Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước
(kiemsat.vn) Trong thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Giang đã tập trung tăng cường kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, trong đó có kiểm sát việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước. Qua kiểm sát thường xuyên và trực tiếp tại một số cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh cho thấy còn một số vi phạm, thiếu sót cần phải có biện pháp khắc phục…
Kiểm sát thi hành án dân sự là một trong những khâu công tác kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), bảo đảm cho các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được thi hành đúng pháp luật; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị xã hội ở địa phương.
Việc xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Luật thi hành án dân sự (THADS) là một trong những nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền. Các khoản được xét miễn, giảm thi hành án gồm: Các khoản thu, nộp cho ngân sách nhà nước thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án gồm tiền phạt, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án, tịch thu nộp ngân sách nhà nước, các khoản thu, nộp khác cho ngân sách nhà nước được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, lãi chậm thi hành án đối với các khoản được miễn, giảm (nếu có). Thực hiện việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước thể hiện chính sách của nhà nước đối với người phải thi hành án, góp phần khắc phục tình trạng việc THADS tồn đọng, kéo dài nhiều năm do người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án.
1. Căn cứ pháp lý
Căn cứ pháp lý để VKSND tiến hành công tác kiểm sát việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với các khoản nộp ngân sách nhà nước đó là: Điều 488 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 về thẩm quyền, thủ tục xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước của Tòa án; các điều 2, 4, 5, 9, 28 Luật tổ chức VKSND năm 2014; Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây viết tắt là Luật THADS năm 2008), trong đó chú ý các điều sau: Điều 12 (giám sát và kiểm sát việc thi hành án); Điều 61 (điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước); Điều 62 (hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước); Điều 63 (thẩm quyền, thủ tục xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước); Điều 64 (kháng nghị quyết định của Tòa án về miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước). Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, VKSND tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước (Thông tư liên tịch số 12/2015); Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy chế số 810/2016).
2. Một số vi phạm thường gặp liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với các khoản nộp ngân sách nhà nước
Thông qua công tác kiểm sát, VKSND hai cấp đã phát hiện một số vi phạm phổ biến liên quan đến việc xét miễn, giảm nghĩa vụ THADS đối với các khoản nộp ngân sách nhà nước, cụ thể:
Một là, chưa lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 62 Luật THADS năm 2008 và Điều 6 Thông tư liên tịch số 12/2015. Qua công tác kiểm sát, VKSND hai cấp tỉnh Bắc Giang đã phát hiện 09 trường hợp người phải thi hành án đã đủ điều kiện được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo quy định, song cơ quan THADS chưa lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo quy định, có trường hợp người phải thi hành án đã đủ điều kiện xét miễn từ năm 2020 nhưng đến năm 2022 vẫn chưa lập hồ sơ đề nghị xét miễn.
Ví dụ, tại Quyết định thi hành án chủ động số 121/QĐ-CCTHADS ngày 24/5/2010 của Chi cục THADS huyện C, buộc người phải thi hành án là Nguyễn Văn H sinh năm 1988, trú tại thôn T, xã N, huyện C, tỉnh B phải thi hành án khoản gồm: Án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng, án phí dân sự sơ thẩm 235.000 đồng, tịch thu sung công quỹ Nhà nước số tiền 4.300.000 đồng, tổng số tiền phải thi hành là 4.735.000 đồng. Quá trình thi hành án xác định, anh H không có tài sản, không có thu nhập nên ngày 20/8/2015, Chi cục THADS huyện C ra Quyết định chưa có điều kiện thi hành án đối với anh H và chuyển sổ theo dõi riêng. Đến nay, Nguyễn Văn H đã đủ điều kiện để xét miễn nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật THADS, nhưng Chi cục THADS huyện C chưa lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành cho người phải thi hành, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Hai là, việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước, một số văn bản đề nghị của cơ quan THADS viện dẫn thiếu căn cứ pháp luật hoặc sai điều luật. Một số văn bản đề nghị miễn nghĩa vụ thi hành án áp dụng không đúng căn cứ pháp luật. Có trường hợp người được thi hành án được miễn nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật THADS (miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước) nhưng văn bản đề nghị miễn nghĩa vụ thi hành án lại căn cứ khoản 1 Điều 61.
Ba là, không gửi quyết định về việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc có gửi qua VKSND cấp huyện (song không có biên bản giao nhận). Theo quy định tại khoản 4 Điều 63 Luật THADS năm 2008: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người được xét miễn, giảm thi hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp...”. Việc không gửi các quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước cho VKSND tỉnh đã ảnh hưởng đến quyền kháng nghị phúc thẩm của VKSND tỉnh đối với các quyết định của Tòa án về việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật THADS năm 2008.
3. Vướng mắc trong việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước
Các quy định của pháp luật về việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án được quy định cụ thể tại các Điều 61, 62, 63 và 64 Luật THADS năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014; Thông tư liên tịch số 12/2015. Tuy nhiên, cơ quan THADS vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định liên quan đến phạm vi áp dụng và điều kiện để được xét miễn, giảm nghĩa vụ THADS đối với khoản thu, nộp ngân sách Nhà nước, đòi hỏi sớm có giải pháp khắc phục, cụ thể: Về lãi suất chậm thi hành án: Điều 2 Thông tư liên tịch số 12/2015 quy định: “Các khoản thu, nộp cho ngân sách Nhà nước thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án gồm tiền phạt, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án, tịch thu sung quỹ Nhà nước, các khoản thu, nộp khác cho ngân sách Nhà nước được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn, giảm (nếu có)”; nhưng điều kiện về thời gian được xét miễn tối thiểu là 05 năm đối với khoản tiền dưới 2.000.000 đồng, như vậy sau 05 năm sẽ phát sinh khoản tiền lãi chậm thi hành án của khoản tiền phải thu nộp ngân sách. Nếu cộng thêm khoản tiền lãi này vào khoản phải thi hành án thì có thể nghĩa vụ thi hành án sẽ lớn hơn 2.000.000 đồng. Với số tiền trên 2.000.000 đồng thì điều kiện về thời gian để được xét miễn lại là 10 năm. Sau 10 năm khoản tiền lãi cộng vào có thể sẽ là trên 5.000.000 đồng, dẫn đến người phải thi hành án sẽ không đủ điều kiện để được xét miễn thi hành án mà chỉ đủ điều kiện để xét giảm thi hành án... Tuy nhiên, trên thực tiễn hiện nay, mặc dù nhiều bản án, quyết định đã tuyên phần lãi suất chậm thi hành án đối với người phải thi hành án, nhưng nhiều Tòa án khi xem xét điều kiện được miễn, giảm thường không xem xét đến “khoản lãi chậm thi hành án” đối với các khoản thu, nộp cho ngân sách Nhà nước.
Do vậy, tác giả đề nghị bỏ quy định về việc miễn, giảm lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn giảm (nếu có), thay vào đó nên quy định như khoản 2 Điều 26 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành một số nội dung của Luật THADS nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong hoạt động THADS), đó là khi khoản nghĩa vụ được xác định trong bản án, quyết định được miễn, giảm thì phần lãi chậm thi hành án trên số tiền được miễn, giảm đương nhiên được miễn. Bởi lẽ, người phải thi hành án thuộc diện được xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước là người không rõ nơi cư trú, không có tài sản hoặc là người không có thu nhập hoặc thu nhập chỉ đảm bảo cuộc sống tối thiểu…, nếu họ đã không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước thì việc tính thêm lãi chậm thi hành án là chưa hợp lý. Việc các Tòa án không đưa khoản lãi chậm thi hành án vào xem xét như hiện nay là phù hợp.
4. Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước
Thứ nhất, VKSND cấp tỉnh cần tăng cường ban hành thông báo rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát THADS, nhất là rút kinh nghiệm trong công tác kháng nghị, kiến nghị vi phạm của cơ quan THADS, phổ biến các cách làm hay để các đơn vị trong ngành học tập, rút kinh nghiệm; đồng thời tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các đơn vị để kịp thời hướng dẫn thực hiện có hiệu quả khâu công tác này trong thời gian tới.
Thứ hai, lãnh đạo các đơn vị cần chú trọng, tăng cường công tác tự đào tạo, tổ chức tọa đàm, trao đổi nghiệp vụ theo chuyên đề; giao trách nhiệm cho Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ đào tạo, hướng dẫn Kiểm tra viên, chuyên viên trong đơn vị.
Công tác kiểm sát việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước là khâu nghiệp vụ đòi hỏi cán bộ, Kiểm sát viên được phân công khâu công tác này phải nắm chắc các quy định của pháp luật về THADS và các văn bản pháp luật có liên quan đến xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước: Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật THADS, Thông tư liên tịch số 12/2015…; bám sát Quy chế công tác kiểm sát THADS, trong đó cần chú trọng nghiên cứu thông báo rút kinh nghiệm có liên quan đến lĩnh vực này để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức thực tế và qua đó đánh giá việc chấp hành pháp luật của Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án.
Thứ ba, cần tăng cường kiểm sát chặt chẽ đối với các hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước do cơ quan THADS thiết lập (về quy trình, thủ tục, về điều kiện để được đề nghị xét miễn, giảm...). Cần lưu ý đối với các trường hợp cơ quan THADS đã ra quyết định thi hành án trên 5 năm; kết quả xác minh xác định chưa có điều kiện thi hành án để hàng tháng chủ động rà soát, phát hiện các trường hợp có đủ điều kiện được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước nhưng chưa được cơ quan THADS lập hồ sơ đề nghị để báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo VKSND ban hành văn bản yêu cầu cơ quan THADS cùng cấp lập hồ sơ đề nghị, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người phải thi hành án theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, phối hợp với cơ quan THADS cùng cấp và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tuyên truyền pháp luật về THADS nói chung và điều kiện được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước nói riêng để người phải thi hành án nắm chắc được quyền và nghĩa vụ của mình, tự giác thực hiện nghĩa vụ để được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
7Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.