Cơ chế, chính sách tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật

19/05/2025 14:27

(kiemsat.vn)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 197/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.

Nhiệm vụ, hoạt động được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt

Nghiên cứu chiến lược, chính sách để xây dựng quan điểm, chủ trương, đường lối, định hướng về xây dựng pháp luật tại cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tham gia xây dựng pháp luật quốc tế.

Giải quyết tranh chấp quốc tế và xử lý các vấn đề pháp lý khác phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế.

Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện, thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác xây dựng pháp luật; giám sát văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, rà soát, hợp nhất, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Đối thoại, giải quyết kiến nghị, phản ánh khó khăn, vướng mắc về pháp lý của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương.

Đánh giá hiệu quả của pháp luật sau ban hành và nhận diện, xử lý tổng thể, đồng bộ những vướng mắc, bất cập có nguyên nhân từ quy định của pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật.

Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật; thu hút, trọng dụng nhân tài, sử dụng chuyên gia, tổ chức tư vấn trong công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.

Phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Nguyên tắc áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt

Bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính với định mức vượt trội và khoán chi theo nhiệm vụ, hoạt động; chế độ, chính sách đãi ngộ đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật gắn với chức năng, nhiệm vụ, hoạt động, vị trí việc làm.

Bảo đảm áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt đúng đối tượng, công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật và trong thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt quy định tại Nghị quyết này.

Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm bằng các biện pháp kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật

Người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp), bao gồm:

- Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách;

- Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ở cấp tỉnh;

- Lãnh đạo, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có vị trí việc làm xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế, nghiên cứu viên thuộc cơ quan, đơn vị quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Trường hợp cơ quan, đơn vị quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị quyết này có thay đổi về tên gọi, chức năng hoặc mô hình tổ chức của cơ quan, đơn vị thì việc xác định đối tượng được hỗ trợ quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của Chính phủ;

- Đối tượng khác thuộc khối cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định;

- Đối tượng khác thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương do Chính phủ quy định;

- Đối tượng không thuộc các điểm a, b, c, d và đ khoản này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Quy định đối tượng khác được hưởng hỗ trợ hằng tháng tại các điểm d, đ và e khoản này phải bảo đảm đúng đối tượng là người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật, phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Nghị quyết này.

Quy định trên không áp dụng đối với người giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo từ Thứ trưởng và tương đương trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.

Khoản hỗ trợ hằng tháng quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết này được trả cùng kỳ lương và không dùng làm căn cứ để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Thu nhập từ công tác xây dựng pháp luật theo quy định tại Nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước.

Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều Điều 7 Nghị quyết này thuộc đối tượng được hưởng đồng thời nhiều chính sách hỗ trợ hằng tháng cùng mục đích thì chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ cao nhất.

Bảo đảm và nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật

Người tốt nghiệp xuất sắc trình độ đại học trở lên trong các lĩnh vực, ngành, nghề khác nhau và hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật thì được ưu tiên hơn khi xét tuyển vào cơ quan, đơn vị quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật được thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Người thực hiện nhiệm vụ, hoạt động quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này được ưu tiên cử tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước, nước ngoài phù hợp với yêu cầu công tác.

Thực hiện chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng, kéo dài thời gian công tác không giữ chức vụ đối với cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc về xây dựng pháp luật.

Cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang, nghiên cứu viên theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết này được ưu tiên quy hoạch, biệt phái, điều động, luân chuyển giữa các Bộ, ngành, địa phương; được rút ngắn thời gian xét nâng lương, nâng ngạch cao hơn, nâng ngạch vượt cấp hoặc bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý trên cơ sở kết quả đánh giá năng lực, thành tích làm việc.

Thực hiện cơ chế đặc biệt thu hút, xét tuyển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế; đưa chuyên gia Việt Nam vào làm việc tại bộ phận pháp lý của tổ chức quốc tế, tổ chức pháp lý quốc tế, cơ quan tài phán quốc tế.

Cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang được lựa chọn tham gia, làm việc tại bộ phận pháp lý của tổ chức quốc tế, tổ chức pháp lý quốc tế, cơ quan tài phán quốc tế được hưởng chế độ, chính sách tham gia, làm việc tại các tổ chức quốc tế này và giữ nguyên chế độ, chính sách trong nước.

Người đứng đầu cơ quan quản lý người được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết này có trách nhiệm tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá, sàng lọc để bảo đảm yêu cầu, nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật.

Những điều tôi được biết về đồng chí Hoàng Quốc Việt

(Kiemsat.vn) - Những câu chuyện và kỷ niệm về đồng chí Hoàng Quốc Việt mà các đồng chí cán bộ lão thành của ngành Kiểm sát nhân dân đã kể cho tôi, đã tiếp sức cho tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Ngành giao cho. Với tôi, những lời chỉ bảo của đồng chí Hoàng Quốc Việt đối với cán bộ Kiểm sát và chính cuộc đời của đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn mãi là những bài học quý giá cho tôi trong suốt 33 năm công tác ở ngành Kiểm sát nhân dân.

VKSND tối cao tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị

(Kiemsat.vn) - Sáng 18/5/2025, tại Nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang