Hành vi của A là "tự thú"

22/01/2019 19:41

(kiemsat.vn)
B không tận mắt nhìn thấy A đã thực hiện hành vi phạm tội hay biết được chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của A. Nên việc A đến cơ quan điều tra khai nhận sự việc là trường hợp "tự thú".

Xét về mặt bản chất, hành vi “đầu thú” và “tự thú” là hai trường hợp khác nhau, nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc xem xét áp dụng nhiều chế định liên quan về việc áp dụng khung hình phạt trong thực tiễn xét xử. Do đó, hiểu đúng và áp dụng chính xác để đảm bảo nguyên tắc và quyền lợi cho bị can, bị cáo là điều vô cùng cần thiết.

Ảnh minh họa

Theo quy định tại Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

...

“h. Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.

i. Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình”.

Theo hướng dẫn của Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10 tháng 6 năm 2002 thì:

“Tự thú” là tự mình nhận tội và khai báo hành vi phạm tội của mình trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú đối với việc tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội của mình mà chưa bị phát hiện.

“Đầu thú” là có người đã biết mình phạm tội, nhưng biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật…

Như vậy, hành vi “tự thú” và “đầu thú chỉ có một điểm khác nhau là việc “đã có ai biết đến hành vi phạm tội của mình hay chưa. Có thể hiểu rằng, nếu người thực hiện hành vi phạm tội chưa bị bất kì ai phát hiện và họ tự giác trình diện và khai nhận toàn bộ hành vi của mình thì sẽ được xem là “tự thú”. Công văn 81/2002/TANDTC quy định đồng thời hai điều kiện “có người đã biết mình phạm tội” và “biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện” để đánh giá là người phạm tội “đầu thú”.

Trở lại nội dung bài viết thì: “Quá trình truy xét, cơ quan điều tra xác định được anh B là chủ sở hữu xe mô tô có biển số trên nên đã triệu tập B để làm việc. Trước khi đến cơ quan điều tra, B hỏi A thì được A cho biết đã dùng xe của B đi cướp giật tài sản. B đã khuyên A đến cơ quan điều tra giao nộp tài sản và khai nhận sự việc, A đồng ý.”

Có thể thấy rằng: Trước khi B hỏi A thì B không phải là “người đã biết A phạm tội” (có thể chỉ là nghi vấn). Bài viết nêu rõ “B hỏi A thì được A cho biết đã dùng xe của B đi cướp giật tài sản”. Rõ ràng B không tận mắt nhìn thấy A đã thực hiện hành vi phạm tội hay biết được chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của A. 

Hơn nữa, lúc này A không rơi vào hoàn cảnh “biết không thể trốn tránh được”. Sau khi gặp A, B hoàn toàn có thể trốn tránh cơ quan chức năng. Do vậy không thể cho rằng trường hợp này A đã ra cơ quan công an đầu thú, mà chỉ thấy A đã tự mình nhận tội và khai báo hành vi phạm tội của mình trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Vì vậy, A phải được hưởng tỉnh tiết giảm nhẹ  là “tự thú”.

Trường hợp của A là đầu thú

(Kiemsat.vn) - Việc A đến cơ quan điều tra Công an TP. Q khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội là tình tiết “Đầu thú” mà không phải là tình tiết “Tự thú”.

A phải được hưởng tình tiết giảm nhẹ là “tự thú”

(Kiemsat.vn) - Khi sự việc cướp giật điện thoại xảy ra không ai biết A là người thực hiện hành vi phạm tội, nên A thuộc trường hợp "tự thú".
(1) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang