Những bài học kinh nghiệm từ vụ án Nguyễn Hải Dương và đồng phạm phạm tội “giết người” và “cướp tài sản”

15/02/2017 10:06

(kiemsat.vn)
Vụ án “Giết người” và “Cướp tài sản” xảy ra vào rạng sáng ngày 07/7/2015 tại ấp 2, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Thông qua thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử vụ án Nguyễn Hải Dương và đồng phạm phạm tội “Giết người” và “Cướp tài sản”, VKSND tỉnh Bình Phước đã rút ra những bài học kinh nghiệm.

Công tác phối hợp với Cơ quan điều tra khi xảy ra vụ án

Ngay sau khi nhận được tin báo về vụ “Giết người” và “Cướp tài sản”, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước đã trực tiếp chỉ đạo cử 01 đồng chí Phó Viện trưởng (phụ trách khối hình sự) và 01 đồng chí Kiểm sát viên (KSV) là Phó Trưởng Phòng 1 tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm tử thi. Trong suốt quá trình khám nghiệm, các KSV đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban chuyên án tham gia các cuộc họp tố tụng và với CQĐT trong việc thu thập dấu vết, vật chứng vụ án đảm bảo chứng cứ được thu thập khách quan, toàn diện, đúng quy định pháp luật. Thông qua công tác kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi xác định có dấu hiệu tội phạm giết người, cướp tài sản nên VKSND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu CQĐT (PC45) Công an tỉnh Bình Phước khởi tố vụ án về tội “Giết người”, “Cướp tài sản”. Ngày 08/7/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Bình Phước đã khởi tố vụ án hình sự về tội “Giết người” và “Cướp tài sản” quy định tại Điều 93 và 133 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); chủ động cùng với CQĐT nghiên cứu các tài liệu xác minh ban đầu về tội phạm để thống nhất trong việc đánh giá chứng cứ, xác định phương hướng xác minh, bổ sung chứng cứ góp phần cùng với Ban chuyên án và CQĐT nhanh chóng tìm ra thủ phạm gây án để khởi tố tiến hành điều tra.

Trên cơ sở những tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 10/7/2015, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến để điều tra làm rõ hành vi phạm tội giết người, cướp tài sản, các lệnh trên đã được Viện kiểm sát phê chuẩn kịp thời và đảm bảo tính có căn cứ của quyết định theo quy định của pháp luật. Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, cùng một lúc đã giết chết 6 người trong một gia đình, gây lo sợ, hoang mang trong quần chúng nhân dân, được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, Lãnh đạo VKSND tối cao và Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước, ngay trong ngày 13/7/2015, sau khi nhận được công văn đề nghị phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam, VKSND tỉnh Bình Phước đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung toàn bộ thời gian nghiên cứu tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, đảm bảo việc phê chuẩn các quyết định trên là có căn cứ, đúng pháp luật.

Đề ra yêu cầu điều tra sát với tính chất vụ án

VKSND tỉnh Bình Phước đã thành lập tổ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án và đã đề ra 03 bản yêu cầu điều tra sát với tình hình thực tế và tiến trình điều tra vụ án.

Trong quá trình kiểm sát điều tra, các KSV đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Điều tra viên để thực hiện công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án. Đã kịp thời yêu cầu Đoàn Luật sư của tỉnh cử Luật sư bào chữa cho các bị can. Kiểm sát trực tiếp tất cả các hoạt động thực nghiệm điều tra, khám xét, thu thập dấu vết, tài liệu, vật chứng; hỏi cung các bị can, ghi lời khai nhân chứng, đối chất…; kết hợp giữa việc trực tiếp kiểm sát hoạt động điều tra với kiểm sát chặt chẽ việc lập hồ sơ điều tra của Điều tra viên nhằm đảm bảo hoạt động điều tra, biên bản về hoạt động điều tra và các quyết định tố tụng đảm bảo tính có căn cứ và đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Điều tra viên thông báo kế hoạch điều tra để KSV chủ động, tích cực tham gia trực tiếp vào các hoạt động điều tra do Điều tra viên tiến hành. Trên cơ sở đó, KSV chủ động đề ra yêu cầu điều tra cụ thể, thu thập đầy đủ chứng cứ trước khi kết thúc điều tra, cùng đánh giá chứng cứ, định hướng xử lý đối với người phạm tội. Khi phát hiện thấy hạn chế, thiếu sót trong quá trình điều tra, Viện kiểm sát đã cùng với CQĐT tìm mọi biện pháp khắc phục, đảm bảo điều tra được khách quan, toàn diện, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Xác định tội danh, định khung hình phạt

Từ việc Nguyễn Hải Dương khai đã cùng Trần Đình Thoại đến nhà ông Lê Văn Mỹ để thực hiện việc giết người, cướp tài sản vào ngày 04/7/2015 nhưng bất thành, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bổ sung vụ án “Giết người”, “Cướp tài sản” xảy ra vào ngày 04/7/2015. Qua kiểm sát hoạt động điều tra, kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp pháp của quyết định trên, căn cứ theo quy định tại Mục 11.3 của Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2003 thì đây là chuỗi hành vi thực hiện tội phạm của bị can nhưng cùng tội danh thì chỉ ra một quyết định khởi tố vụ án hình sự, một quyết định khởi tố bị can chung cho tất cả các lần phạm tội đó. Viện kiểm sát đã chủ động họp bàn với CQĐT và Tòa án thống nhất không khởi tố thêm vụ án “Giết người”, “Cướp tài sản” xảy ra vào ngày 04/7/2015.

Khi vụ án kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố đối với các bị can Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại về tội “Giết người” và “Cướp tài sản” theo quy định tại Điều 93 và Điều 133 Bộ luật Hình sự hiện hành. Sau khi nhận hồ sơ vụ án 15 ngày, các KSV đã hoàn thành dự thảo Cáo trạng trình Lãnh đạo Viện. Cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát đối với các bị can Nguyễn Hải Dương về các tội “Giết người” theo điểm a, c, g, i, n, q khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự; tội “Cướp tài sản” theo khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự; Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại về các tội “Giết người” theo điểm a, c, g, i, n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự; tội “Cướp tài sản” theo khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự là có căn cứ và là cơ sở để Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử đối với các bị cáo trong vụ án, đảm bảo đúng người, đúng tội và đúng quy định của pháp luật.

Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án, việc phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng

Sau khi có quyết định truy tố, VKS đã chủ động phối hợp với cơ quan CSĐT, Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức họp báo nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương về việc truy tố các bị can, qua đó định hướng cho báo chí phải thông tin trung thực, phản ánh kịp thời và hướng dẫn dư luận xã hội đánh giá theo hướng tích cực, sự thật khách quan của vụ án, đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử các bị can đúng pháp luật. Do có sự phối hợp từ trước nên trong quá trình điều tra, truy tố, Tòa án cũng đã cử các Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ, khi vụ án chuyển sang Tòa án thì chỉ trong thời gian ngắn vụ án được đưa ra xét xử. Đây là vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, do đó các ngành tố tụng đã cử các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán là lãnh đạo ngành tiến hành tố tụng giải quyết vụ án đã phát huy được trí tuệ tập thể; đồng thời, thể hiện được vai trò của các cá nhân. Tại phiên tòa, các KSV đã chủ động xét hỏi, làm rõ các tình tiết của vụ án, chủ động tranh luận với các Luật sư, bác bỏ các luận điểm bào chữa không có căn cứ, bảo vệ quyết định truy tố một cách thuyết phục nên đã được Hội đồng xét xử chấp nhận, nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ.

Một số kinh nghiệm từ hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử vụ án

Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử đối với vụ án trên, VKSND tỉnh Bình Phước rút ra được một số kinh nghiệm sau:

Một là, sự chỉ đạo kịp thời từ các ngành, các cấp, nhất là sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, lãnh đạo Bộ Công an và Lãnh đạo VKSND tối cao đối với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Hai là, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chủ động trong công tác đấu tranh chống tội phạm, nhất là loại tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng phải huy động được cả hệ thống chính trị cùng tham gia trong việc phát hiện, tố giác kịp thời kẻ tình nghi phạm tội để báo cho các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý kịp thời.

Ba là, phát huy tính chủ động, linh hoạt của nội bộ từng ngành trong đấu tranh chống tội phạm, nhưng cũng cần tăng cường công tác phối hợp trong việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, sự đồng thuận giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về hướng xử lý vụ án.

Bốn là, việc cung cấp thông tin tài liệu phải tuân thủ theo đúng Luật Báo chí và do người có thẩm quyền phát ngôn; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền; góp phần định hướng dư luận xã hội đánh giá theo hướng tích cực, sự thật khách quan của vụ án; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nguyễn Quốc Hân –  Võ Thị Kim Ánh

VKSND tỉnh Bình Phước.

Nguồn: TCKS số 11/2016

B,C, D đồng phạm tội Cố ý gây thương tích

(Kiemsat.vn) - Tác giả cho rằng, B tuy không cùng bàn bạc với C, D nhưng khi thấy C, D mang hung khí đến, B vùng dậy và giật từ tay D một đoạn tuýp cùng C, D đuổi đánh lực lượng Công xã. B, C, D đã thống nhất ý chí với nhau, cùng cố ý thực hiện hành vi gây thương tích cho người khác.

Đề nghị giữ nguyên khoản 4 Điều 17 BLHS năm 2015

(Kiemsat.vn) - Nhằm bảo đảm tính minh bạch của BLHS, Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao đã thống nhất cao với quan điểm giữ nguyên quy định tại khoản 4 Điều 17 BLHS năm 2015.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang