Nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự, hành chính sơ thẩm

27/02/2017 02:08

(kiemsat.vn)
Bài phát biểu của KSV là kết quả của hoạt động kiểm sát, nghiên cứu hồ sơ dân sự, hành chính. Trên cơ sở tài liệu hồ sơ, căn cứ diễn biến tại phiên tòa, Kiểm sát viên sẽ trình bày quan điểm của VKS về việc tuân theo pháp luật tố tụng và ý kiến về việc giải quyết vụ án.

Theo quy định BL TTDS và Luật TTHC: VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự, hành chính kịp thời, đúng pháp luật. Tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, quan điểm của VKS được thể hiện tại bài phát biểu của KSV.

Trước khi BL TTDS, Luật TTHC 2015 có hiệu lực, các luật tố tụng cũ chỉ quy định tại cấp sơ thẩm, VKS chỉ phát biểu việc tuân theo pháp luật tố tụng, vì vậy vai trò và vị thế của Kiểm sát viên tại phiên tòa không cao. Đánh giá chung, tại nhiều đơn vị chất lượng bài phát biểu của KSV còn sơ sài, việc nghiên cứu còn mang tính chất hình thức. Nguyên nhân của thực trạng trên một phần do khối lượng công việc của cấp quận, huyện rất lớn,số lượng cán bộ phụ trách khâu dân sự, hành chính không nhiều; nhiều đơn vị, cán bộ phải kiêm thêm nhiều khâu công tác khác dẫn đến không đầu tư nhiều về thời gian nghiên cứu hồ sơ cũng như các văn bản pháp luật liên quan.

Ngày 01/7/2015, BL TTDS, Luật TTHC có hiệu lực, theo đó KSV không chỉ đánh giá việc tuân theo pháp luật tố tụng mà còn phải đưa ra quan điểm giải quyết nội dung vụ án. Đây là bước đột phá cũng như thách thức đặt ra đối với cán bộ, KSV làm lĩnh vực này.

Theo nội dung hướng dẫn tại TTLT số 02, 03 ngày 30/8/2016 của TANDTC, VKSNDTC thì nội dung bài phát biểu phải thể hiện được những ý sau:

1. Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.

Kiểm sát viên phải nắm vững những diễn biến tố tụng mà thẩm phán, HĐXX đã thực hiện có phù hợp với quy định của BL TTDS, Luật TTHC không, cụ thể phải xác định rõ:

– Yêu cầu khởi kiện, đối tượng khởi kiện; thẩm quyền giải quyết của tòa án;

– Thời hiện giải quyết vụ việc dân sự, có hay không có yêu cầu của đương sự xem xét thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự (quy định tại Điều 183-185 BL TTDS); trong vụ án hành chính phải xác định rõ còn hay không còn thời hiệu khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính quy định tại Điều 116 Luật TTHC

– Xác định những người tham gia tố tụng (cần lưu ý xem Tòa án đã xác định đủ người có quyền lợi liên quan đến vụ án); có hay không có việc chấp nhận yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; Tòa án đã yêu cầu đương sự nộp đơn phản tố, đơn yêu cầu độc lập, nộp tạm ứng án phí đối với những yêu cầu này theo quy định của pháp luật.

– Tòa án thu thập chứng cứ có đúng thủ tục luật định không? Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, các biện pháp tống đạt văn bản tố tụng; thời hạn tố tụng; các quy định về thời hạn giải quyết tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm có đúng Luật TTHC, BL TTDS hay không.

Đối với những trường hợp Tòa án, các đương sự đã thực hiện đầy đủ các quy định về thủ tục tố tụng cần ghi nhận trong bài phát biểu; Với những trường hợp có vi phạm thủ tục tố tụng thì cần tổng hợp những vi phạm này, nếu xét thấy là vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của các đương sự thì KSV phải báo cáo đề xuất KNPT; trường hợp xác định có vi phạm nhưng không ảnh hưởng nhiều đến các đương sự thì xem xét tổng hợp kiến nghị chung.

Quá trình nghiên cứu hồ sơ, KSV có quyền yêu cầu tòa án bổ sung, thu thập chứng cứ, nếu tòa án không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì tại bài phát biểu KSV đưa những tồn tại này vào nội dung bài.

– Trường hợp Kiểm sát viên yêu cầu Hội đồng xét xử khắc phục vi phạm về thủ tục tố tụng thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu; trường hợp không chấp nhận thì nêu rõ lý do. Quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận của Hội đồng xét xử được thảo luận và thông qua tại phòng xử án và được ghi vào biên bản phiên tòa.

2. Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng hành chính, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án; các đương sự và những người tham gia tố tụng khác có thực hiện nghiêm túc, đầy đủ yêu cầu, các quyết định tố tụng hay không.

3. Trên cơ sở tài liệu hồ sơ vụ án (đặc biệt các chứng cứ đương sự cung cấp, Tòa án thu thập), các văn bản pháp luật nội dung điều chỉnh tranh chấp cần giải quyết, KSV phải đưa ra quan điểm của bản thân về việc giải quyết vụ án: chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (trong đó phải nêu rõ căn cứ pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ án); đề nghị Tòa án kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án hành chính có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên (nếu có);

Về thời hạn gửi bài phát biểu: Theo quy định của BL TTDS và Luật TTHC, cùng các hướng dẫn thì văn bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên phải có chữ ký của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa và gửi ngay cho Tòa án.

Đối với vấn đề này, Luật hiện hành quy định ngay sau khi kết thúc phiên tòa, KSV phải gửi ngay văn bản ý kiến cho TA lưu hồ sơ; quá trình thực hiện có nhiều ý kiến xung quanh trong đó các KSV có cùng quan điểm việc gửi ngay bài phát biểu khi phiên tòa kết thúc là chưa phù hợp vì tại phiên tòa, KSV vẫn phải thực hiện chức năng kiểm sát, thực tế diễn biến phiên tòa có nhiều bất ngờ và phức tạp, bản dự thảo phát biểu được xây dựng trước đó vẫn phải sửa chữa, chỉnh sửa cho phù hợp thực tế phiên tòa, vì vậy không thể gửi ngay khi phiên tòa kết thúc. Nhiều ý kiến cho rằng quy định tại thông tư 03, 04/2012 (thời hạn gửi bài phát biểu là 5 ngày) là phù hợp, bản thân các quy định tại TTLT 02, 03/2016 cũng không có điều nào quy định TTLT số 03, 04/2012 hết hiệu lực. Tuy nhiên, dưới góc độ cá nhân, tôi cho rằng phải thực hiện nghiêm túc quy định của Luật TTHC, BLTTDS về thời hạn gửi bài phát biểu của KSV; trường hợp phải có sự chỉnh sửa bài phát biểu, thì KSV cần trao đổi với HĐXX để thực hiện chỉnh sửa nội dung mới phát sinh và đảm bảo hình thức văn bản tố tụng, sau đó phải gửi ngay cho Tòa án.

Theo chỉ đạo của VKSND TP Hà Nội tại Kế hoạch 01 ngày 9/1/2017 về công tác kiểm sát năm 2017, Phòng 10 đã có hướng dẫn công tác số 210/HD-VKS-P10 ngày 17/01/2017, trong đó có nội dung nhằm nâng cao chất lượng bài phát biểu của KSV tại phiên tòa, phiên họp thì ngoài yêu cầu phải nghiên cứu, xây dựng hồ sơ, chuẩn bị báo cáo đề xuất thì bản dự thảo bài phát biểu của KSV tại phiên tòa, phiên họp phải trình lãnh đạo phê duyệt trước khi ra phiên tòa. Đây là một yêu cầu mới của lãnh đạo Viện KSND TP Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát và công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo phụ trách trực tiếp khâu dân sự, KDTM, LĐ và hành chính.

Huyền Phương

VKSND Tp. Hà Nội

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang