Cổ phần hóa DNNN – Thất thoát nguồn thu từ nhà đất

16/06/2017 10:31

(kiemsat.vn)
– Ngày 15/6, nhiều ý kiến của ĐBQH hết sức băn khoăn về quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước hiện nay đã tạo ra nhiều kẽ hở trong thoái vốn. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư đã đưa ra 3 phương án để “bịt lỗ hổng” này.

Địa tô chênh lệch: do giá đất không tính theo cơ chế thị trường

Hiện nay vấn đề thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đang tạo ra kẽ hở lớn trong tài nguyên đất của doanh nghiệp. Đại biểu Trần Văn Lâm – Bắc Giang rất trăn trở với thực tế này. Theo ông nhận định, tình hình thất thoát nguồn thu từ nhà đất còn phổ biến trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua do giá đất không tính theo cơ chế thị trường.

Đại biểu Trần Văn Lâm – Bắc Giang: địa tô chênh lệch không vào ngân sách

Ông Lâm cho biết, hiện nay có một thực tế là nhà nước đầu tư hạ tầng làm tăng giá trị đất, đồng thời cũng làm tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tăng chi phí đầu tư cho doanh nghiệp. Phần tăng giá trị đất hay địa tô chênh lệch này không được điều tiết vào ngân sách mà rơi vào tay một số người trước đó được giao quản lý, sử dụng đất ở khu vực đó.

Cùng mối băn khoăn với đại biểu Trần Văn Lâm, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – Hoà Bình còn đưa ra một ví dụ về việc một quan chức của một bộ sở hữu cổ phần tại một doanh nghiệp lên tới hàng trăm tỷ đồng, cho chính doanh nghiệp của mình làm quản lý.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – Hoà Bình: quan chức quản lý doanh nghiệp bỗng nhiên trở thành các “nhà tư sản”

Qua nghiên cứu tài liệu, báo cáo kiểm toán gửi cho đại biểu Quốc hội, ông Sinh phát hiện là sau khi cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp sau khi kiểm toán thì giá trị của cổ phần tăng lên gấp nhiều lần. Mối băn khoăn đó được ông đặt câu hỏi với Bộ trưởng: Làm sao để việc thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không có tình trạng bán rẻ như cho, quan chức quản lý doanh nghiệp bỗng nhiên trở thành các nhà tư sản. Làm sao để vốn thoái được sử dụng có hiệu quả và không dành cho chi thường xuyên?

Ba giải pháp của Bộ trưởng

Thừa nhận ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong quá trình cổ phần hóa vừa qua đúng là có vấn đề liên quan đến giá trị của các doanh nghiệp, nhất là liên quan đến đất. “Khi chúng ta cổ phần hóa các giá trị đất hiện nay thì chúng ta đang xác định đất thuê của nhà nước và không tính vào giá trị của doanh nghiệp”. Thế nhưng vấn đề ở đây là sau khi cổ phần hóa xong nếu chuyển các mục đích sử dụng đất này thì các lợi thế so sánh các giá trị địa tô tăng lên sẽ thuộc về doanh nghiệp, không thuộc về nhà nước.

Từ thực tế đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 3 giải pháp:

Thứ nhất, về các doanh nghiệp nhà nước hiện nay trước khi cổ phần hóa phải rà soát lại tất cả các loại quỹ sử dụng đất của mình, những loại đất nào mà không có nhu cầu sử dụng thì phải trả lại cho nhà nước.

Thứ hai, các dự án tiến hành cổ phần hóa thì phải tất cả các đất đang sử dụng phải được công khai hóa một cách minh bạch để các nhà đầu tư tính toán lựa chọn và quyết định giá trị của doanh nghiệp.

Thứ ba, sau khi cổ phần hóa nếu chuyển mục đích sử dụng đất phải được đưa ra đấu giá lại.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra ba giải pháp khắc phục  

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo theo hướng này để khi thực hiện tiếp mục tiêu của doanh nghiệp theo quy hoạch. “Nếu doanh nghiệp đã chuyển đổi sang mục đích khác thì phải định giá lại và phải đưa ra đấu giá để tiền tăng thêm đó phải thuộc nhà nước chứ không phải thuộc doanh nghiệp”, ông Dũng khẳng định.

Sơn Tùng

Theo Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, tính đến hết quý I/2017, đã sắp xếp cổ phần hóa (CPH) được 8 DNNN; đã công bố giá trị doanh nghiệp nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa 41 DN; đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp của 108 DN.Về thoái vốn DNNN, tính đến hết ngày 25/3/2017 cả nước đã thực hiện bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại 10 DN với tổng giá trị theo sổ sách là 71,8 tỷ đồng (bằng 12,5% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 72,8 tỷ đồng; trong số 10 DN có 6 DN phải thoái dưới mệnh giá.

Chánh án TAND tối cao trả lời thẳng thắn, rõ ràng các ý kiến chất vấn

(Kiemsat.vn) – Sáng 18/11, Chánh án TANDTC đăng đàn trả lời chất vấn từ 8h đến 11h30. Trong buổi sáng đã có 30 ý kiến chất vấn, 10 ý kiến được tranh luận của ĐBQH tại hội trường với ông Nguyễn Hòa Bình, còn 11 ý kiến sẽ gửi cho Chánh án TAND tối cao để trả lời bằng văn bản.

Lương cơ sở tăng lên 1.39 triệu đồng/tháng từ 01/7/2018

(Kiemsat.vn) – Sáng ngày 13/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về sự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Theo Nghị quyết, từ 1/7/2018, sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.3 triệu đồng/tháng lên 1.39 triệu đồng/tháng.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang