Đương sự có được quyền thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận?

12/02/2019 10:13

(kiemsat.vn)
7 ngày là thời hạn mà đương sự có thể thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận tại phiên họp hòa giải, thực tiễn giải quyết vẫn còn chưa thống nhất cách áp dụng thời hạn này.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 212 BLTTDS năm 2015 thì “Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự”. Có nghĩa là, trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành, nếu có đương sự thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận tại phiên họp hòa giải thì Thẩm phán phải tiếp tục giải quyết vụ án mà không được quyền ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Tuy nhiên trong thực tiễn vẫn còn cách hiểu khác nhau về thời hạn 07 ngày, dẫn đến việc có ý kiến khác nhau về việc đương sự có được quyền thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đã được Tòa án lập biên bản hòa giải thành không.

Nội dung vụ việc:

Ngày 01/02/2019, Tòa án nhân dân huyện X lập biên bản hòa giải thành, ghi nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự. Nội dung các đương sự thỏa thuận như sau: Ông Nguyễn Văn T và bà Lê Thị D đồng ý trả cho bà Trần Thị L số tiền vay còn nợ là 150.000.000 đồng. Tòa án gửi cho các đương sự bản sao biên bản hòa giải thành ngày 01/02/2019.

Ngày 11/02/2019, ông Nguyễn Văn T đến Tòa án gửi văn bản nêu ý kiến về việc ông không đồng trả tiền cho bà L theo thỏa thuận ngày 01/02/2019. Lý do là số nợ này vợ của ông vay của bà L nhưng ông không biết”. Vậy ông T có được quyền thay đổi ý kiến không, hiện còn có ý kiến khác nhau.

Ảnh minh họa

Quan điểm thứ nhất cho rằng ông T không được quyền thay đổi ý kiến. Bởi vì trong biên bản hòa giải thành ngày 01/02/2019 mà đương sự được Tòa án giao đã nêu rất rõ là “Trong thời hạn 07 (bảy) ngày, kể từ ngày lập biên bản hoà giải thành, nếu đương sự nào có thay đổi ý kiến về sự thoả thuận trên thì phải làm thành văn bản gửi cho Toà án. Hết thời hạn này, mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thoả thuận trên thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự và quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi ban hành, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”. Như vậy, pháp luật quy định đương sự được quyền thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận trong thời hạn 07 ngày, chứ không phải là 07 ngày làm việc. Cho nên ngày 11/02/2019, ông T mới gửi cho Tòa án văn bản thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận là đã quá 07 ngày (mặc dù từ ngày 02/02/2019 đến ngày 10/02/2019 là 09 ngày nghỉ lễ Tết nguyên đán năm 2019). Do đó, Thẩm phán chủ trì phiên họp hòa giải phải ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự vào ngày 11/02/2019 (do ngày thứ 8 trùng vào ngày nghỉ Tết nguyên đán).

Quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm tác giả cho rằng ông T được quyền thay đổi ý kiến. Bởi vì biên bản hòa giải thành được lập ngày 01/02/2019. Ngày bắt đầu tính thời hạn 07 ngày là từ ngày 02/02/2019. Tuy nhiên, từ ngày 02/02/2019 đến ngày 10/02/2019 là ngày nghỉ lễ Tết (Tòa án không làm việc), cho nên đương sự không thể gửi cho Tòa án văn bản thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận được. Do đó, ngày bắt đầu tính thời hạn 07 ngày là từ ngày 11/02/2019 (ngày Tòa án bắt đầu làm việc sau khi nghỉ lễ Tết nguyên đán năm 2019). Thời hạn cuối cùng ông T được quyền thay đổi ý kiến là đến ngày 18/02/2019. Quan điểm này là nhằm bảo vệ quyền lợi của đương sự, nhất là quyền tự thỏa thuận của đương sự.

Mời bạn đọc cùng thảo luận và trao đổi.

Trao đổi bài viết: “Phương pháp định giá tài sản nào là đúng”?

(Kiemsat.vn) - Để giải quyết được vấn đề “phương pháp định giá tài sản nào là đúng”, trước tiên chúng ta cần phải xác định được đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội gì?
(1) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang