Hoàn thiện quy định về kê biên tài sản trong tố tụng hình sự

03/10/2022 08:00

(kiemsat.vn)
Hiện nay, vấn đề kê biên tài sản trong tố tụng hình sự còn gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn không quy định rõ về thẩm quyền, đối tượng, phạm vi, thủ tục và cách thức hủy bỏ biện pháp này. Tác giả phân tích các bất cập trên và đưa ra kiến nghị hoàn thiện.

1. Một số bất cập về kê biên tài sản trong tố tụng hình sự

- Về thẩm quyền kê biên tài sản trong tố tụng hình sự:

Theo khoản 2 Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (sau đây gọi là BLTTHS năm 2015), Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra lệnh kê biên tài sản.

Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 và các văn bản liên quan chưa hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền thi hành lệnh kê biên tài sản là do cơ quan đã ban hành lệnh kê biên tài sản hay phải chuyển cho Cơ quan điều tra hoặc lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp để thi hành. Ngày 19/11/2018, VKSND tối cao đã ban hành Công văn số 5024/VKSTC-V14 giải đáp vướng mắc liên quan đến quy định của BLTTHS và nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân để hướng dẫn về vấn đề trên. Theo đó, người có thẩm quyền của cơ quan nào ra lệnh thì cơ quan đó có trách nhiệm thực hiện. Tuy nhiên, nội dung hướng dẫn này không khả thi vì các lý do sau:

Thứ nhất, việc kê biên tài sản đòi hỏi cơ quan thực hiện phải có kinh nghiệm, đầy đủ lực lượng và được trang bị các công cụ hỗ trợ. Ngoài ra, thực tiễn cho thấy, lực lượng kê biên còn phải xây dựng các phương án và tình huống xảy ra khi chủ sở hữu hoặc người đang quản lý tài sản chống đối, cố tình không giao tài sản bị kê biên. Do đó, để thi hành lệnh kê biên tài sản, các cơ quan như Viện kiểm sát hay Tòa án khó có thể tự thực hiện được.

Thứ hai, kê biên tài sản đòi hỏi phải tuân thủ quy định chặt chẽ về thời gian, địa điểm với sự có mặt của đương sự hoặc thành viên trong gia đình, chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến. Việc kê biên tài sản phải lập thành biên bản, giao, bảo quản tài sản với nội dung mô tả rõ tình trạng tài sản, quyền, nghĩa vụ của người được giao bảo quản, những khiếu nại, kiến nghị của đương sự và những người tham gia kê biên tài sản. Biên bản kê biên phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham gia theo quy định của pháp luật. Điều đó có nghĩa là việc kê biên tài sản phải được tiến hành tại nơi có tài sản và là nơi đương sự cư trú.

Thứ ba, Hội đồng xét xử mặc dù được ra quyết định kê biên tài sản nhưng không thể thực thi quyết định. Điều này xuất phát từ nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng hình sự: Việc xét xử phải được tiến hành liên tục, nên Hội đồng xét xử không thể tạm dừng, di chuyển đến nơi có tài sản để thực hiện lệnh kê biên rồi tiếp tục quay lại Tòa án để xét xử.

Thực tế cho thấy, sau khi quyết định kê biên tài sản do Viện kiểm sát, Tòa án ban hành thì giao cho Cơ quan điều tra thực hiện. Việc Cơ quan điều tra tiến hành kê biên tài sản phù hợp với thực tiễn bởi Viện kiểm sát, Tòa án, Hội đồng xét xử không có lực lượng, phương tiện để thực hiện. Điều này cũng phù hợp với điểm e khoản 1 Điều 37 BLTTHS năm 2015: Điều tra viên có nhiệm vụ thi hành các biện pháp ngăn chặn như: Giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ, phong tỏa tài khoản, xử lý vật chứng và kê biên tài sản.

- Về đối tượng bị kê biên tài sản:

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định biện pháp kê biên tài sản được áp dụng với cá nhân và pháp nhân phạm tội. Đối với cá nhân, khoản 1 Điều 128 BLTTHS năm 2015 quy định: “Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại”. Đối với pháp nhân, khoản 1 Điều 437 BLTTHS năm 2015 quy định: “Kê biên tài sản áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà BLHS quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại”. So với cá nhân, biện pháp kê biên tài sản sẽ không áp dụng với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà BLHS quy định bị tịch thu tài sản.

Qua nghiên cứu về đối tượng bị kê biên tài sản của pháp nhân, tác giả thấy tồn tại những vấn đề sau:

Thứ nhất, quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng biện pháp kê biên tài sản đối với pháp nhân còn mâu thuẫn. Cụ thể, thực tế tồn tại những trường hợp pháp nhân không bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhưng có liên quan đến vụ án cũng bị kê biên tài sản.

Ví dụ: Vụ án Châu Thị Thu Nga (Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Housing Group) bị TAND thành phố Hà Nội xét xử với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo phải bồi thường 55 tỉ đồng, Housing Group phải bồi thường 187 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong vụ án này, Housing Group không bị khởi tố hình sự. Mặc dù không bị khởi tố, nhưng tập đoàn Housing Group vẫn có thể bị kê biên tài sản để đảm bảo cho việc thi hành án dân sự sau này. Thiệt hại về tài sản trong vụ án này cho xã hội là rất lớn, bởi thông qua công ty, bà Nga mới có thể sử dụng các thủ đoạn để lừa đảo các nhà đầu tư dễ dàng, thuận lợi.

Trong trường hợp này, pháp nhân chưa bị khởi tố nhưng có liên quan đến vụ án cũng có thể là đối tượng bị kê biên tài sản hay nên khởi tố pháp nhân để việc kê biên tài sản được thực hiện đúng theo Điều 437 BLTTHS năm 2015?

Thứ hai, về kỹ thuật lập pháp. Khoản 1 Điều 437 BLTTHS năm 2015 quy định: “Kê biên tài sản áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà BLHS quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại”. Điều đó đồng nghĩa với việc biện pháp kê biên tài sản không áp dụng với pháp nhân thương mại bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà BLHS năm 2015 quy định tịch thu tài sản; tuy nhiên, khoản 2 Điều này lại quy định: “Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại…”. Thiếu sót về kỹ thuật lập pháp này của BLTTHS năm 2015 cần được sửa đổi và hoàn thiện. 

Thứ ba, việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản giữa các địa phương chưa thống nhất. Kê biên tài sản không phải là biện pháp cưỡng chế bắt buộc phải áp dụng đối với cá nhân/pháp nhân phạm tội. Tùy thuộc vào loại tội phạm, tính chất vụ án mà cơ quan tiến hành tố tụng quyết định có hoặc không áp dụng kê biên tài sản. Điều này dẫn đến sự khác nhau giữa các địa phương khi quyết định áp dụng biện pháp này đối với các vụ việc có tính chất tương tự nhau. Mặt khác, biện pháp kê biên tài sản được áp dụng không nhiều vì bị sức ép tố tụng về mặt thời hạn. Theo Điều 172 BLTTHS năm 2015, thời hạn điều tra vụ án hình sự dao động từ 02 đến 04 tháng tùy vào loại tội phạm và có thể gia hạn. Tuy nhiên, trước khi áp dụng quyết định kê biên tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng phải điều tra xác minh, thu thập chứng cứ chứng minh chủ sở hữu tài sản hoặc tài khoản là của người bị buộc tội hoặc có liên quan đồng sở hữu và chứng minh tội phạm; do đó, khó có thể hoàn thành một khối lượng công việc lớn trong thời hạn như vậy.

Chính vì sự “tùy nghi” trong việc áp dụng biện pháp kê biên tài sản nên cơ quan Thi hành án gặp nhiều khó khăn khi tiến hành thu hồi tài sản. Để khắc phục tình trạng này, có quan điểm cho rằng kê biên tài sản trong tố tụng hình sự nên là một biện pháp cưỡng chế bắt buộc đối với cá nhân/pháp nhân phạm tội mà có thể gây thiệt hại về tài sản (BLHS năm 2015 quy định bị phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tịch thu tài sản). Tác giả không đồng tình với quan điểm này vì: Việc áp dụng kê biên tài sản như một biện pháp bắt buộc với mọi tội phạm gây thiệt hại về tài sản ảnh hưởng đến quyền tài sản của người phạm tội và những người liên quan. Mặc dù BLTTHS năm 2015 quy định việc kê biên tài sản phải tương ứng với mức phạt tiền, tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại nhưng không phải vụ án nào, hoàn cảnh nào việc kê biên tài sản cũng tương ứng với mức độ thiệt hại. Có những vụ án mà tài sản bị kê biên nhỏ hơn rất nhiều so với mức độ cần phải kê biên, tài sản chung hợp nhất không thể chia tách...

- Về phạm vi kê biên tài sản:

Theo Điều 128 BLTTHS năm 2015, cơ quan có thẩm quyền chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, việc ước tính này chỉ mang tính tương đối. Trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn trong việc kê biên đối với một số tài sản có giá trị lớn hơn nhiều giá trị cần kê biên. Đối với một số chủ thể chỉ có duy nhất những tài sản lớn như bất động sản, công xưởng; tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất… thì việc kê biên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của bị can, bị cáo.

Ví dụ: Trường hợp tài sản bị kê biên thuộc sở hữu chung hợp nhất và phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu là không xác định đối với tài sản chung (như tài sản vợ chồng chưa phân chia...) thì cơ quan có thẩm quyền rất khó xác định phạm vi phần quyền sở hữu của các bị can, bị cáo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của các chủ thể liên quan.

Như vậy, về phạm vi kê biên tài sản, cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể về cách hiểu “phần tài sản tương ứng” để áp dụng thống nhất, đảm bảo quyền lợi của cá nhân, pháp nhân bị cưỡng chế.

- Về quản lý tài sản bị kê biên:

Thứ nhất, bất cập trong quy định về quyền và nghĩa vụ của người được giao bảo quản tài sản. Người được giao bảo quản có hành vi tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 385 BLHS năm 2015 về Tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản. Về hành vi tiêu dùng, BLTTHS năm 2015 chưa có hướng dẫn nên có nhiều quan điểm khác nhau. Theo Từ điển tiếng Việt, “tiêu dùng” là: Sử dụng của cải vật chất để thỏa mãn các nhu cầu của đời sống sinh hoạt hằng ngày. Theo khoản 3 Điều 237 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, một trong những căn cứ chấm dứt quyền sở hữu là khi tài sản đã được tiêu dùng. Như vậy, vì tiêu dùng trong pháp luật dân sự là sử dụng, khai thác hết và không còn tồn tại (chấm dứt quyền sở hữu) của tài sản nên khái niệm “tiêu dùng tài sản bị kê biên” có thể hiểu là: Tiêu dùng bao gồm hành vi sử dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản bị kê biên, bao gồm động sản và bất động sản. Việc không cho phép người bảo quản tài sản sử dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản bị kê biên nhằm không gây ảnh hưởng đến giá trị, công năng sử dụng của tài sản, phòng tránh các trường hợp xấu xảy ra hoặc người bảo quản cố tình xâm lấn tài sản bị kê biên.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng: Trên cơ sở bảo vệ quyền con người cũng như các quyền và lợi ích khác của các chủ thể liên quan đến tài sản bị kê biên, người bảo quản tài sản bị kê biên có quyền sử dụng, hưởng các hoa lợi, lợi tức của tài sản bị kê biên trong một số trường hợp.

Mặc dù BLTTHS năm 2015 không cấm người quản lý tài sản bị kê biên sử dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức nhưng lại cấm hành vi tiêu dùng, làm thay đổi giá trị của tài sản, thậm chí theo hướng tăng giá trị tài sản, thì liệu có phù hợp với thực tiễn? Sự không rõ ràng trong quy định về quyền của người quản lý tài sản bị kê biên đã làm cho các cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng trong việc cho phép người quản lý tài sản tiếp tục sử dụng, khai thác hoa lợi, lợi tức từ tài sản bị kê biên.

Thứ hai, Điều 437 BLTTHS năm 2015 quy định giao tài sản bị kê biên cho người đứng đầu của pháp nhân quản lý nhưng lại không giải thích thế nào là người đứng đầu của pháp nhân. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 434 BLTTHS năm 2015 quy định mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.

Nội dung về người đứng đầu của pháp nhân mặc dù không được điều chỉnh trong BLTTHS năm 2015 nhưng lại được quy định trong Luật doanh nghiệp năm 2020 như sau: Người đứng đầu pháp nhân là một người hoặc hơn một người, tùy thuộc vào điều lệ hoạt động của công ty (có thể là chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng thành viên...). Bộ luật Dân sự năm 2015 không còn quy định về người đứng đầu của pháp nhân như BLDS năm 2005, mà các hoạt động pháp lý của pháp nhân sẽ được người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thực hiện trong phạm vi đại diện (Điều 139 BLDS năm 2015).

Các quy định trên dẫn đến cách hiểu không thống nhất: Người đứng đầu của pháp nhân có thể là người đại diện của pháp nhân hoặc không phải người đại diện của pháp nhân. Vậy việc giao tài sản bị kê biên cho người đứng đầu nhưng không phải người đại diện của pháp nhân quản lý thì có hợp lý không khi BLTTHS năm 2015 quy định mọi hoạt động tố tụng hình sự của pháp nhân do người đại diện của pháp nhân thực hiện?

- Về thủ tục kê biên tài sản:

+ Về sự có mặt của người quản lý tài sản: Pháp luật chưa có quy định riêng về thủ tục kê biên tài sản thuộc sở hữu chung. Đây là một thiếu sót bởi trong quá trình kê biên tài sản cần sự có mặt của người đồng sở hữu, người đang quản lý hợp pháp tài sản đó. Sự có mặt của người quản lý tài sản bị kê biên cũng cần thiết vì họ sẽ là người trực tiếp chiếm giữ, sử dụng, quản lý tài sản bị kê biên. Mặt khác, trong trường hợp người được chỉ định quản lý tài sản (chủ tài sản, người quản lý hợp pháp hoặc người thân thích của họ bảo quản) từ chối quản lý tài sản và không có mặt thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể kịp thời chỉ định người khác quản lý tài sản.

+ Về hiệu lực thi hành của biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định về hiệu lực thi hành của biện pháp cưỡng chế, như thời gian từ khi ban hành đến khi thi hành. Việc kê biên tài sản phải được tiến hành nhanh chóng để kịp thời ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản của người phạm tội, nên cần được quy định một thời hạn cụ thể, hợp lý.

- Về hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản:

Khoản 2 Điều 130 BLTTHS năm 2015 quy định về việc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản khi thấy không còn cần thiết. Đây là quy định mang tính tùy nghi, cho phép các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cân nhắc giữa việc tiếp tục áp dụng hay hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 130 BLTTHS năm 2015 quy định đối với biện pháp kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra, truy tố thì việc hủy bỏ hoặc thay thế phải thông báo cho Viện kiểm sát trước khi quyết định. Trong giai đoạn điều tra, chủ thể tiến hành biện pháp kê biên tài sản là Cơ quan điều tra thì trước khi quyết định hủy bỏ phải thông báo cho Viện kiểm sát. Trong giai đoạn truy tố, có thể Viện kiểm sát quyết định hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản. Vậy theo quy định của luật thì Viện kiểm sát phải thông báo và đồng thời cũng là cơ quan tiếp nhận thông báo? Đây là một điểm chưa rõ trong quy định của BLTTHS năm 2015.

Ngoài ra, hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản như: Khi ra quyết định hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản thì gửi quyết định cho những chủ thể nào, trong thời hạn bao lâu kể từ khi ra quyết định, cơ quan nào tổ chức thực hiện quyết định hủy quyết định kê biên tài sản...

2. Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện

Thứ nhất, về thẩm quyền kê biên tài sản: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thiếu quy định trực tiếp về cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp cưỡng chế này. Tác giả đề xuất bổ sung quy định: Quyết định kê biên tài sản sau khi được cơ quan có thẩm quyền ban hành thì được chuyển đến Cơ quan điều tra để thực hiện.

Thứ hai, về đối tượng bị kê biên tài sản: Khoản 2 Điều 437 BLTTHS năm 2015 quy định: “Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại...”; tuy nhiên, khoản 1 Điều 437 BLTTHS năm 2015 không quy định kê biên tài sản đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà BLHS năm 2015 quy định bị tịch thu tài sản. Do vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 437 BLTTHS năm 2015 cho đầy đủ.

Thứ ba, về phạm vi kê biên tài sản: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa quy định rõ thế nào là “tương ứng” với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc phải bồi thường thiệt hại. Vì vậy, theo tác giả: (i) Đối với cá nhân, pháp nhân bị cưỡng chế có nhiều tài sản hoặc chỉ có một tài sản duy nhất nhưng có thể tách ra từng phần mà không làm mất hoặc giảm một cách đáng kể giá trị sử dụng của tài sản thì chỉ được kê biên tài sản hoặc phần tài sản có giá trị tương ứng với số tiền để thực hiện các nghĩa vụ dân sự đó; (ii) Đối với cá nhân, pháp nhân bị cưỡng chế chỉ có một tài sản duy nhất và tài sản đó là một thể thống nhất, nếu tách ra từng phần sẽ làm mất hoặc giảm một cách đáng kể giá trị sử dụng của tài sản, thì vẫn tiến hành kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án hình sự.

Thứ tư, về quản lý tài sản: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định thế nào là “tiêu dùng”, “người đứng đầu của pháp nhân”. Theo tác giả, cần quy định vấn đề này theo hướng: Người quản lý không được phép tiêu dùng tài sản bị kê biên nghĩa là họ có quyền khai thác, hưởng hoa lợi, lợi tức tự nhiên mà tài sản bị kê biên mang lại, nhưng không được phép định đoạt hoặc làm giảm giá trị tài sản. Bên cạnh đó, Điều 437 BLTTHS năm 2015 cần được sửa đổi như sau: “Tài sản bị kê biên được giao cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có trách nhiệm bảo quản...”.

Thứ năm, về thủ tục kê biên tài sả: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa có quy định riêng về kê biên tài sản thuộc sở hữu chung. Vì vậy, tác giả kiến nghị khi kê biên tài sản chung thì bên cạnh sự có mặt của những người theo thủ tục kê biên tài sản trong tố tụng hình sự thì cần sự có mặt của người đồng sở hữu, người đang quản lý hợp pháp tài sản đó để đảm bảo quyền và lợi ích của họ.

Bên cạnh đó, để biện pháp kê biên tài sản được thực hiện nhanh chóng, đúng pháp luật, kịp thời ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản của người phạm tội thì quyết định kê biên tài sản phải được chuyển đến Cơ quan điều tra trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày cơ quan tiến hành tố tụng ban hành để tổ chức thi hành.

Thứ sáu, về hủy bỏ kê biên tài sản. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản. Theo tác giả, Điều 130 BLTTHS năm 2015 cần bổ sung: Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày quyết định hủy quyết định kê biên tài sản được ban hành thì phải gửi ngay quyết định này cho những người có mặt trong biên bản kê biên tài sản. Bên cạnh đó, sửa khoản 2 Điều 130 BLTTHS năm 2015 như sau: Đối với biện pháp kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra thì việc hủy bỏ hoặc thay thế phải thông báo cho Viện kiểm sát trước khi quyết định./.     

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang