Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Người Viện trưởng đầu tiên của Viện kiểm sát nhân dân

11/05/2025 17:57

(kiemsat.vn)
Với cương vị là Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên và đảm nhiệm trọng trách này trong suốt 16 năm công tác (từ 1960 đến 1976), đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có những cống hiến đặc biệt quan trọng đối với quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành Kiểm sát nhân dân, để lại cho các thế hệ cán bộ Kiểm sát nhiều bài học quý, nêu tấm gương sáng của người chiến sỹ cộng sản kiên cường trên mặt trận bảo vệ pháp chế.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đặt nền móng cho việc xây dựng hệ thống tổ chức Viện kiểm sát nhân dân từ trung ương đến địa phương và hình thành hệ thống lý luận, phương pháp công tác kiểm sát

Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20-LCT công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được Quốc hội khóa II thông qua ngày 15/7/1960. Theo quy định của Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960: Viện kiểm sát nhân dân là một hệ thống cơ quan độc lập trong bộ máy nhà nước, thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước ở địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã bầu đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Vào những năm 1960, công tác kiểm sát thời kỳ này, như đồng chí Trường Chinh từng nói là công tác mới mẻ trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta; nhận thức của các cấp, các ngành có lúc, có nơi chưa thống nhất. Khó khăn lớn nhất của ngành trong những năm đầu thành lập là hầu hết đội ngũ cán bộ mới, đều bỡ ngỡ với chức năng, nhiệm vụ của ngành. Do vậy, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã dồn mọi trí tuệ, tâm huyết, tình cảm tập trung xây dựng và củng cố hệ thống Viện kiểm sát nhân dân về mọi mặt: Vừa xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, phương pháp công tác; vừa chăm lo xây dựng tổ chức bộ máy để triển khai nhiệm vụ; vừa tổ chức công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng các điển hình tiên tiến.

Công tác xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức Viện kiểm sát các cấp được đồng chí đặc biệt chú trọng và chỉ đạo quyết liệt ngay từ những ngày đầu thành lập. Tháng 12/1960, quyết định thành lập đồng bộ Viện kiểm sát nhân dân các khu, thành, tỉnh, huyện, thị xã và cấp hành chính tương đương. Tháng 01/1961, quyết định thành lập các Viện kiểm sát phúc thẩm, đồng thời, ban hành hướng dẫn cụ thể việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân ở từng cấp. Tháng 4/1962, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh quy định cụ thể về bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Có thể nói, trong thời gian rất ngắn sau khi được thành lập, dưới sự chỉ đạo trực tiếp và sâu sát của đồng chí Hoàng Quốc Việt, hệ thống Viện kiểm sát các cấp đã nhanh chóng hình thành và ngày càng được củng cố kiện toàn, đáp ứng đặc điểm tình hình của đất nước trong từng thời kỳ.

Cùng với việc xây dựng ngành về tổ chức, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã cùng tập thể lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác định những vấn đề có tính vĩ mô thuộc về chủ trương, đường lối, phương pháp công tác. Ngày nay, tổng kết lại thấy rằng, những thành tựu của ngành Kiểm sát nhân dân trong 55 năm qua vừa là công sức chung của các thế hệ cán bộ Kiểm sát qua các thời kỳ, đồng thời, mang đậm dấu ấn của đồng chí Hoàng Quốc Việt, hòa quyện trong quá trình phát triển không ngừng của ngành Kiểm sát nhân dân.

Để đáp ứng kỳ vọng của Đảng và Nhân dân về một thiết chế mới trong bộ máy nhà nước ta, đồng chí luôn căn dặn cán bộ: Trước hết phải nắm vững chức năng, thông suốt nhiệm vụ của ngành. Đảng và Nhà nước lập ra ngành Kiểm sát là để kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước, các nhân viên nhà nước và mọi công dân. Chức năng của ngành Kiểm sát là phải kiểm tra, uốn nắn những lệch lạc để các cơ quan, các ngành và mọi công dân làm đúng pháp luật, đồng thời, có ý kiến với Quốc hội bổ sung luật pháp còn thiếu. Trên cơ sở nắm vững chức năng, cán bộ kiểm sát phải nắm vững pháp luật và phải sát với thực tế để vận dụng pháp luật cho chính xác. Đồng chí nêu rõ: Nếu chỉ vùi đầu vào hồ sơ thì chưa đủ và dễ sinh bệnh quan liêu giấy tờ, phải nhạy cảm với tình hình xảy ra, phải sát với thực tế. Không thể chỉ đơn thuần dựa vào hồ sơ mà quyết định truy tố hay không truy tố, xử nặng hay xử nhẹ”.

Khi nói về mối quan hệ giữa các giai đoạn tố tụng, các khâu công tác của ngành với yêu cầu xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đồng chí đã ví như quá trình đãi cát để tìm vàng. Đồng chí nói: “Để tìm được vàng, phải tiến hành một cách tỉ mỉ, công phu, phải có hệ thống dây chuyền sàng lọc tinh vi để loại được cát và các thứ kim loại khác. Công tác tư pháp cũng vậy, phải trải qua nhiều bước, nhiều khâu, phải làm đúng thủ tục, mất nhiều thời giờ thì mới bảo đảm chính xác. Cho nên phải kiểm sát cả trước, trong và sau xét xử, không thể thiếu một bước nào”. Điều này đã trở thành định hướng hành động của các thế hệ cán bộ Kiểm sát suốt mấy chục năm qua, từ đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật.

Có thể nói, những ngày “khởi đầu nan” với biết bao khó khăn, thiếu thốn, nhưng bằng những chủ trương và biện pháp công tác đúng đắn, toàn ngành Kiểm sát đã không ngừng nỗ lực, vượt qua gian khó và đạt được những thành tích to lớn, đóng góp vào thắng lợi chung của cả dân tộc.

Yêu cầu công tác kiểm sát phải phục vụ kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng luôn là phương châm hành động của đồng chí Hoàng Quốc Việt trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân

Trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn nhất quán quan điểm: Công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, vì vậy, phải phục vụ kịp thời các nhiệm vụ cách mạng mà Đảng đề ra, nêu cao tính Đảng trong công tác kiểm sát. Tư tưởng này đã trở thành kim chỉ nam, định hướng toàn bộ quá trình tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân qua các thời kỳ và là thước đo hiệu quả công tác của toàn ngành.

Từ năm 1960 đến năm 1965, khi miền Bắc bước vào giai đoạn vừa xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, vừa tiếp tục đấu tranh trấn áp các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng, vừa chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo toàn ngành tập trung trọng tâm công tác để phục vụ các nhiệm vụ lớn mà Đảng đã xác định, như: Tăng cường công tác đấu tranh chống phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự; xây dựng và phát triển hợp tác hóa nông nghiệp; phục vụ phong trào “ba xây, ba chống”.

Từ năm 1965 đến năm 1975, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo toàn ngành chuyển hướng công tác nhằm bảo đảm pháp chế trong thời chiến; phối hợp chặt chẽ với các ngành Công an, Tòa án kiên quyết đấu tranh chống các loại tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, các vật tư quốc phòng; góp phần bảo đảm thực hiện đúng đắn các chính sách về nghĩa vụ quân sự, chính sách về hậu phương quân đội, chống việc lợi dụng thời chiến để buông lỏng quản lý, bảo đảm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” cho tiền tuyến quyết thắng. Cùng với việc phục vụ công cuộc bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Hoàng Quốc Việt rất chú trọng công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính - kinh tế; đẩy mạnh kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với các cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước; tiếp tục đi vào kiểm sát các hợp tác xã, tăng cường pháp chế ở cơ sở. Đích thân đồng chí đã có nhiều chuyến thị sát về các vùng nông thôn, nông trường, xí nghiệp, trực tiếp nói chuyện với người lao động để nắm tình hình vi phạm pháp luật và yêu cầu Viện kiểm sát các cấp khi phát hiện vi phạm thì dù ở cấp nào cũng phải xử lý đến nơi, đến chốn, kiên quyết, triệt để.

Cùng với việc xác định công tác kiểm sát phải phục vụ kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt còn đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng trong ngành Kiểm sát, yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp chú trọng công tác xây dựng Đảng ở đơn vị mình. Hàng quý và hàng năm, thay mặt Đảng đoàn Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí báo cáo với Ban Bí thư về kết quả công tác của toàn ngành; đồng thời, chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp báo cáo với cấp ủy địa phương. Đồng chí luôn khẳng định công tác kiểm sát phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Chúng ta không thể quan niệm chuyên môn của chúng ta là luật pháp, chúng ta chỉ biết luật pháp và chỉ dựa vào luật pháp là có thể giải quyết mọi việc. Nghiệp vụ gì thì nghiệp vụ nếu không có sự lãnh đạo của cấp ủy thì nghiệp vụ đó không có nội dung, không phục vụ được yêu cầu cách mạng. Đồng thời, đồng chí cũng quán triệt nhận thức cho đúng thế nào là tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng. Tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng không có nghĩa là ỷ lại vào cấp ủy, mỗi chúng ta phải nâng cao trách nhiệm, nắm vững luật pháp và diễn biến của tình hình để tham mưu phù hợp. Mặt khác, nếu có ý nghĩ cho rằng cứ tranh thủ được cấp ủy thì có thể biến chủ trương của ta thành chủ trương của cấp ủy là hết sức ấu trĩ và sai lầm.

Có thể thấy, tính Đảng, tính cách mạng luôn thể hiện đậm nét trong tư duy và hành động của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Sự chỉ đạo của đồng chí đối với công tác kiểm sát thể hiện tính kỷ luật của một đảng viên luôn gương mẫu, thể hiện lập trường kiên định, vững vàng của người đảng viên cộng sản.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã quán triệt và tổ chức thực hiện xuất sắc tư tưởng của Bác Hồ về xây dựng nền tư pháp mang đậm tính nhân dân vào quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát

Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn thấm nhuần và chuyển tải sâu sắc tư tưởng của Bác: Hoạt động kiểm sát phải dựa vào nhân dân và bảo vệ nhân dân.

Tư tưởng trọng dân, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu và thước đo hiệu quả công tác đã ăn sâu và trở thành cách nghĩ, cách làm việc hằng ngày của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Đồng chí chỉ rõ: Hành động của mỗi cán bộ Kiểm sát không có gì khác hơn là việc làm lợi cho cách mạng, làm lợi cho nhân dân. Khi tiến hành công tác kiểm sát phải quán triệt lời dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, phải hết sức tránh”, “Muốn biết ai tốt, ai xấu, ai thiện, ai ác, điều cơ bản là phải xem thái độ của họ đối với nhân dân lao động”. Theo đồng chí Hoàng Quốc Việt, việc quán triệt tính nhân dân trong hoạt động kiểm sát không chỉ giúp cán bộ hoàn thành nhiệm vụ mà còn là cơ sở để nâng cao đạo đức cách mạng, hoàn thiện tác phong công tác.

Dựa vào nhân dân, đề cao vai trò của nhân dân trong công cuộc đấu tranh chống tội phạm là tư tưởng xuyên suốt của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Đồng chí nhấn mạnh: Muốn phát hiện tội phạm phải dựa vào quần chúng, đồng thời, phải làm cho quần chúng hiểu biết pháp luật, sử dụng pháp luật để đấu tranh chống tội phạm. Chỉ khi pháp luật thực sự ở trong tay nhân dân thì pháp luật mới được chấp hành nghiêm chỉnh và mới phát huy đầy đủ uy lực của nó. Để làm được điều này, đồng chí yêu cầu cán bộ Kiểm sát phải thâm nhập thực tiễn, sát với thực tiễn, tuyệt đối khắc phục tư tưởng lệch lạc muốn tách rời việc làm án với phong trào quần chúng. Nếu vậy, sẽ chỉ còn chuyên môn đơn thuần và không có tác dụng phòng ngừa tội phạm. Từ cách làm này, đồng chí đã tập hợp được đông đảo quần chúng tham gia vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, đóng góp vào thắng lợi chung của cả dân tộc.

Trong việc chỉ đạo giải quyết các vụ án, đồng chí đề ra đường lối xử lý rất nhân văn. Đồng chí yêu cầu: Đối với những vấn đề thuộc mâu thuẫn địch ta, phải thực hiện chuyên chính mạnh mẽ, thẳng tay trừng trị bọn phản cách mạng. Đối với những vấn đề thuộc nội bộ nhân dân, phải áp dụng phương pháp giáo dục, thuyết phục là chính, xử lý có tình người. Với nhân dân lao động nhất thời phạm tội nhẹ nên mạnh dạn giao về cho tổ chức quần chúng giúp đỡ, tránh đơn thuần áp dụng phương pháp trừng trị, bỏ tù để giải quyết. Suy ngẫm về những chỉ đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt từ những năm 60 của thế kỷ thứ XX cũng chính là mục tiêu mà công cuộc cải cách tư pháp ngày nay đang đặt ra, là những nguyên tắc tư pháp tiến bộ được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.

Hướng về cơ sở, sâu sát, trực tiếp và cụ thể luôn được đồng chí Hoàng Quốc Việt đặt ra trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân

Mặc dù đất nước có chiến tranh, máy bay Mỹ ném bom đánh phá ác liệt suốt ngày đêm, song đồng chí luôn tranh thủ thời gian để xuống cơ sở, nghe các Viện kiểm sát địa phương báo cáo tình hình; trực tiếp kiểm tra các nông trường, xí nghiệp, hợp tác xã; nghe xã viên, công nhân báo cáo tình hình vi phạm cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con.

Khi đi công tác địa phương, đồng chí đều cử cán bộ xuống trước để nắm tình hình, xem ở địa phương đó đang gặp khó khăn vấn đề gì; cần Viện kiểm sát nhân dân tối cao hỗ trợ những gì. Vì vậy, những vấn đề cụ thể cần phải giải quyết luôn được đồng chí định ra trước mỗi chuyến đi. Khi nghe các Viện kiểm sát địa phương phản ánh vướng mắc, khó khăn trong công tác kiểm sát, đồng thời chỉ ra cho địa phương những việc cần làm ngay và nêu những kiến nghị cụ thể với Chính phủ và các cơ quan hữu quan nhằm tạo thuận lợi cho Viện kiểm sát hoàn thành nhiệm vụ. Có những lần, sau khi nghe báo cáo về những khó khăn trong công tác phối hợp do các cơ quan ở địa phương chưa hiểu đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã trực tiếp làm việc với các đồng chí lãnh đạo của tỉnh và tạo sự nhận thức thông suốt trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ.

Đồng chí yêu cầu các Viện trưởng Viện kiểm sát địa phương phải thay đổi phương pháp làm việc, không chấp nhận tư duy ngồi đợi cấp dưới báo cáo lên, phải thị sát thực tế, xuống cơ sở xem cấp dưới thiếu cái gì, yêu cầu giải quyết những việc gì. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra cấp dưới để kịp thời phát hiện và uốn nắn những sai sót trong việc chấp hành chính sách, pháp luật, cũng như những lệch lạch trong tư tưởng, đạo đức, tác phong của cán bộ.

Trong quá trình giải quyết các vụ án cụ thể, đồng chí luôn nhấn mạnh: “Công tác kiểm sát không phải muốn làm thế nào cũng được, bởi nó đụng chạm trực tiếp đến sinh mệnh của con người”. Do vậy, đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát phải có tác phong thận trọng, tỉ mỉ, sâu sát, tuân thủ đúng pháp luật. Quá trình thực hiện phải nắm chắc nhân thân bị can. Điều này không những giúp đánh giá đúng tính chất của vụ án, mà còn giúp cho phân loại chính xác thành phần, đối tượng để có đường lối xử lý phù hợp.

Sâu sát với cơ sở, tiếp thu, học hỏi từ thực tiễn và giải quyết kịp thời những vướng mắc cho thực tiễn luôn là tác phong nổi bật của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Đây là phương pháp mà đồng chí nhất quán tuân thủ dù ở bất kỳ cương vị công tác nào để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó. Kế thừa tác phong và phương pháp làm việc của đồng chí Hoàng Quốc Việt trong công tác kiểm sát ngày nay, chủ trương: “Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở” đã được lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề ra và tổ chức triển khai nghiêm túc, sâu rộng trong toàn ngành, từ đó phát huy hiệu lực công tác kiểm sát và giải quyết kịp thời những khó khăn của các Viện kiểm sát địa phương.

Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát “cách mạng, có tầm, có tâm để thực thi công lý” luôn là tâm niệm của đồng chí Hoàng Quốc Việt

Một trong những khó khăn lớn nhất của ngành Kiểm sát những năm đầu thành lập đó là trình độ cán bộ thấp, kinh nghiệm công tác ít và thiếu cán bộ. Chính vì vậy, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ tốt để phục vụ sự nghiệp phát triển lâu dài của ngành được đồng chí Hoàng Quốc Việt đặc biệt quan tâm.

Với tâm niệm, công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, phải phục vụ kịp thời các nhiệm vụ cách mạng của Đảng, do vậy, yêu cầu đầu tiên của đồng chí đối với cán bộ Kiểm sát là phải có quan điểm chính trị vững vàng. Kiểm sát viên phải là đảng viên, ai chưa là đảng viên phải lấy tiêu chuẩn của người cộng sản để phấn đấu, rèn luyện; Kiểm sát viên chỉ có duy nhất một chất, đó là chất cách mạng, chất cộng sản. Chỉ có như vậy, Kiểm sát viên mới có thể vững vàng trước mọi sự tấn công, cũng như cám dỗ của tội phạm.

Xuất phát từ tính chất, mục tiêu, nhiệm vụ của Viện kiểm sát “là cơ quan đi kiểm sát việc chấp hành pháp luật của người khác”, đồng chí yêu cầu: Hơn ai hết cán bộ Kiểm sát phải là người gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, thượng tôn pháp luật, trong sạch về phẩm chất, lối sống, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý. Kiểm sát viên phải là những chiến sỹ kiên trung trên mặt trận đấu tranh bảo vệ pháp chế, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật.

Yêu thương cán bộ nhưng cũng rất nghiêm khắc với cán bộ. Đồng chí nhấn mạnh: Để xứng đáng với vị trí của người cán bộ Kiểm sát, mỗi chúng ta phải xây dựng cho mình lòng nhiệt tình, tận tụy với nghề nghiệp. Nếu không có lòng nhiệt tình công tác thì sẽ như hòn than nguội, mất đi sự nhạy cảm với tình hình và dễ bị kẻ thù lợi dụng. Đồng chí còn chỉ rõ: Chúng ta được Đảng dày công rèn luyện, giáo dục nhiều hơn quần chúng, do vậy, phải luôn nghiêm khắc đặt cho mình trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân; khi có vi phạm, thiếu sót phải nhận phần trách nhiệm nặng nề hơn. Có như vậy, mới được nhân dân tin yêu, ủng hộ. Qua một thời gian dài hoạt động trong lòng địch, được nhân dân đùm bọc, che chở, đồng chí cảm nhận sâu sắc mối quan hệ giữa dân với Đảng. Vì vậy, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, loại trừ những con sâu mọt chen lẫn đội ngũ cán bộ luôn là mối quan tâm hàng đầu của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Trên cương vị là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí đã chỉ đạo quyết liệt cuộc vận động “ba xây, ba chống” (chống tham ô, chống lãng phí, chống quan liêu), kiên quyết đấu tranh chống thói cửa quyền, hách dịch, tham nhũng trong bộ máy nhà nước.

Ngay từ giai đoạn này, đồng chí đã đặt vấn đề thi sát hạch đối với Kiểm sát viên. Đồng chí nhấn mạnh: “Rồi đây chúng ta cũng phải xây dựng ngành qua sát hạch, tất nhiên bây giờ chưa thể làm ngay nhưng cần phải nghiên cứu vấn đề này. Bởi có sát hạch thì mới có thể bảo đảm Kiểm sát viên ở bậc nào đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn ở bậc đó, bảo đảm mỗi cán bộ kiểm sát chúng ta đảm nhiệm đầy đủ nhiệm vụ được phân công”. Có thể nói, ngay từ rất sớm, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đề ra phương pháp lựa chọn cán bộ rất chuẩn mực. Đây cũng là yêu cầu mà các Luật vừa được Quốc hội thông qua đặt ra để lựa chọn các chức danh tư pháp thời gian tới.

Mong muốn của đồng chí Hoàng Quốc Việt về việc thi sát hạch Kiểm sát viên đã được triển khai trên thực tế. Trong tháng 5 lịch sử này, hòa với niềm vui chung của đất nước, ngành Kiểm sát nhân dân đã bổ nhiệm những Kiểm sát viên đầu tiên được lựa chọn thông qua thi tuyển. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, cổ vũ mạnh mẽ phong trào thi đua học tập, tự rèn luyện trong toàn ngành, đánh dấu bước chuyển về chất của công tác tư pháp thời gian tới.

Với tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu ngành Kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của ngành để chủ động trong công tác này. Ngay từ những năm đầu thành lập ngành, đồng chí đã ký quyết định thành lập Trường đào tạo cán bộ Kiểm sát (là trường đào tạo chuyên ngành pháp lý đầu tiên ở nước ta thời kỳ đó). Các thế hệ sinh viên được đào tạo từ mái trường này đã trở thành những nhà khoa học pháp lý, những chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực công tác kiểm sát, nhiều người đảm nhiệm những trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và của ngành, đang ngày ngày đóng góp hữu hiệu cho sự nghiệp của Đảng, của Nhân dân.

Những tâm nguyện của đồng chí Hoàng Quốc Việt về xây dựng đội ngũ cán bộ đang được các thế hệ kiểm sát hôm nay tiếp tục nỗ lực thực hiện. Trường đào tạo cán bộ Kiểm sát năm xưa, nay đã trở thành Trường Đại học kiểm sát Hà Nội. Đây là niềm mong đợi của đồng chí Hoàng Quốc Việt và của nhiều thế hệ Kiểm sát cha anh. Ngôi trường sẽ trở thành cái nôi đào tạo các thế hệ Kiểm sát viên tương lai, có kiến thức toàn diện, có bảnlĩnh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng; gửi gắm những kỳ vọng về sự phát triển chất lượng và bền vững của ngành.

Căn dặn của Bác Hồ đối với đồng chí Hoàng Quốc Việt: “Cán bộ kiểm sát phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” đã trở thành lời dạy của Bác đối với toàn ngành và ngày nay, các thế hệ cán bộ, Kiểm sát viên luôn lấy đó làm định hướng để phấn đấu, tu dưỡng, trưởng thành. Phong trào học tập và làm theo lời Bác đã trở thành cuộc vận động sâu rộng xây dựng người Kiểm sát viên: “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Lời dạy của Bác cũng đã trở thành lời thề của Kiểm sát viên và được ghi nhận trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6 tới đây. Để mỗi cán bộ Kiểm sát khi được vinh dự bổ nhiệm chức danh và trọng trách cao quý này đều phải tuyên thệ và thấy rõ ý nghĩa thiêng liêng, trách nhiệm cao cả, từ đó sống và cống hiến xứng đáng hơn.

Trong 16 năm trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của ngành Kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đặt nền móng xây dựng hệ thống Viện kiểm sát nhân dân; nêu tấm gương sáng của người chiến sỹ cộng sản kiên cường trên mặt trận bảo vệ pháp chế; xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, tận tâm phục vụ nhân dân. Ngành kiểm sát nhân dân rất tự hào về người Viện trưởng đầu tiên, một nhân cách lớn tỏa sáng. Thế hệ cán bộ Kiểm sát hôm nay nguyện đoàn kết, nỗ lực không ngừng để thực hiện tốt những điều đồng chí Hoàng Quốc Việt hằng mong ước.

NGUYỄN HÒA BÌNH - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, nguyên Viện trưởng VKSND tối cao.

(Bài đăng trên Tạp chí Kiểm sát số 11/2015 và được trích từ cuốn "Viện kiểm sát nhân dân - Những dấu ấn không phai mờ", Hà Nội, 2021)

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang