Cần sửa đổi các khái niệm người già, người già yếu và người quá già yếu trong BLHS

18/05/2017 04:59

(kiemsat.vn)
– Trong lý luận cũng như trong thực tiễn áp dụng các quy định của BLHS về “người già, người già yếu và người quá già yếu” còn nhiều vướng mắc cần phải sửa đổi để đảm bảo tính kế thừa, minh bạch, thống nhất, khả thi của các điều luật.

các quy định của BLHS về người già, người già yếu và người quá già yếu

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta chỉ đề cập đến khái niệm “người cao tuổi”. Tại Điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009 quy định: “Người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”, Luật lao động năm 2012 có quy định một chế định riêng  đối với “người lao động cao tuổi”. Riêng về “người già, người già yếu, người quá già yếu” chỉ có Bộ luật hình sự đề cập đến nhưng lại không hề có bất kỳ một giải thích khái niệm nào.

Tại phần chung của BLHS năm 1999 có các Điều luật quy định các tình tiết  “người già, người quá già yếu” gồm: điểm m khoản 1 Điều 46 quy định tình tiết “người phạm tội là người già” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, điểm h khoản 1 Điều 48 quy định tình tiết “phạm tội đối với người già” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; Điều 59 quy định “người quá già yếu” là điều kiện để được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt.

Đối với phần các tội phạm, tình tiết “người già yếu” là tình tiết định khung được quy định trong 02 điều luật tại Chương XII – Các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người cụ thể là điểm d khoản 1 Điều 104 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, điểm a khoản 2 Điều 110 Tội hành hạ người khác.

Vì chưa có một giải thích nào đối với các khái niệm như đã nêu trên, để áp dụng đúng và thống nhất các quy định của BLHS năm 1999, TANDTC đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn các khái niệm này. Theo hướng dẫn tại Tiểu mục 2.4 Mục 2 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì “Người già” được xác định là người tử 70 tuổi trở lên, còn theo hướng dẫn tại  Điểm a, Tiểu mục 4.1 Mục 4 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán TANDTC: “Người quá già yếu” là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm. Riêng đối với khái niệm “Người già yếu” là tình tiết định khung được quy định tại Điều 104 và Điều 110 của phần các tội phạm, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Vậy, hiểu thế nào là người già, người già yếu và người quá già yếu?

Chính vì giữa các luật trong hệ thống pháp luật còn có quy định chưa thống nhất, các hướng dẫn cũng chưa thật sự đầy đủ và có sức thuyết phục. Do đó, việc BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 luật hóa các khái niệm này là chưa có căn cứ khoa học vững chắc và không cần thiết. Nên chăng, dưới góc độ khoa học lập pháp, về lâu dài, để có sự thống nhất trong nhận thức và trong thực tiễn thi hành, cần phải có các tiêu chí khoa học làm căn cứ để xác định rạch ròi các khái niệm trước khi luật hóa.

Qua thực tiễn thi hành BLHS năm 1999, nghiên cứu Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015, Báo cáo tiếp thu chỉnh lý, giải trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 tác giả nhận thấy Dự thảo luật sửa đổi và Báo cáo tiếp thu vẫn chưa giải quyết triệt để các khái niệm này. Cụ thể:

Kế thừa quy định của BLHS năm 1999, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm m khoản 1 Điều 46 “người phạm tội là người già” và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội với người già” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48. Bộ luật hình sự năm 2015 tại điểm o khoản 1 Điều 51 và điểm i khoản 1 Điều 52 đã loại bỏ quy định “người già” và quy định cụ thể  “người từ 70 tuổi trở lên” là rõ ràng và minh bạch, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã tồn tại bấy lâu nay,  đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện.

Khi đã loại bỏ khái niệm “người già” thì các khái niệm “người già yếu” và “người quá già yếu” rõ ràng là không còn cơ sở, không còn lý do để tồn tại. Tuy nhiên, ngoài quy định mang tính tiến bộ nêu trên, Dự thảo Bộ luật hình sự năm 2015 vẫn giữ nguyên các khái niệm “người quá già yếu” là tình tiết xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 64 Phần chung; tình tiết “người già yếu” là tình tiết định khung quy định tại các Điều 134 Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Điều 140 Tội hành hạ người khác, Điều 157 Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, Điều 168 Tội cướp tài sản, Điều 170 Tội cưỡng đoạt tài sản, Điều 373 Tội dùng nhục hình, Điều 374 Tội bức cung tại Phần các tội phạm. Việc BLHS năm 2015 giữ lại các khái niệm “người già yếu”, “ người quá già yếu” như đã nêu là thiếu căn cứ khoa học, không phù hợp, không minh bạch và thiếu tính khả thi, không đảm bảo tính thống nhất nội tại của Bộ luật và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật,  thể hiện sự  thiếu nhất quán trong kỹ thuật lập pháp khi soạn thảo và ban hành BLHS năm 2015.

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, theo ý kiến của tác giả, cần phải sửa đổ, bổ sung theo hướng triệt để loại bỏ khái niệm “người quá già yếu” là tình tiết xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 64 và khái niệm “người già yếu” là tình tiết định khung quy định tại các Điều 134 Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Điều 140 Tội hành hạ người khác, Điều 157 Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, Điều 168 Tội cướp tài sản, Điều 170 Tội cưỡng đoạt tài sản, Điều 373 Tội dùng nhục hình, Điều 374 Tội bức cung  trong BLHS năm 2015 để thay bằng quy định “người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm”.

Diệp Thế Dinh

                                   VKSND huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận

Phạm tội khi say rượu có được giảm nhẹ TNHS không?

(Kiemsat.vn) - Theo quy định pháp luật Việt Nam, phạm tội khi đang say rượu không được coi là tình tiết giảm nhẹ TNHS. Trái lại, đây còn là tình tiết định khung tăng nặng đối với một số tội danh.

Mối lo bạo hành học sinh đến từ giáo viên

(Kiemsat.vn) – Bạo lực học đường những năm gần đây làm tốn không ít giấy mực của giới truyền thông. Bạo hành học đường đâu chỉ diễn ra giữa học sinh, mà xảy ra bởi những người được xã hội tôn vinh là “mẹ hiền”, đó là hiện tượng giáo viên bạo hành học sinh.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang