Một số giải pháp phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

24/08/2023 08:00

(kiemsat.vn)
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Đây là loại tội phạm làm suy thoái đạo đức xã hội, vì vậy cần xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm này một cách hiệu quả nhất.

Xâm hại tình dục trẻ em có thể được hiểu một cách chung nhất là sự xâm phạm đến quyền tự do, xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự của trẻ em. Dưới khía cạnh pháp lý, khái niệm trẻ em thường được tiếp cận theo độ tuổi, theo đó, trẻ em được coi là người chưa đủ 16 tuổi và tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái với pháp luật hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện. Khái niệm trẻ em được quốc tế sử dụng thống nhất trong các Công ước quốc tế. Theo đó, trẻ em là một thuật ngữ nhằm chỉ một nhóm xã hội thuộc về một độ tuổi nhất định trong giai đoạn đầu của sự phát triển con người. Trẻ em là những người chưa trưởng thành, còn non nớt về thể chất và trí tuệ, dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời. Trong giai đoạn đầu của sự phát triển con người, trẻ em có những đặc điểm cơ bản trong mỗi nhóm tuổi nhất định.

a) Theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, thì “Trẻ em là người dưới 18 tuổi”.

b) Theo pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật trẻ em năm 2016 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2017) thì: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”.

Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định: “Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”.

Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 gồm 5 điều luật, cụ thể: Điều 142 (Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 145 (Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi); Điều 146 (Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi); Điều 147 (Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm). Trong đó, người phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể phải chịu mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình.

1. Một số nguyên nhân dẫn tới gia tăng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung cho thấy, loại tội phạm này ngày càng diễn biến phức tạp, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng, xâm hại nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần đối với trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Các vụ án xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em xảy ra ở khắp các địa bàn trong tỉnh, nhưng đa phần tập trung tại nông thôn là 144 vụ (chiếm 78,6%), tại thành phố 22 vụ (chiếm 12%), số ít còn lại xảy ra ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong nhân dân.

Tội phạm này gia tăng xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

- Nguyên nhân khách quan:

Tỉnh Đắk Lắk có diện tích trên 13.000 km2 với 47 dân tộc sinh sống, là địa bàn giáp ranh 05 tỉnh và nước bạn Campuchia, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, thông tin liên lạc ở hầu hết các xã trong tỉnh còn lạc hậu, cơ cấu dân cư phức tạp, chủ yếu làm nông nghiệp, dân di cư tự do nhiều, trình độ nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế, trong khi nhiều đối tượng không rõ nhân thân, lai lịch, sau khi gây án, bỏ đi nơi khác; thời gian, địa điểm thực hiện tội phạm phần lớn là đồi núi, nơi vắng vẻ vào ban đêm, không có người làm chứng; chứng cứ vật chất để chứng minh tội phạm không nhiều, không thu giữ được hoặc có thu giữ được nhưng không đủ điều kiện để giám định… tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Một bộ phận không nhỏ dân cư không nhận thức được trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nên việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em bị coi nhẹ; nhận thức của một số gia đình đối với các nguy cơ về tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả của công tác này.

Sự du nhập của các loại văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy; sự tha hóa, biến chất về đạo đức, lối sống của một số người đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách trẻ em, làm gia tăng tội phạm, trong đó có tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

- Nguyên nhân chủ quan:

Nhận thức pháp luật của người dân, nhất là người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người còn hạn chế, có người chưa nhận thức được hành vi họ đã thực hiện là vi phạm pháp luật hoặc danh dự, nhân phẩm của họ đã bị xâm hại (nhất là hành vi dâm ô, giao cấu với trẻ em). Bên cạnh đó, còn có những trường hợp người bị hại và gia đình của người bị hại thường có tâm lý e ngại, mặc cảm, tự ti, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống gia đình nên không dám lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân họ hoặc người thân khi bị xâm hại. Khi xảy ra vụ việc, họ thường không trình báo với cơ quan có thẩm quyền mà giấu diếm, bỏ qua hoặc tự thỏa thuận (có thể do bị đe dọa trả thù hoặc hứa hẹn) với người có hành vi phạm tội và gia đình của người phạm tội.

Nhiều vụ án xảy ra xuất phát từ việc gia đình không quan tâm, quản lý, chăm sóc các em trong cuộc sống hàng ngày. Trong đó, nhóm đối tượng bị xâm hại là trẻ em gái bị bệnh tật, hoặc những trẻ phải học xa nhà, ở trọ, ít kinh nghiệm sống và thiếu khả năng tự bảo vệ mình trước các cạm bẫy của xã hội, rất dễ trở thành đối tượng bị xâm hại tình dục. Bên cạnh đó, nhóm con em của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ ly hôn, ly thân, bố mẹ mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm với con cái tạo nên ý thức sống “buông thả”, dễ bị xa đọa, lôi kéo vào những con đường vi phạm pháp luật hoặc trở thành nạn nhân về xâm hại tình dục...

Công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ của chính quyền và công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phát hiện, đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền về các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nhóm trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại có lúc, có nơi chưa kịp thời; việc thực thi pháp luật, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền và của người dân ở nhiều địa phương chưa nghiêm túc; hình thức xử lý vi phạm đối với người thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ và những người có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em chưa kịp thời và chưa có tác dụng giáo dục, răn đe, dẫn đến biểu hiện coi thường pháp luật trong công tác bảo vệ trẻ em; sự kết hợp quản lý giáo dục giữa gia đình - nhà trường và xã hội có lúc chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ...

Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật hình sự, pháp luật hôn nhân gia đình, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, pháp luật về bình đẳng giới, pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em còn hạn chế, chưa thường xuyên, dẫn đến nhận thức của một bộ phận người dân về bình đẳng giới, về quyền của phụ nữ, trẻ em đặc biệt là trẻ em gái còn hạn chế, chưa nhận thức được đầy đủ quyền của mình nên không dám đấu tranh, bảo vệ mình.

2. Một số giải pháp phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em

Một là, tiếp tục triển khai, thực hiện và đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 “Về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”; Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” và các kế hoạch, chương trình hành động, nội dung các văn bản pháp luật liên quan với mục tiêu nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Luật hôn nhân và gia đình; về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình để ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; trong đó, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải có kế hoạch, chương trình ngắn hạn, dài hạn cụ thể, chú trọng lồng ghép truyền thông về phòng, chống xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái vào sinh hoạt thôn, ấp, tổ dân phố; sinh hoạt ngoại khóa của các cấp học và sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể các cấp. Các Đài phát thanh và Truyền hình, các cơ quan báo chí địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch, gia tăng thời lượng, mở các chuyên trang, chuyên mục, các tin bài, hình ảnh tuyên truyền và đa dạng về hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng viễn thông, internet (chú trọng lồng ghép thông tin của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em; đường dây nóng...) để giúp người dân có thêm thông tin.

Hai là, nâng cao năng lực và trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân người tham gia phòng, chống bạo lực tình dục các cấp. Theo đó, cần kiện toàn đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác truyền thông về dân số, gia đình và trẻ em tại cơ sở; quy định cụ thể và nâng cao trách nhiệm, mối quan hệ “cộng tác” của các ban, ngành, đoàn thể về vấn đề liên quan.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các thiết chế gia đình bền vững cũng cần được xem là giải pháp nội lực để phòng, tránh bạo lực gia đình nói chung và bạo lực tình dục trong gia đình nói riêng (trong đó chú trọng phát huy vai trò của người mẹ với con gái). Giải pháp này đòi hỏi vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng, cùng sự phối hợp của chính quyền, Hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tùy theo đặc điểm, truyền thống văn hóa của từng địa phương để phối hợp xây dựng các quy chế, quy ước về các chuẩn mực của mô hình gia đình văn hóa, hạnh phúc nhằm hạn chế nguyên nhân có thể làm phát sinh tình hình tội phạm xâm hại trẻ em.

Ba là, xác định một trong những nguyên nhân chính để xảy ra tội phạm về loại tội này là do “nhận thức chủ quan”, coi công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em là nhiệm vụ riêng của ngành Công an mà chưa quan tâm đúng mức đến việc giáo dục giới tính, nhân cách, kỹ năng sống, nhất là các kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em. Vì vậy, cần đưa vào khung chương trình học của nhà trường, từ cấp tiểu học để học sinh được trang bị vốn kiến thức cơ bản tự bảo vệ mình; đồng thời có định hướng, kiến nghị phân công, tuyển dụng cán bộ phụ trách để tư vấn tâm lý cho các em khi có nhu cầu…

Bốn là, lắp đặt hệ thống camera tại những địa điểm trẻ em thường qua lại nguy cơ dễ bị xâm hại, gắn công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, bảo vệ và chăm sóc trẻ em với việc thực hiện các phong trào lớn như: “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa - tại khu dân cư”; “Phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc”...

Năm là, quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép kinh doanh và tăng cường quản lý các hoạt động kinh doanh nhạy cảm như: Karaoke, massage, khách sạn… và các ấn phẩm nhập khẩu, loại hình vui chơi giải trí liên quan, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những vi phạm có thể tác động làm nảy sinh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Sáu là, các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường công tác quản lý hộ tịch; quản lý chặt chẽ việc kết hôn, đăng ký kết hôn nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp tảo hôn để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cần định hướng phối hợp xây dựng hệ thống quản lý “vùng nguy cơ” về bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em theo hướng: Sàng lọc, phát hiện ra những đối tượng có bệnh lý về tình dục, có biểu hiện tâm lý, bệnh lý bất thường, có nguy cơ mất kiểm soát về hành vi dẫn đến khả năng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em để có những can thiệp kịp thời. Với những đối tượng bệnh lý về tình dục thì cần phải bắt buộc chữa bệnh; những đối tượng mắc bệnh tâm thần, nghiện ngập, không có khả năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em hoặc có nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của trẻ em thì cần phải có can thiệp kịp thời, giao em cho những người khác, cơ quan tổ chức khác tốt hơn để đảm bảo an toàn cho trẻ em; phân loại trẻ em trên từng địa phương để xác định nhóm trẻ em có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại. Nhóm những trẻ em yếu thế cần phải được quan tâm, can thiệp, giúp đỡ kịp thời tránh nguy cơ có thể xảy ra bạo hành, xâm hại tình dục đối với nhóm trẻ em này.

Bảy là, xây dựng kế hoạch, tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí và phối hợp để các cơ quan như: Viện kiểm sát, Tòa án, Chi hội Luật gia... tổ chức các phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang