Khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng - bài học về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy

15/01/2018 09:58

Ngày 8-12-2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng ngày, Bộ Chính trị đã ra quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương) đối với ông Đinh La Thăng. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên bất thường, thông qua Nghị quyết về việc tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng do có liên quan đến 2 vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan Công an đang điều tra: (1) Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank); (2) Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II. 

Việc ông Đinh La Thăng bị khởi tố và bắt tạm giam cũng không có gì bất ngờ, bởi trước đó, tại kỳ họp thứ 14, UBKT Trung ương khóa XII đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng theo thẩm quyền do chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 - 2011. Ngày 7-5-2017, tại Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng, khi đang giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, sau đó điều chuyển về giữ chức Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho đến khi bị khởi tố và bắt tạm giam.

Từ việc ban hành nghị quyết trái luật dẫn đến hàng loạt vi phạm trong quản lý vốn, tài chính và thất thoát tài sản Nhà nước ở Tập đoàn PVN

Có thể nói, ngoài những vi phạm do cơ quan công an đang điều tra, thì ông Đinh La Thăng còn liên quan tới thất thoát vốn, tài chính, tài sản và để xảy ra tham ô, tham nhũng, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại Tập đoàn PVN và một số đơn vị trực thuộc. Trong đó, có việc ban hành nghị quyết trái luật của Đảng ủy Tập đoàn (Nghị quyết 233/NQ-ĐU) và của Hội đồng Thành viên Tập đoàn PVN giai đoạn 2009 - 2011 (Nghị quyết 4266/NQ-DKVN), khi đó ông Đinh La Thăng là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn PVN - chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu cơ quan, đơn vị

Theo kết luận của UBKT Trung ương, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn PVN giai đoạn 2009 - 2015 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tổ chức đảng, đảng viên; không kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với nhiều cán bộ, lãnh đạo đơn vị trực thuộc Tập đoàn có vi phạm, khuyết điểm để các đơn vị hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm vẫn được Tập đoàn điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, có trường hợp điều động, bổ nhiệm chức vụ cao hơn; để nhiều cán bộ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và pháp luật Nhà nước, bị khai trừ ra khỏi Đảng và xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn. Chấp hành không nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm điểm trách nhiệm để Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ nghiêm trọng. 

Việc Đảng ủy Tập đoàn ban hành Nghị quyết số 233/NQ-ĐU, ngày 17-8-2009 có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật, không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật. Để Hội đồng Thành viên Tập đoàn ban hành các nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm nghị định của Chính phủ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, thực hiện các dự án đầu tư dẫn đến một số đơn vị thành viên có vi phạm rất nghiêm trọng, để mất vốn đầu tư. Đặc biệt, Hội đồng Thành viên đã ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN, ngày 16-5-2011 góp vốn đầu tư vượt mức quy định vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương  (OceanBank), trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng.

Hơn thế, ông Đinh La Thăng còn vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị (HĐQT) của Tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18-9-2008 giữa ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PVN và Chủ tịch HĐQT OceanBank, với nội dung: Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của OceanBank, trước khi HĐQT Tập đoàn PVN họp thống nhất nội dung trên. Do đó, Tập đoàn PVN đã trở thành cổ đông lớn nhất khi góp vốn vào OceanBank, với số tiền 800 tỷ đồng nay không thể thu hồi gây nhiều thiệt hại và nhiều khoản đầu tư của Tập đoàn bị tổn thất, tiềm ẩn rủi ro với tổng số tiền lớn. 

Ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm việc chấp thuận cho PVC được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án do Tập đoàn chỉ định cho PVC thực hiện và chấp thuận cho Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với các hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Được biết, tại thời điểm năm 2011 - 2013, PVC được Tập đoàn PVN  giao làm nhà thầu Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, với tổng mức đầu tư gần 34.300 tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD), phạm vi thực hiện hợp đồng của nhà thầu, gồm thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm hàng hoá, thiết bị vật tư, xây lắp chạy thử, nghiệm thu, bàn giao vận hành và thu xếp vốn... Dù mới có chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC và hợp đồng EPC chưa được ký, nhưng PVN đã chuyển 8,2 triệu USD và gần 1.320 tỷ đồng cho Ban quản lý dự án này. Nhờ phần rót vốn từ tập đoàn mẹ, PVC được tạm ứng 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD để triển khai dự án. Song, số tiền này không dùng vào việc thực hiện dự án mà được lãnh đạo PVC thời điểm đó  chi vào những mục đích trả nợ khác, cụ thể: Chi 1.080 tỷ đồng để thanh toán 425 tỷ đồng nợ gốc vay ngân hàng và 55 tỷ đồng trả lãi vay uỷ thác của tập đoàn. PVC cũng đã chi 74 tỷ đồng để hỗ trợ Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, đồng thời bổ sung 103 tỷ đồng hỗ trợ cho công trình Vũng Áng (Hà Tĩnh). Chi sai mục đích đã gây thiệt hại cho Nhà nước đến thời điểm hợp đồng EPC có hiệu lực (tháng 10-2011) gần 52 tỷ đồng và hơn 66.000 USD tiền lãi. Số tiền còn lại, gần 300 tỷ đồng, doanh nghiệp này cũng không sử dụng vào triển khai Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, mà lại đầu tư vào 5 đơn vị khác mà PVC góp vốn. Đến nay 3 trong 5 đơn vị này kinh doanh thua lỗ không thu hồi được vốn.

Bài học về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và ngăn chặn lạm dụng quyền lực

Qua vụ việc ông Đinh La Thăng, nguyên Bí thư Đảng ủy Tập đoàn, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN (giai đoạn 2009 - 2011) bị cơ quan Công an khởi tố, bắt tạm giam đã cho thấy đây là bài học đắt giá đối với người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu đơn vị.

Thứ nhất, từ nghị quyết ban hành trái luật đã dẫn đến hàng loạt hệ lụy  mất vốn, sản xuất kinh doanh thua lỗ và nhiều dự án đổ vỡ gây thiệt hại, thất thoát tài sản Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng ở Tập đoàn PVN và các đơn vị trực thuộc. Không chỉ có vậy, khi một nghị quyết ban hành trái luật, đã tạo nhiều kẽ hở, tạo điều kiện cho một số cán bộ cơ hội, toan tính "lợi ích nhóm", "lợi ích cá nhân", dẫn đến tham ô, tham nhũng; nhiều cán bộ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và pháp luật của Nhà nước, bị khai trừ khỏi Đảng và xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ chủ chốt của Tập đoàn.

Rõ ràng, để ban hành và thực hiện nghị quyết đạt hiệu quả thiết thực, người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu đơn vị phải có trình độ, năng lực, vững vàng, có  bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức, lối sống biết tập hợp và phát huy được trí tuệ tập thể. Đồng thời, phải luôn coi trọng và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, việc Tập đoàn PVN để mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào OceanBank, khi HĐQT Tập đoàn chưa họp thống nhất nội dung, cho thấy đây là biểu hiện sự lạm quyền của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PVN, vi phạm Quy chế dân chủ ở cơ sở. Để ngăn chặn sự lạm quyền của người đứng đầu, cần phát huy cao tinh thần dân chủ, duy trì nghiêm các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Đồng thời, người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu đơn vị phải biết lắng nghe ý kiến của quần chúng, khuyến khích, thúc đẩy thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, sẽ tránh được sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, để thực sự ngăn chặn, phát hiện sớm những vi phạm, khuyết điểm của tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, thì cấp ủy, tổ chức đảng cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Hiện nay, ở nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở... người đứng đầu cấp ủy, đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ tịch tập đoàn kinh tế… Do đó, nếu chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, sẽ sớm phát hiện và ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực của người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu địa phương, đơn vị. 

 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang