Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa VKS địa phương với Cơ quan điều tra VKSND tối cao

05/05/2022 08:00

(kiemsat.vn)
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao với Viện kiểm sát nhân dân địa phương làm tăng hiệu quả hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm trong hoạt động tư pháp. Do đó, để nâng cao hiệu quả phối hợp cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về tổ chức cán bộ, củng cố mạng lưới cơ sở nắm bắt thông tin, tổng kết thực tiễn, đảm bảo về cơ sở vật chất và chú trọng công tác đào tạo, tập huấn...

1. Quy định của pháp luật và thực tiễn công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân địa phương và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phát hiện, điều tra vụ án hình sự

Theo Điều 367 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015), Điều 20 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2014, Điều 30 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015), thì các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án. Cơ quan điều tra VKSND tối cao là đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, thuộc hệ thống Cơ quan điều tra chuyên trách, có thẩm quyền tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ quy định tại các chương XXII, XXIV BLHS năm 2015, xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân (TAND), VKSND, cơ quan Thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND.

Viện kiểm sát nhân dân địa phương là đơn vị cấp dưới của VKSND tối cao, có nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội; không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái pháp luật, các hoạt động tố tụng, tư pháp tuân thủ theo pháp luật; mọi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Như vậy, Cơ quan điều tra VKSND tối cao và VKSND các địa phương đều là các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân, chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao. Ngày 29/12/2017, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 565/QĐ-VKSTC kèm theo Quy chế tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Theo đó, VKSND cấp tỉnh là đầu mối tổng hợp, quản lý tình hình tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp thuộc phạm vi quản lý và cung cấp cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tiếp nhận, chủ động phát hiện nguồn tin về tội phạm; trường hợp đủ căn cứ xác định nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao thì chuyển ngay nguồn tin về tội phạm và các tài liệu liên quan đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao để giải quyết theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, VKSND cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận, thu thập nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao xảy ra tại Công an cấp xã, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc do người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khác thực hiện thuộc phạm vi quản lý. Trong trường hợp cần thiết, theo yêu cầu của Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao thì VKSND cấp tỉnh phân công phòng nghiệp vụ hoặc VKSND cấp huyện có liên quan phối hợp với Cơ quan điều tra VKSND tối cao giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nếu phát hiện nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao nhưng Cơ quan điều tra khác đang thụ lý, giải quyết, nếu Cơ quan điều tra chưa khởi tố vụ án hình sự thì VKSND cấp tỉnh ra văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra đó chuyển hồ sơ, tài liệu đã thu thập được đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao để giải quyết theo thẩm quyền. Nếu Cơ quan điều tra đó không thực hiện yêu cầu thì Viện trưởng VKSND cấp tỉnh báo cáo Viện trưởng VKSND tối cao giải quyết theo khoản 3 Điều 150 BLTTHS năm 2015. Nếu Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án thì VKSND cấp tỉnh căn cứ Điều 169 BLTTHS năm 2015 quyết định chuyển vụ án đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao để giải quyết theo thẩm quyền.

Thực tế những năm qua, dưới sự quan tâm, phối hợp, chỉ đạo của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, VKSND 02 cấp tỉnh Hà Nam đã phát hiện, báo cáo Cơ quan điều tra VKSND tối cao nhiều vụ việc xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, điển hình như:

Vụ Nguyễn Thành Đoàn - Thẩm phán, Phó Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình bị khởi tố về tội Ra bản án trái pháp luật theo Điều 295 BLHS năm 1999. Thông qua công tác kiểm sát thi hành án hình sự, VKSND huyện Thanh Liêm đã phát hiện Bùi Hồng Luân đang phải chấp hành bản án của TAND huyện Thanh Liêm với hình phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về Tội buôn bán hàng cấm. Trong thời gian thử thách, Luân tiếp tục phạm tội bị Công an tỉnh Ninh Bình bắt quả tang. Tuy nhiên, Nguyễn Thành Đoàn và Hội đồng xét xử đã bỏ qua những tình tiết tăng nặng, cố tình áp dụng những tình tiết giảm nhẹ không có thực để tuyên phạt Luân 27 tháng cải tạo không giam giữ về Tội tổ chức đánh bạc, không tổng hợp hình phạt, không buộc Luân phải chấp hành hình phạt tù của bản án trước.

Vụ Nguyễn Duy Hiệp, quyền Chánh án TAND huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam nhận hối lộ 235 triệu đồng trong vụ án Đỗ Đức Tuân cùng đồng phạm phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tòa án nhân dân huyện Thanh Liêm đã trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung; Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố và chuyển lại hồ sơ để Tòa án xét xử. Ngày 14/6/2014, TAND huyện Thanh Liêm đã đưa vụ án ra xét xử lưu động. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh nhận thấy: Nguyễn Duy Hiệp đã yêu cầu ông Đỗ Minh Tý và Đỗ Đức Tuân giao tiền để Hiệp tạo điều kiện xét xử Tuân mức hình phạt thấp nhất. Sau đó, ông Đỗ Minh Tý và Đỗ Đức Tuân đã hai lần đến phòng làm việc của Hiệp tại TAND huyện Thanh Liêm, trực tiếp đưa cho Hiệp tổng số tiền là 235 triệu đồng.

Để xử lý được 02 vụ án trên là một quá trình quyết tâm thực hiện Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao; sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Cơ quan điều tra VKSND tối cao và sự quyết liệt của lãnh đạo VKSND tỉnh mà đứng đầu là đồng chí Viện trưởng; tinh thần dám nghĩ, dám làm, không ngại va chạm, chủ động phối hợp kịp thời, áp dụng nhiều biện pháp, chiến thuật nghiệp vụ để thu thập, chuyển hóa tài liệu, chứng cứ, chọn đúng người để khai thác thông tin và phối hợp điều tra... Đây là các vụ án điển hình có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa Cơ quan điều tra VKSND tối cao và VKSND tỉnh Hà Nam, trong một thời gian ngắn đã bắt khẩn cấp đối tượng phạm tội, thu giữ đầy đủ vật chứng của vụ án.

2. Một số khó khăn, vướng mắc

Thứ nhất, về mạng lưới cơ sở để nắm bắt thông tin. Cơ quan điều tra VKSND tối cao và VKSND các địa phương không có hệ thống mạng lưới cơ sở ở địa bàn để chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp; chưa có cơ chế đảm bảo về cung cấp thông tin về tội phạm trong nội bộ ngành Kiểm sát nhân dân và chưa có cơ chế khuyến khích, động viên thiết thực để có thể thu được thông tin về tội phạm từ các nguồn khác; chưa nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan thông tin đại chúng để trao đổi thông tin có dấu hiệu tội phạm. Điều này khiến cho thông tin đến được Cơ quan điều tra VKSND tối cao cũng như VKSND các địa phương thường chậm trễ nên không có người làm chứng, không có chứng cứ vật chất (ghi âm, ghi hình...), nên việc kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, về yếu tố con người. Chủ thể đầu mối nắm bắt thông tin, tổng hợp, quản lý tình hình tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp đều là những người thường xuyên tiếp xúc, phối hợp với các cơ quan tư pháp ở địa phương (Cơ quan điều tra, Tòa án, cơ quan Thi hành án...), nên không tránh khỏi tâm lý ngại va chạm. Các cán bộ, Kiểm sát viên chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ điều tra, đặc biệt là đối với những tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Mặt khác, những đối tượng vi phạm đều là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, am hiểu pháp luật, quan hệ xã hội rộng, hành vi phạm tội kín kẽ, có điều kiện và nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi cũng như che giấu tội phạm, xóa dấu vết, tiêu hủy chứng cứ, tài liệu; đồng thời, tìm mọi cách để tác động, mua chuộc các cán bộ làm khâu công tác này, dẫn đến việc giữ bí mật điều tra, đấu tranh, thu thập tài liệu khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được.

Thứ ba, về ý thức pháp luật của người dân. Nhận thức, tâm lý của Nhân dân còn hạn chế cũng là một trong những khó khăn, thách thức đối với việc điều tra, thu thập chứng cứ, tài liệu của VKSND các địa phương. Nhân dân thường có tâm lý e dè, hoang mang, lo sợ bị trả thù bởi những người có địa vị trong các cơ quan tư pháp nên thường không khai báo. Mặt khác, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức của người dân cũng còn hạn chế.

Thứ tư, về cơ sở pháp lý. Hiện nay, BLTTHS năm 2015, Luật tổ chức VKSND năm 2014, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 chưa quy định cụ thể về mối quan hệ phối hợp trong việc thẩm tra, xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu của VKSND địa phương và Cơ quan điều tra VKSND tối cao, mà chỉ có Quy chế tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao.

Mặt khác, pháp luật cũng chưa quy định về việc Cơ quan điều tra VKSND tối cao ủy thác điều tra cho các VKSND địa phương trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu. Hệ thống Cơ quan điều tra mới được tổ chức tại VKSND tối cao và có đại diện ở một số tỉnh, thành phố, bị ảnh hưởng tiến độ điều tra, giải quyết các vụ án của Cơ quan điều tra VKSND tối cao.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, cần có sự đột phá trong công tác tổ chức cán bộ, phát huy vai trò và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu Cơ quan điều tra và VKSND địa phương; chọn những Điều tra viên được đào tạo về trinh sát, có kỹ năng, chiến thuật điều tra, bản lĩnh làm công tác điều tra; những Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát hoạt động tư pháp phải có trình độ, tâm huyết và trách nhiệm, tận tụy với nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, phát huy vai trò của người đứng đầu. Viện trưởng VKSND cấp tỉnh và cấp huyện phải có bản lĩnh, dám đấu tranh, công tâm, trong sáng, không ngại va chạm khó khăn, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát; trực tiếp chỉ đạo công tác nhận diện hành vi vi phạm, tội phạm, tiếp nhận, thu thập và xử lý thông tin ban đầu về các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp; thường xuyên quán triệt cho cấp dưới thông qua các cuộc họp giao ban để thấm nhuần và thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra, trách nhiệm của ngành nói chung dưới sự chỉ đạo thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao; các hành vi vi phạm, tội phạm diễn ra không chỉ đơn thuần trong lĩnh vực khởi tố, bắt giam, giữ mà cả trong lĩnh vực kiểm sát dân sự, hành chính, khiếu nại, tố cáo...

Thứ ba, cần đổi mới phương pháp tiếp cận, thu thập, quản lý thông tin về tội phạm; tạo nhiều kênh thông tin không chính thức nhưng có giá trị và chuyển hóa được thông tin; mở rộng tất cả các nguồn và kênh thông tin tập trung xây dựng mạng lưới cơ sở, VKSND cấp huyện có trách nhiệm nắm thông tin từ cấp xã và các cơ quan ngang cấp, VKSND cấp tỉnh nắm thông tin từ cấp huyện và các cơ quan ngang cấp; chú trọng các nguồn thông tin từ báo chí, dư luận để nắm bắt kịp thời, đầy đủ các tố giác, tin báo về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, có cơ chế động viên bằng nhiều hình thức để khuyến khích đối với các cá nhân, tổ chức cung cấp nguồn tin có giá trị; đổi mới hình thức, nội dung website, hộp thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng... để tiếp nhận các thông tin về tội phạm.

Thứ tư, quy định VKSND địa phương chủ động phát hiện, nắm nguồn tin, thu thập chứng cứ, tài liệu về tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp trước khi chuyển Cơ quan điều tra VKSND tối cao; thực hiện ủy thác điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao; lực lượng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp, nhà tạm giữ, trại tạm giam có trách nhiệm phối hợp thực hiện các lệnh và yêu cầu hỗ trợ của Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, VKSND cấp tỉnh cần chủ động xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan tư pháp ngang cấp, cơ quan thông tin, truyền thông trong việc nắm, phát hiện thông tin về tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp.

Thứ năm, chủ thể tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp là người hiểu biết pháp luật, có nhiều mối quan hệ phức tạp..., nên để khởi tố vụ án, bị can về tội phạm này rất khó khăn. Do đó, cần tổng kết, rút kinh nghiệm nghiêm túc, từ khâu tiếp nhận tin báo, tố giác, lập kế hoạch điều tra, áp dụng các biện pháp điều tra, xét hỏi... đến công tác phối hợp phá án. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng các buổi tập huấn chuyên đề, nêu những cách làm hay, hiệu quả trong thu thập, đánh giá chứng cứ và nghiên cứu pháp luật; các dạng vi phạm trong hoạt động tư pháp, nhất là những vi phạm phổ biến và đưa vào đề thi chọn Kiểm sát viên, Điều tra viên hằng năm.

Thứ sáu, hoàn thiện thể chế, chế tài pháp lý có tính chất ràng buộc khi Cơ quan điều tra VKSND tối cao hoặc Viện kiểm sát ban hành các quyết định yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân; tăng cường trang thiết bị khoa học hiện đại cho hệ thống các cơ quan bổ trợ tư pháp (nhất là cơ quan giám định) để các cơ quan này phục vụ kịp thời Cơ quan điều tra; cử đi đào tạo tại các nước có nền khoa học kỹ thuật hình sự tiên tiến đối với những cán bộ thuộc Phòng giám định kỹ thuật hình sự - Văn phòng VKSND tối cao và Phòng kỹ thuật hình sự - Cơ quan điều tra VKSND tối cao; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ (nhất là công nghệ thông tin điều tra kỹ thuật số) vào hoạt động điều tra.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang