Căn cứ hủy bản án sơ thẩm kinh doanh thương mại trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

19/01/2023 08:00

(kiemsat.vn)
Bài viết nêu vụ án kinh doanh thương mại trong thực tiễn để xác định căn cứ được xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, kinh nghiệm của nước ngoài về vấn đề này; từ đó, đề xuất cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể về trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

1. Các vụ việc

- Vụ việc thứ nhất: Trong vụ án tranh chấp hợp đồng kinh tế, nguyên đơn Công ty B khởi kiện bị đơn Công ty S, yêu cầu Tòa án buộc Công ty S thực hiện nghĩa vụ trả nợ đầy đủ cho Công ty B. Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, ông D (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) không còn cư trú tại địa phương nên Tòa án không thể xác minh nơi cư trú mới và không thể tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho ông D. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành xét xử vắng mặt ông D trong suốt quá trình tố tụng. Sau khi xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát kháng nghị.

Một trong những lý do Viện kiểm sát kháng nghị bản án sơ thẩm là: “Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt ông D là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, bởi lẽ:

Quyết định đưa vụ án ra xét xử được Tòa án nhờ anh C (đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn) tống đạt cho ông D, nhưng việc tống đạt chưa đúng quy định tại Điều 173 BLTTDS năm 2015.

Tại phiên tòa ngày 30/10/2019, ông D vắng mặt lần thứ nhất nên Tòa án quyết định hoãn phiên tòa. Tòa án đã nhờ niêm yết giấy triệu tập và quyết định hoãn phiên tòa tại nơi cư trú cuối cùng của ông D và trụ sở Ủy ban nhân dân phường nơi cư trú cuối cùng của ông D cũng là chưa đầy đủ theo Điều 179 BLTTDS năm 2015.

Như vậy, tại phiên tòa ngày 13/11/2019, ông D vắng mặt chưa được coi là đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt; Tòa án vẫn tiến hành xét xử là chưa đúng quy định tại Điều 227 BLTTDS năm 2015”.

Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát và cho rằng:

“Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử và đã nhờ ông C tống đạt văn bản tố tụng cho ông D, mục đích là thông báo cho ông D biết thời gian, địa điểm xét xử vụ án; phía Công ty B đã thông báo, liên hệ điện thoại cho ông D nhưng ông D không hợp tác, từ chối nhận giấy báo của Tòa án dưới mọi hình thức nên Công ty B đã có văn bản trả lời không thể chuyển giao giấy báo cho ông D. Ông D biết việc Tòa án thông báo, song ông D không thực hiện nghĩa vụ của mình.

Việc tống đạt trực tiếp chưa phù hợp, có vi phạm, vì lẽ ra khi nhận thấy ông D không hợp tác, không tống đạt trực tiếp được các văn bản thì Tòa án cấp sơ thẩm phải niêm yết công khai các văn bản tố tụng và quyết định đưa vụ án ra xét xử theo Điều 179 BLTTDS năm 2015. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ niêm yết các văn bản tố tụng một lần thông qua Tòa án nhân dân quận T là hợp lệ; còn việc Tòa án cấp sơ thẩm nhờ ông C tống đạt là chưa hợp lệ theo quy định của pháp luật. Lẽ ra, phiên tòa ngày 13/11/2019, ông D vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa và niêm yết quyết định này để mở lại phiên tòa ở một thời gian khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vi phạm này không làm ảnh hưởng đến bản chất và nội dung vụ án. Hơn nữa, khi kết thúc xét xử sơ thẩm, các đương sự không kháng cáo, chứng tỏ đã nhận thấy bản án sơ thẩm là phù hợp. Do đó, Tòa án cấp phúc thẩm nhận thấy không cần thiết hủy bản án vì lỗi vi phạm tố tụng trên, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm về vấn đề này”.

- Vụ việc thứ hai: Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) N ký hợp đồng vay vốn tại Ngân hàng O, do không trả được nợ nên Ngân hàng O đã khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty TNHH N thanh toán cho Ngân hàng O tổng số tiền bao gồm các khoản: Nợ gốc, lãi trong hạn; lãi quá hạn; lãi chậm trả.

Bản án sơ thẩm đã chấp nhận một phần khởi kiện của nguyên đơn Ngân hàng O đối với bị đơn Công ty TNHH N. Sau đó, Ngân hàng O; ông G và bà L (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) kháng cáo bản án sơ thẩm.

Tòa án cấp phúc thẩm nhận định:

“Thứ nhất, việc xác định người đại diện theo pháp luật của bị đơn: Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì Công ty TNHH N có 02 thành viên góp vốn là bà T và ông M; do bà T (giám đốc Công ty TNHH N) đã trốn khỏi nơi cư trú nên thành viên còn lại là ông M được xác định là người đại diện theo pháp luật của Công ty. Tòa án cấp sơ thẩm không chỉ định ông M là người đại diện theo pháp luật của Công ty mà vẫn xác định bà T là không đúng. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm đưa ông M tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án nên không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Thứ hai, Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Công ty V (là doanh nghiệp cho Công ty TNHH N thuê lại đất) và Công ty K (là doanh nghiệp đang sử dụng đất) tham gia tố tụng nhưng vẫn xem xét yêu cầu của nguyên đơn và quyết định không chấp nhận yêu cầu xử lý tài sản đảm bảo là quyền khai thác, sử dụng 5.000m2 đất và tài sản gắn liền trên đất (nhà xưởng) tại khu công nghiệp B là bỏ sót người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm đã bổ sung tại giai đoạn phúc thẩm đưa 02 doanh nghiệp này tham gia tố tụng để đảm bảo quyền lợi cho các đương sự. Do đó, việc thiếu sót không đưa 02 doanh nghiệp tham gia tố tụng nhưng quyết định của bản án sơ thẩm không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp…”.

- Vụ việc thứ ba: Trong vụ án tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh, Công ty C khởi kiện Công ty T, yêu cầu Tòa án tuyên Hợp đồng số 1607 giữa Công ty C và Công ty T vô hiệu.

Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng, trong suốt quá trình tố tụng (từ khi thụ lý đến phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải), Tòa án sơ thẩm không giải thích cho các đương sự về hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Điều này thể hiện tại biên bản phiên tòa, sau khi bị đơn yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Hội đồng xét xử (HĐXX) đã dừng phiên tòa để hội ý, nhưng sau đó bản án ghi do yêu cầu này của đương sự đặt ra tại phiên tòa nên không xác định và bản án đã tuyên tách  phần  giải  quyết  thiệt  hại  của Hợp  đồng  số 1607 giữa Công ty C và Công ty T (nếu có) thành vụ án dân sự khác khi đương sự có yêu cầu. Đây là căn cứ hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại hậu quả của hợp đồng vô hiệu.

2. Phân tích vụ án và bình luận

Theo khoản 2 Điều 310 BLTTDS năm 2015 thì “vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự” là một trong những căn cứ để HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, BLTTDS năm 2015 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành chưa giải thích thế nào là “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” và cũng chưa đề ra tiêu chí phân biệt ranh giới giữa vi phạm nghiêm trọng với vi phạm chưa tới mức nghiêm trọng. Vì vậy, việc hiểu về vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm còn có những ý kiến khác nhau.

Ý kiến thứ nhất cho rằng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là trường hợp chủ thể tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Nói cách khác, mọi trường hợp vi phạm thủ tục tố tụng đều được xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bởi lẽ, Điều 3 BLTTDS năm 2015 quy định mọi hoạt động tố tụng dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tuân theo các quy định của Bộ luật này. Do đó, không phân biệt mức độ vi phạm hay loại vi phạm, chỉ cần chủ thể tiến hành tố tụng vi phạm một trong các quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì đều được xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Ý kiến thứ hai cho rằng, việc vi phạm thủ tục tố tụng không đồng nghĩa với việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Nói cách khác, trong trường hợp chủ thể tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của pháp luật tố tụng thì chỉ đơn thuần xem đây là một trường hợp vi phạm thủ tục tố tụng, còn để xác định đó có phải vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hay không thì lại phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng, sự tác động của việc vi phạm đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các đương sự, cũng như những hậu quả pháp lý của việc vi phạm thủ tục tố tụng. Hơn nữa, pháp luật tố tụng dân sự nước ta từng có quy định trong Công văn số 196/NCPL ngày 24/02/1965 của Tòa án nhân dân tối cao: Bản án sơ thẩm bị chống án về nội dung sau khi kiểm tra lại toàn bộ vụ án, Tòa án phúc thẩm có thể phát hiện thêm sai lầm, thiếu sót về thủ tục tố tụng. Nếu những thiếu sót này không nghiêm trọng thì Tòa án phúc thẩm lưu ý Tòa án cấp dưới để rút kinh nghiệm tránh sai sót về sau.

Liên quan đến vấn đề này, Điều 2 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành BLTTDS và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật tố tụng hành chính (Nghị quyết số 02/2016) hướng dẫn cách thức xác định thế nào là “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”. Theo đó, việc xác định “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” và “có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật” phải căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật nội dung được áp dụng tại thời điểm ra bản án, quyết định bị kháng nghị. Mặc dù Điều 2 Nghị quyết số 02/2016 đề cập đến vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, nhưng về mặt bản chất, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là căn cứ để HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm có sự tương đồng với vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Do đó, có thể dựa trên tinh thần của Nghị quyết số 02/2016 để hiểu rõ hơn về căn cứ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, Điều 2 Nghị quyết số 02/2016 chỉ hướng dẫn căn cứ vào những quy định của pháp luật tại thời điểm ban hành bản án, quyết định bị kháng nghị để xác định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, mà không giải thích rõ thế nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Theo khoản 2 Điều 310 BLTTDS năm 2015, có thể hiểu rằng, chỉ khi vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì HĐXX phúc thẩm mới có quyền hủy bản án sơ thẩm, còn nếu vi phạm này không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự thì HĐXX phúc thẩm sẽ không coi đây là căn cứ để hủy bản án sơ thẩm. Đến nay còn nhiều ý kiến trái chiều về vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là căn cứ để Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm. Cụ thể:

Ý kiến thứ nhất cho rằng, trong trường hợp ý chí của đương sự thống nhất với cách giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm thì mặc dù tồn tại vi phạm thủ tục tố tụng cũng không cần hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Bởi lẽ:

- Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng liên quan đến việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng thì kết quả giải quyết vụ án giữa nguyên đơn và bị đơn cũng không có sự khác biệt.

- Khoản 2 Điều 310 BLTTDS năm 2015 quy định chỉ khi có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì HĐXX phúc thẩm mới hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Do đó, mặc dù Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm thủ tục tố tụng nhưng kết quả giải quyết vụ án lại phù hợp với nguyện vọng, ý chí của các đương sự tại phiên tòa phúc thẩm, nên có thể nói rằng quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự không bị ảnh hưởng.

Minh họa cho quan điểm này là vụ việc thứ nhất và vụ việc thứ hai:

Trong vụ việc thứ nhất, HĐXX phúc thẩm lập luận ông D chưa được tống đạt văn bản hợp lệ để tham gia vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã nhiều lần yêu cầu Công ty B cung cấp tài liệu, chứng cứ, thậm chí tạm ngừng phiên tòa để bổ sung tài liệu, chứng cứ nhưng vẫn không cung cấp được, phía ông D không có mặt tại phiên tòa. Hơn nữa, khi kết thúc xét xử sơ thẩm, các đương sự không kháng cáo, chứng tỏ đã nhận thấy bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là phù hợp. Do vậy, Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tác giả cho rằng, vi phạm trong việc áp dụng pháp luật đối với thủ tục tống đạt là phù hợp với thực tiễn khi không xác minh được nơi cư trú của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, việc áp dụng linh hoạt vào trường hợp này là chưa hợp lý. Bởi lẽ, việc áp đặt ý chí chủ quan trong việc xác định tồn tại hay không “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự” có thể dẫn đến trường hợp các phán quyết của Tòa án không chính xác, không bảo vệ tốt nhất quyền lợi của đương sự.

Trong vụ việc thứ hai, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xác định sai người đại diện theo pháp luật của bị đơn (Công ty TNHH N). Tòa án cấp sơ thẩm không chỉ định ông M là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH N mà vẫn xác định bà T là không đúng. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm đã đưa ông M tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Tác giả cho rằng, hướng xử lý của Tòa án cấp phúc thẩm trong vụ việc thứ hai chưa hợp lý. Bởi lẽ, quyền năng tố tụng giữa đại diện theo pháp luật của bị đơn (Điều 72, khoản 1 Điều 86 BLTTDS năm 2015) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Điều 73 BLTTDS năm 2015) là khác nhau. Do đó, việc xác định ông M là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là sai tư cách tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông M.

Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm xác định cấp sơ thẩm không đưa Công ty V và Công ty K tham gia tố tụng nhưng vẫn giải quyết vụ án là bỏ sót người tham gia tố tụng, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm đã bổ sung tại giai đoạn phúc thẩm (đưa 02 doanh nghiệp này tham gia tố tụng) để đảm bảo quyền lợi cho các đương sự. Theo tác giả, cách lập luận của Tòa án trong trường hợp này là chưa khách quan. Bởi lẽ, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ có thể triệu tập người kháng cáo, đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; nếu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị, Tòa án có thể triệu tập những người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa (Điều 294 BLTTDS năm 2015). Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Công ty V và Công ty K vào tham gia tố tụng nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại bổ sung tư cách tố tụng của 02 công ty này ở giai đoạn phúc thẩm là chưa phù hợp với quy định của Điều 294 BLTTDS năm 2015.

Ý kiến thứ hai cho rằng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là vi phạm làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan, toàn diện, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Nói cách khác, kết quả giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm không là cơ sở để Tòa án cấp phúc thẩm đánh giá sự cần thiết của việc hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Bởi lẽ, BLTTDS năm 2015 khẳng định chỉ cần có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Tòa án cấp phúc thẩm có quyền hủy bản án sơ thẩm, mà không phụ thuộc vào nguyện vọng của đương sự tại phiên tòa phúc thẩm cũng như ý kiến của họ đối với hướng giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm.

Minh họa cho quan điểm này là hướng xử lý của Tòa án cấp phúc thẩm trong vụ việc thứ ba. Trong đơn khởi kiện, nguyên đơn đã yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không giải thích cho các đương sự về hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu là “có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Theo đó, khoản 2 Phần III Công văn số 01/2017/GĐ-HĐTP ngày 07/4/2017 của TAND tối cao hướng dẫn: “Khi giải quyết vụ án dân sự có yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Tòa án phải giải thích cho các đương sự về hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Việc giải thích phải được ghi vào biên bản và lưu hồ sơ vụ án. Trường hợp Tòa án đã giải thích nhưng tất cả đương sự vẫn không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu mà không phải giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu; trừ trường hợp đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba”. Đó là một trong những căn cứ để HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm theo Điều 310 BLTTDS năm 2015.

3. Kinh nghiệm của Liên bang Nga và Nhật Bản về xác định trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

3.1. Liêng bang Nga

Theo Điều 364 BLTTDS Liên bang Nga, vi phạm hoặc áp dụng không đúng pháp luật tố tụng là căn cứ để hủy bỏ bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là trường hợp dẫn tới hoặc có thể dẫn tới việc ra bản án không đúng.

Theo đó, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm phải bị hủy bỏ không phụ thuộc vào lý do kháng cáo phúc thẩm, đề nghị phúc thẩm nếu: (i) Vụ án được Tòa án giải quyết với thành phần HĐXX không hợp pháp; (ii) Tòa án đã giải quyết vụ án với sự vắng mặt của một trong những người tham gia tố tụng mà không thông báo cho họ về thời gian và địa điểm mở phiên tòa; (iii) Trong việc giải quyết vụ án đã vi phạm quy định về ngôn ngữ dùng trong tố tụng dân sự; (iv) Tòa án đã giải quyết vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của những người không được triệu tập tham gia tố tụng; (v) Bản án không có chữ ký của Thẩm phán hoặc của một trong những thành viên HĐXX hoặc bản án có chữ ký không phải của người này; (vi) Bản án được ra bởi những Thẩm phán không thuộc thành phần HĐXX; (vii) Không có biên bản phiên tòa; (viii) Vi phạm quy định về bí mật của nghị án trong việc ra bản án.

3.2. Nhật Bản

Pháp luật tố tụng dân sự Nhật Bản quy định kháng cáo cuối cùng (final appeals) đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm. Theo Điều 312 BLTTDS Nhật Bản, những cơ sở để kháng cáo là: (i) Tòa án xét xử không được thành lập phù hợp với luật; (ii) Thẩm phán không thể tham gia vào vụ án mà họ đã giải quyết trước đó; (iii) Những quy định liên quan đến thẩm quyền chuyên biệt bị vi phạm; (iv) Có thiếu sót về quyền hạn của đại diện luật pháp hoặc ủy quyền của Luật sư, hoặc trong việc trao quyền cần thiết cho người đại diện để thực hiện các hành vi tố tụng; (v) Vi phạm quy định về bảo đảm tranh tụng; (vi) Không có lập luận trong bản án hoặc các lập luận không thống nhất.

Trong quá trình giải quyết vụ án theo kháng cáo cuối cùng (final appeals), Tòa án có thẩm quyền có thể hủy bỏ bản án của Tòa án cấp sơ thẩm. Sau đó, Tòa án có thẩm quyền phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án nơi vụ án bắt đầu. Ngoài ra, khi bản án bị hủy bỏ vì lý do Tòa án cấp sơ thẩm không có thẩm quyền giải quyết vụ án (sai thẩm quyền), thì Tòa án cấp phúc thẩm phải ra một bản án chuyển vụ án đến Tòa án có thẩm quyền (Điều 309 BLTTDS Nhật Bản). Tòa án nhận được vụ án trả lại hoặc chuyển đến phải làm thủ tục thụ lý lại; những nhận định về sự thật và luật pháp làm căn cứ cho việc hủy bỏ bản án sơ thẩm của Tòa án có thẩm quyền đối với kháng cáo cuối cùng (final appeals) có hiệu lực ràng buộc đối với Tòa án mà vụ kiện được trả lại hay chuyển đến (khoản 3 Điều 325 BLTTDS Nhật Bản).

Như vậy, tương tự pháp luật tố tụng dân sự của Việt Nam, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm Nhật Bản có thể bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy, trả hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng dân sự Nhật Bản có những quy định rộng và nghiêm ngặt hơn, đó là cho phép Tòa án cấp trên được chuyển vụ án đến Tòa án khác với Tòa án cấp sơ thẩm có bản án bị hủy; đồng thời, những nhận định và căn cứ pháp luật của Tòa án cấp trên có hiệu lực ràng buộc đối với Tòa án cấp dưới. Điều này có nghĩa là khi giải quyết lại vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm bắt buộc phải tuân theo quan điểm của Tòa án cấp trên. Như vậy, có thể tránh việc một vụ án bị hủy và trả về Tòa án cấp sơ thẩm phải xét xử nhiều lần.

4. Kiến nghị hoàn thiện

Thứ nhất, cần quy định thống nhất như thế nào là “vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng dân sự ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”.

Nhằm bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất, chính xác, tác giả kiến nghị quy định về khái niệm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự như sau: “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là những vi phạm về mặt thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án hoặc xâm phạm đến quyền, nghĩa vụ tố tụng của những người tham gia tố tụng”.

Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn không phải tất cả các vi phạm pháp luật tố tụng dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm đều là căn cứ để HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, mà những vi phạm pháp luật đó phải đến mức nghiêm trọng (làm cho việc giải quyết đó thiếu khách quan, toàn diện, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự). Còn những vi phạm pháp luật không nghiêm trọng thì không coi là căn cứ để HĐXX phúc thẩm hủy bản án và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại.

Thứ hai, cần xây dựng các tiêu chí cụ thể để Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm khi có căn cứ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Theo Công văn số 132/TANDTC-PC ngày 20/8/2020 của TAND tối cao về việc góp ý Dự thảo 1 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (Công văn số 132/TANDTC-PC), căn cứ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là:

“Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 a) Xác định không đúng hoặc không đầy đủ tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng dẫn đến họ không thực hiện được các quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình;

b) Không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án vào tham gia tố tụng dẫn đến xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của họ;

c) Nhập hoặc tách vụ án không đúng quy định tại Điều 42 BLTTDS;

d) Không cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho đương sự, những người tham gia tố tụng khác theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của họ;

đ) Không có người phiên dịch trong trường hợp người tham gia tố tụng dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình hoặc người tham gia tố tụng khuyết tật nghe, nói;

e) Không từ chối tiến hành, tham gia tố tụng hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong trường hợp quy định tại các điều 52, 53, 54, 60, khoản 2 Điều 80, khoản 2 Điều 82 BLTTDS;

g) Việc thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh đối với vụ án không đúng trình tự, thủ tục quy định của BLTTDS;

h) Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định”.

Tác giả đồng tình với hướng dẫn theo cách liệt kê các trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là căn cứ hủy bản án sơ thẩm như tại Công văn góp ý Dự thảo Nghị quyết trên.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang