Những quy định mới đối với người dưới 18 tuổi phạm tội áp dụng từ 01/01/2018

05/01/2018 09:20

(kiemsat.vn)
So với Bộ luật hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự trước đây; các quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội kể từ 01/01/2018 có những thay đổi đáng kể.

Với quan điểm nhất quán trong việc bảo vệ trẻ em, các quy định của pháp luật hình sự đã dành sự quan tâm đặc biệt cho đối tượng trẻ em vi phạm pháp luật, nhất là những trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội.

Nguyên tắc xử lý chung

Bổ sung nguyên tắc: “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi” (khoản 1 Điều 91) và nguyên tắc: “Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa” (khoản 6 Điều 91).

Sửa đổi nguyên tắc: “Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật này” tại khoản 4 Điều 69 Bộ luật Hình sự năm 1999 thành: “Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa” (khoản 4).

Với việc sửa đổi và bổ sung các nguyên tắc trên, Bộ luật hình sự mới được thiết kế để đảm bảo tính nhân đạo và tạo cơ hội cho những người chưa thành niên được giáo dục, cảm hóa, sửa chữa lỗi lầm.

Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người dưới 18 tuổi

Kế thừa các quy định trước đây của Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, Bộ luật Hình sự phân loại ra hai nhóm để có chính sách hình sự khác nhau, đó là nhóm từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và nhóm từ đủ 16 tuổi trở lên.

So với Bộ luật hình sự năm 1999 thì Bộ luật Hình sự năm 2015 không sửa đổi về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 16 tuổi trở lên nhưng có sửa đổi lớn về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Cụ thể, thay vì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đối với bất kỳ tội danh nào thì với quy định mới, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong 28 điều, đó là các điều: 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng sửa đổi phạm vi chịu trách nhiệm của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội theo hướng thu hẹp hơn, cụ thể, họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu chuẩn bị phạm tội thuộc một trong 2 tội danh đó là: giết người (Điều 123) và cướp tài sản (Điều 168).

Ảnh minh họa

Về quyết định hình phạt

Bộ luật hình sự 2015 đã quy định rõ ràng, chi tiết hơn các trường hợp tổng hợp hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội tại Điều 103; đồng thời có sự phân hóa giữa người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Việc phân hóa phù hợp với độ tuổi, nhận thức của người phạm tội thể hiện rõ nét tính nhân đạo trong việc xây dựng pháp luật cũng như giúp đỡ cho người phạm tội có cơ hội để sửa chữa sai lầm và tái hòa nhập cộng đồng.

Ngoài ra, Bộ luật mới còn bổ sung quy định về Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt (Điều 102) và Tha tù trước hạn có điều kiện (Điều 106) để cụ thể hóa cũng như tách biệt với trường hợp người thanh niên phạm tội, thống nhất với các nguyên tắc trong việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội.

Về các biện pháp giám sát, giáo dục

Trước đây Bộ luật hình sự 1999 chỉ quy định chung chung rằng người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự thì sẽ có gia đình hoặc cơ quan/tổ chức giám sát, giáo dục.

Bộ luật hình sự 2015 bổ sung một số biện pháp giám sát, giáo dục đối với người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự là: biện pháp khiển trách (Điều 93), hòa giải tại cộng đồng (Điều 94) và giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95). Đây là những quy định cụ thể nhằm đưa việc giáo dục, nâng cao nhận thức đối với người phạm tội đi vào thực tế và có hiệu quả.

Trên cơ sở quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng bổ sung các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại các Điều từ 426 đến 429 của bộ luật.

Ngoài ra, Bộ luật hình sự 2015 bỏ đi biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (do đã có các biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể nêu trên) và chỉ giữ lại 1 biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, đó là biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 96).

Về việc xóa án tích

Nhìn chung những quy định liên quan đến xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi bị kết án trong Bộ luật Hình sự năm 2015 được quy định theo hướng có lợi hơn, thể hiện được đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta là khuyến khích, giúp người phạm tội tích cực cải tạo tốt, chấp hành tốt pháp luật, sớm tái hòa nhập cộng đồng để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình.

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi không bị coi là có án tích đối với người chưa thành niên phạm tội: ngoài trường hợp bị áp dụng biện pháp tư pháp, người chưa thành niên là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi trong mọi trường hợp hoặc người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý cũng không bị coi là có án tích.

Sửa đổi quy định thời hạn xóa án tích đối với người chưa thành niên bị kết án: Nếu như bộ luật hình sự năm 1999 quy định thời hạn để xóa án tích đối với người chưa thành niên là một phần hai thời hạn xóa án tích của người đã thành niên, thì Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đương nhiên xóa án tích nếu trong thời hạn 3 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.

Việc xác định thời hạn 03 năm này không phụ thuộc vào hình phạt chính đã tuyên và theo quy định tại khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì mọi trường hợp có án tích đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án đều thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích chứ không có trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án. Thời hạn xóa án tích được tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc khi hết thời hiệu thi hành bản án. Đây là quy định mới về cách tính thời hạn xóa án tích trong Bộ luật Hình sự năm 2015 vì theo quy định Bộ luật Hình sự năm 1999 thì thời hạn xóa án tích được tính khi người phạm tội chấp hành xong bản án.

Ngoài ra, theo quy định mới, không còn việc Tòa án cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho người được đương nhiên xóa án tích, mà giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án.

Một số thay đổi trong hoạt động tố tụng

Song song với những thay đổi của Bộ luật hình sự thì Bộ luật tố tụng hình sự cũng có những điều chỉnh nhất định khi tiến hành các hoạt động tố tụng đối với người phạm tội dưới 18 tuổi như:

- Quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về thủ tục lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng; hỏi cung bị can; đối chất là người dưới 18 tuổi; sửa đổi, bổ sung theo hướng tối thiểu hóa việc lấy lời khai, hỏi cung và đối chất đối với người dưới 18 tuổi, nhằm bảo đảm các hoạt động tố tụng được thực hiện phù hợp tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi, bảo đảm các quyền và lợi ích tốt nhất đối với họ, phù hợp với quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

- Quy định rõ hơn về quyền bào chữa và cơ chế bảo đảm quyền bào chữa của người dưới 18 tuổi (Điều 422). Theo đó, khẳng định rõ hơn quyền bào chữa của người dưới 18 tuổi: “Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa”, thay vì quy định tùy nghi “có thể lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa…” như Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (khoản 1, Điều 305). Trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi không có người bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự.

- Ngoài ra, trong thủ tục xét xử, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định nhiều nội dung mới theo hướng cụ thể hóa, bảo đảm phù hợp với người dưới 18 tuổi và thống nhất với quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014

Mở rộng đối tượng tiến hành tố tụng với tư cách là Hội thẩm, theo đó: Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc là người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.

Quy định cụ thể trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi thì Tòa án có thể quyết định xét xử kín; bổ sung những người bắt buộc phải có mặt tham gia phiên tòa để trợ giúp tốt nhất cho bị cáo là người dưới 18 tuổi, bao gồm: người đại diện của bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt, trừ trường hợp những người này vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

 Quy định rõ việc xét hỏi, tranh luận với bị cáo, bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa phải được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của họ; phòng xử án được bố trí thân thiện, phù hợp với người dưới 18 tuổi, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu chuẩn mực quốc tế đặt ra. Đối với vụ án có bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi, Hội đồng xét xử phải hạn chế việc tiếp xúc giữa bị hại, người làm chứng với bị cáo khi bị hại, người làm chứng trình bày lời khai tại phiên tòa. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể yêu cầu người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hỏi bị hại, người làm chứng.

(4) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang