Hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền của nạn nhân bị xâm hại tình dục

14/09/2021 13:18

(kiemsat.vn)
Các quy định liên quan đến thủ tục pháp lý xử lý vụ án xâm hại tình dục hiện nay còn nhiều khâu và phức tạp; việc phát hiện, thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm xâm hại tình dục gặp nhiều khó khăn do thiếu dấu vết, tổn thương cơ thể… là những vấn đề cần hoàn thiện để bảo đảm quyền của nạn nhân bị xâm hại tình dục.

Những bất cập của pháp luật hình sự hiện hành liên quan đến tội phạm tình dục

Thứ nhất, quy định về các tội hiếp dâm, cưỡng dâm. Các tội danh này được thực hiện bởi người có năng lực trách nhiệm hình sự thông qua hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác. Trong đó, hành vi “giao cấu” được quy định tại khoản 1 các điều 141, 142, 143, 144 và 145 trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) chưa rõ ràng, cụ thể và khó xác định trong các vụ án xâm hại tình dục (XHTD). Theo Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân (TAND) tối cao ngày 01/10/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án XHTD dưới 18 tuổi (gọi tắt là Nghị quyết số 06/2019), xác định giao cấu là “hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào. Hành vi giao cấu với trẻ em dưới 10 tuổi được xác định là đã hoàn thành không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập” (khoản 1 Điều 3). Việc quy định như vậy gây nhiều khó khăn trong việc thụ lý và xét xử đối với Tội hiếp dâm và Tội cưỡng dâm trong thực tế, bởi vì việc xác định Tội hiếp dâm hoặc Tội cưỡng dâm thông qua việc thực hiện hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác bằng “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân” (tội “hiếp dâm”) hoặc “dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng” (tội “cưỡng dâm”) là cách tiếp cận mang nặng tính bằng chứng và tương đối hạn hẹp, điều này gây khó khăn cho các cơ quan chức năng và cho chính các nạn nhân trong việc tìm kiếm công lý thông qua con đường tư pháp chính thức. Bởi hiện nay, pháp luật hình sự Việt Nam quy định “lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được” hoặc “ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng” là dấu hiệu phạm tội hiếp dâm hoặc tội cưỡng dâm, theo quy định này các cơ quan chức năng có xu hướng chứng minh hành vi phạm tội căn cứ vào bằng chứng pháp y, thông qua các thương tích, dấu vết (trầy xước, bầm dập, thâm tím…). Đa số cán bộ tư pháp hình sự cho biết họ dựa vào khám nghiệm âm đạo và phát hiện tinh dịch để xác định xem đó có phải là các dấu vết liên quan đến XHTD không, tuy nhiên việc làm này gặp phải những thách thức lớn trong các vụ việc mà nạn nhân nữ trưởng thành đã có quan hệ tình dục trước khi xảy ra vụ việc hay trong những trường hợp mà những nạn nhân không kịp thời trình báo cơ quan chức năng ngay khi vụ việc xảy ra, hoặc do việc tắm rửa sau khi bị hiếp dâm, bị cưỡng dâm; hoặc những dấu vết trên cơ thể sau một vài ngày sẽ phai mờ khiến cho việc phát hiện, thu thập chứng cứ, giám định, chứng minh tội phạm gặp rất nhiều khó khăn. Điều đó dẫn đến quyền của phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của tội “hiếp dâm”, cưỡng dâm khó được đảm bảo, bởi theo các quy định pháp luật hiện hành, các cơ quan chức năng thường lấy lý do chứng cứ, dấu vết mờ nên khó khăn trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vì e ngại dẫn đến oan, sai.

Thứ hai, quy định về tội “dâm ô”. Theo Điều 146 BLHS năm 2015 và khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019 thì hành vi dâm ô đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên vẫn chưa được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, bởi vì một số chuyên gia pháp lý ở Việt Nam cho rằng “Hành vi dâm ô người từ 16 tuổi trở lên thì không phạm tội mà chỉ áp dụng biện pháp giáo dục”. Do đó, đây vẫn là một khoảng trống pháp lý trong việc đấu tranh, phòng ngừa, xử lý tội XHTD để bảo vệ quyền lợi ích chính đáng, hợp pháp cho nạn nhân nữ bị XHTD. Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 146 BLHS năm 2015 thì người dưới 18 tuổi (đặc biệt từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi và có đủ năng lực pháp luật hình sự) có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, nếu truy cứu trách nhiệm hình sự thì chưa có đủ cơ sở pháp lý và như thế sẽ áp dụng khung hình phạt nào? Nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, điều này sẽ bỏ lọt tội phạm và không đảm bảo quyền đối với trẻ em gái bị dâm ô bởi người dưới 18 tuổi.

Thứ ba, pháp luật Việt Nam hiện nay không quy định rõ ràng các hành vi và chế tài hình sự liên quan đến quấy rối tình dục, mặc dù đây là một hiện tượng đã và đang diễn ra trong thực tế, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tinh thần và sự bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhân phẩm, danh dự của phụ nữ và trẻ em. Bộ luật lao động năm 2019 đã đưa ra định nghĩa về quấy rối tình dục nơi làm việc là “hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận” (khoản 9 Điều 3). Tuy nhiên, quy định này chưa được hướng dẫn cụ thể hình thức xử lý và quyền lợi của người lao động khi bị quấy rối tình dục. Điều này tạo ra rào cản khiến cho nạn nhân không thể trình báo vụ việc và nếu có trình báo thì các cơ quan chức năng cũng khó có thể xử lý bởi thiếu các quy định cụ thể.

Những bất cập của pháp luật tố tụng hình sự

Thứ nhất, những hạn chế liên quan đến các quy định về xử lý thông tin tố giác, tin báo về tội phạm tình dục. Với các vụ việc liên quan đến XHTD thì giai đoạn trình báo, tố giác tội phạm là rất quan trọng, tuy nhiên một “lỗ hổng” hiện nay là chưa có quy trình tố tụng đặc biệt để xử lý tố giác, tin báo loại tội phạm này, thiếu các quy định xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân không tố cáo, tố giác hành vi XHTD, không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ trách nhiệm bảo vệ quyền của nạn nhân bị XHTD. Do đó, trên thực tế có nhiều trường hợp các cơ quan nhận tin báo, tố giác tội phạm đã không thực hiện hết trách nhiệm của mình trong giải quyết vụ việc khiến cho việc đảm bảo quyền của các nạn nhân bị XHTD gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Thứ hai, các quy định liên quan đến thủ tục pháp lý xử lý vụ án XHTD hiện còn nhiều tầng, nhiều nấc. Trong bối cảnh mà hầu hết các nạn nhân không hiểu rõ quy trình thủ tục pháp lý thì việc có quá nhiều thủ tục sẽ làm chậm đáng kể thời gian thụ lý, khám xét, thu giữ chứng cứ, dấu vết liên quan tới vụ việc. Hiện nay, quy trình trưng cầu giám định về tình dục đang được thực hiện theo các bước: (1) Sau khi nạn nhân hoặc gia đình trình báo sự việc, cơ quan điều tra tiến hành lập biên bản lấy lời khai; (2) Đưa nạn nhân đến cơ sở khám, chữa bệnh, thường là các bệnh viện có chuyên khoa sản để khám chứng thương; (3) Sau khi hoàn tất hồ sơ, Cơ quan điều tra gửi quyết định trưng cầu giám định pháp y tình dục đến trung tâm pháp y nhưng nhiều trường hợp bị muộn nên không còn dấu vết của hành vi XHTD. Trung tâm pháp y chỉ có thể thẩm định lại các dấu hiệu tổn thương đã được ghi nhận tại các cơ sở khám chữa bệnh trước đó xem có đúng không, kết quả này không có tác dụng giúp Cơ quan điều tra xác định đây có phải là vụ việc XHTD hay không, thậm chí có trường hợp thời gian giám định pháp y còn kéo dài hơn nếu trong quá trình giải quyết vụ án bị cáo được tư vấn không đồng ý với bản kết luận giám định pháp y đã nhận được trước đó nên đã đề nghị với Hội đồng xét xử cho giám định pháp y lại.

Luật giám định tư pháp năm 2012 đã không quy định việc trưng cầu giám định pháp y về XHTD đối với phụ nữ và trẻ em gái là loại đặc biệt, phải được thực hiện nhanh để xác định thủ phạm, trong khi đó việc thực hiện quy trình thủ tục này lại không hề đơn giản với các nạn nhân nữ (thời gian kéo dài, những dấu vết trên cơ thể nạn nhân bị xóa mờ, vùng kín bị hóa sẹo, không thu được tinh dịch…), điều đó khiến cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài, gặp nhiều khó khăn, thậm chí dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý không đúng tội danh.

Thứ ba, những hạn chế trong các quy định của pháp luật liên quan đến chứng minh hành vi phạm tội tình dục. Việc thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm tình dục là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hình sự hiện hành quy định nạn nhân phải có trách nhiệm chứng minh mình bị XHTD trái ý muốn. Để chứng minh việc bị hiếp dâm hoặc bị cưỡng ép quan hệ tình dục, nạn nhân phải chứng minh là đã bị quan hệ tình dục “trái ý muốn” của bản thân. Điều này đang đặt trách nhiệm chứng minh tội phạm lên nạn nhân và biến hành vi của nạn nhân thành yếu tố trung tâm trong việc xác định tội phạm tình dục. Thực tế này khiến cho quá trình tố tụng trở nên khó khăn do nạn nhân thường e ngại trình báo vụ việc với cơ quan chức năng.

Thứ tư, hệ thống pháp luật của nước ta quy định chưa chặt chẽ về bảo vệ nạn nhân trong quá trình thu thập chứng cứ, trong đó chưa quy định chi tiết về việc bảo mật thông tin, việc giữ bí mật đời sống riêng tư cho nạn nhân nữ bị XHTD, thiếu các quy định bảo vệ người tố giác tội phạm. Điều này cho thấy, pháp luật của nước ta chưa thực sự chú trọng đầy đủ đến đặc tính dễ bị tổn thương của nạn nhân nữ bị XHTD, đặc biệt là trẻ em gái, khiến nạn nhân nữ bị XHTD giữ bí mật, không khai báo kịp thời vụ việc với cơ quan chức năng.

Một số kiến nghị

Một là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự, đặc biệt là tập trung sửa đổi các nội dung sau: Dâm ô đối với người đủ từ 16 tuổi trở lên phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự; quy định rõ trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Đối với tội “hiếp dâm”, các quy định pháp luật hình sự liên quan đến tội danh này nên sửa đổi theo hướng tập trung vào vấn đề “đồng thuận” hay “không đồng thuận” chứ không phải vấn đề sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực làm căn cứ điều tra, xét xử tội phạm. Vì vậy, cần thay đổi cụm từ “không thể tự vệ” trong Điều 141 và Điều 142 BLHS năm 2015 thành “không thể đưa ra sự đồng ý một cách tự nguyện”. Quy định này sẽ mở rộng các hành vi bị coi là hiếp dâm và tránh việc các cơ quan chức năng coi nặng chứng cứ pháp y, đề cao các dấu vết mà coi nhẹ độ tin cậy của sự việc hoặc vấn đề thiếu sự đồng thuận của nạn nhân, qua đó hạn chế tình trạng bỏ lọt tội phạm.

Ngoài ra, để tạo điều kiện và khuyến khích nạn nhân nữ bị XHTD trình báo vụ việc với cơ quan chức năng, cần mở rộng phạm vi các tội phạm tình dục, xóa bỏ các rào cản trong quá trình thụ lý điều tra, xét xử vụ việc, vì thế pháp luật tố tụng hình sự quy định về XHTD nên loại bỏ yêu cầu cung cấp bằng chứng về sự “thâm nhập”. Thay vào đó, nên tập trung vào các dạng hành vi tình dục khác nhau để công nhận việc nạn nhân miễn cưỡng tham gia hành vi tình dục mà không chống trả là do họ ở thế yếu so với kẻ phạm tội.

Hai là, cần quy định tội “cưỡng bức tình dục trong hôn nhân” là tội phạm hình sự và được tiến hành theo thủ tục tố tụng đặc biệt (nghĩa là không cần thiết phải có đơn tố cáo của người bị hại như Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015), cần quy định rõ các hành vi quấy rối tình dục bởi hiện tại pháp luật Việt Nam chưa xác định rõ hành vi quấy rối tình dục. Chúng ta có thể căn cứ theo Khuyến nghị chung số 19 của Công ước của Liên hợp quốc về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW): “Hành vi không mong đợi về giới tính như tiếp xúc cơ thể và tán tỉnh, bình phẩm về giới tính, khoe ảnh khiêu dâm và thể hiện nhu cầu tình dục, bằng lời hay hành động” (Điều 11) hoặc theo các chuyên gia của Liên hợp quốc, quấy rối tình dục là: “Hành vi có tính chất tình dục không được hưởng ứng trong quan hệ cấp trên với cấp dưới và ngang cấp tại nơi làm việc (kể cả trong khu vực làm việc không chính thức), trong hoạt động giáo dục, tiếp nhận hàng hóa và dịch vụ, các hoạt động thể thao và giao dịch bất động sản”, trong đó hành vi có tính chất tình dục không được hưởng ứng bao gồm: Các hoạt động trực tiếp hoặc có hàm ý “tán tỉnh và có hành vi đụng chạm; đòi hỏi hoặc yêu cầu quan hệ tình dục; nhận xét có màu sắc tình dục; phô bày những tranh ảnh, áp phích hoặc hình vẽ về tình dục; hoặc bất kỳ hành vi nào về thể chất, bằng lời hoặc không bằng lời, mang tính chất tình dục mà không được hưởng ứng”.

Ba là, sửa đổi các quy định liên quan đến khung hình phạt và các quy định xác định chủ thể của tội phạm. Hiện tại, nhóm các tội về xâm phạm tình dục (tại điều 141, 142, 143, 144, 145, 146), được quy định trong BLHS năm 2015 đã có nhiều thay đổi so với các quy định về tội danh này trong BLHS năm 1999, tuy nhiên, vẫn giữ nguyên khung hình phạt với các tội danh này là không phù hợp. Các khung hình phạt áp dụng với tội phạm này cần được sửa đổi theo hướng tăng nặng hình phạt và sửa các khung hình phạt liền kề được quy định trong các điều 141 và 143 BLHS năm 2015. Bên cạnh đó, cần quy định thêm hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người thực hiện các hành vi xâm hại tình dục. Với việc xác định chủ thể của tội phạm này, các quy định tại các điều 145, 146, 147 BLHS năm 2015 thực tế đã tạo kẽ hở để lọt tội phạm, do đó, cần sớm có hướng dẫn quy định chi tiết về việc xác định chủ thể của tội phạm này trong trường hợp người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi.

Bốn là, cần sửa đổi các quy định trong Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật trẻ em hiện hành phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, trong đó quy định trẻ em là người từ 18 tuổi trở xuống thay vì quy định từ 16 tuổi trở xuống như hiện nay; sửa Luật phòng chống bạo lực gia đình hiện hành, đặc biệt chú trọng đến quy định về bạo lực tình dục đối với phụ nữ.

Năm là, liên ngành tư pháp cần ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ xử lý tin báo, tố giác, khởi tố, điều tra, truy tố các tội XHTD, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em gái, mặt khác cần bổ sung các quy định xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân không tố cáo, tố giác hành vi XHTD; không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ trách nhiệm bảo vệ quyền của nạn nhân. Đồng thời, cần quy định biện pháp điều tra đặc biệt đối với các tội phạm tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em; sửa đổi, bổ sung Luật giám định tư pháp năm 2012 theo hướng quy định việc trưng cầu giám định pháp y về XHTD đối với phụ nữ và trẻ em gái là loại đặc biệt, phải được thực hiện nhanh; quy định rõ hoạt động phối hợp giữa cơ quan Công an và cơ quan Y tế, cơ quan giám định nhằm đưa ra kết quả giám định cũng như thu thập chứng cứ một cách nhanh chóng, hiệu quả và chính xác nhất; các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử cần phối hợp với ngành Y tế để xác định tổn hại tinh thần của nạn nhân.

Để đảm bảo quyền của nạn nhân nữ bị XHTD cần có quy trình thủ tục đặc biệt trong quá trình thu thập chứng cứ, lấy lời khai mà không làm tổn hại tinh thần đối với nạn nhân, nghĩa là cần tạo ra quá trình điều tra thân thiện, tránh khoét sâu hơn những tổn thương, những nỗi đau mà nạn nhân phải chịu đựng. Theo đó, việc tiếp xúc lấy lời khai, xét hỏi người bị hại, nhân chứng cần phải được thực hiện theo quy trình riêng, đặc biệt với người chưa thành niên; hỗ trợ họ cung cấp lời khai hiệu quả và giảm chấn thương tâm lý khi tham gia vào quá trình tố tụng. Điều này sẽ làm tăng tỷ lệ các nạn nhân nữ khai báo vụ việc với cơ quan chức năng, đồng thời giảm tỷ lệ nạn nhân bỏ cuộc giữa chừng. Liên ngành tư pháp Trung ương cần sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về quy trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án XHTD; đồng thời cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan, tổ chức xã hội trong việc cử các chuyên gia tâm lý - xã hội trợ giúp cho nạn nhân, nhất là phụ nữ và trẻ em gái trong các vụ án XHTD khi họ tham gia tố tụng./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang