Hội đồng xét xử hay Thẩm phán ra quyết định công nhận thỏa thuận của đương sự?

06/06/2017 10:24

(kiemsat.vn)
Khoản 3 Điều 203 BLTTDS năm 2015 về cơ bản không gì thay đổi so với khoản 2 Điều 179 BLTTDS năm 2011, nhưng đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể trường hợp: Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, tại phiên tòa các đương sự tự thống nhất thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án nên trong thực tiễn áp dụng pháp luật còn có vướng mắc.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Qua thực tiễn giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục sơ thẩm có trường hợp, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án đã tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án nên Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong thời hạn chờ mở phiên tòa theo quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc tại phiên tòa (tại phiên tòa mà thỏa thuận được thì đương nhiên phải do HĐXX ra quyết định) các đương sự đã tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án và yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận của họ. Trường hợp thỏa thuận của các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội (điểm b khoản 2 Điều 205 BLTTDS) thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có được lập biên bản hòa giải thành theo quy định tại khoản 5 Điều 211 BLTTDS không? Sau khi hết thời hạn 7 ngày quy định tại khoản 1 Điều 212 BLTTDS thì Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công có được ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không? Hay việc thỏa thuận này phải do Hội đồng xét xử theo quyết định đưa vụ án ra xét xử xem xét công nhận tại phiên tòa. Trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự chúng tôi đã gặp trường hợp như nêu trên nhưng hiện nay đang có hai quan điểm khác nhau để giải quyết vấn đề trên, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất: Việc các đương sự thoả thuận được với nhau về giải quyết toàn bộ vụ án không vi phạm điều cấm, không trái pháp luật sau khi Tòa án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì phải mở phiên tòa xét xử và Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của đương sự. Bởi lẽ: Trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án Thẩm phán đã nhiều lần hòa giải để các đương sự tự thỏa thuận với nhau nhưng không thống nhất thỏa thuận được nên Thẩm phán quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Như vậy, kể từ khi Thẩm phán quyết định đưa vụ án ra xét xử thì trình tự, thủ tục theo quy định của BLTTDS ở giai đoạn chuẩn bị xét xử đã kết thúc. Ở giai đoạn xét xử sơ thẩm BLTTDS không có quy định nào cho phép Thẩm phán được lập biên bản hòa giải thành giữa các đương sự và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự vì theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Hội đồng xét xử đã được thành lập, việc giải quyết vụ án phải do Hội đồng xét xử quyết định, việc các đương sự đã tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án thì việc công nhận sự thỏa thuận này phải do Hội đồng xét xử xem xét quyết định tại phiên tòa theo quy định tại Điều 246 BLTTDS.

Quan điểm thứ hai: Nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự là một trong những nguyên tắc cơ bản xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án. Do vậy, sau khi Tòa án đã có Quyết định đưa vụ án ra xét xử các đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án và đề nghị Tòa án ghi nhận sự thỏa thuận của các bên thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải lập biên bản hòa giải thành, hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự theo quy định tại khoản 1 Điều 212 BLTTDS mà không phải mở phiên tòa để Hội đồng xét xử quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 5 BLTTDS thì trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, bất cứ ở giai đoạn tố tụng nào đương sự cũng có quyền thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án trên cơ sở tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Mặt khác, tại Điều 10 BLTTDS quy định Tòa án phải có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định của BLTTDS. Mặc dù, đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Hội đồng xét xử đã được thành lập nhưng việc xét xử là không cần thiết nên Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án lập biên bản hòa giải thành và quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 211, Điều 212 BLTTDS là phù hợp mà không phải chờ đến ngày phiên tòa được mở theo quyết định đưa vụ án ra xét xử để Hội đồng xét xử quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, việc làm này vừa bảo đảm giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời vừa tiết kiệm được ngân sách Nhà nước chi phí cho việc mở phiên tòa.

Qua thực tiễn công tác của bản thân, tác giả thấy quan điểm thứ hai là phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, nguyên tắc về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự được tôn trọng, đúng với trách nhiệm của Tòa án về hòa giải trong tố tụng dân sự; việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời. Do vậy cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu có hướng dẫn về vấn đề nêu trên.

Nguyễn Thị Đào Hoa

                        VKSND tỉnh Vĩnh Phúc

Thẩm phán TAND sẽ thay đổi trang phục xét xử từ 01/01/2018

(Kiemsat.vn) - Từ năm 2018, trang phục xét xử của Thẩm phán Tòa án nhân dân là áo choàng dài tay màu đen phối nẹp, bác tay và cầu vai tương ứng với từng ngạch Thẩm phán.

Câu nói ấm tình người sau giờ nghị án

(Kiemsat.vn) - Sau giờ nghị án vị đại diện Viện kiểm sát nhẹ nhàng lại gặp bị cáo và khuyên nhủ: “Bị cáo phải cảm thấy may mắn bởi bên mình vẫn luôn có gia đình. Lẽ ra, ở độ tuổi này, bị cáo phải là chỗ dựa vững chãi cho người cha bệnh tật và con trẻ. Vậy nhưng… Tôi chỉ hy vọng, bị cáo biết đứng dậy sau vấp ngã. Sau khi thi hành án xong trở về, hãy biết trân trọng niềm mong mỏi của người thân để sống một cuộc đời đáng sống!”.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang