Phạm vi, quyền hạn của Viện kiểm sát khi trực tiếp tiến hành hoạt động điều tra trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án tham ô tài sản
(kiemsat.vn) Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra một vụ án tham ô tài sản, trường hợp nào Viện kiểm sát được phép trực tiếp tiến hành hoạt động điều tra, cũng như phạm vi tiến hành hoạt động điều tra đối với vụ án này?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong giai đoạn kiểm sát điều tra vụ án, Viện kiểm sát (VKS) có thẩm quyền và trách nhiệm yêu cầu Cơ quan điều tra (CQĐT) tiến hành các hoạt động điều tra theo đúng nội dung, trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định, nhằm chứng minh tội phạm và người phạm tội. VKS phải thực hiện việc kiểm sát, chịu trách nhiệm đảm bảo cho việc điều tra được khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Ngoài thẩm quyền yêu cầu CQĐT tiến hành các hoạt động điều tra và kiểm sát các hoạt động điều tra của CQĐT; luật còn quy định VKS có quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra khi cần thiết, nhằm kiểm tra tính chân thực trong các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án trước khi ra quyết định tố tụng thuộc thẩm quyền hoặc khi phát hiện vi phạm của CQĐT.
Kiểm sát viên VKSND tỉnh Quảng Ninh thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án tham ô tài sản xảy ra tại tại Công ty nhiệt điện Sơn Động - TKV (ảnh: Báo Công thương). |
Các hoạt động điều tra VKS được phép trực tiếp tiến hành
Trong giai đoạn điều tra, VKS trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra được quy định tại khoản 7 Điều 165 BLTTHS và Điều 49 Quy chế công tác Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của VKSND tối cao (gọi tắt là Quy chế số 111). Cụ thể:
Khi thực hành quyền công tố (THQCT) trong giai đoạn điều tra vụ án tham ô tài sản, Kiểm sát viên có quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt đọng điều tra theo quy định tại Điều 49 Quy chế số 111. Theo đó, trong giai đoạn điều tra, khi cần kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn lệnh, quyết định của cơ quan có thẩm quyền điều tra hoặc trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà VKS đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục theo quy định tại khoản 7 Điều 165 BLTTHS, thì Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị tạm giữ, người bị bắt, bị hại, đương sự, người làm chứng, người chứng kiến, đối chất, thực nghiệm điều tra và các hoạt động điều tra khác theo quy định của BLTTHS.
Kiểm sát viên phải thông báo trước cho Điều tra viên để phối hợp. Biên bản, tài liệu, chứng cứ được Kiểm sát viên lập, thu thập trong quá trình tiến hành một số hoạt động điều tra phải được đưa vào hồ sơ vụ án, lưu hồ sơ kiểm sát.
Trong giai đoạn điều tra vụ án tham ô tài sản, khi THQCT, Kiểm sát viên có quyền thực hiện trực tiếp độc lập hoạt động điều tra “hỏi cung bị can” theo quy định tại khoản 4 Điều 183 BLTTHS, cụ thể: “Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết”.
Cũng theo quy định tại khoản 4 Điều 50 Quy chế 111 nói trên, trong giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên trực tiếp hỏi cung bị can trong các trường hợp sau: (a) Bị can kêu oan; (b) Bị can khiếu nại hoạt động điều tra; (c) Có căn cứ xác định việc điều tra có vi phạm pháp luật; (d) Khi có đề nghị của cơ quan có thẩm quyền điều tra; tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn hoặc chưa rõ; lời khai của bị can trước sau không thống nhất, lúc nhận tội, lúc chối tội; có căn cứ để nghi ngờ về tính xác thực trong lời khai của bị can hoặc trường hợp bị can bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng và các trường hợp khác khi xét thấy cần thiết. Trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này thì trước khi hỏi cung bị can, Kiểm sát viên phải báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện để xin ý kiến. Việc Kiểm sát viên hỏi cung bị can được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 183 BLTTHS.
Trong quá trình điều tra và sau khi kết thúc điều tra, để quyết định việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền điều tra hoặc để quyết định việc truy tố, Kiểm sát viên có thể triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đương sự trong các trường hợp: (a) Có căn cứ xác định việc lấy lời khai của Điều tra viên, Cán bộ điều tra không khách quan hoặc có vi phạm pháp luật; (b) Trong trường hợp lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự có mâu thuẫn với nhau hoặc mâu thuẫn với những chứng cứ khác đã thu thập được; (c) Có nghi ngờ về tính trung thực, khách quan trong lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự; (d) Trường hợp cần thiết khác để làm rõ chứng cứ, tài liệu (khoản 3 Điều 51 Quy chế 111).
Trường hợp, khi Kiểm sát viên đã yêu cầu đối chất mà Điều tra viên không thực hiện hoặc kết quả đối chất chưa rõ hoặc sau khi kết thúc điều tra, VKS đã nhận hồ sơ vụ án, nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia tố tụng hoặc trường hợp cần thiết thì Kiểm sát viên tiến hành đối chất và lập biên bản đối chất theo quy định tại Điều 178 và Điều 189 BLTTHS. Biên bản đối chất phải được đưa vào hồ sơ vụ án, lưu hồ sơ kiểm sát (khoản 4 Điều 52 Quy chế số 111).
Trường hợp thấy cần thiết, Kiểm sát viên có thể yêu cầu Điều tra viên tiến hành việc nhận dạng, nhận biết giọng nói; nếu Điều tra viên không thực hiện thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện để kiến nghị CQĐT khắc phục (khoản 3 Điều 53 Quy chế 111).
Trong quá trình khám xét, Kiểm sát viên kiểm sát thành phần tham gia, trình tự, thủ tục thực hiện; việc thu giữ, niêm phong, bảo quản phương tiện, tài liệu, đồ vật (nếu có); việc lập biên bản khám xét, tạm giữ; kịp thời phát hiện vi phạm để yêu cầu chấm dứt, khắc phục; khi cần thiết, đề ra yêu cầu điều tra bằng lời nói; ghi chép nội dung cần thiết; ký biên bản khám xét, tạm giữ theo quy định. Kết thúc việc khám xét, tạm giữ, Kiểm sát viên chủ động phối hợp với Điều tra viên, Cán bộ điều tra, đánh giá, sử dụng kết quả khám xét, tạm giữ để phục vụ giải quyết vụ án (khoản 3 Điều 54 Quy chế 111).
Không thực hiện hoạt động thực nghiệm điều tra đối với vụ án tham ô tài sản
Một điều cần lưu ý là trong quá trình THQCT trong giai đoạn điều tra đối với vụ án tham ô tài sản thì không thực hiện hoạt động thực nghiệm điều tra. Do việc thực nghiệm điều tra là việc bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Nhưng đối với Tội tham ô tài sản, quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thì hành vi khách quan của tội này là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý. Hành vi chiếm đoạt tài sản đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó hoặc không thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản. Mặt khác, tài sản bị chiếm đoạt trong vụ án tham ô tài sản chủ yếu là tiền và một số tài sản khác, sau khi được chiếm đoạt đã được tẩu tán, cất giấu, che đậy, chuyển hình thức sở hữu ngay trong quá trình phạm tội, trước khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; do vậy, khó mà có thể thực hiện hoạt động thực nghiệm điều tra đối với vụ án tham ô tài sản.
-
1Những điểm mới về phương thức giải quyết tranh chấp thương lượng, hòa giải theo luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023
-
2Làm giả tài liệu hay sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức?
-
3Bàn về thẩm quyền thay đổi quyết định khởi tố bị can
-
4Bàn về việc tổng hợp hình phạt đối với người được hưởng án treo phạm tội mới
-
5Về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
-
6Nhận diện, đấu tranh phản bác luận điệu mới của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề "Tự do ngôn luận để chống phá Đảng, Nhà nước"
-
7Các bị can có phạm tội hủy hoại tài sản?
Bài viết chưa có bình luận nào.