Những điểm mới về định giá tài sản trong tố tụng hình sự

20/04/2018 15:00

(kiemsat.vn)
Ngày 07/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2018/NĐ-CP quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự, thay thế cho Nghị định số 26. Đây là một trong những văn bản hướng dẫn, triển khai thi hành BLTTHS năm 2015.

Ảnh minh họa

So với Nghị định 26, Nghị định 30 đã quy định chi tiết hơn về định giá tài sản trong TTHS, quy định cụ thể đối tượng áp dụng của Nghị định này là: “Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có yêu cầu thành lập Hội đồng định giá; cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá; cơ quan, tổ chức cử người và cá nhân được cử tham gia Hội đồng định giá; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.” (Điều 2).

Mở rộng nguyên tắc định giá tài sản

Điều 4 Nghị định 30 đã quy định theo hướng mở rộng hơn đối với nguyên tắc định giá tài sản: Hội đồng định giá tài sản có thể định giá tài sản tương tự với tài sản cần định giá. (Tài sản tương tự là tài sản cùng loại, tương đồng với tài sản cần định giá về một số đặc trưng cơ bản như mục đích sử dụng, công dụng, đặc điểm pháp lý và một số đặc điểm về kinh tế - kỹ thuật chủ yếu, bao gồm nguyên lý cấu tạo, tính năng kỹ thuật và tính năng sử dụng - Điều 3.3). Quy định này đã tháo gỡ vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án trong trường hợp không thu được tài sản hoặc tài sản thu giữ đã bị thay đổi so với ban đầu. Bên cạnh đó, giá trị tài sản định giá cũng được thay đổi từ “thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm” thành “tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá”.

Ảnh minh họa

Phương pháp định giá tài sản

Về căn cứ định giá, Nghị định 30 chia tài sản định giá thành 02 loại là tài sản không phải là hàng cấm và tài sản là hàng cấm và quy định cụ thể căn cứ định giá đối với từng loại. Trường hợp thu thập nguồn thông tin về mức giá tài sản tại thời điểm khác hoặc ở địa phương khác thì mức giá đó cần được điều chỉnh phù hợp về thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá.

Nghị định 30 cũng quy định cụ thể hơn về phương pháp định giá tài sản đối với một số trường hợp như: tài sản chưa qua sử dụng hoặc đã qua sử dụng, tài sản đã bị hủy hoại, hư hỏng một phần, thất lạc, tài sản là hàng giả hoặc không được mua bán phổ biến trên thị trường. (Điều 17)

Các quy định trên đã giải quyết được vướng mắc thực tế khi Cơ quan tố tụng yêu cầu xác định giá trị tài sản là loại hàng cấm, hàng hóa không phổ biến... Tuy nhiên, Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá có trách nhiệm “tổ chức cho Hội đồng định giá khảo sát trực tiếp tài sản hoặc mẫu tài sản cần định giá” (Điều 16.1)

Kết luận định giá tài sản

So với quy định tại Nghị định 26, phiên họp của Hội đồng định giá chỉ thực hiện khi có đầy đủ các thành viên thì tại Nghị định 30 quy định: trừ trường hợp Hội đồng định giá có 03 thành viên phải có đầy đủ 03 thành viên, thì Phiên họp định giá tài sản có thể tiến hành khi có mặt ít nhất 2/3 số lượng thành viên tham dự. Những thành viên vắng mặt phải có văn bản gửi tới Chủ tịch Hội đồng nêu rõ lý do vắng mặt và có ý kiến độc lập của mình về giá của tài sản cần định giá. (Điều 18)

Đối với trường hợp định giá tài sản là hàng cấm, biên bản họp định giá tài sản ngoài những nội dung chính, biên bản họp còn phải nêu rõ những hạn chế về việc áp dụng các căn cứ định giá tài sản đối với hàng cấm; về quá trình thực hiện khảo sát giá; thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá là hàng cấm; về phương pháp định giá tài sản và các hạn chế khác (nếu có) khi định giá tài sản là hàng cấm. (Điều 19)

Hồ sơ định giá tài sản

Nghị định 30 quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ định giá tài sản phải bao gồm cả “Văn bản yêu cầu định giá tài sản” và “Quyết định thành lập Hội đồng định giá”; bên cạnh đó, Nghị định 30 đã bổ sung thêm danh mục "Tài liệu do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp". (Điều 23).

Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền, phạm vi định giá tài sản trong TTHS đối với những vụ án được phát hiện, xử lý trên địa bàn khác nhau. Ví dụ: Vụ án “Cướp tài sản” được cơ quan tố tụng huyện X phát hiện, khởi tố, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh thì việc định giá tài sản trong vụ án do Hội đồng định giá cấp nào thực hiện? Vì vậy cần có quy định cụ thể Hội đồng Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cấp nào trưng cầu định giá thì Hội đồng định giá cấp đó thực hiện để đảm bảo việc áp dụng được thống nhất, giải quyết vụ án được kịp thời.

Thực tế, việc xác định giá trị tài sản trong một số vụ án rất phức tạp, phải thuê các tổ chức giám định tình trạng kinh tế - kỹ thuật, tỷ lệ chất lượng của tài sản, doanh nghiệp thẩm định để thực hiện, chi phí để giám định tài sản cao. Để đảm bảo việc kết quả thẩm định giá của các tổ chức này đưa ra là khách quan, tránh lãng phí cần có quy định cụ thể về điều kiện thuê tổ chức, doanh nghiệp giám định tài sản.

Hiện nay, trong các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự, chỉ Cơ quan điều tra được cấp kinh phí, chi phí định giá tài sản vì vậy khó khăn khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án trưng cầu định giá tài sản trong TTHS.    

Xem thêm>>>

Trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự

Có đình chỉ vụ án khi nguyên đơn không nộp bổ sung chi phí giám định, định giá tài sản?

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang