Khủng hoảng thừa nông sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nhận trách nhiệm trước Quốc hội

13/06/2017 04:02

(kiemsat.vn)
– Sáng 13/6, Quốc hội bước vào phiên đầu tiên chất vấn và trả lời trực tiếp. Trước các câu hỏi của ĐBQH về vấn đề khủng hoảng thừa nông sản thời gian qua như thịt lợn, hành tím, dưa hấu… Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã nhận trách nhiệm thuộc về mình.

Hai nguyên nhân chính dẫn đến thừa hàng chục triệu con lợn

Tháng 4 /2017, thị trường thịt lợn đã đạt tới giới hạn của khủng hoảng thừa dẫn tới giá thịt lợn lao dốc. Hàng triệu hộ nông dân chăn nuôi lợn đã điêu đứng khi giá lợn tụt xuống thấp tới mức 20,000 đồng/kg mà vẫn không bán được.

Lý giải về tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNN) Nguyễn Xuân Cường đã đưa ra hai nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất, theo Bộ trưởng là do sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh, riêng lợn, tổng mức chăn nuôi đã tăng vọt từ 3,4 lên 5,6 triệu tấn, gà tăng 800 nghìn tấn, cá từ 1,8 lên 3,4 triệu tấn và hàng chục tỷ quả trứng…. Lợn nái cách đây 10 năm có hơn 2 triệu con, giờ lên 4,2 triệu con. Nuôi lợn dù đã tái cơ cấu nhưng con số mới giảm được từ 7 triệu hộ xuống còn 3 triệu hộ; thứ hai, trước đây người dân có ít sự lựa chọn nên ăn thịt lợn là chính, nhưng bây giờ có nhiều loại thực phẩm khác để lựa chọn. Trước đây bữa cỗ có 70% là thịt lợn thì nay có nhiều thực phẩm thay thế như gà, cá, thuỷ hải sản…

Theo ông, trong thời gian tới cần cơ cấu lại, thu hẹp lại còn khoảng 3 triệu hộ chăn nuôi để dễ dàng kiểm soát hơn về nguồn cung. “Có tới 3 triệu hộ chăn nuôi, tổ chức ngành hàng của chúng ta chưa tốt, chế biến tách rời sản xuất, sức chế biến rất kém, kém nhất trong các ngành hàng. Trong chăn nuôi có ba công đoạn là sản xuất, chế biến và tổ chức thị trường thì ta mới làm được cái đầu, 2 công đoạn sau quá kém. Thịt lợn của Việt Nam mới xuất khẩu được 3 nước, lợn sữa mỗi năm khoảng 20.000 tấn, còn lại chủ yếu là xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc, chưa mở được thì trường các nước khác

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, câu chuyện khủng hoảng thừa trong ngành chăn nuôi không phải do người nông dân mà vì ngành nông nghiệp làm chưa tốt. Vì vậy, cần cơ cấu lại đàn lợn, giảm số lượng nhưng tăng chất lượng và đẩy mạnh phát triển thị trường.

Chúng tôi cũng hiểu đó là trách nhiệm của ngành nông nghiệp, chứ không phải ai khác, nhưng là một đoàn tàu phát triển mới làm được một khoang nên mọi việc phải từng bước“, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận trách nhiệm trước Quốc hội 

Thị trường quyết định cho sản xuất nông sản

Tìm đầu ra cho nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh đến phát triển thị trường và thị trường phải sản xuất ngay cho nội địa, bảo vệ thị trường nội địa, tuy nhiên cần đánh giá, rà soát lại để tận dụng được cơ hội phát triển, hợp tác với các nước để xuất khẩu mặt hàng nông sản.

Ông cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát, phát triển sản phẩm nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm. Thứ nhất, trục sản phẩm quốc gia, phải rà soát lại xem đâu là lợi thế, đâu là kém lợi thế để loại bỏ và chỉ tập trung phát triển sản phẩm mang lại năng suất, giá trị cao. Thứ hai, trục sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, như xoài cát Hoà Lộc…  Thứ ba, phát triển nông sản đặc thù từng địa phương.

Từ những trục sản phẩm này, các ngành hàng sẽ tập trung vào quy mô, tổ chức sản xuất, chế biến, thương  mại… Còn trách nhiệm cơ quan nào sẽ rõ cụ thể. “Quan trọng nhất tổ chức thực hiện phải chung nhiệm vụ thì sẽ khai thác được lợi thế của sản xuất nông nghiệp“, ông Cường nói.

Đại biểu còn băn khoăn nhiều điểm

Vấn đề khủng hoảng thừa thịt lợn, nhiều Đại biểu hết sức băn khoăn khi giá lợn thì rất thấp nhưng giá bán thịt thành phẩm trên thị trường thì vẫn cao và giảm không đáng kể. Vậy nguyên nhân từ đâu và đại biểu yêu cầu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ tiếp tục trả lời vấn đề này trong ngày chất vấn cuối cùng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng – Bình Dương khẳng định không thấy vai trò quản lý nhà nước trong các cuộc giải cứu nông nghiệp. Giải cứu lợn, hành tím, dưa hấu hoàn toàn do dân tự phát mà chưa có sự dự báo, định hướng, điều chỉnh, cảnh báo cho nhà sản xuất như thế nào.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm – Tp Hồ Chí Minh khẳng định hôm nay là chất vấn đích thân Bộ trưởng nên Bộ trưởng phải trả lời với tư cách là một lãnh đạo ngành chứ không phải nêu trách nhiệm chung thuộc về cả hệ thống chính trị, như vậy là không đúng. “Chúng ta phải chia sẻ cùng với nông dân chứ không phải là nêu lý do khủng hoảng thừa là do nông dân cứ thấy cái gì có lợi thì làm dẫn đến thừa”.

Trong số 68 Đại biểu Quốc hội  đăng ký chất vấn sáng nay vẫn còn nhiều các ý kiến liên quan đến nông nghiệp hữu cơ, đến sản xuất thực phẩm sạch, vấn đề quy hoạch, vấn đề phân bón…

Tinh đến 15:00 chiều nay, 13/6, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã hoàn tất phần trả lời chất vấn trước Đại biểu Quốc  hội của mình.

Sơn Tùng

Lương cơ sở tăng lên 1.39 triệu đồng/tháng từ 01/7/2018

(Kiemsat.vn) – Sáng ngày 13/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về sự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Theo Nghị quyết, từ 1/7/2018, sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.3 triệu đồng/tháng lên 1.39 triệu đồng/tháng.

Cơ quan điều tra VKSND tối cao là thiết chế góp phần làm trong sạch nền tư pháp

(Kiemsat.vn) – Sáng 7/11, tại phiên thảo luận tại Nhà Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí đã trả lời những vấn đề mà các ĐBQH, dư luận quan tâm.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang