Hoàn thiện chế định về thời hạn trong Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

12/05/2023 08:00

(kiemsat.vn)
Việc quy định thời hạn tố tụng hợp lý, khoa học đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án, đảm bảo đủ thời gian để tiến hành các hoạt động tố tụng, nhằm phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc phát hiện và xử lý tội phạm.

Thời hạn tố tụng hình sự là một loại thời hạn pháp lý, được điều chỉnh bằng các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự, là khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác để tiến hành các hoạt động tố tụng, hành vi tố tụng cụ thể. Thể chế hóa yêu cầu cải cách tư pháp trong các Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 (như hoạt động tố tụng hình sự phải bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời, chính xác, tiết kiệm; xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định; người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) đã có những sửa đổi, bổ sung các quy định về thời hạn trong các giai đoạn tố tụng hình sự, bảo đảm hầu hết các hoạt động, hành vi tố tụng đều bị ràng buộc bởi thời hạn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tố tụng hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy thời hạn điều tra, truy tố, xét xử và thời hạn tạm giam để điều tra còn một số bất cập, hạn chế, vướng mắc, dẫn đến thực tiễn áp dụng còn bị kéo dài, vi phạm thời hạn tố tụng hình sự làm lãng phí thời gian, nhân lực và vật lực, giảm hiệu quả hoạt động tố tụng hình sự. Do đó, việc nhận diện, làm rõ những bất cập, hạn chế, vướng mắc này là cơ sở quan trọng để đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới; nhất là trong bối cảnh tiếp tục thực hiện, đẩy mạnh hơn công cuộc cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới đã được nêu trong Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

1. Hoàn thiện quy định chung về thời hạn và thời điểm tính thời hạn

Để nhận thức và áp dụng thống nhất các quy định về thời hạn trong pháp luật tố tụng hình sự, Điều 134 BLTTHS năm 2015 cần bổ sung khái niệm thời hạn như sau: “Thời hạn tố tụng hình sự là giới hạn thời gian do pháp luật tố tụng hình sự quy định để các chủ thể tố tụng hình sự thực hiện các hoạt động, hành vi tố tụng do Bộ luật này quy định”.

Thay từ “đêm” bằng từ “ban đêm” trong cụm từ “đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau” tại đoạn 1 khoản 1 Điều 134 BLTTHS năm 2015 cho phù hợp với các quy định khác trong Bộ luật, chẳng hạn khoản 3 Điều 113 BLTTHS năm 2015 quy định: “Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã”; khoản 1 Điều 195 BLTTHS năm 2015 quy định: “Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản”. Việc sửa đổi như trên nhằm bảo đảm tính chính xác về mặt ngôn ngữ, vì theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học thì “đêm” là khoảng thời gian từ tối cho đến sáng, hoặc là lúc khuya, trong khoảng từ 06 giờ tối đến trước 01 giờ sáng, còn “ban đêm” là khoảng thời gian từ sau khi trời tối cho đến trước khi trời sáng.

Bên cạnh đó, quy định khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn tại khoản 1 Điều 134 BLTTHS năm 2015 là chưa hợp lý và công bằng. Bởi một ngày đêm được tính bằng 24 giờ, theo lôgic, khi thời hạn tố tụng nào đó được tính bằng ngày thì nó phải hết vào đúng thời điểm giờ tương ứng đã được dùng để bắt đầu tính thời hạn trong ngày hết hạn, mà không thể vào lúc 24 giờ của ngày hết hạn. Theo cách tính như BLTTHS hiện hành thì khi thời hạn tố tụng nào đó được tính bằng ngày thì thời hạn không phải là số ngày tròn đúng như BLTTHS năm 2015 quy định, mà thường lớn hơn một số giờ nhất định, có nghĩa là kéo sang ngày hôm sau. Hơn nữa, thời điểm 24 giờ trong ngày không phải là thời gian làm việc của các cơ quan nhà nước, trong đó có các cơ quan tiến hành tố tụng, nên quy định trên không có ý nghĩa thực tế đối với quá trình giải quyết vụ án hình sự. Do vậy, cần sửa đổi Điều 134 BLTTHS năm 2015 theo hướng: “Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào giờ trùng của ngày cuối cùng của thời hạn... Khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam thì thời hạn hết vào giờ trùng của ngày kết thúc thời hạn được ghi trong lệnh”. Quy định “khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau” tại khoản 1 Điều 134 BLTTHS năm 2015 chỉ phù hợp với việc xác định loại thời hạn 02 tháng (có tháng trước và tháng sau), mà không phù hợp với loại thời hạn trên 02 tháng. Do vậy, cần sửa khoản 1 Điều 134 BLTTHS năm 2015 thành: “Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng cuối cùng của thời hạn”.

Ngoài các thời hạn tính theo giờ, ngày và tháng, BLTTHS hiện hành còn quy định một số thời hạn được tính theo năm. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 134 BLTTHS năm 2015 chưa đề cập đến cách tính loại thời hạn này, do đó cần bổ sung nội dung: “Khi tính thời hạn theo năm thì thời hạn hết vào ngày trùng, tháng trùng năm cuối cùng của thời hạn”.

Theo khoản 2 Điều 18 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra (CQĐT) và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS: Sau khi nhận hồ sơ vụ án, nếu thời hạn tạm giam để điều tra theo lệnh tạm giam của CQĐT hoặc theo quyết định gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát vẫn còn mà bằng hoặc dài hơn thời hạn quyết định việc truy tố quy định tại khoản 1 Điều 240 BLTTHS năm 2015 đối với tội phạm đang xem xét quyết định việc truy tố và xét thấy cần thiết phải tiếp tục tạm giam bị can trong giai đoạn truy tố thì Viện kiểm sát tiếp tục sử dụng lệnh tạm giam hoặc quyết định gia hạn tạm giam đó mà không phải ra lệnh tạm giam mới. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, có trường hợp Viện kiểm sát xét thấy cần gia hạn thời hạn tạm giam nhưng trước đó do Viện kiểm sát không ra lệnh tạm giam ban đầu nên không thể gia hạn thời hạn tạm giam trong giai đoạn truy tố. Do vậy, cần sửa điều luật này theo hướng: Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra lệnh tạm giam, thời hạn tạm giam được tính kể từ khi Viện kiểm sát nhận được hồ sơ vụ án. Việc ra lệnh tạm giam ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án không chồng chéo với lệnh tạm giam của CQĐT vì lệnh tạm giam của CQĐT là để điều tra, còn lệnh tạm giam của Viện kiểm sát là để truy tố. Sau khi nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, nếu tiếp tục tạm giam thì Viện kiểm sát phải ra lệnh tạm giam. Tương tự, cần quy định việc xem xét áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam trong giai đoạn xét xử được thực hiện ngay sau khi Tòa án thụ lý vụ án. Nếu Tòa án áp dụng biện pháp tạm giam thì thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm) được tính từ ngày Tòa án nhận hồ sơ vụ án, không phụ thuộc vào thời hạn trong lệnh tạm giam trước đó còn hay hết.

2. Hoàn thiện các quy định về thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự theo tiêu chí phân loại tội phạm kết hợp với các tiêu chí khác

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 phân định thời hạn tố tụng trong các giai đoạn tố tụng hình sự nói chung, thời hạn điều tra nói riêng chủ yếu dựa trên tiêu chí phân loại tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự, các tiêu chí liên quan đến tính chất phức tạp của vụ án chưa được chú trọng trong việc thiết kế các quy định về thời hạn tố tụng. Do vậy, để có quy định về thời hạn điều tra hợp lý và khoa học thì cần kết hợp giữa yếu tố phân loại tội phạm với tính chất phức tạp của vụ án ngay khi quy định thời hạn ban đầu theo hướng: Đối với tội phạm nghiêm trọng nhưng thuộc trường hợp phạm tội quả tang, sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng thì không cần nhiều thời gian để điều tra như đối với tội phạm ít nghiêm trọng nhưng có tính chất phức tạp. Thậm chí, đối với tội phạm nghiêm trọng nhưng không có tính chất phức tạp thì có thể điều tra, truy tố trong thời hạn ngắn hơn đối với tội phạm ít nghiêm trọng nhưng có tính chất phức tạp. Theo tác giả, khoản 1 Điều 172 BLTTHS năm 2015 về thời hạn điều tra cần được sửa đổi, bổ sung như sau: “Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng kể từ ngày khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp thì thời hạn này là không quá 03 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Tương tự, đối với thời hạn truy tố, cần sửa đổi Điều 240 BLTTHS năm 2015 theo hướng: Quy định thời hạn truy tố chung cho các loại tội phạm là 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra của CQĐT; đối với những vụ án có tính chất phức tạp, cần có thời gian dài hơn cho việc truy tố thì có thể gia hạn nhưng không quá 20 ngày. Sửa đổi theo hướng này bảo đảm tính khả khi của việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố, khắc phục tình trạng bất hợp lý hiện nay là vừa gây áp lực cho Viện kiểm sát, vừa không phù hợp với thực tiễn truy tố.

Đối với thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, thực hiện các chủ trương của Đảng về nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa thì các hoạt động tố tụng của Tòa án không nhất thiết phải được thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị xét xử để Tòa án giữ vai trò trung lập hơn, giảm sự chủ động, tích cực trong quá trình chuẩn bị xét xử, mà toàn bộ hoạt động xét xử được thực hiện chủ yếu ở phiên tòa. Ở đó, các bên buộc tội và gỡ tội hoạt động tích cực hơn để thực hiện các chức năng tố tụng của mình. Do vậy, cần sửa đổi thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 277 BLTTHS năm 2015 theo hướng: Rút ngắn thời hạn chuẩn bị xét xử xuống còn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và chỉ tăng thời hạn gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các vụ án có tính chất phức tạp, theo đó có thể gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử đến 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, đến 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Về việc cần giữ nguyên thời hạn tạm giam bị can trong giai đoạn điều tra

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra ngắn hơn thời hạn điều tra đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, nên trong thực tiễn gặp vướng mắc trong trường hợp khi hết thời hạn tạm giam mà thời hạn điều tra vẫn còn nhưng CQĐT không thể trả tự do cho bị can vì có thể bị can được trả tự do sẽ bỏ trốn, hủy bỏ tài liệu, chứng cứ, gây khó khăn cho việc điều tra. Có quan điểm cho rằng, cần sửa đổi Điều 173 BLTTHS năm 2015 theo hướng quy định tổng thời hạn tạm giam để điều tra (gồm cả thời hạn gia hạn) bằng tổng thời hạn điều tra vụ án của từng loại tội phạm quy định tại Điều 172 BLTTHS năm 2015.

Theo tác giả, tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất, việc áp dụng biện pháp này sẽ tước bỏ hoặc hạn chế một số quyền con người, quyền cơ bản của công dân như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do đi lại... Do đó, BLTTHS năm 2015 cần quy định chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu của các công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và xu thế chung của các nước trên thế giới. Chẳng hạn, Điều 121 BLTTHS Đức quy định biện pháp tạm giam được áp dụng thông thường dưới 06 tháng, nhưng trong một số trường hợp ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án thì biện pháp này có thể được kéo dài đến 01 năm, đặc biệt Tòa án khu vực cấp trên có quyền kéo dài thời hạn tạm giam cho đến khi bản án được tuyên1. Theo Điều 145-1 BLTTHS Cộng hòa Pháp thì thời hạn tạm giam không quá 04 tháng nếu người bị điều tra chưa từng phạm trọng tội/bị phạt hình sự. Đối với tội phạm ít nghiêm trọng thì thời hạn tạm giam có thể tăng lên tối đa 01 năm đối với trọng tội và 08 tháng đối với các tội ít nghiêm trọng2.  Theo Điều 109 BLTTHS Liên bang Nga thì thời hạn tạm giam để điều tra không được quá 02 tháng. Trường hợp không thể hoàn thành việc điều tra sơ bộ trong thời hạn đến 02 tháng và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, thì thời hạn này có thể được kéo dài đến 06 tháng3. Pháp luật tố tụng hình sự Nhật Bản quy định thời hạn tạm giam lần đầu là 02 tháng, được gia hạn thêm 01 lần không quá 02 tháng4.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định tổng thời hạn tạm giam để điều tra đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng ngắn hơn tổng thời hạn điều tra đối với các tội tương ứng có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, thúc đẩy CQĐT tích cực tiến hành các hoạt động điều tra, tận dụng tối đa lợi thế bị can bị tạm giam không thể cản trở hoạt động điều tra để đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm kết thúc điều tra vụ án trong thời hạn tạm giam. Đây là quy định tiến bộ, phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng hình sự một số nước trên thế giới nhằm tránh kéo dài tình trạng pháp lý căng thẳng của bị can, bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự, nhất là quyền của bị can nên cần tiếp tục được kế thừa trong thời gian tới.

4. Về tăng một số thời hạn tố tụng nhằm giảm áp lực cho các chủ thể tiến hành tố tụng và bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn áp dụng

- Về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm: Thực tiễn thi hành Điều 147 BLTTHS năm 2015 cho thấy quy định thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tối đa là 04 tháng là chưa phù hợp, nhất là các tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, môi trường có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm, hay đối với trường hợp đối tượng đang ở nước ngoài, vắng mặt tại nơi cư trú hoặc cần trưng cầu giám định. Kinh nghiệm của pháp luật nước ngoài cho thấy, các nước như Pháp, Đức, Anh và Xứ Wales, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc đều không quy định thời hạn này. Việc tiếp tục quy định thời hạn kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm trong BLTTHS là cần thiết nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc điều tra, khám phá tội phạm. Tuy nhiên, để việc xử lý tố giác, tin báo về tội phạm có hiệu quả, không gây áp lực cho các cơ quan tiến hành tố tụng thì cần tăng thời hạn này tối đa đến 06 tháng đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp; có yếu tố nước ngoài liên quan đến nhiều quốc gia, nhiều lĩnh vực, phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm.

- Về thời hạn giao bản kết luận điều tra: Để bảo đảm tính khả thi của việc quy định thời hạn CQĐT giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án cho bị can ở xa hoặc cư trú ở những tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn, cần sửa đổi Điều 232 BLTTHS năm 2015 theo hướng đối với những trường hợp này thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 05 ngày, kể từ ngày ra các quyết định nêu trên.

5. Về việc quy định rõ một số loại thời hạn tố tụng để tránh tình trạng lạm dụng hoặc áp dụng tùy tiện

Để khắc phục tình trạng một số thời hạn tố tụng quy định còn chung chung, chưa rõ ràng, dễ dẫn đến vận dụng tùy tiện, lạm dụng hoặc kéo dài thời gian giải quyết vụ án hình sự, cần lượng hóa các thời hạn quy định có tính định tính trong BLTTHS năm 2015 như “thông báo ngay”, ”gửi ngay”... bằng các thời hạn cụ thể. Theo đó, thay từ “ngay” trong cụm từ “người ra lệnh bắt, CQĐT nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết” tại khoản 2 Điều 114 BLTTHS năm 2015 bằng thời hạn cụ thể, có thể quy định thời hạn này là 24 giờ, kể từ khi ra lệnh hoặc kể từ khi CQĐT nhận người bị bắt. Tương tự, thay từ “ngay” tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS năm 2015 bằng thời hạn xác định, cụ thể: Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải được thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.

Khoản 3 Điều 278 và khoản 2 Điều 347 BLTTHS năm 2015 quy định đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, thì Tòa án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa. Đây là quy định còn mang tính tùy nghi, không xác định cụ thể thời hạn. Vì vậy, để tránh việc ra lệnh tạm giam một cách tùy tiện, BLTTHS năm 2015 cần quy định cụ thể về thời hạn gia hạn tạm giam đối với bị cáo trong giai đoạn xét xử, có thể quy định thời hạn này là 45 ngày cho tương ứng với thời hạn hoãn phiên tòa là 30 ngày cộng với thời gian thực tế diễn tiến một phiên tòa có thể kéo dài đến 15 ngày.

6. Về việc bổ sung một số thời hạn tố tụng nhằm ràng buộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, bảo đảm quyền con người của những người tham gia tố tụng

- Về thời hạn cho người bào chữa gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo bị tạm giam: Theo điểm b khoản 3 Điều 14 Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về các quyền dân sự chính trị năm 1966 mà Việt Nam đã ký kết gia nhập ngày 24/9/1982 thì bị can, bị cáo có quyền có đủ thời gian chuẩn bị cho phiên tòa, bao gồm tiếp xúc với người bào chữa. Trong khi đó, BLTTHS năm 2015 không quy định cụ thể về thời lượng để người bào chữa được gặp mặt, trao đổi thông tin với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam, nên người bào chữa thường không có đủ thời gian để thực hiện việc này do các cuộc gặp trong giai đoạn điều tra phụ thuộc vào quyền quyết định của CQĐT. Do vậy, cần bổ sung quy định số lần và thời gian mỗi lần cho người bào chữa gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự.

- Về cách tính thời hạn điều tra trong trường hợp nhập, tách vụ án: Để bảo đảm vụ án được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, có tính khả thi, cần bổ sung quy định về việc tính thời hạn điều tra trong trường hợp nhập, tách vụ án để tiến hành điều tra, cụ thể là sửa đổi, bổ sung Điều 170 BLTTHS năm 2015 như sau: “Thời hạn điều tra trong trường hợp nhập vụ án là thời hạn được quy định đối với vụ án có thời hạn điều tra dài nhất. Trong trường hợp này, thời hạn điều tra các vụ án khác được thu hút vào thời hạn dài nhất và không được tính thêm.

Trong trường hợp tách vụ án thì thời hạn điều tra của từng vụ án được tách ra được tính lại kể từ ngày ra quyết định tách vụ án”.

7. Về sửa đổi quy định số lần điều tra lại, xét xử lại; bổ sung quy định về biện pháp, chế tài khi vi phạm thời hạn tố tụng hình sự

Mặc dù BLTTHS năm 2015 quy định hạn chế số lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhưng không hạn chế số lần điều tra lại, xét xử lại vụ án. Vấn đề đặt ra là khi một vụ án hình sự phải tiến hành điều tra lại hoặc xét xử lại nhiều lần thì thời gian tạm giam bị can, bị cáo phải kéo dài, không xác định được thời gian kết thúc, dẫn đến thực tế có nhiều bị can, bị cáo bị tạm giam trong nhiều năm. Có ý kiến cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2015 theo hướng quy định thời hạn tối đa giải quyết vụ án hình sự qua tất cả các giai đoạn tố tụng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, khó có thể ấn định thời hạn tối đa để giải quyết một vụ án hình sự, bởi mỗi vụ án có tính chất nghiêm trọng khác nhau thì thời hạn cũng khác nhau, số lần điều tra, truy tố, xét xử, kể cả điều tra lại, xét xử lại đều tuân thủ đúng thời hạn luật định cho mỗi giai đoạn tố tụng thì không thể khống chế thời hạn tối đa của một vụ án đã trải qua các giai đoạn tố tụng này. Hơn nữa, tham khảo pháp luật tố tụng hình sự các nước cho thấy, không có nước nào quy định thời hạn tối đa để giải quyết một vụ án hình sự. Do vậy, theo chúng tôi, cần sửa đổi BLTTHS năm 2015 theo hướng: Mỗi vụ án chỉ được điều tra lại, xét xử lại một lần.

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về biện pháp, chế tài khi vi phạm thời hạn tố tụng hình sự. Bản chất của mỗi quy phạm pháp luật đã có ý nghĩa bắt buộc thi hành đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đối với hầu hết các trường hợp, BLTTHS năm 2015 đã quy định thời hạn tố tụng dưới dạng quy phạm bắt buộc (không phải quy phạm mang tính tùy nghi), buộc các cơ quan có thẩm quyền phải nghiêm túc thực hiện, nếu không thực hiện được thì phải chịu trách nhiệm và để làm được như vậy thì cần quy định rõ trách nhiệm pháp lý đối với những vi phạm. Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành đã có những quy phạm bảo đảm như khoản 1 Điều 230 quy định khi đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được tội phạm thì CQĐT phải ra quyết định đình chỉ điều tra, khoản 7 Điều 173 về thời hạn tạm giam để điều tra quy định khi đã hết thời hạn tạm giam thì người ra lệnh tạm giam phải trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét thấy cần thiết thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Tuy nhiên, những quy phạm loại này chưa được quy định đầy đủ cho các loại thời hạn tố tụng hình sự khác như thời hạn truy tố, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, thời hạn tạm giam trong các giai đoạn này, chẳng hạn, không quy định rõ khi hết thời hạn điều tra bổ sung mà không thực hiện được yêu cầu điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát, Tòa án phải ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự, nên việc giải quyết vụ án bị kéo dài, không dứt điểm. Tham khảo pháp luật tố tụng hình sự một số nước cho thấy, BLTTHS Nhật Bản quy định biện pháp, chế tài khi vi phạm thời hạn tố tụng như sau: Nếu vi phạm thời hạn tố tụng thì sẽ mất giá trị pháp lý của thủ tục, chẳng hạn trường hợp tạm giam 10 ngày mà không truy tố thì Công tố viên phải trả tự do cho bị can. Nếu Tòa án không gửi bản sao bản cáo trạng trong thời hạn luật định cho bị cáo thì bản cáo trạng mất hiệu lực. Khi truy tố thì Tòa án phải gửi ngay bản sao của bản truy tố cho bị cáo. Trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày có truy tố mà bản sao của bản truy tố chưa được gửi đi thì việc truy tố đó mất hiệu lực. Trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn mà bị cáo chưa nhận được quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì việc truy tố theo thủ tục rút gọn sẽ mất hiệu lực.

Do vậy, cần hoàn thiện các quy định về thời hạn tố tụng theo hướng quy định cụ thể, đầy đủ các quy phạm bảo đảm để giải quyết dứt điểm trường hợp không thực hiện các quyết định, hành vi tố tụng trong thời hạn luật định, chẳng hạn, khi hết thời hạn truy tố mà Viện kiểm sát không ra một trong các quyết định: Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát phải ra quyết định đình chỉ vụ án. Nếu việc điều tra, truy tố trong một thời gian dài mới đưa ra được quyết định truy tố người phạm tội ra tòa thì Thẩm phán có thể xem xét liệu sự chậm trễ đã làm giảm cơ hội của xét xử công bằng, khách quan, chính xác, đúng pháp luật (trên cơ sở xem xét các tình tiết, chứng cứ của vụ án như các nhân chứng không còn hay không thể nhớ nổi các tình tiết của vụ án do tội phạm đã xảy ra quá lâu) để quyết định đình chỉ việc xét xử vụ án. Toàn bộ hoạt động, hành vi, quyết định tố tụng được thực hiện ngoài thời hạn luật định đều không có hiệu lực và phải bị hủy bỏ. Tất cả các lệnh, quyết định, văn bản tố tụng đã được ban hành như bản kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án mà không được giao cho bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người này thì những lệnh, quyết định, văn bản tố tụng đó sẽ không có hiệu lực. Việc không tuân thủ đúng các thời hạn khác như thời hạn trả lời đơn đề nghị, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải bị coi là vi phạm thủ tục tố tụng và đây chính là căn cứ để cơ quan thụ lý tiếp theo trả lại hồ sơ để khắc phục vi phạm, đồng thời là cơ sở để đánh giá năng lực, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng.

Ngoài ra, cần bổ sung biện pháp, chế tài, những quy phạm “bên ngoài” có liên quan để bảo đảm hiệu lực thi hành của các quy định về thời hạn tố tụng hình sự, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thời hạn, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của con người, công dân. Hiện nay, một số loại vi phạm do để quá thời hạn tố tụng hình sự đã được điều chỉnh trong Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, như hành vi giam người quá thời hạn phải thi hành án phạt tù theo bản án, quyết định của Tòa án thì những người bị giam quá thời hạn phải được bồi thường (khoản 2 Điều 39). Theo chúng tôi, khi một quy phạm pháp luật, trong đó có thời hạn tố tụng hình sự đã được quy định trong luật thì hành vi vi phạm pháp luật nói chung, vi phạm thời hạn nói riêng vì bất cứ lý do nào đều phải được bồi thường thiệt hại cho người bị vi phạm. Bởi lẽ, quy phạm pháp luật là bình đẳng, bất kỳ ai vi phạm đều phải gánh chịu hậu quả pháp lý như nhau. Hơn nữa, các chủ thể tiến hành tố tụng là các cơ quan, những người bảo vệ pháp luật, nên cần có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật với mức cao. Quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của một số nước trên thế giới, chẳng hạn năm 2011, nước Đức ban hành Luật tăng tốc xử án với ý nghĩa không phải đẩy nhanh việc xét xử mà nhằm quy định nếu chậm trễ, trì hoãn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự thì người bị thiệt hại được bồi thường tài chính bất kể với lý do gì.

Tố tụng hình sự là quá trình chứng minh tội phạm và người phạm tội, vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến những quyền cơ bản nhất của con người, của công dân. Yêu cầu đặt ra là phải quy định và kiểm soát nghiêm ngặt quá trình này, trong đó có vấn đề thời hạn tố tụng. Do đó, việc hoàn thiện chế định thời hạn trong BLTTHS hiện hành đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải đáp ứng cả hai yêu cầu: (1) Bảo đảm ở mức cao nhất quyền con người, quyền công dân; (2) Khả năng thực tế của các cơ quan tố tụng xét trên tổng thể các yếu tố về năng lực, biên chế, thực tế đầu tư trang thiết bị, phương tiện. Trên cơ sở đó, cần quy định thời hạn tố tụng theo hướng không gây áp lực cho các cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án nhưng bảo đảm ràng buộc các cơ quan này luôn phải nỗ lực, chủ động để hoàn thành nhiệm vụ trong thời hạn luật định.

Chế định những nguyên tắc của pháp luật tố tụng hình sự và mô hình lý luận của chế định này trong tương lai

(Kiemsat.vn) - Qua việc nghiên cứu và phân tích khoa học thực trạng của quy phạm về những nguyên tắc cơ bản tại Chương II Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 với 20 điều, tác giả đưa ra định hướng tiếp tục hoàn thiện chế định này; đồng thời, trên cơ sở sửa đổi, bổ sung, tách, nhập và biên soạn lại các điều này để xây dựng mới trong Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam tương lai mô hình lập pháp gồm 17 điều luật mới về những nguyên tắc của pháp luật tố tụng hình sự.

Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về căn cứ khởi tố vụ án hình sự

(Kiemsat.vn) - Khởi tố vụ án là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng giải quyết vụ án hình sự. Việc khởi tố vụ án cần dựa trên các căn cứ khởi tố vụ án được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Bài viết phân tích một số vấn đề chung về căn cứ khởi tố vụ án hình sự, nêu những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật, từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang