Luật tục Kơho với quan hệ hôn nhân gia đình hiện nay

14/05/2018 09:06

(kiemsat.vn)
Cộng đồng người Kơho ở Lâm Đồng sử dụng rất nhiều những phong tục tập quán (được nâng lên thành những điều luật tục) trong điều chỉnh các quan hệ xã hội. Các quan hệ hôn nhân, gia đình và làng bản của người Kơho là một trong những quan hệ chịu ảnh hưởng mạnh nhất của luật tục.

Cao nguyên Langbiang

Người Kơho phân bố rất rộng, là một lực lượng dân cư chiếm số đông trong các dân tộc bản địa ở tỉnh Lâm Đồng và những nét văn hóa của người Kơho sẽ chi phối rất lớn đến nét văn hóa nói chung của tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt nội dung của Luật tục dân tộc Kơho có những ảnh hưởng rất lớn đối với lĩnh vực hôn nhân gia đình và cộng đồng làng bản của người Kơho.

Ảnh hưởng tích cực của luật tục Kơho

Trong quan hệ hôn nhân và gia đình

Cũng giống như luật tục của các dân tộc khác đây là một lĩnh vực mà nội dung của nó chiếm số lượng lớn trong luật tục dân tộc Kơho. Trong lĩnh vực về hôn nhân, luật tục đã răn dạy mọi thành viên từ việc chấp hành những quy định về cưới hỏi, tiêu chuẩn chọn vợ, chọn chồng, việc giữ lời hứa hôn:

“…Anh đã hứa hôn, dấu cắt còn trên chuôi dao

… Quan hệ với phụ nữ, bị phạt một hũ rượu đền

Từ chối kết hôn với con cái nhà cậu phạt một con trâu (1)

Cho đến việc làm đám cưới, không báo già làng, lười biếng không nuôi vợ, đánh vợ, hay đến việc ngoại tình:

“… Sưng phù vì ngoại tình

Chết đánh nhau, chém nhau phạt chiêng (2)

Tất cả những nội dung đó đã được mọi thành viên trong cộng đồng người Kơho vận dụng trong quan hệ của mình, theo đó mỗi thành viên trong cộng đồng người Kơho thường có một vợ một chồng. Chỉ trong trường hợp đặc biệt mới có tình trạng đa phu. Nguyên tắc trong hôn nhân dựa trên nguyên tắc ngoại hôn theo dòng họ mẹ. Những người được coi là cùng dòng máu về phía mẹ dù cách nhau bao nhiêu đời cũng tuyệt đối không được phép có mối quan hệ hôn nhân hay tính giao với nhau. Vi phạm điều này tức là phạm tội loạn luân, tội lớn nhất trong các tội theo luật tục có thể bị đuổi khỏi làng. Hay các tội ngoại tình, không nuôi vợ con cũng sẽ bị làng trừng phạt.

Theo hôn nhân truyền thống, người Kơ Ho quan niệm rằng, hôn nhân không phải là việc riêng của mỗi cá nhân mà là việc chung của gia đình, dòng họ thậm chí của cả cộng đồng. Trai gái đến tuổi trưởng thành, thường là 15 - 16, đánh dấu bằng nghi lễ cà răng - căng tai, có thể tiến đến hôn nhân. Việc hôn nhân do người con gái và gia đình cô chủ động. Gia đình hoặc cô gái nhắm đến một chàng trai ưng ý và sắm sửa lễ vật đi hỏi chồng. Người con trai hoặc nhà trai có thể đồng ý ngay lần hỏi đầu tiên. Nhiều trường hợp, nhà gái đến hỏi nhiều lần, sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, nhà trai và người con trai mới ưng thuận. Trong hôn lễ, vai trò của người cậu hai bên trai gái được đề cao. Sau khi gia đình chàng trai đã nhận lễ, đôi trai gái không được phép phản đối. Có nhiều đôi trai gái yêu nhau nhưng gia đình phản đối, họ nghe theo sự sắp đặt của gia đình hoặc phản kháng bằng cách bỏ nhà đi một thời gian, lúc đã có con mới trở về xin phép. Trường hợp cha mẹ hai bên đính ước khi con cái họ còn nằm trong bụng, chỉ diễn ra giữa các gia đình có quan hệ họ hàng cô - cậu, họ sẽ giết thịt một con gà cúng Yang, mỗi bên trao một chiếc nhẫn và một dây cườm cho hai bà mẹ làm chứng lời đính ước. Nếu một trong hai bên huỷ hôn ước thì phải bồi thường. Lễ vật bồi thường gồm: một chiếc khăn, một chiếc nhẫn, một dây cườm, 3-5 con trâu cùng nhiều ché rượu.

Tiêu chuẩn chọn chồng, chọn vợ của người Kơ Ho rất đơn giản: người vợ đảm đang, khéo léo trong công việc làm ăn, nội trợ, tính tình nết na, ngoan ngoãn; người chồng khoẻ mạnh, siêng năng.

Người Kơ Ho nghiêm cấm trai gái có quan hệ tính giao trước hôn nhân. Luật tục quy định xử phạt rất nghiêm khắc những trường hợp để lại hậu quả. Theo đó, gia đình cô gái bị phạt bồi thường danh dự cho gia đình nhà trai và chàng trai. Lễ vật gồm: một con heo, một ché rượu, một chiếc khăn, một sợi dây cườm và một chiếc nhẫn. Trong buổi phạt đó, ngoài những người thân, không thể thiếu ông cậu hai bên và già làng. Già làng đóng vai trò là trọng tài chứng kiến. Sau lễ phạt, đám cưới sẽ diễn ra bình thường theo phong tục. Trường hợp hai người không lấy nhau thì nhà trai phải bồi thường cho nhà gái. Lễ vật thường gấp đôi, nhà trai còn phải sửa soạn mâm cỗ để gia đình hai bên ăn uống. Khi cô gái đi bắt chồng thì mang chính lễ vật ấy bồi thường danh dự cho gia đình chàng trai khác. Gia đình cô gái phải giết trâu, đổ rượu cúng xin Yang tha thứ.

Tuy nhiên, ngày nay có nhiều quy định của luật tục đã không còn phù hợp với luật pháp của Nhà nước. Song, chúng ta không thể loại bỏ hẳn những quy định của luật tục để áp dụng luật pháp của Nhà nước được bởi luật tục đã ăn sâu bám rễ vào tâm thức của người Kơho. Nhờ những nỗ lực của chính quyền, các già làng, các chức sắc tôn giáo, hiện nay, hôn nhân của người Kơho đã có những thay đổi. “Dù chưa đáp ứng được yêu cầu theo luật hôn nhân của nhà nước, tuổi kết hôn 15-17 với con gái, 17-19 với con trai trước đây ít nhiều đã được nâng lên (3). Trong thủ tục cưới xin một số nghi lễ truyền thống vẫn được duy trì, như lễ dạm hỏi và lễ ăn hỏi, lễ cưới cũng đã được đơn giản rất nhiều đặc biệt ở các vùng đồng người Kơho theo đạo Thiên Chúa giáo và đạo Tin Lành. Lễ cưới được tổ chức ở nhà thờ, sau đó, người ta chỉ tổ chức một bữa liên hoan nhỏ, bao gồm gia đình và họ hàng thân thích. Tuy nhiên trước khi tổ chức lễ cưới ở nhà thờ cần phải có bản đăng ký kết hôn do chính quyền nhà nước cấp mới được Linh mục, Mục sư chấp nhận. Điều đó sẽ dung hòa luật tục với pháp luật của nhà nước. Đây là một sự tiến bộ đáng hoan nghênh của đồng dân tộc Kơho. Hiện nay hôn nhân là xuất phát từ tính tự nguyện của đôi nam nữ, hai bên được tự do tìm hiểu nhau. Các hình thức hôn nhân con cô, con cậu, hôn nhân chị em vợ, anh em chồng ở nhiều vùng không những đã không còn tồn tại mà còn bị phản đối do người dân cũng đã nhận thức được kết hôn như vậy sẽ để lại dị tật cho con cái. Việc đăng ký kết hôn đã được thực hiện một cách tự giác. Ủy ban nhân dân cũng chỉ đạo tuyệt đối không đăng ký kết hôn cho những trường hợp tảo hôn. Việc tổ chức các nghi lễ khác vẫn được tiến hành theo phong tục, tập quán truyền thống của người Kơho. Như vậy vừa chấp hành pháp luật của Nhà nước lại phát huy được tính bền vững trong hôn nhân theo luật tục dân tộc Kơho. Các trường hợp ly hôn và tranh chấp tài sản sau ly hôn đã được giải quyết thông qua công tác hòa giải cơ sở để giữ được tình làng nghĩa xóm, hòa khí trong gia đình.

Những phân tích ở trên cho thấy mặc dù pháp luật đã đến gần với người Kơho song bên cạnh đó luật tục dân tộc Kơho vẫn đang được vận dụng một cách linh hoạt mềm dẻo để bổ sung cho pháp luật của Nhà nước và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Kơho thể hiện trong luật tục đó.

Trong quan hệ gia đình các quy định về giáo dục con cái biết ơn cha mẹ, ông bà; trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục con cái; giữ gìn sự hòa thuận trong gia đình; trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ, ông bà; cách giáo dục con cái; phê phán con cái không nghe lời cha mẹ; phê phán con cái hỗn láo với cha mẹ;... được đặt ra từ xa xưa với những hình phạt cụ thể khi vi phạm, như:

Nếu con cái mắng chửi cha mẹ thì phải nộp phạt cho cha mẹ một ché rượu. Nếu mắng chửi và kèm theo hành động hành hung cha mẹ thì đồ nộp phạt là một ché rượu và một tấm choàng;…Cha mẹ a tòng để con cái ăn trộm thì người bị làng xử là cha mẹ chứ không phải đương sự (4).

Điều đó cho thấy luật tục dân tộc Kơho rất nghiêm khắc trong việc bảo vệ gia đình, những lời giáo huấn đó đã tồn tại từ bao đời nay trong xã hội người Kơho hình thành nếp sống sinh hoạt hàng ngày trong xã hội người Kơho. Tuy nhiên ngày nay do sự tác động của pháp luật nhà nước, do ảnh hưởng của các điều kiện kinh tế xã hội mới, gia đình truyền thống của người Kơho đã có nhiều biến đổi. Trước đây người Kơho quan niệm “mặc quần áo thì thích đẹp, làm vườn thì thích giàu, lấy chồng thì thích có con” nên gia đình nào cũng đông con, nhiều cháu. Điều này trái với chủ trương về kế hoạch hóa gia đình của nhà nước. Do đó, trước sự vận động của các cấp chính quyền địa phương, số con bình quân của người Kơho cũng đã giảm rất nhiều, nhiều gia đình người Kơho cũng chỉ sinh từ 1 đến 2 con theo chủ trương của nhà nước. Mô hình gia đình cũng từ gia đình lớn tách thành các gia đình nhỏ để phù hợp với chính sách đất đai của nhà nước và phù hợp với nhu cầu sản xuất. Xã hội người Kơho vẫn theo chế độ mẫu hệ nhưng vai trò của người đàn ông đã được nâng lên. Sự kết hôn giữa người Kơho với các dân tộc khác đặc biệt là người Kinh đã làm cho gia đình người Kơho chịu ảnh hưởng mạnh mẽ về tư duy vì thế con sinh ra cũng có thể mang họ của bố hoặc cư trú sau hôn nhân cũng có thể cư trú bên nhà chồng,... Đó là những sự giao thoa tích cực, tạo ra sự bình đẳng tiến bộ trong xã hội song vẫn duy trì được những nét văn hóa truyền thống của người Kơho.

Trong quan hệ làng bản

Trong quan hệ cộng đồng làng bản, luật tục dân tộc Kơho cũng răn dạy mọi thành viên phải giữ gìn tài sản của mình, không xâm phạm tài sản của người khác; đoàn kết cộng đồng, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; chia sẻ vui buồn; có ý thức và trách nhiệm xây dựng cộng đồng; giáo dục cách ứng xử với người khác; giáo dục ý thức tôn trọng kỷ cương phép nước; phê phán những thói hư tật xấu phương hại đến mối quan hệ cộng đồng; về mối quan hệ và cách ứng xử với các chức sắc địa phương;... Chính vì thế trong đời sống sinh hoạt hàng ngày tại các buôn làng của người Kơho tính cố kết cộng đồng thể hiện rất rõ: “thịt thú rừng săn về được chia đều cho mọi người, kể cả thai trong bụng mẹ, một người bị đói cả làng mang gạo đến cho, gặp năm mất mùa, nhà giàu sẵn sàng mở kho lúa chia cho dân làng (5). Ở người Kơho đặc trưng xã hội chính là ý thức cộng đồng buôn làng cao. Trong nhà có ma chay cưới xin, cả làng chứ không phải chỉ có cả họ đến chia buồn hay chung vui. Đó là phong tục hay cần được phát huy trong việc quản lý cộng đồng người Kơho hiện nay và cả nước khi mà khúc ruột miền trung thường xuyên gặp thiên tai. Và khi có tranh chấp trong làng xảy ra, phần lớn các tranh chấp được giải quyết trước hết tại các gia đình, nếu trong gia đình không tự giải quyết được sẽ được đưa ra hòa giải ở cơ sở. Ngày nay, các vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân gia đình và quan hệ làng bản cũng ít xảy ra, thường là những mâu thuẫn nhỏ và các thành viên trong cộng đồng tự dàn xếp được với nhau trên tinh thần hòa giải.

Lễ Cồng chiêng của người Kơ ho

Đối với người dân đây cũng lĩnh vực được bà con cho rằng bản thân và gia đình đã vận dụng rất nhiều quy định của luật tục dân tộc mình. Đó là những kết quả đáng mừng, là dấu hiệu tốt cho phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa.

Những ảnh hưởng tiêu cực của luật tục Kơho

Trong luật tục của dân tộc Kơho còn rất nhiều quy định liên quan đến quan hệ hôn nhân gia đình làng bản lạc hậu không phù hợp với quy định của pháp luật, không phù hợp với lối sống văn minh hiện đại. Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng để quản lý cộng đồng, những hạn chế đó của luật tục vẫn chưa được khắc phục. Tính chất mua bán trong hôn nhân không giảm mà còn xu hướng tăng lên.

Thay vì trâu, lợn, gà, rượu, ché, tấm vải dệt,… trước kia, ngày nay lễ vật của nhà gái với nhà trai trong cưới xin đã là tiền, vàng và đất đai với trị giá cao hơn nhiều. Số tiền thách cưới tùy từng vùng mà là 15-20 triệu đồng ở Bảo Lâm hay 30-40 triệu đồng ở Di Linh (6).

Điều đó là một nỗi sợ cho cả gia đình nhà gái lẫn hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ. Đặc biệt, do ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ, vấn đề kết hôn cận huyết gây suy thoái giống nòi như hôn nhân con cô, con cậu và tục nối dây thỉnh thoảng vẫn tồn tại. Nhưng những người được coi là có cùng dòng máu về phía mẹ dù cách nhau bao nhiêu đời cũng không được phép có quan hệ hôn nhân hay tính giao với nhau. Điều này trái với quy định của Luật hôn nhân và gia đình chỉ cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu trực hệ trong phạm vi ba đời. Và ở một số buôn làng của người Kơho, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, tuổi kết hôn còn thấp so với Luật hôn nhân và gia đình, tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra. Nhiều nghi lễ cưới xin phản ánh bản sắc văn hóa truyền thống đang mất dần để thay thế vào đó là nghi lễ mang sắc thái ngoại nhập. “Việc ly dị phải do cộng đồng mà đại diện là chủ làng và già làng xét xử (7). Điều này cũng trái với quy định của pháp luật khi việc tuyên bố ly hôn phải do Tòa án. Ở một số vùng còn quy định cấm kết hôn giữa người Kơho với dòng họ thù địch hoặc bị nghi là ma lai. Các quy định về quyền tái giá và phân chia tài sản sau ly hôn vẫn bị chi phối bởi luật tục dân tộc Kơho. Các hình phạt trong lĩnh vực hôn nhân gia đình cũng rất nặng nề. Đặc biệt, là tội loạn luân. “Ở vùng người Chil và Lạt, gia đình những người phạm tội loạn luân phải nộp trâu, rượu để làng cúng xin lỗi thần linh, bản thân đôi trai gái phạm tội loạn luân bị buộc phải ăn trong máng lợn, sau đó, bị đuổi ra khỏi làng (8). Khi lập gia đình một số trường hợp còn chưa đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.

Các tập tục ma chay và xử lý hiện tượng ma lai còn nhiều hạn chế. Trong các nhà có người chết xấu, như tai nạn, tự tử, bệnh lây,… sẽ bị cộng đồng tránh giao tiếp. Những người bị coi là ma lai sẽ bị cả cộng đồng đưa ra xử lý và xa lánh những người trong gia đình. Các tranh chấp trong buôn làng cũng đã làm cho hòa khí trong thôn thêm căng thẳng. Sự thiếu tôn trọng đối với già làng, đặc biệt là ở lớp trẻ, càng gia tăng. Những tập tục đó đã làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết vốn có trong làng bản của người Kơho. Tuy nhiên, trong thời gian qua, trong quá trình vận dụng luật tục dân tộc Kơho những tập tục đó vẫn chưa được vận động để xóa bỏ.

Nguyên nhân của những hạn chế trên, trước hết là do ảnh hưởng của chế độ hôn nhân mẫu hệ và hệ tín ngưỡng đa thần đã chi phối nặng nề đến nhận thức của người dân. Mặc dù có những phong tục, tập quán đã lạc hậu nhưng do có liên quan đến Thần linh hay vị thế của người phụ nữ nên đã gây không ít khó khăn trong việc vận dụng luật tục dân tộc Kơho trong quản lý cộng đồng người Kơho hiện nay.

Đồng bào dân tộc Kơho còn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của luật tục dân tộc Kơho trong điều chỉnh quan hệ hôn nhân gia đình và làng bản. Công tác vận động, tuyên truyền giải thích kết hợp giữa luật tục và luật pháp của Nhà nước chưa được quán triệt, thiếu những biện pháp, những văn bản cụ thể về việc vận dụng luật tục dân tộc Kơho trong lĩnh vực này đã gây khó khăn cho việc vận dụng luật tục trong quản lý cộng đồng người Kơho về quan hệ hôn nhân gia đình và làng bản. Bên cạnh đó, luật tục dân tộc Kơho lại chưa được hệ thống hóa và do đó việc vận dụng luật tục dân tộc Kơho trong lĩnh vực hôn nhân gia đình và quan hệ làng bản không tránh khỏi những khó khăn đó.

Dù có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của cộng đồng người Kơho những không thể phủ nhận hiện nay vai trò của Luật tục Kơho nói riêng cũng như luật tục của các dân tộc khác có một vai trò rất quan trọng trong hỗ trợ cho pháp luật của nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội, đặc biệt là trong quan hệ hôn nhân, gia đình và quan hệ làng bản. Giúp cho pháp luật đến gần người dân hơn nhưng cũng không bỏ qua những giá trị truyến thống.

(1) Ngô Đức Thịnh, Ngô Văn Lý (2004), Tìm hiểu Luật tục các dân tộc ở nam Tây Nguyên, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội tr211.

(2) Đặng Trọng Hộ (2006), Phát huy mặt tích cực của luật tục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng để xây dựng thôn buôn văn hóa (phần phụ lục), Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng.

(3) Bùi Minh Đạo (Chủ biên), Vũ Thị Hồng (2003), Dân tộc Cơ Ho ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội tr123.

(4) Bùi Minh Đạo (Chủ biên), Vũ Thị Hồng (2003), Dân tộc Cơ Ho ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội tr105.

(5) Phan Ngọc Chiến (Chủ biên) và nhiều tác giả (2003), Người KơHo ở Lâm Đồng, Nxb Trẻ, Hà Nội tr80.

(6) Phan Ngọc Chiến (Chủ biên) và nhiều tác giả (2003), Người KơHo ở Lâm Đồng, Nxb Trẻ, Hà Nội tr123.

(7) Phan Ngọc Chiến (Chủ biên) và nhiều tác giả (2003), Người KơHo ở Lâm Đồng, Nxb Trẻ, Hà Nội tr122.

(8) Phan Ngọc Chiến (Chủ biên) và nhiều tác giả (2003), Người KơHo ở Lâm Đồng, Nxb Trẻ, Hà Nội tr119.

ThS. Nguyễn Thị Oanh – ThS. Trần Thị  Khánh Chi
Giảng viên Khoa Luật, ĐH Đà Lạt
 
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang