Hai vị Viện trưởng đầu tiên với sự nghiệp "Trồng người của ngành Kiểm sát"
(kiemsat.vn) Dưới sự lãnh đạo của hai vị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên: Cụ Hoàng Quốc Việt và tiếp theo là cụ Trần Hữu Dực, sự nghiệp “trồng người” của ngành Kiểm sát đã được đặt một nền móng vững chắc, từng bước lớn mạnh. Tư tưởng, quan điểm và đóng góp của hai Cụ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Kiểm sát trở thành tài sản quý giá để các thế hệ sau kế thừa, phát triển.
Đoàn đại biểu VKSND tối cao dâng hương tưởng niệm đồng chí Hoàng Quốc Việt
Các thế hệ cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân mãi mãi biết ơn và noi gương đồng chí Hoàng Quốc Việt
Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Người Viện trưởng đầu tiên của Viện kiểm sát nhân dân
Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 20-LCT công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), đánh dấu sự ra đời của hệ thống Cơ quan VKSND.
Trong bộ máy nhà nước ta, ngành Kiểm sát là một cơ quan trẻ tuổi nhưng có vị trí, chức năng đặc biệt và ra đời trong hoàn cảnh đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Hiểu biết sâu sắc nhiệm vụ lịch sử của nhân dân ta và vị trí, chức năng, nhiệm vụ quan trọng của VKSND nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn giới thiệu một trong những vị “khai quốc công thần”, cũng là học trò xuất sắc của Người là Cụ Hoàng Quốc Việt và được Quốc hội khoá II bầu làm Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên tại Kỳ họp thứ nhất.
Là một nhà hoạt động cách mạng, tuyệt đối trung thành với lợi ích của nhân dân, hiểu rõ những khó khăn, phức tạp trong lĩnh vực kiểm sát việc tuân theo pháp luật với những yêu cầu cao về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người cán bộ Kiểm sát nên ngay từ năm đầu được Quốc hội bầu làm Viện trưởng VKSND tối cao, cụ Hoàng Quốc Việt đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ. Cụ thể, năm 1960, khi biết Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đang tổ chức các lớp dạy tiếng Nga, tiếng Đức và tiếng Trung cho hàng trăm học sinh đã tốt nghiệp phổ thông và cán bộ đã qua Trường Bổ túc văn hoá công nông để cử đi học đại học của ba nước đó, Cụ đã chỉ đạo Vụ tổ chức cán bộ đến làm việc với các cơ quan hữu quan, chọn cho ngành Kiểm sát 10 học viên để gửi đi học đại học Luật ở Liên Xô từ năm học 1961 - 1962. Cuối năm 1963, mặc dù biết ngành đang khó khăn về cơ sở vật chất nhưng cụ Viện trưởng vẫn quyết định phải tổ chức lớp ngắn hạn 03 tháng để bồi dưỡng kiến thức pháp lý cơ bản và nghiệp vụ kiểm sát sơ đẳng cho những cán bộ vừa mới được tuyển chọn từ các cơ quan nhà nước, Đảng, đoàn thể sang ngành Kiểm sát làm lãnh đạo các VKSND địa phương và những vụ nghiệp vụ của VKSND tối cao. Các cơ quan tham mưu đã mượn Trường Đảng của thành phố Hà Nội tổ chức được hai lớp ngắn hạn này. Đầu năm 1964, cụ Viện trưởng tiếp tục chỉ đạo tuyển chọn 04 học sinh vừa học xong lớp tiếng Trung tại Trường chuyên tu ngoại ngữ để đưa sang Trung Quốc học khoa Luật Trường Đại học Bắc Kinh.
Xác định việc bồi dưỡng cán bộ phải được tiến hành có quy củ, nề nếp theo chương trình, kế hoạch nhất định và phải có bộ máy thực hiện nên ngày 12/10/1964, cụ Viện trưởng đã ký Quyết định số 220/QĐ thành lập Trường Cán bộ kiểm sát thuộc VKSND tối cao do một đồng chí Phó Viện trưởng phụ trách. Bộ máy nhà trường lúc đó chỉ có 02 phòng: Phòng giáo vụ - giáo viên và Phòng hành chính - quản trị với tổng số cán bộ (cả biên chế và nhân viên hợp đồng) chưa đến 20 người. Do chưa có cơ sở độc lập riêng biệt nên Trường phải mượn một phần của Trường Hành chính trung ương để tổ chức các lớp bồi dưỡng. Còn những năm đi sơ tán thì mượn đình, chùa làm giảng đường, nhà dân làm ký túc xá. Đặc biệt, vào đầu năm 1967, khi đế quốc Mỹ đang tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, nhân chuyến thăm và làm việc với cán bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, biết Trường đào tạo cán bộ của Đoàn thanh niên lao động Việt Nam đang có lớp sơ tán ở huyện Lập Thạch nên cụ Viện trưởng đã đề nghị Ban lãnh đạo trường hưởng ứng, tuyển chọn cho VKSND tối cao 20 học viên có triển vọng và có nguyện vọng làm cán bộ Kiểm sát. Mặc dù chưa có cơ sở vật chất để tổ chức lớp học này, cụ Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao sắp xếp phòng để làm giảng đường, phòng cho học viên ăn nghỉ tại trụ sở VKSND tối cao ở 44 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Cụ thường xuyên vào thăm lớp học, động viên giáo viên và học sinh giảng dạy, học tập. Chẳng những thế, Cụ còn dành thời gian nói chuyện với giáo viên và học viên một buổi về đạo đức, phẩm chất của người cán bộ Kiểm sát theo lời Bác Hồ dạy: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiếm tốn”.
Năm 1970, sau mấy lớp bồi dưỡng cán bộ thì đối tượng không còn nhiều, cụ Hoàng Quốc Việt đã đặt ra chủ trương tổ chức ngay khoá đào tạo chính quy dài hạn để bổ sung những cán bộ trẻ cho ngành, và được cơ quan có thẩm quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện. Ngày 04/10/1970, cụ Hoàng Quốc Việt ký Quyết định số 116/QĐ-V9 giao Trường Cán bộ kiểm sát tổ chức khóa chính quy 02 năm đào tạo cán bộ Kiểm sát trình độ trung cấp pháp lý. Đối tượng chiêu sinh là những đoàn viên thanh niên đã tốt nghiệp phổ thông, có sức khoẻ, phẩm chất, đạo đức tốt, do VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuyển chọn. Đây cũng là khóa trung cấp chính quy giảng dạy và học tập các môn khoa học pháp lý cơ bản đầu tiên ở nước ta vì đến năm 1976, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mới mở khoa Luật và năm 1980 mới có Trường Đại học Luậtthuộc Bộ Tư pháp.
Do chưa có chương trình, giáo trình dạy và học các môn khoa học pháp lý cơ bản nên Cụ đã cùng với tập thể Ban Cán sự Đảng VKSND tối cao xem xét, quyết định những vấn đề này, đặc biệt đã trực tiếp duyệt một số bài quan trọng để bảo đảm đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Về các môn chính trị, triết học, kinh tế, tài chính thì lựa chọn một số bài trong chương trình trung cấp của các trường và mời giáo viên đến giảng. Sau 05 năm, Trường đã hoàn thành 04 khoá trung cấp, khoá thứ 05 đang hoạt động thì đất nước được thống nhất sau đại thắng Mùa xuân năm 1975.
Sau hơn 15 năm kể từ ngày thành lập, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của cụ Hoàng Quốc Việt - Vị Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên, ngành Kiểm sát đã có được đội ngũ cán bộ tương đối hoàn chỉnh, vững mạnh ở VKSND và Viện kiểm sát quân sự các cấp với phẩm chất đạo đức, năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của ngành, cùng với các cơ quan bảo vệ pháp luật góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất đất nước. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khách quan nên đến năm 1975, Trường Cán bộ kiểm sát vẫn chưa có cơ sở vật chất đáp ứng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Vấn đề này, cụ Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên đã phải để lại cho Viện trưởng kế nhiệm giải quyết khi đồng chí được Đảng giao chức vụ quan trọng khác.
![]() |
Bác Hồ và đồng chí Trần Hữu Dực tại Hội nghị thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Bộ Công an (tháng 10-1966). |
Tại Kỳ họp thứ nhất ngày 12/7/1976, Quốc hội đã quyết định bầu cụ Trần Hữu Dực, lúc đó là Phó Thủ tướng Chính phủ, là nhà hoạt động cách mạng có uy tín cao trong Đảng và Nhà nước làm Viện trưởng VKSND tối cao. Đây là một trọng trách vì vị Viện trưởng VKSND thứ hai phải quyết định và tổ chức ngay hệ thống VKSND các cấp để hoạt động trên toàn lãnh thổ từ đất liền đến các hải đảo của đất nước đã thống nhất. Kế thừa và tiếp tục thực hiện chủ trương của cụ Hoàng Quốc Việt, cụ Trần Hữu Dực xác định phải khẩn trương xây dựng cơ sở vật chất cho Trường Cán bộ kiểm sát. Một thời cơ đã xuất hiện nhưng không dễ biến thành hiện thực. Đó là cơ sở Trường Đảng miền Tây ở xã Dương Nội thuộc thị xã Hà Đông (nay là phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) được xây dựng hoàn chỉnh để phục vụ cho công tác đào tạo cán bộ giúp nước bạn Lào, nay không còn nhu cầu sử dụng vì đã đưa về tập trung tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc ở huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội). Nhưng phân hiệu báo chí của Trường Đảng đang sơ tán ở một địa phương thuộc tỉnh Hải Dương cũng muốn chuyển về cơ sở này. Trước yêu cầu cấp bách của ngành Kiểm sát là phải có trường đào tạo cán bộ nên cụ Viện trưởng Trần Hữu Dực đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền để quyết định việc này. Ngày 01/10/1976, Chính phủ đã có Quyết định “giao cơ sở Trường Đảng miền Tây cho Trường Kiểm sát”. Đây là mốc lịch sử đáng nhớ của Trường Cán bộ kiểm sát vì chính thức “an cư lạc nghiệp” sau 12 năm ra đời. Cũng do thấy rõ yêu cầu phải nhanh chóng đào tạo cán bộ cho các VKSND ở miền Nam vừa mới được giải phóng nên cụ Trần Hữu Dực đã chỉ đạo Trường mở thêm khoá 5B (vì ở Trường đang có khoá 5 ghi thành khoá 5A). Đối tượng chiêu sinh là 50 thanh niên ưu tú ở miền Nam đã tốt nghiệp trung học phổ thông, sẽ về làm việc ở các VKSND địa phương miền Nam cùng với những cán bộ, Kiểm sát viên được điều động từ miền Bắc vào hợp thành một “ê kíp” tương đối hoàn chỉnh. Tuy vậy, khi nghe tổng kết khoá 5B, cụ Viện trưởng nhận thấy tổ chức đào tạo cán bộ cho hai miền tập trung tại một trường như đã triển khai là không phù hợp, vì những học viên là người miền Nam gặp khó khăn khi phải trải qua hai mùa đông rét lạnh ở miền Bắc. Bởi vậy, Viện trưởng cụ Trần Hữu Dực đã ký Quyết định số 02/QĐ-V9 ngày 07/10/1978 thành lập phân hiệu Trường Cán bộ kiểm sát ở phía Nam để đào tạo cán bộ cho các VKSND địa phương miền Nam. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã bố trí khu nhà số 27, phố Nguyễn Trung Trực, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh cho Trường tổ chức các khoá đào tạo cán bộ.
Qua các khóa trung cấp, đội ngũ cán bộ Kiểm sát ở các VKSND trong cả nước đã tương đối đồng đều, kiện toàn và phát triển. Nhưng xét trên mặt bằng chung trong hệ thống các cơ quan nhà nước và yêu cầu nhiệm vụ của ngành Kiểm sát trước tình hình mới ngày càng cao thì cán bộ Kiểm sát không thể dừng lại ở trình độ trung cấp mà phải có trình độ cao đẳng, đại học. Do đó, vào đầu năm 1977, cụ Viện trưởng đã yêu cầu Trường mở khoá chuyên tu đào tạo cao đẳng nghiệp vụ kiểm sát; học viên là những cán bộ đã qua trung cấp kiểm sát và những người đã tốt nghiệp các khoa xã hội của các trường đại học có nguyện vọng được làm việc trong ngành Kiểm sát. Quyết định này của cụ Viện trưởng đã đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ Kiểm sát cả về bề rộng lẫn chiều sâu.
Sau hơn 10 năm đào tạo cán bộ trung cấp và 04 năm đào tạo trình độ cao đẳng nghiệp vụ kiểm sát, tháng 5/1981, cụ Viện trưởng Trần Hữu Dực đã chỉ đạo mở khóa đào tạo chính quy hệ cao đẳng Kiểm sát 04 năm mà đối tượng chiêu sinh là đoàn viên thanh niên trong cả nước, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, đã tốt nghiệp phổ thông trung học.
Để tạo cơ sở cho Trường Cán bộ kiểm sát phát triển bền vững và lâu dài, cụ Viện trưởng Trần Hữu Dực còn chỉ đạo soạn thảo Luật tổ chức VKSND theo Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980 và đã được Quốc hội khoá VII thông qua tại Kỳ họp thứ nhất ngày 04/7/1981. Trong đó, khoản 3 Điều 22 của Luật quy định: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao có các vụ, viện, văn phòng và Trường đào tạo nghiệp vụ kiểm sát”.
Tóm lại, trong 60 năm xây dựng lực lượng và thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Hiến pháp và pháp luật, góp phần không nhỏ vào thắng lợi lịch sử của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước, thì 20 năm đầu là thời kỳ khó khăn nhất nhưng dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của hai vị Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên là cụ Hoàng Quốc Việt và cụ Trần Hữu Dực, ngành Kiểm sát đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt. Sự nghiệp “trồng người” của ngành Kiểm sát qua những công việc cụ thể trong 20 năm đó thể hiện rõ hai vị Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên đã thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc của Người: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
VŨ ĐỨC KHIỂN - Tiến sĩ, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
(Bài đăng trên Tạp chí Kiểm sát số 11/2020 và được trích từ cuốn "Viện kiểm sát nhân dân - Những dấu ấn không phai mờ", Hà Nội, 2021).
-
1Hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân bảo đảm phù hợp với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy
-
2Các thế hệ cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân mãi mãi biết ơn và noi gương đồng chí Hoàng Quốc Việt
-
3Trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
-
4Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Người Viện trưởng đầu tiên của Viện kiểm sát nhân dân
-
5Bảo đảm Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan có liên quan hoạt động đồng bộ, thông suốt
-
6Thống nhất một số nội dung tổ chức đại hội đảng bộ các cấp
-
7Chủ tịch nước Lương Cường: Mục tiêu của cải cách tư pháp là phải gần dân, bảo vệ dân
-
8Học tập và vận dụng sáng tạo quan điểm của đồng chí Hoàng Quốc Việt để xây dựng VKSND vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới
-
9Đồng chí Hoàng Quốc Việt người Viện trưởng luôn khẳng định công tác kiểm sát phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam
Bài viết chưa có bình luận nào.