Đồng chí Hoàng Quốc Việt người Viện trưởng luôn khẳng định công tác kiểm sát phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam

15/05/2025 10:11

(kiemsat.vn)
Trong thời gian 16 năm liên tục giữ cương vị Viện trưởng VKSND tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt thường nhắc nhở cán bộ Kiểm sát: Công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, vì vậy phải quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng vào trong hoạt động kiểm sát và vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng vào từng khâu công tác kiểm sát để phục vụ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cách mạng mà Đảng đề ra trong từng thời kỳ cách mạng.

Trong suốt cuộc đời hoạt động gần 70 năm, đồng chí Hoàng Quốc Việt, bậc lãnh đạo tiền bối cách mạng đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, để lại cho giai cấp công nhân, cho đồng bào, đồng chí nói chung và ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng những tình cảm vô cùng quý mến và kính trọng. Đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với ngành Kiểm sát nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng quyết định thành công của công tác kiểm sát trong từng thời kỳ và trong suốt tiến trình đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn quán triệt những chủ trương, đường lối của Đảng vào công tác kiểm sát

Vai trò lãnh đạo của Đảng với ngành Kiểm sát nhân dân luôn được đồng chí Hoàng Quốc Việt quan tâm đặc biệt. Đồng chí thường nhắc nhở cán bộ dưới quyền rằng: “Nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho chúng ta hiện nay là kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Pháp luật của chúng ta không có gì khác là đường lối của Đảng được cụ thể hóa. Vì vậy, trong lời nói cũng như việc làm, chúng ta không thể đi ra ngoài đường lối của Đảng. Đường lối của Đảng là linh hồn của pháp luật, công tác kiểm sát của chúng ta chính là công tác nhằm trước hết chấp hành đường lối, chính sách của Đảng. Do đó, công tác kiểm sát phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng”(1).

Vào những năm đầu mới thành lập Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), công tác kiểm sát, như đồng chí Trường Chinh đã từng nói là một công tác mới mẻ với tổ chức và hoạt động của Nhà nước. Khó khăn lớn nhất đối với ngành là đội ngũ cán bộ mới, mọi người chưa quen chức năng, nhiệm vụ của ngành. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã dành trọn tâm huyết, trí tuệ cùng tập thể lãnh đạo của ngành tập trung giải quyết ba vấn đề lớn, trong đó có vấn đề xây dựng mối quan hệ Đảng lãnh đạo ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Hoàng Quốc Việt thường nhắc nhở cán bộ Kiểm sát: Phải luôn xác định công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, vì vậy, phải quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng vào công tác kiểm sát để phục vụ nhiệm vụ cách mạng mà Đảng đề ra trong từng thời kỳ. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong công tác tổ chức và hoạt động của VKSND, bởi vì việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và bảo vệ pháp luật của Nhà nước luôn thống nhất trong tiến trình xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân ở nước ta. Do vậy, bảo vệ pháp luật cũng là bảo vệ đường lối của Đảng. Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình xây dựng, tổ chức hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân qua từng thời kỳ và có ý nghĩa quyết định kết quả công tác của toàn ngành.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt là người có nhiều kinh nghiệm và trưởng thành trong công tác lãnh đạo quần chúng của Đảng, thấy rõ được tầm quan trọng sự lãnh đạo của Đảng đối với VKSND - hệ thống cơ quan trong bộ máy nhà nước mới được thành lập. Sau gần 04 tháng kể từ ngày thành lập, ngày 17/11/1960, đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Đảng đoàn VKSND tối cao, báo cáo với Ban Bí thư Trung ương Đảng kết quả công tác từ khi ngành Kiểm sát nhân dân được thành lập và đề xuất với Ban Bí thư Trung ương Đảng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm sát. Ngày 24/11/1960, Ban Bí thư Trung ương Đảng (gồm các đồng chí Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Trường Chinh, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Khang) đã có cuộc họp bàn về công tác kiểm sát(2) và ra Thông báo số 06-TB/TW ngày 06/12/1960 chỉ ra những mặt hạn chế của công tác nội chính nói chung và công tác kiểm sát nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng; đồng thời yêu cầu tăng cường công tác nội chính, công tác kiểm sát, cũng như công tác kiểm tra của Đảng và Nhà nước, giúp cho các cán bộ, đảng viên thấy rõ: Có tôn trọng và làm đúng pháp luật Nhà nước mới chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Đảng; tăng cường kiểm tra, kịp thời ngăn ngừa, xử lý các vụ vi phạm pháp luật để bảo đảm quyền dân chủ nhân dân; giữa các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án cần có sự phối hợp, nhất trí và có sự phân công giữa các cấp trong các ngành; nhất là ngành Kiểm sát nhân dân cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành và Ban Tổ chức Trung ương cần bổ sung thêm cho ngành Kiểm sát nhân dân một số cán bộ cần thiết.

Ngày 12/12/1960, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông tri số 13-TT/TW về việc tăng cường lãnh đạo công tác kiểm sát. Thông tri vạch rõ tình hình và nhiệm vụ hiện nay đòi hỏi phải tăng cường công tác nội chính và khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính hiện nay còn yếu; việc phối hợp công tác giữa các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án,... chưa chặt chẽ; việc giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật trong cán bộ và nhân dân còn thiếu sót; cơ quan Kiểm sát, Tòa án chưa được kiện toàn đúng mức. Để khắc phục tình trạng trên, Ban Bí thư yêu cầu tăng cường công tác của các ngành nội chính, trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân. Ban Bí thư đã nhấn mạnh: “Công tác kiểm sát có vị trí và tác dụng trọng yếu. Các cấp ủy, các Ban, Đảng đoàn, thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, trường học, bệnh viện, cửa hàng,v.v. cần nghiên cứu để hiểu rõ tầm quan trọng, tác dụng, nội dung của công tác kiểm sát, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND các cấp và trách nhiệm của mình đối với cơ quan kiểm sát, đề ra những biện pháp thiết thực giúp kiện toàn tổ chức và tăng cường hoạt động của VKSND”(3). Thông tri số 13-TT/TW đòi hỏi việc kiện toàn cơ quan Kiểm sát các cấp cần có cấp ủy viên chuyên trách. Các cấp ủy cần định kỳ nghe báo cáo để chỉ đạo công tác kiểm sát và làm cho ngành Kiểm sát, Tòa án, Công an có ý thức đúng trong việc phối hợp công tác và chế ước lẫn nhau. Trong quá trình thực hiện Thông tri số 13- TT/TW, căn cứ vào kết quả công tác kiểm sát chung và kiểm sát hình sự, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo VKSND tối cao theo dõi, chỉ đạo, tổng hợp và báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành. Các báo cáo của VKSND tối cao được Đảng, Quốc hội rất coi trọng, coi đó là cơ sở để đề ra những chủ trương, biện pháp kịp thời đối với ngành.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, giáo viên Trường Cao đẳng Kiểm sát.

Ngày 01/02/1963, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về công tác kiểm sát. Nghị quyết chỉ rõ: Tổ chức kiểm sát nhân dân của ta là một trong những công cụ của Nhà nước đang làm nhiệm vụ chuyên chính vô sản. Ngành Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân thủ pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế xã hội chủ nghĩa được tôn trọng. Do đó, ngành Kiểm sát góp phần quan trọng vào việc tăng cường chuyên chính đối với bọn phản cách mạng, bảo đảm cho các quyền dân chủ của nhân dân được tôn trọng, đồng thời góp phần vào việc tăng cường kỷ luật trong quần chúng nhân dân... Để phù hợp với khả năng của VKSND và bảo đảm cho công tác kiểm sát phát huy hiệu lực, việc kiểm sát các văn bản có tính chất pháp quy cũng như việc kiểm tra tình hình tuân theo pháp luật cần tập trung phục vụ tốt các công tác trung tâm của Đảng và Nhà nước trong từng thời gian...(4)

Ngày nay, qua nghiên cứu và tổng kết, chúng ta thấy rằng các chủ trương công tác và biện pháp chỉ đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt đối với ngành Kiểm sát nhân dân trong những năm 1960 và đầu những năm 1970 hoàn toàn đúng đắn và còn nguyên giá trị. Các nghị quyết, chỉ thị công tác của đồng chí cho toàn ngành Kiểm sát nhân dân trong những năm đó đã xác định các phương hướng hoạt động rất cơ bản cho ngành Kiểm sát nhân dân trên cơ sở quán triệt và phục vụ kịp thời các nghị quyết của Trung ương Đảng.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với ngành Kiểm sát nhân dân thông qua công tác cán bộ

Điều 107 Hiến pháp năm 1959 quy định: Viện kiểm sát các cấp chịu sự lãnh đạo của Viện kiểm sát cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của VKSND tối cao. Do vậy, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiện toàn hệ thống Viện kiểm sát các cấp và hoàn thiện thể chế chính trị, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, nhất là người đứng đầu, nên đã tín nhiệm bầu đồng chí Hoàng Quốc Việt - nhà lãnh đạo tiền bối dày dạn kinh nghiệm, có uy tín cao - làm Viện trưởng đầu tiên của VKSND tối cao và giữ cương vị này đến năm 1976. Bên cạnh đó, trong Thông báo số 06-TB/TW ngày 06/12/1960 và Thông tri số 13-TT/TW ngày 12/12/1960 của Ban Bí thư đã yêu cầu ngành Kiểm sát nhân dân có kế hoạch đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ Kiểm sát; giúp đỡ cán bộ Kiểm sát đi sâu vào nghiệp vụ,... Thấm nhuần tư tưởng lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, ngay từ những ngày đầu, Viện trưởng Hoàng Quốc Việt đã luôn chăm lo đến việc rèn luyện đạo đức, phẩm chất, giáo dục cho đội ngũ cán bộ của ngành bảo đảm “vừa hồng, vừa chuyên, có đạo đức và phẩm chất cách mạng trong sáng như pha lê”. Trong bài nói chuyện tại buổi liên hoan chỉnh huấn thắng lợi của VKSND tối cao (năm 1961), đồng chí Hoàng Quốc Việt yêu cầu: “...tình hình mới, nhiệm vụ mới đòi hỏi phải có con người mới, tư tưởng mới. Cho nên do yêu cầu khách quan của công cuộc cách mạng trong nước cũng như nước ngoài, mà cần mở đợt chỉnh huấn này và yêu cầu của chỉnh huấn là xây dựng con người mới, con người mới có nhân sinh quan cách mạng mới, nhân sinh quan xã hội chủ nghĩa...”. Đồng chí còn nhấn mạnh: “Vấn đề cơ bản nhất để làm tốt công tác kiểm sát là nhận thức sâu sắc về chuyên chính vô sản. Ngoài ra, cán bộ Kiểm sát phải học tập để có những kiến thức về nghiệp vụ chuyên môn như khoa học pháp lý, khoa học về hình sự, tố tụng hình sự,... để bảo đảm công tác được kịp thời và thống nhất. Đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật là một nhiệm vụ đấu tranh cách mạng, đấu tranh giai cấp để xây dựng xã hội mới, con người mới, đạo đức mới, muốn làm tốt việc này, phải phục tùng tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, phải coi việc bồi dưỡng chính trị, tư tưởng là cơ bản, trên cơ sở nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn. Vì không có chính trị, tư tưởng đúng thì sẽ dễ sinh ra mơ hồ, lẫn lộn, dẫn đến nhận thức và hành động sai trong việc vận dụng chức năng kiểm sát và sử dụng pháp luật là công cụ đấu tranh chống tội phạm”(5). Đặc biệt, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn quán triệt cho các đơn vị và toàn thể cán bộ Kiểm sát thực hiện nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn khi nghe lãnh đạo VKSND tối cao trình bày về Dự thảo Luật tổ chức VKSND đầu tiên của ngành là: “Trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho VKSND là cơ quan đi kiểm sát việc chấp hành pháp luật của người khác, ngành kiểm sát hơn ai hết phải là những người gương mẫu chấp hành pháp luật; cũng vì vậy, cán bộ Kiểm sát phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”(6). Đây cũng chính là đặc trưng riêng có của cán bộ Kiểm sát.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với ngành Kiểm sát nhân dân thông qua tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng

Để bảo đảm cho công tác kiểm sát được thực hiện tốt, đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ rõ: Trước hết cần có sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, vì chủ trương, đường lối của Đảng là linh hồn của pháp luật, pháp luật không có gì khác là chủ trương, đường lối của Đảng được pháp luật hóa, cho nên thi hành pháp luật của Nhà nước tức là thi hành chủ trương, đường lối của Đảng, nên để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của chúng ta, thi hành tốt pháp luật của Nhà nước, chúng ta không tách rời sự lãnh đạo của Đảng... nghiệp vụ gì thì nghiệp vụ, nếu chúng ta không nhận được sự lãnh đạo của cấp ủy thì nghiệp vụ đó không có nội dung, không phục vụ được yêu cầu cách mạng. Có tiếp nhận sự lãnh đạo của Đảng thì nhiệm vụ cách mạng của chúng ta mới thành công tốt đẹp(7)...

Đồng chí Hoàng Quốc Việt còn quan tâm tổ chức các cuộc họp, hội nghị bàn việc phối hợp công tác, giải quyết những vấn đề vướng mắc giữa các cơ quan trong khối nội chính; chủ động phối hợp với các cơ quan thuộc khối nội chính triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, điển hình là Nghị quyết số 228- NQ/TW ngày 12/01/1974 của Bộ Chính trị về đấu tranh chống lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, chống làm ăn phi pháp, tăng cường quản lý lao động, quản lý thị trường, giữ gìn trật tự an ninh. Triển khai thực hiện Nghị quyết trên, ngày 09/3/1974, tại VKSND tối cao, lãnh đạo bốn cơ quan là Bộ Công an, Ủy ban Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và VKSND tối cao đã họp Hội nghị liên tịch. Trên cơ sở thống nhất ý kiến trong Hội nghị, ngày 17/4/1974, Đảng đoàn VKSND tối cao ra Thông báo số 49/TB-ĐĐ do Viện trưởng Hoàng Quốc Việt ký, sau đó gửi các cơ quan liên quan thực hiện và báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng. Ngày 25/5/1974, Đảng đoàn ba cơ quan: Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, VKSND tối cao đã họp liên tịch thống nhất áp dụng thủ tục rút ngắn, nhằm phục vụ kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết số 228-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ngày 26/6/1974, thay mặt Đảng đoàn ba cơ quan, Viện trưởng Hoàng Quốc Việt gửi công văn báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác phối hợp, bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Nghị quyết số 228-NQ/TW.

Đối với những vấn đề không thuộc chức năng, nhiệm vụ của VKSND tối cao, Viện trưởng Hoàng Quốc Việt kịp thời báo cáo với các cơ quan của Đảng, Nhà nước để có biện pháp xử lý, ngăn chặn. Ngày 09/01/1961, Đảng đoàn VKSND tối cao gửi công văn báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng về tình hình vi phạm pháp luật trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Ngày 25/9/1961, Đảng đoàn VKSND tối cao báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng về tình hình Khu gang thép Thái Nguyên. Ngày 24/02/1975, Đảng đoàn VKSND tối cao gửi Công văn số 279-ĐĐ đề nghị Ban Tổ chức Trung ương kiểm tra công tác xây dựng Đảng ở Xưởng dụng cụ cao su thuộc Tổng cục Đường sắt Việt Nam.

Có thể thấy, tính Đảng, tính cách mạng luôn thể hiện đậm nét trong tư duy và hành động của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Sự chỉ đạo của đồng chí đối với công tác kiểm sát thể hiện tính kỷ luật của một đảng viên luôn gương mẫu, thể hiện lập trường kiên định, vững vàng của người đảng viên cộng sản(8).

Trong những năm trực tiếp lãnh đạo ngành Kiểm sát nhân dân, cùng với việc xây dựng ngành về tổ chức, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã cùng với tập thể Lãnh đạo VKSND tối cao đưa ra những chủ trương đúng đắn, có tính định hướng quan trọng mang tính quyết định trong việc chỉ đạo công tác kiểm sát, nhằm phục vụ tốt những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng do Đảng đề ra. Đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp phải có kế hoạch công tác, có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh việc rút kinh nghiệm, chú trọng đến công tác nghiên cứu, kịp thời đề xuất những vấn đề mới, tích cực góp phần vào việc xây dựng pháp luật, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tham mưu đối với cấp ủy địa phương.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với ngành Kiểm sát nhân dân thông qua công tác xây dựng Đảng

Trong thời gian giữ cương vị Viện trưởng VKSND tối cao, các nghị quyết, chỉ thị công tác do đồng chí Hoàng Quốc Việt ban hành đã xác định những phương hướng hoạt động rất cơ bản cho ngành Kiểm sát nhân dân trên cơ sở quán triệt và phục vụ kịp thời các nghị quyết của Trung ương Đảng. Cùng với việc xác định công tác kiểm sát phải phục vụ kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt rất quan tâm đến việc hướng công tác kiểm sát phải góp phần xây dựng Đảng. Qua việc xử lý các vụ án tham ô, hối lộ mà người phạm tội là đảng viên, nhất là những vụ án phát hiện trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 195-NQ/TW ngày 06/3/1970 của Bộ Chính trị về xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên ở các địa phương và các ngành, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ thị cho các VKSND địa phương trong báo cáo hàng tháng của đơn vị mình đều phải có thống kê về số lượng đảng viên vi phạm để báo cáo cấp ủy và VKSND tối cao; thông qua đó nêu lên những thiếu sót trong công tác quản lý đảng viên để có biện pháp chấn chỉnh. Đồng thời, đồng chí luôn chỉ rõ: Nêu vấn đề công tác kiểm sát phải gắn với yêu cầu tăng cường hiệu lực của bộ máy nhà nước, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Đảng. Những chỉ đạo đó của đồng chí Hoàng Quốc Việt đối với công tác kiểm sát đã thể hiện tính kỷ luật của một đảng viên luôn gương mẫu, thể hiện lập trường kiên định, vững vàng của người đảng viên cộng sản, nhờ đó đồng chí đã xây dựng được quan điểm nghiệp vụ rất chuẩn mực cho các thế hệ làm công tác kiểm sát hiện nay vận dụng.

Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa quan trọng của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và quản lý kinh tế, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo hoạt động kiểm sát của các đơn vị trong toàn ngành tích cực phục vụ phong trào này, từ đó đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng quan hệ sản xuất mới ở nông thôn, bảo vệ tài sản và thực hiện dân chủ trong quản lý; tham gia cuộc vận động “Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý tài chính, chống tham ô, lãng phí”. Đồng thời, chú trọng, kiểm sát việc chấp hành các chế độ, thể lệ về quản lý kinh tế đã ban hành, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xử lý các vụ án tham ô, lãng phí, thiếu tinh thần trách nhiệm. Thông qua đó đề xuất khắc phục tình trạng tiêu cực trong xã hội, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, góp phần củng cố tổ chức cơ sở Đảng.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với ngành Kiểm sát nhân dân thông qua việc chỉ đạo công tác kiểm sát phải bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng

Công tác kiểm sát - thực chất là công tác chính trị - là một trong những tư tưởng lớn chỉ đạo toàn ngành Kiểm sát nhân dân của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Đồng chí khẳng định: "...ngành Kiểm sát là một bộ phận của Đảng, nội dung công tác kiểm sát gắn liền với nội dung công tác Đảng... Nhiệm vụ góp phần xây dựng Đảng của ngành ta rất lớn, vì hàng ngày chúng ta phải kiểm tra việc tuân theo pháp luật của tất cả mọi người, nên thường hay đụng chạm đến cán bộ, đảng viên..." (Phát biểu tại Hội nghị ở Thanh Hóa từ ngày 26 - 29/8/1964). Cũng theo đồng chí Hoàng Quốc Việt: Đảng và Nhà nước thành lập ngành Kiểm sát là để kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân. Ngành Kiểm sát ra đời là để bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, đó là mặt ưu việt của chế độ chúng ta. Đảng và Nhà nước đã giao phó cho chúng ta nhiệm vụ quan trọng như vậy, chúng ta phải coi đó là một vinh dự lớn. Từ Luật tổ chức VKSND năm 1960 đến Luật tổ chức VKSND năm 2014, chức năng, nhiệm vụ của VKSND đều do Quốc hội (cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước) quyết định là thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp với mục đích: Bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Ngành Kiểm sát nhân dân là một công cụ chuyên chính của Đảng, do Đảng tổ chức và lãnh đạo, chính vì vậy, ngành Kiểm sát nhân dân phải nghiên cứu vận dụng toàn diện chức năng mà Đảng và Nhà nước đã giao cho. Để thực hiện đầy đủ chức năng và nhiệm vụ của ngành, người cán bộ Kiểm sát phải nâng cao lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, tức là bảo vệ Đảng. Quán triệt tính Đảng của công tác kiểm sát biểu hiện ở việc đấu tranh đến nơi đến chốn, những hiện tượng vi phạm pháp luật của Nhà nước, vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng. Bảo vệ pháp luật của Nhà nước tức là bảo vệ chính sách của Đảng. Đó là thước đo trình độ giác ngộ chính trị, lòng trung thành, tính Đảng của người đảng viên làm công tác kiểm sát đối với tổ chức của Đảng.

Bên cạnh đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt thường xuyên chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao tính giai cấp, tính tiên phong và tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân. Ngay từ những năm đầu thành lập ngành, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã xác định: “Ngành Kiểm sát chúng ta là một ngành công tác chính trị... Công tác kiểm sát luôn luôn gắn liền với thực tế, với phong trào, với con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng đã vạch ra. Cho nên chúng ta phải hướng về Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ III, không ngừng nâng cao trình độ tư tưởng, trình độ nghiệp vụ”(9).

Có thể nói, công tác của ngành Kiểm sát nhân dân dưới sự chỉ đạo của Viện trưởng Hoàng Quốc Việt đã luôn bám sát vào nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ để góp phần phục vụ có hiệu quả sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Trong thời gian 16 năm liên tục giữ cương vị Viện trưởng VKSND tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt thường nhắc nhở cán bộ Kiểm sát: Công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, vì vậy phải quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng vào trong hoạt động kiểm sát và vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng vào từng khâu công tác kiểm sát để phục vụ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cách mạng mà Đảng đề ra trong từng thời kỳ cách mạng. Theo đồng chí Hoàng Quốc Việt, đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong công tác tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân; là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình xây dựng, tổ chức, điều hành các hoạt động và quyết định kết quả công tác của VKSND. Đồng chí Hoàng Quốc Việt thực sự là người Viện trưởng luôn khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với ngành Kiểm sát nhân dân.

NGUYỄN HUY TIẾN - Tiến sĩ, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao (hiện nay là Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)

(Bài đăng trên Tạp chí Kiểm sát - số đặc biệt, tháng 7/2020 và được trích từ cuốn "Viện kiểm sát nhân dân - Những dấu ấn không phai mờ", Hà Nội, 2021).

------------------------------------------

1. Hoàng Quốc Việt, “Bài phát biểu tại buổi mãn khóa lớp bổ túc nghiệp vụ sáu tháng”, Tài liệu lưu tại Thư viện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tr.1.

2. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Đồng chí Hoàng Quốc Việt với ngành Kiểm sát nhân dân, Hà Nội, tháng 5/2005, tr.15.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.21, tr.1050.

4. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t.24, tr. 76-78.

5. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tlđd, tr.65.

6. Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Tlđd, tr.14-15.

7. Xem: Nội san Công tác kiểm sát, tháng 10/1966.

8. Xem: Nguyễn Hòa Bình: “Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Người Viện trưởng đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân”, Tạp chí Kiểm sát, số 11, tháng 6/2015, tr.6.

9. Tập Trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát, số 2 và số 3 năm 1961.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang