệt, người dân cần biết những thông tin về loại sản phẩm, hàng hóa không được phép kinh doanh. Chẳng hạn, mọi loại hình kinh doanh dịch vụ, sản phẩm số, hoặc các hình thức hợp tác đầu tư, huy động tài chính...đều không được phép KDĐC, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người dân cũng nên yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc, chỉ tiêu chất lượng của hàng hóa. Sở Công thương cấp tỉnh, Cục Quản lý cạnh tranh…cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp KDĐC, cũng như việc xử lý vi phạm của cơ quan chức năng.

Có hai đối tượng chính mà công tác truyền thông thay đổi hành vi cần chú trọng. Đó là người dân tại những vùng nông thôn mà nạn lừa đảo trong KDĐC từng hoành hành và sinh viên các trường chuyên nghiệp ở các đô thị, bởi họ là mục tiêu mà các nhóm lừa đảo trong KDĐC thường hướng đến để  rủ rê, lôi kéo. Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cần mở rộng đến cả người nước ngoài làm việc, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Mục đích để họ hiểu và tôn trọng pháp luật Việt Nam, có những hành xử phù hợp với chuẩn mực pháp luật, truyền thống đạo đức của dân tộc ta.

Để hoạt động truyền thông thay đổi hành vi có hiệu quả, cần không ngừng đổi mới nội dung và hình thức cho phù hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh, để tạo nên sự phong phú, đa dạng, dễ hiểu, dễ làm theo. Chính quyền các cấp phải xây dựng, phát triển đội ngũ tuyên truyền viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Các cơ quan báo chí, truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác này. Khi xuất hiện thông tin tội phạm lừa đảo đa cấp, các cơ quan báo chí cần làm tốt vai trò cảnh báo xã hội, kịp thời tiến hành điều tra xác minh theo nghiệp vụ báo chí và đăng tải tin bài. Với sự phổ cập của Internet, viễn thông, thiết bị số…những thông tin tội phạm sẽ nhanh chóng đến với cộng đồng giúp người dân cảnh giác, đồng thời “đánh động” các cơ quan chức năng, để tiến hành giải quyết vấn đề dư luận quan tâm. Thực tế cho thấy trong 10 năm qua, đã có nhiều vụ án lừa đảo đa cấp được phát hiện do “công” của báo chí.  Ngành Công an, Công thương cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cộng đồng biết được phương thức, thủ đoạn phạm tội để nâng cao ý thức cảnh giác và cung cấp thêm thông tin cho cơ quan chức năng để mở rộng điều tra vụ án. Ngoài ra, Hiệp hội BHĐC Việt Nam là một công cụ hiệu quả để thực hiện công tác tuyên tryền, phổ biến chính sách pháp luật cho các hội viên, người tham gia vào mạng lưới đa cấp và cộng đồng xã hội.

Việc đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi hành vi tại các cộng đồng dân cư, cần phải linh hoạt và đa dạng về phương pháp, gắn với đặc thù tình hình cư dân, địa bàn. Chẳng hạn tại vùng nông thôn, miền núi, vùng cao, hải đảo xa xôi, nơi có trình độ dân trí chưa cao, với bản tính thật thà, dễ tin người…nên họ thường bị đối tượng mồi nhử, dụ dỗ tham gia vào các mạng lưới đa cấp bất chính. Vì vậy, việc truyền thông có thể thông qua hệ thống loa truyền thanh thôn bản, qua băng rôn, áp phích, tờ rơi, các buổi sinh hoạt cộng đồng, đoàn thể. Hoạt động tuyên truyền tại cơ sở có thể lồng ghép nhiều nội dung, như phổ biến pháp luật kết hợp với thông báo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, thông báo về tình hình, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm...Nếu tại địa phương có hoạt động lôi kéo nhiều người tham gia KDĐC, lực lượng Công an cơ sở cần cảnh báo họ về các chiêu thức lừa đảo trong KDĐC đã xảy ra, để người dân nhận diện được những thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ, biết bảo vệ tài sản của mình, biết đề cao cảnh giác, tiết chế lòng tham, tính hám lợi, tư tưởng muốn làm giàu nhanh chóng, tham mua hàng giá rẻ…đồng thời chủ động tố giác tội phạm với cơ quan chức năng biết để xử lý./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang