“Đầu thú” hay “tự thú”?

17/01/2019 11:53

(kiemsat.vn)
Đầu thú và tự thú đều là tình tiết giảm nhẹ, tuy nhiên tính chất giảm nhẹ lại khác nhau. Khi vụ việc đang được cơ quan điều tra xử lý, đã xác định được tội phạm và phương tiện, chưa xác định được người phạm tội thì được coi là đầu thú hay tự thú.

Nội dung vụ việc:

Khoảng 22 giờ ngày 24/8/2018, A mượn xe mô tô của B làm phương tiện cướp giật chiếc điện thoại iphone 7 của chị C. Chị C nhìn thấy biển số xe nên đã đến Công an phường X, TP. Q trình báo.

Quá trình truy xét, cơ quan điều tra xác định được anh B là chủ sở hữu xe mô tô có biển số trên nên đã triệu tập B để làm việc. Trước khi đến cơ quan điều tra, B hỏi A thì được A cho biết đã dùng xe của B đi cướp giật tài sản. B đã khuyên A đến cơ quan điều tra giao nộp tài sản và khai nhận sự việc, A đồng ý.

Sáng ngày 25/8/2018, B đưa A đến cơ quan CSĐT Công an TP. Q giao nộp điện thoại giật được của chị A và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Việc A khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình với cơ quan điều tra trong tình huống trên được xem là “đầu thú” hay “tự thú”? Việc xác định này là cần thiết vì “đầu thú” là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS trong khi “tự thú” là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS, do đó ảnh hưởng đến việc quyết định hình phạt đối với A.Tính chất giảm nhẹ của các tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS quan trọng hơn các tình tiết quy định tại khoản 2 Điều này, ví dụ như xem xét để áp dụng Điều 54 BLHS để cho bị cáo được hưởng mức hình phạt dưới khung, xem xét áp dụng chế định án treo (Điều 65 BLHS)…

Ảnh minh họa (Internet)

Quan điểm thứ nhất cho rằng, đây là trường hợp “đầu thú” vì A đến Cơ quan điều tra trình diện và khai nhận hành vi phạm tội của mình sau khi hành vi của A đã bị phát hiện. Nếu A không đến, cơ quan điều tra cũng sẽ điều tra và triệu tập A đến làm việc vì đã xác định được chủ sở hữu xe (là B). Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015: “Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình”. Tự thú chỉ được áp dụng trong trường hợp hành vi cướp giật của A chưa bị ai phát hiện, chưa được trình báo, các cơ quan chức năng chưa biết đến.

Quan điểm thứ hai cho rằng, A được hưởng tỉnh tiết giảm nhẹ “tự thú”, bởi lẽ mặc dù hành vi phạm tội của A đã bị phát hiện và trình báo nhưng người phạm tội (A) chưa bị phát hiện. Điểm h khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm quy định: “Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạmhoặcngười phạm tội bị phát hiện”. Theo đó, trong cả hai trường hợp trước khi tội phạm (hành vi phạm tội) hoặc người phạm tội bị phát hiện mà A tự nguyện đến cơ quan điều tra khai nhận hành vi phạm tội của mình thì đều được xem là tự thú. Trên thực tế, nhiều trường hợp bị hại đến cơ quan điều tra trình báo nhưng cơ quan điều tra không truy tìm được người thực hiện hành vi phạm tội.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi lẽ theo quy định tại điểm h, i khoản 1 Điều 4 BLTTHS cần được hiểu là: kể cả trong trường hợp hành vi phạm tội đã bị phát hiện nhưng người thực hiện hành vi phạm tội chưa bị phát hiện thì việc người phạm tội tự nguyện đến trình diện, khai báo vẫn được xem là tự thú. Đây cũng là cách hiểu theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội.

Trong tình huống trên, mặc dù chị C đã biết biển số xe mô tô do A sử dụng để cướp giật nhưng chưa xác định được A là người đã thực hiện hành vi này. Hành vi cướp giật của A đã bị phát hiện nhưng việc A là đối tượng thực hiện hành vi cướp giật vẫn chưa bị phát hiện. Việc A chủ động, tự nguyện đến cơ quan điều tra khai nhận hành vi phạm tội của mình đã góp phần giúp cơ quan điều tra rút ngắn thời gian điều tra, truy xét, thể hiện sự hợp tác của A, tạo thuận lợi hơn cho qua trình điều tra. So với việc A trốn tránh, không ra trình diện hoặc khi bị triệu tập thì không khai nhận mình là người đã thực hiện hành vi cướp giật rõ ràng cần được khuyến khích, xem xét giảm nhẹ hơn rất nhiều.

Rất mong đồng nghiệp và bạn đọc cùng trao đổi.

Không thể coi nghĩa vụ cấp dưỡng như nghĩa vụ trả tiền

(Kiemsat.vn) - Theo tác giả việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không thể xem giống như nghĩa vụ trả tiền. Do đó, chúng ta cũng không thể xem việc chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cũng có tính chất như chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền,

Cần có hướng dẫn về “phạm tội 02 lần trở lên” và “đối với 02 người trở lên” tại Điều 251 BLHS

(Kiemsat.vn) - Việc giải quyết một số vụ án về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” tại Điều 251 BLHS năm 2015 còn có vướng mắc cần được hướng dẫn, đó là tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” và “đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm b,c khoản 2.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang