Đổi mới tổ chức và hoạt động của Bộ Tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

08/07/2022 08:49

(kiemsat.vn)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Bộ Tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong tình hình hiện nay, có biện pháp mạnh mẽ hơn để hoàn thiện, phát triển đổi mới tổ chức, hoạt động của Bộ Tư pháp.

Chiều 7/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc – Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về nội dung dự thảo Đề án liên quan đến tổ chức và hoạt động của Bộ Tư pháp.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Về phía Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp có đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; các Ủy viên Ban Cán sự Đảng bộ Tư pháp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TH.

Tại buổi làm việc, các ý kiến đóng góp, thảo luận đánh giá cao dự thảo Đề án được xây dựng công phu, nghiêm túc, trách nhiệm. Các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự nhất trí rất cao về những nội dung liên quan đến tổ chức, hoạt động của Bộ Tư pháp, có tầm khái quát cao, đề ra được nhiều giải pháp đột phá; đồng thời góp ý thẳng thắn, cởi mở, trực tiếp, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao về các nội dung liên quan và kiến nghị thêm một số giải pháp tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện pháp luật, tăng cường hợp tác quốc tế trong bối cảnh hội nhập, hoàn thiện các thiết chế đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong hai giai đoạn từ nay đến năm 2030 và từ năm 2030 đến năm 2045.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp nhất trí với nhiều nội dung liên quan như thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, cơ chế bảo vệ Hiến pháp, chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố và đưa về quan hệ giữa pháp luật trong nước và điều ước quốc tế… Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng mong muốn sẽ có nhiều nội dung của Đề án đạt được đồng thuận cao, giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra. 

Kết luận buổi làm việc, hoan nghênh Bộ Tư pháp chuẩn bị nghiêm túc, trách nhiệm, nhiều ý kiến tốt, cụ thể, tạo không khí làm việc dân chủ, cởi mở, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Bộ Tư pháp có vai trò quan trọng trong hoàn thiện Đề án và cũng là cơ quan tổ chức thực hiện những nội dung rất căn bản của Đề án.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Bộ Tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Ảnh: TH.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân, dân chủ được đề cao, định hướng XHCN rất rõ ràng trên tinh thần dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, coi trọng vai trò lãnh đạo của Đảng… Về các đánh giá cụ thể, Chủ tịch nước đề nghị cần chọn lọc, bổ sung, viết sắc sảo, gọn, hay, thuyết phục. Trong đó, theo Chủ tịch nước, hệ thống pháp luật của chúng ta khá đầy đủ, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng. Chủ tịch nước lưu ý, không nên “đổ lỗi” cho hệ thống pháp luật mà phải đánh giá được chúng ta đã vận dụng, tổ chức thực hiện pháp luật ra sao. 

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Bộ Tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong tình hình hiện nay, có biện pháp mạnh mẽ hơn để hoàn thiện, phát triển đổi mới tổ chức, hoạt động của Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước đề nghị giai đoạn từ nay đến năm 2030 tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan thi hành án, bổ trợ tư pháp và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp, đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống các cơ quan nhà nước.

Đề cập đến giai đoạn từ sau năm 2030 đến năm 2045, Chủ tịch nước định hướng, cần nghiên cứu hình thành hệ thống pháp luật đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong bối cảnh mới; thực hiện thống nhất quản lý thi hành án về một đầu mối; cơ bản thống nhất việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia, thành lập thiết chế bảo vệ Hiến pháp… 

Đối với một số vấn đề đặt ra trong Đề án có liên quan đến ngành Tư pháp và nhiều cơ quan khác, Chủ tịch nước đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo tiếp thu ý kiến góp ý trong các buổi làm việc, từ đó tổng hợp để báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét lựa chọn phương án phù hợp trên tinh thần phát huy dân chủ, có cơ sở khoa học thực tiễn và lý luận, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, định hướng XHCN, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang