Kỹ năng kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”

16/02/2017 10:41

(kiemsat.vn)
Khám nghiệm hiện trường là một trong những hoạt động thu thập chứng cứ hay còn gọi là biện pháp điều tra, nhằm xác định có tội phạm hay không có tội phạm xảy ra, để từ đó cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải quyết vụ việc phù hợp với quy định của pháp luật.

Nếu trong hoạt động khám nghiệm hiện trường có sai sót hoặc thiếu việc thu thập các chứng cứ, dấu vết ban đầu trên các phương tiện, hiện trường rất dễ dẫn đến việc bỏ lọt dấu vết, chứng cứ khó có thể tìm lại, phục hồi được và gây khó khăn nhiều cho việc lập kế hoạch điều tra, định hướng điều tra tội phạm.

Điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003, Điều 201 BLTTHS năm 2015 quy định trách nhiệm trong mọi trường hợp trước khi tiến hành khám nghiệm, Điều tra viên (ĐTV) phải thông báo cho Viện kiểm sát (VKS) cùng cấp biết. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường để kiểm tra, giám sát tính hợp pháp, hợp lý trong hoạt động khám nghiệm hiện trường của Cơ quan điều tra, cụ thể là ĐTV.

Với chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát, thì KSV có mặt tại nơi khám nghiệm không phải để tham gia việc khám nghiệm của Cơ quan điều tra hay là người chứng kiến việc khám nghiệm của Cơ quan điều tra mà KSV giữ vai trò kiểm sát việc khám nghiệm của ĐTV. Trên cơ sở của pháp luật tố tụng hình sự, KSV phải kiểm sát tính hợp pháp của hoạt động khám nghiệm, kiểm sát việc chấp hành các thủ tục, trình tự khám nghiệm, kiểm sát các hoạt động khám nghiệm, kiểm sát việc thu thập, bảo quản dấu vết, đúng quy định của BLTTHS và đạt hiệu quả, mục đích của hoạt động khám nghiệm. Hiện trường giao thông đường bộ thường bị xáo trộn và dễ mất dấu vết nhất do sự lưu thông của nhiều phương tiện cho nên đòi hỏi KSV phải nắm chắc các quy định của pvật chứng. Khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoạt động khám nghiệm của Cơ quan điều tra thì KSV sẽ yêu cầu khắc phục, bổ sung kịp thời để việc khám nghiệm được thực hiện theo háp luật và có kinh nghiệm kiểm sát chặt chẽ hoạt động khám nghiệm tại hiện trường.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát này còn gặp một số tồn tại làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác đó là:

Một là, trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường có ĐTV chưa chủ động cung cấp thông tin cần thiết để phục vụ việc khám nghiệm cho KSV, có trường hợp KSV tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường giao thông còn hời hợt, không đưa ra những yêu cầu bổ sung cần thiết cho công tác khám nghiệm dẫn đến có vụ việc không được tiến hành khám nghiệm chặt chẽ, bỏ sát chứng cứ cần thu thập, ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.

Hai là, công tác bảo vệ hiện trường còn có hạn chế, khó khăn bởi có nhiều vụ án tai nạn giao thông xảy ra ban đêm hoặc đối tượng gây tai nạn bỏ trốn, không để lại dấu vết.

Ba là, do địa bàn hoạt động rộng (gồm các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình) nên đa số các vụ án tai nạn giao thông tại VKSQS Khu vực 32 kiểm sát đều là những vụ án tai nạn giao thông được các cơ quan Công an bên ngoài chuyển vào. Bởi vậy, việc tổ chức các hoạt động nắm bắt thông tin liên quan ban đầu, phương pháp tiến hành khám nghiệm hiện trường các vụ án giao thông của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Các hoạt động khám nghiệm ban đầu đều do các Cảnh sát giao thông, cơ quan Công an phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân thực hiện và kiểm sát, sau quá trình xác minh và xác định thẩm quyền mới chuyển giao cho cơ quan tư pháp trong Quân đội. Cho nên có nhiều vụ việc sau khi nhận hồ sơ các biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện còn qua loa, đại khái, KSV và ĐTV trong Quân đội phải khắc phục những thiếu sót về thủ tục tố tụng dẫn đến việc kéo dài thời hạn giải quyết vụ việc như sơ đồ hiện trường không thống nhất với biên bản khám nghiệm hiện trường hoặc còn thiếu sự tham gia, thiếu chữ ký của KSV; có vụ việc không có sự tham gia của KSV, ĐTV theo quy định tại khoản 2 Điều 150 BLTTHS năm 2003. Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ VKSQS khu vực 32 đã phối hợp với Cơ quan điều tra tiến hành dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra trưng cầu giám định phương tiện và tỷ lệ thương tật.

Có thể thấy, KSV không kiểm sát chặt chẽ quá trình khám nghiệm hiện trường dễ dẫn đến hậu quả không phát hiện và xử lý kịp thời những sai sót, những vi phạm tố tụng của Cơ quan điều tra. Đồng thời, việc thu thập những dấu vết, vật chứng tại hiện trường vụ tai nạn không được đầy đủ, khách quan ngay từ đầu sẽ làm cho công tác điều tra, giải quyết vụ án gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn tác động làm sai bản chất vụ án.

Bốn là, trong quá trình phối hợp kiểm sát trong hoạt động chuyển giao hồ sơ các vụ giao thông từ cơ quan bên ngoài gặp cũng không ít khó khăn. Một phần do một số văn bản hướng dẫn của từng ngành chưa thống nhất. Chính vì vậy, cần có sự thống nhất hơn trong các văn bản quy phạm pháp luật về việc phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong và ngoài Quân đội sẽ là điều cần thiết cho việc giải quyết vụ việc được nhanh chóng, kịp thời và chính xác; bảo vệ tốt quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013.

Từ thực tế nêu trên, Viện kiểm sát quân sự Khu vực 32 luôn coi công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án giao thông là công tác đặc biệt quan trọng. Để công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường nhất là khám nghiệm hiện trường giao thông trong thời gian tới đạt chất lượng cao, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp sau:

Thứ nhất, thường xuyên kiểm tra và yêu cầu các cán bộ, KSV nắm chắc các quy định của pháp luật thực định về chức năng, quyền hạn của Viện kiểm sát. Thực hiện nghiêm túc những quy định của BLTTHS về khám nghiệm hiện trường và các Quy chế của ngành đặc biệt là Quy chế  số 421/QĐ-VKSTC ngày 17/10/2014 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra việc tiến hành giám định. Mỗi KSV khi được phân công kiểm sát vụ việc ngay từ giai đoạn nắm, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố phải ghi chép tỉ mỉ trong quá trình kiểm sát khám nghiệm và theo dõi hoạt động khám nghiệm hiện trường thông qua các biên bản được lưu tại hồ sơ kiểm sát điều tra. Thường xuyên tự nghiên cứu và học hỏi những kinh nghiệm qua mỗi vụ việc.

Thứ hai, tất cả các vụ kiểm sát khám nghiệm hiện trường do các Cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác tổ chức đều phải có sự tham gia của KSV. Những vụ có tính chất rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng phải do lãnh đạo đơn vị trực tiếp tham gia kiểm sát khám nghiệm. Việc kiểm sát khám nghiệm hiện trường phải được tổ chức thực hiện ngay sau khi nhận được tin báo, tránh việc xáo trộn, thay đổi hiện trường. Đối với những hiện trường giao thông được chuyển từ cơ quan tư pháp bên ngoài thì yêu cầu KSV phải xem xét, nghiên cứu kỹ, nếu có sai sót thì phối hợp với cơ quan tư pháp bên ngoài khắc phục kịp thời. Phải thu thập, phản ánh đầy đủ các dấu vết liên quan đến phương tiện gây tai nạn ngay từ hiện trường. Chủ động đưa ra những quan điểm, ý kiến để việc truy nguyên dấu vết phải được thực hiện đến cùng, đảm bảo việc kiểm sát hoạt động khám nghiệm toàn diện, khách quan, đầy đủ, đúng quy định.

Thứ ba, sau khi kiểm sát hoạt động khám nghiệm xong, KSV phải vào sổ theo dõi hoạt động khám nghiệm, làm báo cáo đồng chí Viện trưởng để nắm và chỉ đạo. Thường xuyên bám sát quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, phối hợp với Cơ quan điều tra làm rõ nếu có dấu hiệu hình sự phải báo cáo ngay Lãnh đạo Viện để xử lý kịp thời. Đối với những vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm ngay sau khi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, Lãnh đạo Viện tiến hành họp hội ý tập thể để xác định các căn cứ phê chuẩn các quyết định.

Thứ tư, Lãnh đạo đơn vị cần giao nhiệm vụ cho các KSV có nhiều kinh nghiệm về việc tham gia khám nghiệm và kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường giao thông viết chuyên đề thực tế, chỉ dẫn trực tiếp cho các cán bộ mới vào ngành. Khi có các vụ tai nạn giao thông, Lãnh đạo Viện chủ động cho các cán bộ mới đi theo cùng KSV tham gia công tác khám nghiệm hiện trường. Qua đó, giúp cho các cán bộ mới tiếp xúc được thực tế và có rèn luyện kỹ năng kiểm sát khám nghiệm hiện trường, nâng cao tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm được giao khi thực hiện công tác kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường.

Thứ năm, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và các cơ quan chuyên môn địa phương trong và ngoài Quân đội khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Cần có sự điều chỉnh thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong các ngành để việc phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong và ngoài Quân đội được nhịp nhàng và nhanh chóng, phục vụ tốt cho hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường giao thông đảm bảo cho quá trình giải quyết vụ án giao thông đúng quy định của pháp luật.

Trong những năm vừa qua, trên địa bàn quản hạt của VKS quân sự Khu vực 32, tình hình tội phạm diễn biến hết sức phức tạp, nhiều loại tội phạm xảy ra như: Tai nạn giao thông, tai nạn lao động, các vụ phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, trộm cắp tài sản, đánh bạc… Từ năm 2010 đến năm 2015, VKSQS Khu vực 32 đã thụ lý kiểm sát được 95 vụ/129 người trong đó các vụ “Vi phạm phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” là 59 vụ/65 người chiếm 62,1% số vụ và 50,4% số người. Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố 33 vụ/47 bị can phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” chiếm 55,9 % số vụ và 72,3 % số người vi phạm. Với việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và Quy chế của ngành, trong 5 năm qua, chất lượng các vụ kiểm sát khám nghiệm hiện trường đã đạt chất lượng tốt, công tác kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường đã giúp cho các Cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ được bản chất nội dung vụ án, đảm bảo việc xử lý vụ án được kịp thời và chính xác.

Nguyễn Thị Huân

VKSQS khu vực 32

Nguồn: TCKS số 12/2016

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang